Rằm tháng giêng.

‘Giỗ tết cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng’. Câu ca này có từ thời thượng cổ. Tất cả các quốc gia theo lịch mặt trăng đều coi trọng ngày Tết này. Mỗi quốc gia lại có những truyền thuyết giải thích về nó. Riêng Việt Nam ta gọi đây là tết Nguyên tiêu, nghĩa là đêm rằm đầu tiên của năm và phổ biến hai thuyết:

– Rằm tháng Giêng còn là Tết Thượng Nguyên, là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị xuống đồng. Trước khi xuống đồng, họ làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

– Nhiều người tin rằng rằm tháng giêng là ngày Phật giáng lâm nên dịp này người ta đi chùa cầu an, cầu may. Có nhà nghiên cứu cho rằng đây là ngày đản sinh Phật A Di Đà tức vua Đế Minh.

Hàng nghìn năm trước vào dịp Tết Nguyên Tiêu nhà nước Việt Nam đều tổ chức Lễ hội đèn Quảng Chiếu. Một lễ hội cung đình có từ thời Lý và tiếp tục kéo dài tới thời Trần. Lễ có ý nghĩa đặc biệt cầu trường thọ, cầu quốc thái dân an, thường tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long. Các giá trị Phật giáo được tôn vinh qua lễ hội này. Văn bia Sùng Thiện Diên Linh diễn tả lễ hội Quảng Chiếu cực kỳ công phu để lại dấu ấn lớn trong lịch sử.

Xưa nay đêm trăng Nguyên Tiêu luôn gợi hứng cho tao nhân mặc khách cho ra đời những bài thơ hay. Một trong số đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,

Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên;

Yên ba thâm xứ đàm quân sự,

Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

Tết nguyên tiêu bây giờ người ta chỉ quan tâm đến ăn uống, cầu cúng, dâng sao giải hạn. Nặng về hình thức vật chất, nặng về cái tôi, chứ không mấy quan tâm đến giá trị tinh thần hoặc mong cầu cho Quốc thái dân an.

 Ngày thơ Việt Nam tổ chức ngày rằm tháng giêng ở sân Văn Miếu. Ban tổ chức có lệ chọn những câu thơ hay thả theo bóng bay lên trời. Một trong những câu thơ nổi tiếng được lan truyền trên mạng của tác giả Trần Anh Trang như sau:

“Đêm ôm vợ thấy lòng giật thót

Thương con thuyền đầu bãi đứng chơ vơ”.

(Về thơ vợ chồng ôm nhau tôi thấy mấy câu này kém xa mấy câu trong bài Vợ tôi nửa dại nửa khôn…của nhà thơ Bùi Hoàng Tám. Tiếc là bài ấy không được thả)

Năm nay dịch Covid-19 hoành hành. Nhà nước hạn chế người dân đi lễ chùa và đến Ngày Thơ Việt Nam. Những nơi này mất mùa là cái chắc. Bù lại ta có dịp trở về bản nguyên của ngày Tết Nguên Tiêu. Tết xuống đồng của nông dân trong nền văn minh lúa nước. Tết tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Đỗ Quang