TỘC ƯỚC DÒNG HỌ ĐỖ – ĐẬU VIỆT NAM

TỘC ƯỚC DÒNG HỌ ĐỖ – ĐẬU VIỆT NAM

Nguồn hodovietnam.vn bài đăng ngày 30/03/2011
Lời giới thiệu:Tộc ước (hay qui ước dòng họ) có chức năng giúp điều tiết các mối quan hệ giữa tập thể và các cá nhân trong phạm vi một dòng họ (dòng tộc), được mọi người công nhận và tự giác chấp hành. Tộc ước  là một trong những văn bản quan trọng nhất , cùng với  gia phả, nhà thờ dòng tộc, mộ phần tổ tiên dòng tộc… tạo nên những giá trị vật thể, phi vật thể của dòng họ, giúp cho dòng họ trường tồn và phát triển.

Từ khi có phong trào khôi phục lại các hoạt động của dòng họ vấn đề tộc ước đã được nhiều dòng họ đặt ra như một yêu cầu bức thiết. BLL họ Đỗ Việt Nam nhận được nhiều thư hỏi về cách thức xây dựng tộc ước và tiếp nhận một số tộc ước của một số dòng họ Đỗ ở các địa phương. Các tộc ước này một số do tiền nhân để lại, một số được dòng họ tự soạn thảo nên không tránh khỏi những khiếm khuyết và một số nội dung không còn phù hợp với đời sống mới.

Với mong muốn xây dựng cho họ Đỗ cả nước một bản tộc ước (qui ước) chung, đáp ứng  phần nào mong mỏi của bà con họ Đỗ (đậu) cả nước, giúp cho việc họ ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng xã hội ta ngày càng “công bằng, dân chủ, văn minh”, vấn đề soạn thảo TỘC ƯỚC DÒNG HỌ ĐỖ – ĐẬU VIỆT NAM đã được chính thức đặt ra tại cuộc gặp mắt họ Đỗ toàn quốc lần thứ 14 tổ chức ở Thanh Lãng. Tuy nhiên việc sưu tập, nghiên cứu, soạn thảo TỘC ƯỚC DÒNG HỌ ĐỖ – ĐẬU VIỆT NAM đã được nhóm biên soạn đứng đầu là Luật sư Đậu Công Tuệ tiến hành trước đó gần một năm.

Được sự nhất trí của các đại biểu dự họp hội nghị toàn quốc họ Đỗ Việt Nam lần thứ 14, Thường trực Hội đồng dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, xin trân trọng giới thiệu bản dự thảo lần thứ 2 TỘC ƯỚC DÒNG HỌ ĐỖ – ĐẬU VIỆT NAM để bà con góp ý, giúp ban soạn thảo tu chỉnh, thông qua trong thời gian sớm nhất.

Xin trân trọng cám ơn.

___________

Vinh, ngày 26 tháng 3 năm 2011

Kính gửi:

– Thường trực Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam- Ban liên lạc và Hội đồng dòng họ Đỗ các khu vực và các địa phương trong toàn quốc.

 

Được sự tín nhiệm của hội nghị thường niên dòng họ Đỗ, Đậu năm 2011 tại thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Trên cơ sở tham khảo dự thảo Quy ước tạm thời của thường trực BLL họ Đỗ Việt Nam và tham khảo mang tính kế thừa các Tộc ước của các chi họ Đỗ, Đậu, cũng như việc tham khảo Tộc ước của các dòng họ bạn.

Tôi mặc dù rất bận công việc của văn phòng nhưng đã khẩn trương tranh thủ chắp bút viết dự thảo ( lần thứ hai ) Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

Tộc ước dự thảo lần này có 8 chương với 34 điều ( không kể lời mở đầu ).

Tộc ước là sự thể hiện kế thừa “Luật tục của dòng họ” nhưng không phải là Luật pháp. Tộc ước dòng họ không phải do cơ quan quyền lực ban hành do vậy tuyệt nhiên không dám đề cập đến các quy định về chế tài mang tính cưỡng bức, cưỡng chế hoặc xử phạt, xử lý dưới bất kỳ hình thức nào đối với người không thực hiện hoặc làm trái quy định của tộc ước.

Các câu từ văn phạm thể hiện trong các quy định của Tộc ước đã cố gắng hết sức nhằm tránh sử dụng các từ “PHẢI, CẤM, BẮT BUỘC hoặc ĐỀ NGHỊ MANG TÍNH CƯỠNG BỨC ”…Vì vậy lời văn các quy định của Tộc ước không giống lời văn, quy định của “Luật hình thức” và cũng không giống lời văn, quy định của “Luật nội dung”, cũng không hoàn toàn giống văn phong của Nghị quyết.

Đây vừa là sự kế thừa văn phong Tộc ước của tổ tiên xưa vừa phổ thông hoá văn ngữ hiện thời để mọi người dễ hiểu và thống nhất chung.

Rất mong mọi người nhiệt tâm với dòng họ xem xét, nghiên cứu cho ý kiến chỉnh sửa vào dự thảo Tộc ước được thật sự khoa học, có tâm, có tầm và hợp lý.

Tổ tiên dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam xưa từng giáo huấn, định hướng giáo dục con cháu sống hiền lành, hiếu thảo, có chuẩn mực đạo đức, không tự huyễn hoặc mình, không tham lam phô trương. Chính vì vậy dòng họ Đỗ, Đậu trải ngàn năm từng có người, có lúc từng giữ vị trí chức vụ cao trong xã hội “ chỉ ở dưới một người ở trên muôn người ” nhưng vẫn khiêm tốn thầm lặng ít người biết đến.

Ngay cả vị thế người tộc trưởng xưa và nay vẫn luôn tuân theo sự tự nhiên. Cũng như chức danh vị Chủ tịch Hội đồng gia tộc hiện thời không nhằm chủ đích chọn, tiến cử người theo kiểu: “ Phú vi trưởng hoặc Quý vi trưởng ” như một số dòng họ khác mà chọn, tiến cử người có tâm huyết, có uy tín, có điều kiện để làm việc họ.

Tiếp thụ tinh hoa tinh thần ấy: Trong quá trình chắp bút viết dự thảo Tộc ước tôi đã nhận được nhiều ý kiến góp ý, gợi ý:

– Tộc ước cố gắng nêu đủ các ý cần thiết nhưng không viết dài;

– Lời nói đầu ngắn mà cô đọng, dễ hiểu hoặc không cần viết lời nói đầu;

– Nêu cụ thể các quy định để mọi người dễ thực hiện;

– Nên lấy tên là: Quy chế hoạt động dòng họ …; Quy ước dòng họ… nhưng hiện tại tôi đã viết dự thảo là “ TỘC ƯỚC DÒNG HỌ ĐỖ, ĐẬU VIỆT NAM ”;- Nên giảm các chương điều để khỏi rối rắm khi sử dụng, đọc Tộc ước .v.v.v.

Trong một thời gian ngắn tôi cố gắng biên soạn dự thoả Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam chắc chắn không thể tránh khỏi còn có nhiều thiếu sót và khiếm khuyết.

 

Tôi xin chân thành lắng nghe, tiếp thu sự góp ý có tính chất xây dựng vì sự đoàn kết, hạnh phúc tương lai của dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

 

Địa chỉ tiếp nhận ý kiến góp ý:

 

+ Chủ tịch Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam số 27, phố Đào Tấn, quận Ba Đinh, thành phố Hà Nội.

+ Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam, ngõ 151( ngách 2), số 8 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

+ Phó chủ tịch Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam Số 202 Nguyễn Ngọc Nại, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội.

 

+ Luật sư Đậu Công Tuệ số 7, ngõ 6B đường Hồng Bàng, TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

 

Xin trân trọng cảm ơn !

Luật sư Đậu Công Tuệ

 

—————————————-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – hạnh phúc

————-o0o———-

   Hà Nội, ngày tháng năm 2011

 

Dự thảo lần 2:

TỘC ƯỚC DÒNG HỌ ĐỖ – ĐẬU VIỆT NAM

Lời mở đầu:

Người xưa có câu: “ Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Tổ tông là cội nguồn, là dòng họ của mỗi con người và vì vậy: Mỗi con người sinh ra khi khai sinh đều mang tên họ nguồn gốc của mình, dù đó là nguồn gốc của cha hay của mẹ.

Lịch sử nước Việt nam đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Dòng họ nói chung, dòng họ Đỗ, Đậu nói riêng từng trải qua bao thời đại, qua nhiều chế độ, biến cố chiến tranh và thịnh suy thời cuộc nhưng dòng họ vẫn trường tồn và phát triển.

Lịch sử nước Việt Nam ghi nhận dòng họ Đỗ, Đậu là một trong những dòng họ xuất hiện sớm và được ghi vào sử sách trên năm ngàn năm lịch sử. Theo Ngọc phả, Thần phả, Tộc phả dòng họ Đỗ, Đậu còn lưu lại: “ …họ Đỗ có cụ Đỗ Quý Thị – tự là Đoan Trang là vợ vua Đế Minh- Nguyễn Minh Khiết, người đã sinh ra Lộc Tục ( con trai trưởng của vua Đế Minh). Cụ Đỗ Quý Thị – Đỗ Thị Đoan Trang đã cùng các em trai Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỹ, Đỗ Cương, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng nuôi dạy Lộc Tục. Lộc Tục trưởng thành là người tài giỏi được vua cha truyền ngôi và lập ra nước Xích Quỷ- xưng hiệu là Kinh Dương Vương. Lộc Tục- Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân và Lạc Long Quân đã thiết lập triều đại Hùng Vương thứ nhất ( Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ ).

Khi đất nước thái bình thịnh trị cụ Đỗ Quý Thị (tức Đỗ Thị Đoan Trang) đã cùng tám người em trai xuất gia tu hành theo đạo Sa Bà và được thành chính quả. Cụ Đỗ Quý Thị ( Đỗ Thị Đoan Trang) với Phật hiệu Hương Vân Cái Bồ Tát, tám người em trai với Phật hiệu Bát Bộ Kim Cương.

Với tấm lòng tri ân tiên tổ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tháng 4/1996 các đại diện chi, tộc dòng họ Đỗ, Đậu trong cả nước đã họp tại Hà Nội và thống nhất thành lập Ban Liên lạc họ Đỗ Việt Nam. Tại cuộc họp này những đại biểu vùng địa phương phát âm gọi họ Đỗ bằng họ Đậu đã thống nhất gọi chung tên là BLL họ Đỗ Việt Nam. Cuộc họp này đã đồng thuận lấy Tôn chỉ mục đích hoạt động như sau:

“1. Xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa các dòng họ Đỗ, cùng nhau khai thác và phát huy truyền thống nhân văn của các dòng họ Đỗ của dân tộc Việt Nam.

2. Giúp nhau tìm về cội nguồn, biên soạn gia phả

3. Trao đổi những thông tin nghiên cứu và tìm hiểu về lịch sử có liên quan đến các dòng họ Đỗ Việt Nam.

Đây cũng là sự đóng góp cùng cộng đồng các dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta thành một nước công nghiệp hoá, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.

Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam đã hoạt động qua gần mười lăm năm tập hợp quy tụ rộng rãi tình cảm anh em dòng họ Đỗ, Đậu trong nước và người họ Đỗ Việt Nam sống ở nước ngoài hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ. Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam và các Ban liên lạc họ Đỗ, Đậu ở các khu vực, địa phương, cùng bà con anh em trong dòng họ đã làm được những công việc để lại cho dòng họ, như sau:

1. Phát hành 02 tập sách Họ Đỗ Việt Nam và 01 tập sách Suy nghĩ về những khoảng trống trong thời kỳ tiền sử .

2. Phát hành 37 tập thông tin Họ Đỗ Việt Nam ( số ra hàng quý).

3. Lập trang báo điện tử ( Website ) họ Đỗ Việt Nam.

4. Phát hành 01 tập thơ họ Đỗ Việt Nam.

5. Phát hành bài ca dòng họ Đỗ Việt Nam.

6. Phát hành bài Văn tế liệt vị Tổ tông dòng họ Đỗ Việt Nam.

7. Làm được biểu trưng, và huy hiệu họ Đỗ Việt Nam.

8. Chủ biên, cùng nhóm nghiên cứu thời kỳ tiền sử và ấn hành bộ sưu tập & khảo cứu “ Những khám phá mới – Nhận thức mới về nguồn gôc dân tộc Việt”.

9. Đã thống nhất trong dòng họ Đỗ, Đậu lấy ngày 15/2 âm lịch hàng năm làm ngày truyền thống dòng họ.

10. Tuyên truyền, vận động các chi, tộc xây dựng, tu bổ nhà thờ, mồ mả tổ tiên, biên soạn, bổ sung gia phả, phả hệ, lịch sử dòng họ, lập ban và quỹ khuyến học, xây dựng tiêu chí phấn đấu trở thành dòng họ văn hoá mới.

Cuộc họp ngày 13/3/2011 ( ngày 09/2/ năm Tân Mão ) ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc được sự đồng thuận của trên 1.200.000 đại biểu họ Đỗ, Đậu toàn quốc tham dự thống nhất đổi tên Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam thành Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

Hoạt động của Hội đồng dòng họ tiếp tục kế thừa nội dung cơ bản Tôn chỉ mục đích hoạt động của Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam do cố Phó giáo sư Đỗ Tòng đề xướng. Việc đổi tên là để phù hợp với xu thế hoạt động của các dòng họ bạn và tổ chức Hiệp hội các Hội đồng dòng họ Việt Nam.

Trên cơ sở kế thừa và phát triển những tinh hoa Tộc ước truyền thống của tổ tiên các chi, tộc dòng họ Đỗ, Đậu truyền lại. Nhằm định hướng việc giáo dục con người dòng họ Đỗ, Đậu luôn giữ nếp sống có văn hoá, trau dồi học thức, giữ gìn đạo đức hiếu nghĩa, có lòng tự tôn, tính tự lập, có tình thương yêu đoàn kết trong tộc họ, đoàn kết rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, là công dân biết tôn trọng, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước. Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam xây dựng và ban hành Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam như sau: ( hoặc quy ước)

Chương Một

QUY ĐỊNH CHUNGĐiều 1. Tên gọi, đối tượng và phạm vi điều chỉnh:

a. Tên gọi :

+ Tộc ước dòng họ ĐỗĐậu Việt Nam ( Quy ước -> xin ý kiến chung )

b. Đối tượng điều chỉnh:

Mọi người từ các Cụ, Kỵ, Ông Bà, con trai, con gái, con dâu, con rểthuộc dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam đều có bổn phận tự giác, tự nguyện đồng thuận, đồng lòng thực hiện các quy định của Tộc ước này ( hoặc quy ước này ).

b. Phạm vi điều chỉnh của Tộc ước:

Thống nhất tiêu chí

Tôn chỉ mục đích hoạt động, tên gọi của tổ chứcHội đồng dòng họ, quy định chức năng nhiệm vụ hoạt động, biểu trưng, huy hiệu, ngày truyền thống, con dấu và trang phục tế lễ;

Quy định mô hình tổ chức hoạt động của dòng họ;

Quy định việc tế lễ cúng kính, quản lý nơi thờ tự, di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh, mồ mả tổ tiên dòng họ;

Quy định mối quan hệ, ứng xử, hoà giải mâu thuẩn tranh chấp, đạo hiếu thảo với ông bà cha mẹ, nghĩa vợ chồng;

Quy định việc vào họ, báo tuổi trưởng thành, việc hôn thú, cưới hỏi, việc mừng thọ, việc thăm hỏi, việc tang ma;

Quy định việc giáo dục nuôi dạy con trẻ, việc khuyến học, lập và sử dụng quỹ khuyến học, quỹ khen thưởng;

Quy định việc giúp đỡ động viên, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên;

Quy định việc thu, chi, quản lý tài chính, khen thưởng, giải đáp vướng mắc, việc sửa đổi, bổ sung Tộc ước ( quy ước ) áp dụng, thời gian và hiệu lực thi hành.

Điều 2. Tôn chỉ mục đích hoạt động:

– Xây dựng mối liên hệ tốt đẹp giữa các chi, tộc thuộc dòng họ Đỗ, Đậu; Cùng nhau khai thác và phát huy truyền thống nhân văn của các chi, tộc dòng họ Đỗ, Đậu và các dòng họ khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

 Giúp nhau tìm về cội nguồn, biên soạn gia phả, lập phả hệ, bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh thuộc dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

 Trao đổi cung cấp thông tin nghiên cứu và tìm hiểu về Lịch Sử có liên quan đến các chi, tộc dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

– Hướng hoạt động văn hoá dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam vào mục tiêu giáo dục con người sống có văn hoá, có tri thức, có đạo đức hiếu nghĩa, lòng tự tôn, tính tự lập, có tình thương yêu, đoàn kết, biết tôn trọng và chấp hành Pháp luật. Góp phần cùng các dòng họ trong cộng đồng dân tộc, quyết tâm xây dựng nước Việt Nam XHCN thành một nước công nghiệp hoá, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng văn minh.

Điều 3. Tên gọi các tổ chức Hội đồng dòng họ:

a. Tên gọi tổ chức toàn quốc:

Tên đầy đủ: – Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

( Hoặc – Hội đồng dòng họ Đỗ Việt Nam ).Tên viết tắt: – HĐDH Đỗ, Đậu Việt Nam.

Tên viết tắt: – HĐDH Đỗ, Đậu Việt Nam.( hoặc – HĐ dòng họ Đỗ Việt Nam )

Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam là tổ chức do những người dòng họ Đỗ, Đậu tâm huyết, có bổn phận trách nhiệm, có uy tín, tích cực hoạt động theo Tôn chỉ mục đích của dòng họ đề ra. Hội đồng do các đại diện chi, tộc trong dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam tiến cử hoặc bầu cử lập ra. Hội đồng dòng họ là tổ chức phi chính phủ, phi quyền lực, không nhằm mục đích lợi nhuận, tự nguyện tham gia hoạt động vì cộng đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam .

b. Tên gọi tổ chức khu vực và địa phương:

Tên đầy đủ: – Hội đồng dòng họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh.

Tên viết tắt: – HĐDH Đậu khu vực Nghệ Tĩnh

c. Tên gọi tổ chức các chi, tộc họ:

Tên đầy đủ: – Hội đồng gia tộc họ Đỗ Văn, thôn…( hoặc chi tộc)

Tên viết tắt: – HĐGT họ Đậu Công, thôn…

Điều 4: Chức năng nhiệm vụ cơ bản:

Hội đồng là tổ chức có bổn phận đại diện cho nguyện vọng, tiếng nói chung của cộng đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam, của khu vực, địa phương, của chi, tộc trong lĩnh vực hoạt động văn hoá dòng họ. Có chức năng theo dõi nắm bắt, tập hợp và cung cấp thông tin, những sáng kiến kinh nghiệm về các hoạt động văn hoá của dòng họ; Phổ biến, hướng dẫn, tuyên truyền, vận động mọi thành viên trong dòng họ cùng thực hiện Tôn chỉ mục đích hoạt động, các quy định của tộc ước, quy ước của dòng họ đề ra. Trung tâm đoàn kết, động viên giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn hoạn nạn. Đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trong dòng họ Đỗ, Đậu theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu. Hướng dẫn, khuyến khích việc bảo vệ, bảo tồn di tích, di sản Lịch sử, Văn hoá, danh lam thắng cảnh của dòng họ. Hướng dẫn, sưu tầm, bổ sung tộc phả, lịch sử của dòng họ, chi, tộc họ. Xây dựng và duy trì hoạt động các tổ chức thuộc Hội đồng dòng họ, hoạt động của các khu vực, địa phương, chi, tộc họ Đỗ, Đậu trong toàn quốc. Động viên mọi người phát huy truyền thống tốt đẹp nhân văn của tổ tiên dòng họ, phấn đấu làm tròn bổn phận đạo hiếu thảo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh em, con cháu; hoàn thành tốt nghĩa vụ công dân đối với đất nước và dân tộc Việt Nam.

Điều 5. Biểu trưng, huy hiệu:

a. Biểu trưng:

Biểu trưng dòng họ Đỗ Việt Nam là một hình tròn, trong đó có cách điệu vòng tròn nền màu đỏ hở ở phía trên, trên góc chữ Đ có năm lá tre; với ý nghĩa biểu thị chữ ( Đ ) từ viết tắt của tiếng Đỗ, Đậu; lá tre là biểu trưng khí phách quê hương Việt Nam.

Bên trong vòng tròn là hình tượng trưng ngôi nhà năm gian truyền thống màu nâu, trước mái nhà nhà có hàng chữ HỌ ĐỖ VIỆT NAM. Trước gian trung tâm có chữ Đỗ màu đỏ ( ) viết theo kiểu chữ Hán. Bậc tam cấp vào gian chính giữa màu nâu.

b. Huy hiệu:

Huy hiệu họ Đỗ Việt Nam hình tròn bằng chất liệu mạ đồng vàng sáng; huy hiệu bố trí với ba phần: phần ngoài với hai đường viền tròn màu vàng sáng, phần tiếp vào trong phía dưới có dòng chữ HỌ ĐỖ VIỆT NAM màu vàng sáng trên nền màu đỏ, phần tâm điểm là hình một cây với năm cành, nền lá màu xanh, trong nền xanh của lá có chữ Đỗ ( ) viết bằng chữ Hán màu đỏ viền vàng ( với ý nghĩa dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam muôn chi, tộc đều chung một gốc).

Điều 6. Con dấu của Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

Con dấu được làm bằng vật liệu đồng vàng, hình vuông ( 43mm X 43mm ), với đường viền phía ngoài một nét rộng đậm, tiếp đến phía trong là một đường viền nét mảnh hơn, ở 4 góc hơi cua, giữa hai đường viền cách nhau rõ nét – ( biểu hiện sự rõ ràng khoẻ mạnh).

Ở phía trong hai đường viền của con dấu được chia làm hai phần ( trên, dưới ), để phân chia hai phần trên, dưới là một đường vạch đậm nhưng không nối liền với đường viền phía trong, vạch chỉ có ý nghĩa để phân định giữa chữ Việt quốc ngữ và chữ Hán.Phần trên rộng hơn để đủ hai khắc dòng chữ quốc ngữ rõ ràng :

Phần dưới có một dòng chữ Hán, khắc theo kiểu chữ triện:

 

 

Dịch nghĩa: Hội đồng đỗ tộc Việt Nam NamHỘI ĐỒNG DÒNG HỌMực dấu màu đỏ. ĐỖ, ĐẬU VIỆT NAM

ĐỖ, ĐẬU VIỆT NAMVí dụ như: _____________

 

 

 

_______________Điều 7. Bài ca dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam:

Hiện nay dòng họ đã phát hành hai bài ca, do nhạc sỹ người trong dòng họ Đỗ tâm huyết sáng tác và đã được anh em con cháu trong dòng họ rất ngưỡng mộ và lấy làm hãnh diện. Bài ca đúng là chỉ có con người trong dòng họ thì mới có phút thăng hoa xuất thần viết nên lời ca, bản nhạc thật cảm động như vậy.

Đề nghị mọi người trong họ chọn một bài và gửi ý kiến cho Ban thường trực hoặc bản tin, hoặc trang Website của họ Đỗ Việt Nam để rộng đường nghiên cứu, tranh thủ sự đồng thuận.

Điều 8. Bài văn tế liệt vị tiên tổ dòng họ Đỗ, đậu:

Hiện đã có bài văn tế được chọn lọc qua sự góp ý của nhiều bà con trong dòng họ 15 năm qua và được ông Đỗ Ngọc Liên – Chủ tịch Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu trực tiếp đọc và ghi âm, đang được sử dụng rộng rãi trong dòng tộc.1. Có ý kiến đề nghị tiếp tục sử dụng cho đến khi thấy cần thiết sửa đổi bổ sung thêm.

2. Có ý kiến đề nghị không nhất thiết câu nệ phải sử dụng một bài văn tế chung, vì ở mỗi vùng- miền khi làm tế lễ sẽ tuỳ nghi cho phù hợp với điều kiện sinh hoạt, lao động, tiếng phát âm theo khu vực, vùng- miền và hợp tình với quan khách.

Để rộng đường xem xét: Chúng tôi xin đề nghị mọi người đóng góp ý kiến cho thường trực Hội đồng, hoặc bản tin, hoặc Website họ Đỗ Việt Nam.

Điều 9. Trang phục dòng họ:

Trang phục dòng họ được gọi là bộ Đỗ phục. Bộ Đỗ Phục sử dụng quần áo dài truyền thống Việt Nam với năm màu: Đỏ tía, Đỏ, Vàng, Xanh và màu Đen. Trang phục Đỗ phục chỉ mặc khi tế lễ, cúng kính hoặc hội họp dòng họ hàng năm.

1. Có ý kiến đề nghị nên có hai loại trang phục:- Loại thụng ống tay áo để phục vụ cho việc tế lễ, đầu đội mũ tế, màu mũ theo màu áo, chân đi dày hia truyền thống.

– Loại hẹp ống tay áo để dễ thao tác và giản tiện; đầu đội khăn xếp, màu khăn theo màu áo, chân đi dép, dày bình thường cho thuận tiện.

2. Có ý kiến chỉ nên sử dụng một loại trang phục hẹp ống tay áo, đầu đội khăn xếp, màu khăn theo màu của áo, chân đi dày dép bình thường hàng ngày cho giản tiện.

Chúng tôi xin đề nghị mọi người đóng góp ý kiến.

Chương Hai

MÔ HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNGĐiều 10. Tổ chức Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu toàn quốc:

Các :Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam do cuộc họp mặt toàn quốc tiến cử hoặc bầu cử gồm:

– Chủ tịch hội đồng dòng họ ( một người )

– Các Phó chủ tịch ( số lượng tuỳ theo nhu cầu công việc, khu vực và địa phương để sắp xếp bố trí).

– Các uỷ viên thành viên ( Tuỳ theo nhu cầu để sắp xếp bố trí hợp lý )

Cuộc họp mặt họ Đỗ, Đậu toàn quốc ngày 13/3/2011 tại Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc đã đồng thuận tiến cử Kỹ sư Đỗ Ngọc Liên giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

Các Phó chủ tịch gồm có: ( ……………) người.Các Uỷ viên hội đồng gồm có: (…………..) người.

Các câu lạc bộ ….tuỳ theo yêu cầu và điều kiện để bố trí.

Chúng tôi xin đề nghị mọi người trong họ đóng góp ý kiến và tiến cử.

Điều 11. Tổ chức hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu khu vực, địa phương:

Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu ở khu vực và địa phương do cuộc họp mặt khu vực, địa phương tiến cử hoặc bầu cử gồm có:

– Chủ tịch hội đồng dòng họ khu vực ( một người ).

– Các Phó chủ tịch hội đồng ( số lượng tuỳ nhu cầu bố trí ).

– Các Uỷ viên hội đồng ( số lượng tuỳ nhu cầu bố trí ).

Điều 12. Tổ chức hội đồng chi, tộc họ Đỗ, Đậu:

Mỗi chi, tộc họ căn cứ theo nhu cầu để tiến cử người trong chi, tộc họ mình có đủ uy tín, tâm đức, có điều kiện hoạt động vào Hội đồng chi, tộc nhằm giúp tộc trưởng và chi, tộc họ các việc tổ chức điều hành hoạt động của chi, tộc họ.

Hội đồng chi, tộc họ gồm:

– Chủ tịch Hội đồng chi, tộc họ ( một người ).

– Các Phó chủ tịch nếu cần thiết( tuỳ theo nhu cầu );

– Các uỷ viên hội đồng (số lượng uỷ viên tuỳ theo yêu cầu của chi, tộc họ.

Chức danh Chủ tịch Hội đồng chi, tộc họ không có nghĩa vụ làm thay vị thế của Tộc trưởng về chức việc chủ thờ cúng tổ tiên ( trừ khi vị Tộc trưởng tuổi còn quá nhỏ….).

Hội đồng chi, tộc họ là tổ chức có bổn phận đại diện cho việc thực hiện dân chủ, công khai minh bạch, giám sát mọi hoạt động kể cả việc huy động thu, chi quản lý nguồn quỹ tài chính theo chủ trương, thống nhất chung của chi, tộc họ.

Chương B

NGHI LỄ TẾ LỄ, CÚNG KÍNH, QUẢN LÝ , BẢO VỆ NƠI THỜ TỰ, MỒ MẢTỔ TIÊN, DI SẢN LỊCH SỬ VĂN HOÁ, DANH LAM THẮNG CẢNH:Điều 13. Tổ chức nghi lễ tế lễ, cúng kính:

Mỹ tục thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người quá cố của dòng họ có từ ngàn xưa. Việc tế lễ, cúng kính là hoạt động văn hoá tâm linh nhằm mục đích giáo dục đạo đức, sự tôn trọng, lòng biết ơn và đặc biệt nhằm răn dạy đức tính thiện căn cho con người.

Người làm tế lễ, cúng kính có bổn phận thành tâm; đảm bảo người, mặt mũi, đầu tóc gọn gàng, chân tay sạch sẽ, mặc trang phục phải sạch sẽ tươm tất để tỏ lòng tôn kính.

Người đến tham dự tế lễ, cúng kính có bổn phận giữ khuôn phép nghiêm túc trật tự.

Vật phẩm tế cúng phải sạch sẽ và chưa từng đã dùng tế cúng.

Bài văn cúng, người đọc văn, các chấp sự tham gia tế cúng theo nghi thức truyền thống cần được Tộc trưởng, hoặc Chủ tịch hội đồng bố trí chuẩn bị chu đáo từ trước.

Khi tổ chức đại tế mọi người làm tế lễ mặc Đỗ phục theo quy định.

Bài Quốc ca, Đỗ ca dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam được cất lên trước khi vào tế lễ truyền thống.

Sau khi tế lễ xong chủ tế có lời mời mọi người tham dự lễ tế có bổn phận lần lượt theo thứ bậc vào bái lễ dâng hương tổ tiên.

Con cháu dâng hương bái tổ tiên nếu có nguyện vọng cầu xin tiên tổ phù trì, không nên cầu khấn to tiếng ồn ào mà cốt ở sự thành tâm hướng về tiên tổ.

Điều 14. Quản lý, bảo vệ nhà thờ, mồ mả tổ tiên và di sản văn hoá, danh lam thẳng cảnh của dòng họ:

a. Nhà thờ dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam:– Ngôi nhà thờ chung dòng họ Đỗ, Đậu toàn quốc:

Dòng họ Đỗ, Đậu toàn quốc Việt Nam có tâm nguyện xây dựng một

ngôi nhà thờ chung để mọi người con cháu trong dòng họ có điều kiện họp mặt tri ân tiên tổ dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam.

vấn đề này đã được hội nghị lần thứ 14 tại thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đồng thuận, nay xin ý kiến chung và kêu gọi sự thành tâm góp của, góp công ủng hộ việc xây dựng ngôi nhà thờ chung của mọi người trong dòng họ ).

– Nhà thờ các chi, tộc họ Đô, Đậu:

Các chi tộc họ từ 4 đời trở lên đều có quyền có nhà thờ riêng cho chi, tộc họ của mình.Nhà thờ dòng họ, chi, tộc họ là tài sản vô giá, là nơi thờ phụng tâm linh, nơi hội tụ giao lưu gặp mặt các thế hệ con cháu của chi, tộc họ. Nhà thờ là nơi thực hành các nghi lễ tâm linh thờ cúng tổ tiên, nơi biểu thị các chuẩn mực cốt cách gia phong, gia giáo của dòng họ; nơi tuân theo nghi thức tôn ty thứ bậc của dòng họ và biểu thị tôn trọng tri thức và người cao tuổi; nơi đây không được có lời nói khiếm nhã, cãi cọ, chửi thề hoặc chơi cờ bạc, ăn uống bê tha.

Nhà thờ họ là nơi thờ cúng tâm linh tôn nghiêm của dòng tộc, do vậy không cho phép các hoạt động cầu đồng bóng hoặc nhằm tuyên truyền mê tín dị đoan.

Nhà thờ của chi, tộc họ được xây dựng to, nhỏ tuỳ theo điều kiện, hoàn cảnh của mỗi chi, tộc họ, nhưng nhà thờ họ có nền nhà cao hơn nhà ở của gia đình ( nếu nhà thờ họ và nhà ở cùng chung trong thửa đất ).

Việc xây dựng, tu bổ, di dời, thay đổi kiến trúc nhà thờ họ cần được mọi người trong dòng họ, chi, tộc họ đồng thuận.

b. Quản lý, bảo vệ mồ mả tổ tiên:

Người xưa tâm niệm và giáo huấn: “ Sống cái nhà, già cái mồ ”. Mồ mả tổ tiên dòng họ, chi, tộc họ là nơi tôn nghiêm, bất khả xâm phạm; con cháu trong họ, chi tộc họ phải thường xuyên trông nom chăm sóc bảo vệ.

Việc cất bốc mồ mả trong chi, tộc họ rất hệ trọng. Tuyệt đối không cất bốc mồ mả khi trong chi, tộc họ chưa đoạn hết tang khó. Việt cất bốc, di dời mồ mả của tổ tiên dòng họ cần được mọi người trong chi, tộc họ đồng thuận.

c. Quản lý bảo vệ di sản văn hoá, danh lam thắng cảnh của dòng họ:

Cùng với nhà thờ, các di sản vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh

của dòng họ, chi, tộc họ và các di sản khác có nguồn gốc xuất xứ hàng trăm năm; các cổ vật của chi, tộc họ, bảo vật gia đình, cá nhân thuộc dòng họ, chi, tộc họ có ý nghĩa Lịch sử, Văn hoá; các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của dòng họ, chi, tộc họ là tài sản vô giá, dòng họ khuyến khích hiến tặng cho dòng họ, chi, tộc họ và cần phải được mọi người trong dòng họ bảo vệ chu đáo theo đúng quy định của Luật Di sản văn hoá.

 

Chương bốn

MỐI QUAN HỆ, ỨNG XỬ, HOÀ GIẢI MÂU THUẪN VÀ ĐẠO HIẾU GIA ĐÌNH:

Điều 15. Mối quan hệ giữa các tổ chức Hội đồng của dòng họ:

Dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam tuy thành lập với ba mô hình tổ chức:
– Hội đồng dòng họ toàn quốc ( Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam)
– Hội đồng khu vực hoặc địa phương;
– Hội đồng các chi, tộc họ.
Ba mô hình tổ chức Hội đồng của dòng họ Đỗ, Đậu đều bình đẳng với nhau, không phân biệt cấp trên, cấp dưới, không có mệnh lệnh, chỉ thị áp đặt bắt buộc thực hiện.
Mối quan hệ giữa Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt nam, Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu khu vực ( hoặc địa phương ), hội đồng chi, tộc họ là mối quan hệ hoàn toàn tự nguyện, tự giác, đồng lòng và đồng thuận.

 

Điều 16. Mối quan hệ, ứng xử trong dòng họ:

a- Quan hệ nam, nữ trong dòng họ

Tộc ước của dòng họ Đỗ, Đậu truyền lại từ ngàn xưa: “ Người dòng họ Đỗ, Đậu không phân biệt nguồn gốc xuất thân, tôn giáo, dân tộc, nam hay nữ đã mang tên họ Đỗ, Đậu đều là anh, chị, em cùng một dòng họ, chung một dòng huyết thống, là người trong một nhà.

Tộc ước dòng họ khuyến nhắc bổn phận ý thức mọi người nam nữ thuộc dòng họ Đỗ, Đậu dù xa nhau bao nhiêu đời cũng không nên lập thành gia thất với nhau ”.

Tộc ước dòng họ khuyến nghị mọi người thuộc dòng họ Đỗ, Đậu có bổn phận biết vâng lời khuyên có tính khoa học của tổ tiên; khuyến dụ mọi người nam, nữ dòng họ Đỗ, Đậu tự xác định ý thức biết giữ tình cảm nam, nữ trong dòng họ chỉ giới hạn mức độ là anh chị em cùng một dòng tộc, nhất quyết không thể đi đến xây dựng gia thất với nhau.

Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định cấm: “Giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời” không được kết hôn ( điều 10 – LHNGĐ).

b. ng xử xưng danh với nhau:

 

Người dòng họ Đỗ, Đậu gặp nhau khi chưa có điều kiện để phân biệt “chi trên nhành dưới” thì người nhiều tuổi là ông, bà, cô, bác, hoặc là anh chị…; Nếu hai người cùng tuổi gặp nhau thì xưng Tôi với Anh, Tôi với Chị…. Từ xa xưa dòng họ rất kiêng kị người trong dòng họ khi chưa phân biệt được “chi trên nhành dưới ” mà đã xưng danh tự cho mình là kẻ cả, bề trên và coi việc tự xưng danh làm bề trên là một mầm mống dễ gây bất hoà trong dòng họ.

c. Ứng xử trong điều ăn tiếng nói: :

Dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào người họ Đỗ, Đậu vẫn luôn giữ khuôn phép, từ tốn; cởi mở mà đứng đắn đoan trang, vui vẻ, khôi hài mà không sàm sỡ lỗ mãng; Yêu cầu kiên quyết nhưng không tỏ thái độ bức xúc, gay gắt, khùng nộ.

Có bản lĩnh sống tự tin, lòng tự trọng nhưng biết lấy “ chữ Nhẫn” làm đầu, tránh đụng độ vô ích. Trong điều ăn tiếng nói cần biết phép tuân theo ngôi thứ bậc trong chi tộc họ để xưng hô; kiêng cự việc xưng hô mày, tao chi tớ theo kiểu “cá mè một lứa”.

Điều 17. Hoà giải mâu thuẫn nội bộ dòng họ:

Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam chủ trương khuyến khích, vận động mọi người trong dòng họ nếu gặp khi xẩy ra có tranh chấp, bất đồng chính kiến trong nội bộ dòng họ thì trước nhất mỗi người biết tự giác kiềm chế, không nói lời làm gây thêm sự nóng bức xúc, làm trầm trọng mối bất hoà trong nội bộ dong họ. Khuyến khích các bên tự nhìn nhận đúng sai của chính mình, khuyến khích sự nhường nhịn giúp đỡ nhau, tôn trọng sự thoả thuận hoà giải có tình, có lý của các bên. Khi hai bên không thống nhất quan điểm thì khuyến khích mời người có tâm đức, uy tín trong chi, tộc họ hoặc Hội đồng dòng họ làm trọng tài trung gian hoà giải mâu thuẫn tranh chấp. Không nên đưa khiếu kiện, giải quyết tranh chấp khiếu kiện việc nội bộ trong dòng họ bằng biện pháp ra công đường.

Điều 18: Đạo hiếu gia đình:

Gia đình là tế bào của xã hội, là nền tảng cơ bản của dòng họ. Gia đình hoà thuận, tôn trọng và nhường nhịn nhau, chung sức chung lòng đắp xây hạnh phúc tốt đẹp thì dòng họ mới tốt đẹp.

Con cháu dòng họ Đỗ, Đậu có bổn phận luôn giữ đạo hiếu thảo, kính trọng ông bà, cha mẹ, người trên; kính trọng người có phẩm hạnh đạo đức và tri thức.

Bổn phận của bậc làm cha mẹ phải biết hy sinh vì tương lai con cháu.

Bổn phận của các anh chị em là nhường nhịn giúp đỡ lẫn nhau, giúp đỡ người gặp khó khăn hơn.

Sự quan tâm chăm sóc cho ông bà, cha mẹ là làm tấm gương sáng mẫu mực để giáo dục thế hệ trẻ mai sau.

Dâu hiền, rể thảo, biết quan tâm chu đáo, bình đẳng nội ngoại hai bên.

Anh em, chồng vợ hoà thuận, sống bình đẳng, biết nhường nhịn, biết chờ đợi và giúp nhau cùng tiến bộ, thực hiện tốt các tiêu chí nếp sống gia đình văn hoá.

Chương năm

VIỆC VÀO HỌ, BÁO TUỔI TRƯỞNG THÀNH,HÔN THÚ, MỪNG THỌ, THĂM HỎI, TANG MA:Điều 19. Việc vào họ:

Mọi người dù trai hay gái, con đẻ hay con nuôi, con trong giá thú hay con ngoài giá thú khi sinh ra có bố, mẹ, người nhận làm bố mẹ là người dòng họ Đỗ, Đậu đều có quyền bình đẳng làm tủ tục vào nhập họ.

Thân nhân người mới sinh hoặc nhận con nuôi có bổn phận đến nhà thờ chi, tộc họ làm lễ cáo trình tổ tiên xin ghi tên, ngày tháng năm sinh vào sổ họ và cầu mong tổ tiên chứng giám, phù trì cho sức khoẻ, ngoan, khôn lớn trưởng thành.

Đây là việc làm ngoài ý nghĩa tâm linh, còn có ý nghĩa giáo dục ý thức đạo hiếu nhớ đến tổ tông, giáo dục ý thức sống có bổn phận vì cộng đồng dòng họ, vì mọi người.

Điều 20. Việc báo tuổi trưởng thành:

Người đến tuổi trưởng thành ( vào tròn tuổi 18 ) có bổn phận, nghĩa vụ đến nhà thờ chi, tộc họ làm lễ cáo trình tổ tiên việc bản thân đã đến tuổi trưởng thành và cầu mong tổ tiên phù trì cho sức khoẻ, trí tuệ, bản lĩnh nghị lực tự tin giúp tự thân lập nghiệp, tạo lập cuộc sống, xây dựng gia đình.

Đây là việc làm có ý nghĩa giáo dục ý thức cho người đến tuổi trưởng thành biết được trách nhiệm nghĩa vụ của mình đối với dòng tộc, gia đình, và trách nhiệm nghĩa vụ công dân trước pháp luật và xã hội.

Điều 21. Việc hôn thú, việc cưới:

Mọi người nam, nữ dòng họ Đỗ, Đậu đến tuổi trưởng thành đều có bổn phận, nghĩa vụ lập gia đình riêng nhằm bảo đảm sự phát triển, duy trì nòi giống dòng họ và giống nòi của dân tộc Việt Nam.

Người chuẩn bị lập gia đình riêng có bổn phận đến nhà thờ chi, tộc họ làm lễ cáo trình tổ tiên về việc bản thân xin lập gia đình với người mình yêu và bày tỏ lời cầu mong tổ tiên phù trì cho vợ chồng sức khoẻ, sinh con đẻ cái, gia đình hoà thuận, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc.

Trai, gái dòng họ khi dựng vợ gả lấy chồng có bổn phận tuân theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Vợ chồng phải được đăng ký và có giấy kết hôn hợp pháp.

Việc tổ chức cưới cần tổ chức thật sự có ý nghĩa, trang trọng, vui vẻ, tiết kiệm, theo phong tục và quy định của chính quyền địa phương.

Anh chị em con cháu trong chi, tộc họ có bổn phận, nghĩa vụ phối hợp với đoàn thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị để giúp đỡ gia đình “đôi uyên ương” trong việc tổ chức hôn lễ thật sự chu đáo, vui vẻ .

Điều 22. Việc mừng thọ:

Người xưa dạy “ Ngũ phúc thọ vi tiên ”. Tuổi thọ là phúc đứng đầu trong năm phúc lớn của con người. Từ xưa nay các chi, tộc, và gia đình, dòng họ Đỗ, Đậu hàng năm đều tổ chức mừng thọ cho người cao niên.

Nay tuỳ theo điều kiện của mỗi chi, tộc, gia đình và phong tục tập quán của địa phương mà tổ chức mừng thọ cho những người cao tuổi từ 60, 70, 80, 90, 95, 100,…thật sự chu đáo và trân trọng.

Hội đồng chi, tộc họ, con cháu trong gia đình có người cao tuổi quan tâm tổ chức mừng thọ, chúc thọ cho người cao tuổi.

Mỗi chi, tộc họ tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế có thể lập quỹ mừng thọ và đóng góp theo hàng năm.

Việc tổ chức mừng thọ cần thật sự có ý nghĩa giáo dục ý thức tôn trọng người cao tuổi, giáo dục đạo lý “ ăn quả nhớ người trồng cây”, qua đây đồng thời xác định bổn phận của người cao tuổi vui vẻ sống có ích, luôn gương mẫu để con cháu noi theo.

Điều 23. Việc thăm hỏi:

Thăm hỏi là việc đạo nghĩa, là sự biểu thị tấm lòng chân tình giữa con người sống với nhau trong cộng đồng dòng họ mỗi khi có việc vui, việc buồn, đau ốm, hoặc khi gặp hoạn nạn, khó khăn bất trắc…

Tuỳ theo điều kiện hoàn cảnh kinh tế của mỗi chi, tộc họ có thể huy động lập quỹ thăm hỏi, quỹ đóng góp theo hàng năm và cần công khai quy định mức chi phí cho từng việc thăm hỏi.

Thăm hỏi cốt ở lòng thành, cốt ở tình nghĩa anh em trong dòng tộc, không nhất thiết phải câu nệ thăm hỏi là phải có quà cáp. Người trong dòng họ khi nghe tiếng, biết tin thì kịp thời chạy đến hỏi thăm, giúp đỡ động viên, thấy khẩn nguy thì huy động mọi người cứu giúp, giải quyết. Đây là nghĩa cử nhằm gắn kết tình anh em keo sơn, máu mủ ruột rà trong cộng đồng dòng họ.

Điều 24. Viêc tang ma:

Người xưa dạy: “ Nghĩa tử là nghĩa tận”. Việc tang ma là việc nghĩa giúp đỡ sau cùng đối với người mất, là tình cảm tận hiếu với tang chủ.

Khi trong chi, tộc họ có người qua đời, Hội đồng gia tộc và mọi người trong họ có bổn phận phối hợp với cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương và gia đình tang chủ tổ chức phúng viếng, tiến hành tang lễ, an táng người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng chu đáo.

Tuỳ theo phong tục truyền thống và quy định của địa phương, nhưng yêu cầu việc tang ma trong dòng họ cần tuân thủ theo nếp sống văn hoá và đảm bảo hợp vệ sinh. Thực hiện không tổ chức mời người ăn uống linh đình trong các lễ ba ngày, lễ bốn mươi chín ngày, lễ một trăm ngày.

Chương 6

VIỆC GIÁO DỤC CON TRẺ, LẬP BAN, QUỸ KHUYẾN HỌC,QUỸ KHEN THƯỞNG HỌC, LAO ĐỘNG, CÔNG TÁC GIỎI:Điều 25. Việc giáo dục con trẻ:

Thế hệ trẻ nói chung, các con trẻ nói riêng là tương lai của dòng họ, tương lai của đất nước. Việc giáo dục con trẻ là bổn phận, nghĩa vụ là mối quan tâm hàng đầu của mọi người trong gia đình và chi, tộc họ. Hội đồng dòng họ sẽ thành lập Cậu lạc bộ khoa học, giáo dục để tư vấn cho mọi người việc giáo dục con trẻ.

Cổ nhân nói : “ Nhân bất học bất tri lý, ấu bất học bất thành nhân, ngọc bất trác bất thành khí ”, nghĩa là người không học thì không có lý trí, trẻ không học thì không nên người, ngọc không mài thì không trở thành ngọc quý. Các Mác người đề ra chủ nghĩa khoa học duy vật biện chứng cho rằng: “ Ngu là ác”, nghĩa là người ngu không biết lẽ phải nhất định sẽ làm điều ác. Từ nhận lời dạy và thức này:

Mỗi người trong dòng họ Đỗ, Đậu đều có bổn phận, nghĩa vụ học tập, rèn luyện và có bổn phận tự giác phấn đấu học tập hết các bậc học phổ thông, để có tri thức cơ bản làm người. Dòng họ luôn khuyến khích động viên mọi người phấn đấu cho sự học và tính sáng tạo trong lao động để mỗi ngày tri thức, nhân cách đạo đức được nâng cao hơn.

Bổn phận cha mẹ là nuôi dạy giáo dục con trẻ về phẩm hạnh đạo đức, lòng nhân nghĩa và tình thương yêu, kết hợp giáo dục về nhận biết, sự phân biệt các thói hư tật xấu để giúp con trẻ có khả năng đề kháng và đấu tranh chống lại thói hư tật xấu.

Có bổn phận giáo dục con trẻ về ý thức kỷ luật, nếp sống trật tự kỷ cương, kết hợp với giáo dục lòng tự tôn, tính tự tin và sự hồn nhiên mạnh dạn trong cuộc sống.

Có bổn phận giáo dục con trẻ lòng dũng cảm, sự tự tin, tính quyết đoán đồng thời giáo dục, rèn luyện đức tính kiên nhẫn, biết lắng nghe và sự nhẫn nhịn cần thiết.

Người xưa nói: “ Việc dạy con trẻ đừng như chờ trăng rằm sẽ tròn ”, ý nói việc dạy trẻ phải từ lúc còn thơ chứ không phải như mặt trăng đến rằm thì nhất định sẽ tròn.

– Con trẻ từ một đến năm tuổi:

Cha mẹ cần quan tâm nuôi dạy để hướng “tính bản thiện” cho con trẻ sự phân biệt cơ bản các bộ phận cơ thể trẻ, biết chú ý theo dõi và lắng nghe lời người lớn.

– Con trẻ từ hơn năm tuổi đến chín tuổi:

Cha mẹ cần nuôi dạy để giúp con trẻ có tính hồn nhiên, tập nói lời chuẩn xác, đức thật thà, có tình thương yêu và sự đam mê tìm hiểu quan sát mọi sự vật.

– Con trẻ từ mười đến mười lăm tuổi:

Ngoài việc học tập ở trường, cha mẹ cần giáo dục con trẻ tính kỷ luật, biết phân biệt được thói hư tật xấu cần tránh và đức kiên nhẫn, tính khoa học trong nếp sống.

– Con trẻ từ mười sáu đến mười chín tuổi:Ngoài sự quan tâm việc học tập ở trường lớp, cha mẹ cần quan tâm giáo dục lòng tự tôn, tính tự tin, sự quyết đoán nhưng biết lắng nghe và đức nhẫn nhịn cần thiết.

– Con cái từ tuổi đôi mươi trở lên:

Cha mẹ vẫn cần để mắt đến tính nết, hành vi, mối quan hệ của con cái và hướng cho con cái tính tự lập, biết tự chủ động công việc, biết tự tạo dựng cuộc sống, không ỷ lại.

Điều 26. Ban khuyến học và lập quỹ khuyến học:

a. Ban khuyến học:

Hội đồng dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam, Hội đồng dòng họ khu vực và địa phương; Mỗi chi, tộc họ cần lập ban khuyến học để kịp thời nắm bắt việc học tập và giúp đỡ động viên các con cháu thi đua học tập tốt.

Ban khuyến học hàng năm tổng hợp thành tích học tập, rèn luyện của các cháu để kịp thời động viên khen thưởng cho những cháu có thành tích học tập giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, cấp quốc gia, cấp quốc tế, hoặc các cháu học sinh nghèo vượt khó, các cháu có thành tích hoạt động Văn hoá, thể dục, thể thao, nhạc hoạ v.v.v. đoạt các giải huy chương và vào các trường Đại học, tốt nghiệp Đại học, Cao học, Tiến sỹ.

b. Lập quỹ khuyến học:

Dòng họ và chi, tộc họ cần phải lập quỹ khuyến học đây là việc làm cần thiết nhằm có nguồn tài chính kịp thời động viên, giúp đỡ, hỗ trợ và xây dựng phong trào thi đua học tập tốt của con cháu trong dòng họ.

Bổn phận mỗi người trong dòng họ biết lo lắng về tương lai cho con cháu đều có nghĩa vụ tự giác, tự nguyện đóng góp xây dựng quỹ khuyến học.

Hàng năm tuỳ theo hoàn cảnh điều kiện của mỗi chi, tộc họ Hội đồng chi, tộc họ khuyến gọi mọi người đóng góp, ủng hộ quỹ khuyến học. Quỹ khuyến học chỉ chi phí đúng mục đích cho công tác khuyến học và phải được công khai trước chi, tộc họ hàng năm.

Điều 27. Quỹ khen thưởng:

Dòng họ và các chi, tộc họ rất cần thiết việc lập quỹ khen thưởng nhằm có nguồn tài chính kịp thời khen thưởng động viên những người có thành tích xuất sắc, lao động sáng tạo, tự thân vượt khó lập nghiệp, người phấn đấu công tác, rèn luyện tốt, người có công lao to lớn đối với dòng họ, và cộng đồng xã hội.

Khen thưởng thành tích học tập, thành tích lao động, công tác và sự cống hiến cho xã hội là nhằm hướng tới xây dựng con người của dòng họ thật sự tốt và hoàn thiện toàn diện.

Chương bảy

BỔN PHẬN GIÚP ĐỠ, ĐẠI DIỆN, BẢO VỆ QUYỀNVÀ LỢI ÍCH HỢP PHÁP CÁC THÀNH VIÊN THUỘC DÒNG HỌ

Điều 28. Bổn phận giúp đỡ:

Mọi người thuộc dòng họ Đỗ, Đậu đều có bổn phận quan tâm giúp đỡ người trong dòng họ. Đây là đạo lý, là nghĩa tình của người trong dòng họ trong cộng đồng dân tộc với nhau.

Quan tâm giúp đỡ không có nghĩa là để cục bộ và không nhằm bảo vệ cái sai, cái xấu trong họ mà cốt để chỉ cho nhau biết được việc sai việc xấu, kịp thời động viên, hướng dẫn anh em con cháu quyết tâm khắc phục vượt qua.

Mọi sự bàng quang vô cảm, thiếu bổn phận trách nhiệm quan tâm giúp đỡ người trong dòng họ đều cần được chê trách.

Điều 29. Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp:

Đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thành viên dòng họ là quyền được pháp luật cho phép và buộc tuân theo trình tự thủ tục quy định của pháp luật hiện hành. Đây là công việc mới mẻ của dòng họ.

Hội đồng dòng họ sẽ thành lập Câu lạc bộ pháp luật của dòng họ để có điều kiện giúp đỡ tư vấn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi thành viên dòng họ.

Hội đồng dòng họ, chi, tộc họ có bổn phận quan tâm việc đại diện, bảo vệ các thành viên dòng họ khi quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên trực tiếp bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại.

Người cùng dòng họ tuyệt đối không thể bàng quang, vô cảm, đứng ngoài, bỏ mặc người cùng dòng họ đang trực tiếp bị xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp hoặc có nguy cơ bị xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp.

Mỗi người trong dòng họ có bổn phận kịp thời thông tin cho Hội đồng dòng họ, chi, tộc họ để chủ động đứng ra làm đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người trong dòng họ.

Chương tám

VIỆC THU, QUẢN LÝ THU, CHI TÀI CHÍNH, GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC,KHEN THƯỞNG, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, HIỆU LỰC THI HÀNH TỘC ƯỚC.Điều 30. Nguồn thu tài chính:

Nguồn thu từ đóng góp hàng năm của thành viên các chi, tộc họ; thu từ đóng góp hàng năm của những người trong chi, tộc họ;– Nguồn thu từ sự tự nguyện, hảo tâm ủng hộ của mọi người trong dòng họ, chi, tộc họ;

– Nguồn thu hợp pháp của những cá nhân, tổ chức trong nước và nước ngoài tự nguyện, hảo tâm giúp đỡ hộ trợ;

– Các nguồn thu hợp pháp khác phục vụ cho mục đích khuyến học, khen thưởng thành tích học tập, phấn đấu rèn luyện, lao động công tác xuất sắc.

– Các khoản đóng góp tự nguyện của các Doanh nhân thuộc Câu lạc bộ Doanh nhận dòng họ.

Điều 31. Quản lý thi, chi tài chính:

Mọi việc thu, chi tài chính của dòng họ, chi, tộc họ đều được công khai minh bạch, theo kế hoạch cụ thể và vào sổ sách theo dõi theo luật kế toán thông kê.

Tuyệt đối không sử dụng nguồn tài chính khuyến học, khen thưởng vào các việc tổ chức ăn uống, chiêu đãi, quà cáp hoặc tiếp khách.

Điều 32. Giải quyết các vướng mắc:

Mọi vướng mắc trong quá trình thực hiện tộc ước, việc thu, chi tài chính của dòng họ, của chi, tộc họ đều được kịp thời phản ảnh cho Chủ tịch, hoặc thường trực hội đồng dòng họ, chi, tộc họ nơi có vướng mắc biết để kiểm tra và cùng thống nhất hướng giải quyết .

Cố gắng hết mức tránh việc: “ Trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường” gây mất uy tín và sự hoài nghi, mất đoàn kết nội bộ dòng họ.

Điều 33. Việc sửa đổi bổ sung tộc ước:

Việc sửa đổi, bổ sung Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam cần được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng dòng họ dự họp thông qua và nhất trí.

Việc sửa đổi, bổ sung Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu khu vực, địa phương cần được ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng dự họp thông qua và nhất trí.

Việc sửa đổi, bổ sung Tộc ước chi, tộc họ cần được ít nhất 2/3 thành viên hội đồng chi, tộc họ thông qua và nhất trí.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Tộc ước dòng họ không được làm trái với quy định pháp luật Nhà nước, không trái quy chuẩn đạo đức xã hội, không nhằm gây chia rẽ đoàn kết nội bộ dòng họ và mối đoàn kết rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Điều 34. Áp dụng thực hiện:Các dòng họ khu vực, địa phương, các chi, tộc họ cần thiết áp dụng sáng tạo các nội dung quy định của Tộc ước này vào Tộc ước của dòng họ khu vực, địa phương hoặc của chi, tộc họ mình để mọi người trong dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam cùng biết và thống nhất thực hiện.

Điều 35. Hiệu lực thi hành:

Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam, Tộc ước dòng họ khu vực và địa phương, Tộc ước của các chi, tộc họ là “ Luật tục của dòng họ, là sản phẩm văn hoá mang tính nhân văn của dòng họ”.

Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam tuyệt đối không đề ra chế tài cưỡng chế, trừng trị hoặc xử phạt. Việc đảm bảo thực hiện Tộc ước hoàn toàn không có tổ chức bộ máy quyền lực để duy trì hoặc bắt buộc mọi người trong dòng họ thực thi, thực hiện.

Phát huy, kế thừa truyền thống Tộc ước tổ tiên xưa. Tộc ước dòng họ Đỗ Đậu Việt Nam tiếp tục thực hiện chủ trương vận động, khuyên nhắc, khuyến dụ mọi người trong dòng họ có bổn phận, nghĩa vụ tự giác, tự nguyện, đồng thuận, đồng lòng phấn đấu thực hiện những ước nguyện hợp tình, hợp lý, hợp đạo đức của cộng đồng dòng họ.

Tộc ước dòng họ Đỗ, Đậu Việt Nam là tiếng vọng tự ngàn năm lời khuyên nhắc răn dạy của cha ông, là tiếng đếm nhắc thời gian hiện tại về thực hiện đạo lý làm người. Tộc ước thể hiện sức mạnh nội tâm của cả dòng họ có tính khả thi và hiệu lực từ ngàn xưa và nay con cháu tiếp tục tự giác thực hiện để dòng họ Đỗ, Đậu mãi mãi trường tồn và phát triển.

Tộc ước này tổng hợp mọi lời khuyên nhủ, những ước vọng tâm nguyện chung đúc rút từ các tộc ước của các chi, tộc họ và ý tưởng đóng góp của mọi thành viên.

Việc thực hiện hay chưa thực hiện được các điều Tộc ước quy định trước tiên do tự bản thân, rồi tiếp đến con cháu và linh hồn tổ tiên gia đình người đó biết !.

Xin cúi đầu bái vọng tổ tiên dòng họ, cầu mong tổ tiên phù trì thức tỉnh mọi người con cháu phát tâm tự nguyện, tự giác, đồng tâm, đồng thuận thi hành !./.

 

            TM/ HỘI ĐỒNG DÒNG HỌ ĐỖ, ĐẬU VIỆT NAM

CHỦ TỊCH

 

 

ĐỖ NGỌC LIÊN