Rằm tháng 7 tưởng nhớ Tổ tiên

Rằm tháng 7 gọi là lễ Vu Lan, ngày con cái bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn và đền đáp công ơn nuôi dạy của cha mẹ, là dịp mọi gia đình tìm về cội nguồn yêu thương, tưởng nhớ đến tổ tiên và người đã khuất.
Ngày rằm tháng 7 cũng là ngày “Xá tội vong nhân”. Ngoài cúng gia tiên, mọi nhà còn bầy lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước nhà để cúng cô hồn, ma đói là những vong linh ”không nơi nương tựa”.
Ở các vùng nông thôn lễ rằm tháng 7 tổ chức to hơn thành thị. Ở đâu không biết, ở quê tôi rằm tháng 7 năm nay họ Đỗ Quang tổ chức cúng rằm ở nhà thờ họ khá qui mô, tập hợp được nhiều con cháu ở xa về dự. Hội đồng gia tộc còn tổ chức lễ phả độ gia tiên mở rộng cho các gia đình trong họ có nhu cầu tham gia và trao phần thưởng cho các cháu có thành tích học tập tốt năm học vừa qua. Vậy là âm dương đều hoan hỷ.
Tôi thuộc Chi 3 họ Đỗ Quang. Chi 3 không đông người nhưng bù lại thế hệ trẻ trong Chi rất có ý thức về việc thờ phụng Tổ tiên. Đặc biệt các cháu càng có học, tốt nghiệp đại học, tiến sĩ, phó tiến sĩ hoặc có điều kiện thoát ly quê hương đi lập nghiệp ở nơi đô hội càng không quên gốc Tổ. Thời đại công nghệ thông tin. Các cháu làm một group có tên Họ Đỗ Quang chi 3 để tiện liên lạc. Qua đó được biết Chi 3 ngày mai tổ chức dâng hương các cụ ở nhà thờ bản chi. Ai không về được có thể nhờ công nghệ đưa tâm về lễ Tổ. Các cụ nghe tiếng tinh tinh là biết cháu nào ở đâu. Tôi mới làm một phả đồ chi tiết từ cụ thất đại trở xuống đến các cháu sơ sinh, đưa lên Group để cả chi họ cùng biết. Dự định sắp tới tôi sẽ lập riêng cho chi 3 một tộc phả theo chuẩn hiện đại có đủ thông tin về thủy tổ, phả ký, phả đồ, tộc ước, hương hỏa, từ đường. Tộc phả các dòng họ có thể đưa lên trang tộc phả dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.
Ngày mai đúng rằm tháng 7 cũng là ngày kỵ nhật Phật Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát Đỗ Quí Thị. Bà con họ Đỗ (Đậu) khắp nơi sẽ về dâng hương ở miếu mộ của Ngài.
Nếu theo truyền thống, một bài văn khấn riêng có tên “Thỉnh Tổ tổng khoa” được sử dụng trong dịp này. Bài nguyên văn chữ Hán đã được dịch nghĩa ra Quốc ngữ có đoạn mở đầu như sau:
Hương khói vờn quanh, tàn lọng chen,
Tầng tầng hóa vãng chín đài sen
Nơi nơi chầu vọng Di Đà Phật,
Chỉ nẻo Đài Sơn, Mẹ chiếu đèn(1)
Nam Mô Hương Vân Cát Bồ Tát Ma Ha Tát.!(2)
Hương hoa la liệt, đèn nến giao quang,
Ai nấy lòng thành, chí tâm kính lễ.
Tâm địa trong sáng như ngọc Lưu Ly.
Mặt trời soi rạng vẻ nghiêm trang.
Khi đó, nghĩ nhớ, tưởng mộ đến Phật, đến Tổ như lòng con nhớ Mẹ.
Dung nhan chư Phật như đúc bằng vàng ròng. Chất ngọc kỳ diệu như hoa bay.
Y vào nguyện lực từng người,
Tam Thánh trên chín đài sen sẽ đón về Tây Phương.
Phút giây chớp mắt từ cái sống sang cái chết,
Thương thay biên tế bao la kia.
Nam Mô Độ Nhân Sư Bồ Tát, Ma Ha Tát!
Vẻ trang nghiêm trên từ – đường, đông người lễ bái trước án-kỷ, muốn đón Thiền Tổ giáng linh, nên mang nước ở Tào Khê về vẫy rảy. Nước ấy là tuyết lạnh ôm châu, sóng thanh ôm nguyệt. Khí thiêng như hoa phô bốn sắc, hoặc ở dưới bình sen Viễn Công, hoặc ở trong ao báu nơi Lạc Quốc(3)
Chú thích:
(1) Đài Sơn: Ngũ Đài Sơn, một trung tâm Phật Giáo lớn ở huyện Ngũ Đài, tỉnh Sơn Tây, tượng trưng cho Phật giáo Trung Quốc. Hương Vân Cái (mẹ Hương Vân)- Mẹ Phật từ cõi Đức A Di Đà và Quan Âm Bồ Tát là người mẹ hiền. Chiếu đèn: soi sáng , hướng dẫn.
(2) Nam mô là tôi xin quy y (tuân theo); Hương Vân Cái Bồ Tát là đạo hiệu của cụ bà Đỗ Đoan Trang (thường gọi là Đỗ Quý Thị); Ma Ha là đại, lớn; Tát là Bồ Tát (Ma Ha Tát là đại thánh Bồ Tát. Mỗi lần Khai Kinh Kệ trước tiên phải đọc (niệm) câu này.
(3) Lạc Quốc: cõi Cực Lạc, Tịnh Thổ hay Tịnh Độ của Phật A Di Đà.
Viết đến đây đã gần đến giờ Ngọ nhà cháu xin phép lên hóa vàng dâng các cụ gia tiên nhà cháu. Kính xin các cụ phù hộ độ trì cho con cháu mạnh giỏi, ăn nên làm ra, nhà nhà hạnh phúc. Nam mô a di đà phật !
Bài Đỗ Quang