Khánh thành di tích lịch sử đình Mỹ Giang thờ tướng công Đỗ Năng Tế

Làng Mỹ Giang, nay là xã Tam Hiệp, Phúc Thọ, Hà Nội, có đình thờ một vị thành hoàng có tên Đỗ Năng Tế. Theo thần tích thì vị tướng công họ Đỗ này là thầy dạy của Hai Bà Trưng. Phụ quốc Đại thần Đỗ Tế Công phu phụ Ngọc phả kể ông là người quê ở đất Sơn Nam, phủ Khoái Châu, lấy bà Tạ Cẩn Nương. Cả hai ông bà đều văn võ song toàn và giỏi y thuật, đức lượng như núi nên dân chúng các nơi đều nể phục mà theo về.
Bấy giờ Lạc tướng Phong Châu dòng dõi Hùng Định Vương và phu nhân là Man Thiện, ngầm nuôi chí lớn đánh đuổi giặc Hán, khôi phục nhà Hùng, nhưng tuổi đã cao, nên quyết tìm thầy giỏi trong thiên hạ để dạy công tử và nhị vị công nương là Trưng Trắc và Trưng Nhị. Nghe danh vợ chồng Tế Công là bậc anh hùng uy trấn bốn phương, Lạc tướng cho phu nhân là Man Thiện thân chinh đến mời, và phong ngay cho Tế công chức Tiết cấp Trưởng Nội Các binh sự.
Trước lúc lâm trung Lạc tướng lại gọi Tế Công đến giao phó quốc sự, gia phong ông chức Tiết cấp nhập nội Thái tử Quốc chính Trung tín hầu, để phò tá Thái tử. Phu nhân Cẩn Nương được phong Tham tán phu nhân hoằng tướng phu nhân, thống lĩnh nội thị. Từ đấy mọi sự chính trị và quân sự đều do Tế Công sắp đặt.
Sinh thời ông bà đã đem hết sở học truyền dạy cho các học trò. Chẳng may Thái tử mất sớm. Ông bà phù giúp Hai Bà Trưng làm nên nghiệp lớn, đánh đuổi Thái thú Tô Định, thu hồi 65 thành ở Lĩnh Nam, rồi lên ngôi nữ vương, định đô ở Mê Linh.
Đất nước thanh bình được ba năm, Mã Viện lại đem quân sang xâm lược, hai ông bà cùng Trưng Vương và các tướng chia quân các đạo, quyết chiến với giặc. Thế giặc quá mạnh, Tạ Cẩn Nương tuẫn quốc ngày 19 giêng ở trận Lãng Bạc. Tế Công đánh với giặc Hán nhiều trận, sau phải rút về Mỹ Giang, ẩn thân trong rừng Quán Cấm…
Ngày 15/7 ông làm lễ cho người đã khuất là Tạ Cẩn Nương và hai người thiếp (Đặng Xuân Nương và Lý Thanh Nương)… Quân Hán lại kéo đến ông xông ra tử chiến với giặc bị trúng thương ở bả vai. Biết mình không qua khỏi, ông sai người mua rượu ngon về cùng uống với dân làng và nói với dân rằng: Ta cùng với dân ân tình chứa chan đã thành có nghĩa, nói đến đây thì hóa.
Xét theo tư liệu khác là Cổ Lôi ngọc phả ở Thanh Oai thì:
Cụ Nguyễn Năng Tế thuộc dòng dõi Triệu Vũ Đế Nguyễn Thận, quê ở Cổ Lôi, nguyên là Lạc tướng huyện Chu Diên, khi ấy đã già (gần 70 tuổi), giao quyền lại cho con rể là Đặng Thành cũng quê ở Cổ Lôi.
Cụ Nguyễn Năng Tế, trước lấy cụ bà Đào Thị Dực quê ở làng Phượng Dực phía dưới Cổ Lôi sinh được 3 người con là Chiêu Nương, Nguyễn Khắc Trung (còn gọi Chiêu Trung), Nguyễn Đỗ Lý. Khi các con trưởng thành, cụ bà Đào Thị Dực qua đời. Nhiều năm sau, cụ Tế lấy vợ kế, là bà Tạ Cẩn Nương còn trẻ.
Con gái đầu của cụ Nguyễn Năng Tế là Chiêu Nương lấy ông Đặng Thành người ở Cổ Lôi sau được kế chức Huyện lệnh trưởng Chu Diên, sinh ra các vị (theo thứ tự) Đặng Xuân, Đặng Nghiêm, Đặng Tiến, Đặng Đình, Đặng Trần. Đặng Xuân (anh) lấy cô Huệ (Trưng Nhị) sinh hai con trai. Đặng Nghiêm (em) lấy cô Lý (Trưng Trắc) chưa có con.
Như thế rõ ràng thầy giáo Đỗ Năng Tế ở làng Mỹ Giang chính là cụ Nguyễn Năng Tế, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trong Cổ Lôi ngọc phả.
Tác giả Lã Duy Lan cũng cho biết đến sau thời vua Thành Thái hội đồng tộc biểu ở Cổ Lôi đã phải sơ tán các đền thờ từ Cổ Lôi đi các địa phương và nhiều nhân vật được thờ tuy cùng tên nhưng đã mang những họ khác nhau. Trong số đó cụ Nguyễn Năng Tế còn có tên thờ khác là Đỗ Năng Tế.
Tướng quân Đỗ Năng Tế như vậy không chỉ là thầy giáo của Trưng Vương mà còn là ông ngoại của Thi Sách (Cổ Lôi ngọc phả chép là Đặng Nghiêm). Đỗ/Nguyễn Năng Tế là dòng dõi Triệu Vũ Đế.
Thần tích ở làng Mỹ Giang có kể bố (Hùng Định) và mẹ (Man Thiện) của Trưng Vương có nhờ Đỗ Năng Tế dạy dỗ cho “Thái tử”, nhưng Thái tử chẳng may mất sớm. Thái tử thì phải là con vua chứ không phải trong gia đình Lạc tướng. Rất có thể “Thái tử” đây chính là ông Thi Sách, là con vua Triệu.
Đỗ/Nguyễn Năng Tế là “Phụ quốc đại thần” của nhà Triệu, phò tá Thái tử (Triệu Vệ Dương Vương). Nhưng khi Phiên Ngung thất thủ, quân của nhà Hiếu truy sát, Thái tử (vua Triệu) đã bị bắt giết ở cửa Đại Ác (cửa sông Đáy đổ ra biển tại Nghĩa Hưng – Nam Định). Đỗ Năng Tế cùng với các hoàng phi của vua Triệu lui về Phong Châu, sau đó ông hỗ trợ tổ chức cho Hai Bà hoàng phi này phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn.
Cái tên Năng Tế có thể là đọc chệch của Lang Tề, tức là thủ lĩnh phía Tây. Đỗ/Nguyên Năng Tế có thể chính là Tây Vu Vương được sử sách nhắc tới. Cổ Lôi ngọc phả cho biết Tây Vu Vương cũng là dòng dõi Triệu Vũ Đế, còn gọi là Tây Lý Vương (mang họ Lý của Lý Bôn – Lưu Bang vì vua Triệu là dòng dõi Lưu Bang như đã kể trong chuyện Lữ Gia ở trên).
Hai Bà Trưng được kể trong các tư liệu khác nhau là đã tử tiết ở Cấm Khê hoặc đã tự vẫn trên sông Hát. Làng Mỹ Giang nơi có đình thờ Đỗ Năng Tế còn gọi là khu vực Quán Cấm. Theo giải thích của Cổ Lôi ngọc phả thì Cấm Khê là khe nước chảy qua Quán Cấm, nơi có quân canh gác của thành Phong Châu. Làng Mỹ Giang nằm ngay sát vùng Hát Môn, bên bờ sông Đáy (sông Hát). Như thế rất có thể đây chính là nơi Trưng Vương đã tử tiết.
Có thể là hình ảnh về cây và đền thờ

Khu mộ tướng Đỗ Năng Tế ở Quán Cấm.

Vừa qua chính quyền và nhân dân Mỹ Giang vừa tổ chức khánh thành di tích lịch sử đình Mỹ Giang và  miếu thôn 7, xã tam hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội. Sát đình thờ ông là chùa miếu ( thiệu Long) là nơi thờ 2 cô con gái của ông.