TRAO TẶNG HUY HIỆU HỌ ĐỖ VIỆT NAM CHO HAI CỤ CAO NIÊN

TRAO TẶNG HUY HIỆU HỌ ĐỖ VIỆT NAM CHO HAI CỤ CAO NIÊN E-mail
06/02/2009
DÒNG HỌ ĐỖ HỮU (GỐC HẬU LỘC – THANH HÓA)

TỔ CHỨC TRAO TẶNG

HUY HIỆU HỌ ĐỖ VIỆT NAM CHO HAI CỤ CAO TUỔI NHẤT.

Dòng họ Đỗ Hữu là một nhánh của họ Đỗ có quê gốc ở xã Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cụ cố Tổ của dòng họ này là Đỗ Hữu Khanh, đã sống và làm việc từ những năm đầu cho đến gần cuối thế kỷ XIX. Cụ Khanh đã có công tổ chức khai khẩn và lập ra làng mới Xuân Phụ (nay thuộc xã Hoằng phụ) ở ven biển huyện Hoằng Hóa (là huyện sát cạnh huyện Hậu Lộc), nên được dân suy tôn là Thành hoàng * của làng và lập Nghè thờ từ những năm 1905. Nghè này có tên là Nghè Cáy, mới được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh và vừa được tôn tạo lại vào đầu năm 2008.

Vào những năm 50, 60 của thế kỷ XIX dòng họ này đã rời quê gốc đi lập nghiệp ở nhiều nơi trong tỉnh và trong nước, người đi tiên phong là chính cụ cố Tổ. Hiện nay con cháu các thế hệ của dòng họ đang làm ăn, sinh sống ở cả 3 miền của đất nước, chủ yếu tập trung ở 5 khu vực : thành phố Thanh Hóa, huyện Vĩnh Lộc (các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Thành và Thị trấn), thành phố Hà Nội, thị xã Quảng Trị và thành phố Hồ Chí Minh. Cho đến nay thì dòng họ đã phát triển đến thế hệ hậu duệ thứ 6 của cụ cố Tổ.

Rất may mắn là hiện nay dòng họ đang còn đến 3 vị là đời hậu duệ thứ 2 (cháu nội) của cụ cố Tổ vẫn còn sống và đều ở độ tuổi trên dưới 90 (là bộ phận ít tuổi nhất trong thế hệ này). Hai trong số ba vị đó là cụ Đỗ Văn Tấn 90 tuổi và cụ Đỗ Văn Phấn 81 tuổi. Hai cụ đều đã kinh qua hoạt động phục vụ hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nay đang nghỉ hưu ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc – nơi mà gia đình và một bộ phận của dòng họ (3 chi) đã lập nghiệp và định cư sau khi rời quê gốc.

Cụ Đỗ Văn Tấn là sĩ quan QĐNDVN trong cả hai cuộc kháng chiến.

Cụ Đỗ Văn Phấn công tác nhiều năm nhất là ở Trường Thương mại TW5 (làm giảng viên và cán bộ quản lý) từ năm 1963 cho đến khi nghỉ hưu. Cụ đã được đi tu nghiệp ở nước ngoài (Bulgari) khá sớm (1967 – 1970) **

Nhân dịp hai cụ vừa được Đảng bộ trao tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, Ban Liên lạc dòng họ Đỗ Hữu (gốc Hậu Lộc) đã về tận nơi cư trú của hai cụ (Vĩnh Hưng) để tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Họ Đỗ Việt Nam (HĐVN) cho hai cụ. Đây cũng là Lễ trao tặng Huy hiệu HĐVN đầu tiên của dòng họ sau khi được gia nhập cộng đồng các dòng họ HĐVN. Buổi lễ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, nhưng rất trang trọng và ấm áp nghĩa tình họ tộc, làng xóm. Con cháu họ Đỗ trong làng cùng với đại diện chi bộ Đảng, chính quyền, Hội Người cao tuổi,…đã đến dự đông vui. Tại buổi lễ, hai cụ đã lần lượt phát biểu ý kiến, căn dặn con cháu họ Đỗ trong làng phải cùng nhau góp sức cùng với dân làng xây dựng làng Nhân Sơn *** thành Làng văn hóa, phải tập trung tốt hơn cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa nghèo,… Đặc biệt, hai cụ đã lưu ý con cháu họ Đỗ phải nỗ lực vươn lên mạnh hơn nữa về mọi mặt, nhất là về chuyện học hành của lớp trẻ, phải làm sao để phát huy cho được truyền thống của dòng họ đã từng có đến hai vị tiền bối được dân suy tôn là Thành hoàng làng nhờ trí tuệ và tâm huyết hơn người.

Sau đợt trao tặng Huy hiệu đầu tiên này, Ban Liên lạc dòng họ chủ trương sẽ tổ chức trao tặng Huy hiệu HĐVN cho các đối tượng sau : các cụ ở độ tuổi 75 trở lên, các vị có đóng góp tích cực cho hoạt động của dòng họ, các cháu có thành tích về học tập (đỗ thủ khoa vào các trường đại học, đạt học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ).

Việc tổ chức trao tặng Huy hiệu HĐVN cùng với những hoạt động tôn vinh, chăm sóc người cao tuổi và các cháu học giỏi trong dòng họ sẽ có nhiều tác dụng tích cực đối với sự phát triển của các dòng họ, cần được phát huy.

Tháng 12 năm 2008

Đỗ Hanh Thông

(Bộ phận dòng họ Đỗ Hữu tại Thành phố Thanh Hóa)

* Thành hoàng được hiểu theo nghĩa quy ước của một số địa phương : là người khi còn sống đã có công lập nên làng mới, và khi mất đi thì được dân làng thờ cúng (không phải là vị thần làng theo nghĩa tâm linh).

** Thực ra thì Sách Họ Đỗ Việt Nam tập 2 đã có ghi danh ông Đỗ Văn Phấn (ở mục D, phần III giới thiệu các Tiến sĩ họ Đỗ Việt Nam thời hiện đại, trang 807). Nhưng khi con cháu được đọc thông tin này thì chưa dám nhận ông là người của dòng họ mình vì thấy có vài chi tiết quan trọng lại không khớp, sợ đó lại là một ông Phấn khác cùng họ Đỗ (năm sinh ghi là 1938 mà ông lại sinh năm 1928, ông đi Bulgari làm Thực tập sinh chứ không phải Nghiên cứu sinh nên lúc đó chưa được cấp bằng Phó tiến sĩ, liệu nay có được coi là Tiến sĩ không ?,…). Nhân đây chúng tôi cũng xin đề nghị Ban biên soạn sách HĐVN nên tra cứu lại để chính xác hóa thông tin này.

** Ông Đỗ Hữu Dụng, con trai thứ 3 của cụ Khanh, theo gương bố cũng đã tổ chức khai khẩn và lập nên làng mới Nhân Sơn (nay thuộc xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc) từ những năm giữa thế kỷ XIX, sau khi mất cũng được dân làng suy tôn là Thành hoàng của làng, được thờ cúng trong đình làng. Mới đây đình làng đã được xây dựng lại thành Nhà văn hóa của làng, bàn thờ cụ Dụng đã được đặt ở vị trí trang trọng nhất trong Nhà văn hóa. Làng Nhân Sơn và cả xã Vĩnh Hưng hiện nay vẫn còn là một địa phương nghèo của huyện Vĩnh Lộc và tỉnh Thanh Hóa.
Nguồn hodovietnam.vn

  Cụ Đỗ Văn Tấn và Cụ Đỗ Văn Phấn là hai bậc trưởng lão của họ Đỗ Hữu, vừa được Đảng bộ địa phương trao tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ban Liên lạc dòng họ Đỗ Hữu (gốc Hậu Lộc) về tận nơi cư trú của hai cụ (Vĩnh Hưng) để tổ chức Lễ trao tặng Huy hiệu Họ Đỗ Việt Nam (HĐVN) cho hai cụ.