Họ Đỗ thôn Lưu Khê

Thuỷ tổ họ Đỗ thôn Lưu Khê, xã Liên Hoà (TX Quảng Yên) là cụ Đỗ Độ, một trong các Thuỷ tổ Tiên Công có công lao lấn biển khai hoang, mở đất lập làng của khu vực làng đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng xưa. Nhà thờ họ Đỗ Tiên Công thôn Lưu Khuê đã được Bộ Văn hoá thông tin cấp Bằng di tích Lịch sử Văn hoá Quốc gia. Trước đây, thời vua Minh Mệnh và vua Khải Định triều Nguyễn cũng đã cấp sắc phong cho họ Đỗ, họ Đào, và sức cho dân Lương Quy (nay là thôn Lưu Khê) tôn thờ cung phụng.

Vào đầu thế kỷ 15, sau cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi vua. Trong thời gian cầm quyền, ông đã ra sức chỉnh trang triều chính, với tư tưởng xây dựng đất nước thành quốc gia Đại Việt hùng mạnh. Sau vua Lê Lợi mất, Lê Thái Tông lên ngôi, lấy niên hiệu là Thiệu Bình. Ông tiếp tục thực hiện chính sách chú trọng phát triển nông nghiệp, khuyến khích nhân dân khai hoang, mở rộng bờ cõi bằng các chính sách điền địa, tăng cường canh tác, lập làng định cư xung quanh kinh thành và nhiều nơi. Dân chúng có nhiều thuận lợi phát triển kinh tế để sinh sống an bình. Lúc đó có 17 vị tại phường Kim Liên, phủ Hoài Đức phía nam Thăng Long thành  tập trung con cháu xuôi thuyền xuống cửa sông Bạch Đằng để quai đê lấn biển, lập ấp tại phía nam quận An Bang, lập nên phường Phong Lưu, sau thành xã Phong Lưu. Thời gian trước đó, về phía Đông Nam xã Phong Lưu có hai ông Hoàng Nông, Hoàng Nênh lập nên thôn Trung Bản, nay thuộc xã Liên Hoà. 2 ông Đỗ Độ và Đào Bá Lệ, lập nên xã Lương Quy, nay gọi thôn Lưu Khê, xã Liên Hoà và hai ông Hoàng Kim Bảng, Đồng Đức Hấn lập nên xã Vị Dương, xã Liên Vị. Bốn ông Đỗ Độ, Đào Bá Lệ, Đồng Đức Hấn và Hoàng Kim Bảng đều thuộc người Hà Nam, tỉnh Nam Định.

Cổng tam quan bằng đá của nhà thờ họ Đỗ ở Lưu Khê mới được xây dựng.
Cổng tam quan bằng đá của nhà thờ họ Đỗ ở Lưu Khê mới được xây dựng.

Bấy giờ thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, đời sống muôn vàn khó khăn, giặc ngoại xâm, giặc cỏ hoành hành, các bậc Tiên Công đã đoàn kết trụ vững bên nhau trên các bãi triều, rừng ngập mặn để giữ gìn bờ cõi. Công lao của các cụ để lại cho con cháu mai sau thật là to lớn. Các đời sau đã lập miếu thờ, nay gọi là từ đường các dòng họ và lập chung một miếu Tiên Công tại thôn Cẩm La, nay là xã Cẩm La thờ 17 vị Tiên Công. Hai cụ Hoàng Nông, Hoàng Nênh được thờ tại miếu Nhị vị Tiên Công thôn Trung Bản, xã Liên Hoà. Cụ Đồng Đức Hấn, Hoàng Kim Bảng thờ tại đình Vị Dương xã Liên Vị. Cụ Đỗ Độ, Đào Bá Lệ thì thờ tại đình Lưu Khê. Trong bia đá miếu Tứ xã Cẩm La ghi về thuỷ tổ Đỗ Độ và Đào Bá Lệ như sau:
“Giao cho 2 cụ Đỗ Độ, Đào Bá Lệ xã Lương Quy, số ruộng = 1.087 mẫu, 3 sào, 3 thước, dân số 142 người, đê dài 629 trượng 4 thước…”.

Sáu thế kỷ trôi qua, từ chỗ nơi đây chỉ là vùng bãi triều ngập mặn, sú vẹt hoang vu, nhờ các Tiên Công khai phá, cửa sông Bạch Đằng đã có một vùng làng đảo trù phú, vững chãi với chu vi 36km đê biển. Trải qua bao thời biến đổi, thiên nhiên khắc nghiệt, giặc giã liên miên, đến nay diện mạo vùng Hà Nam đổi mới rất nhanh. Nền kinh tế – văn hoá xã hội phát triển mạnh mẽ. Cư dân ngày càng đông đúc, vươn lên chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống, gìn giữ, bảo tồn dòng dõi, làng nước. Trong dòng chảy các thời đại, đến nay dòng họ Đỗ đã phát triển được 24 đời. Con cháu lên gần 900 nhân đinh. 2 phần 3 sống ở quê, còn lại sống xa quê. Con cháu họ Đỗ luôn phát huy truyền thống lao động cần cù sáng tạo, năng động và hiếu học. Ông Đỗ Cao Hiệp, Trưởng ban xây dựng của dòng họ Đỗ và cũng là một thành viên tích cực có nhiều thành tích trong các phong trào xây dựng làng xã ở Liên Hoà, cho biết:

– Trải qua bao thăng trầm, khắc nghiệt của nắng mưa bão gió, nhà thờ họ Đỗ không tránh khỏi tình trạng dần xuống cấp các hạng mục. Từ năm 1991 dòng họ bắt đầu khôi phục lại nhiều mặt. Trước hết là vấn đề kỷ cương, sắp xếp lại tổ chức gia tộc. Sau là cơ sở vật chất hạ tầng nhà thờ. Năm 1999, dòng họ đã đóng góp để trùng tu, tôn tạo từng bước và sắm sửa các đồ thờ tự. Đến năm 2012, dòng họ tổ chức họp bàn trùng tu, tôn tạo, nâng cấp quần thể nhà thờ. Trong lúc đó, quỹ của dòng họ chỉ có 22 triệu đồng. Song nhờ những tấm lòng đóng góp của các thế hệ con cháu gần xa, trong nước và định cư ở nước ngoài dành công đức, người góp công kẻ góp của nên công trình đã hoàn thành nhanh chóng và tốt đẹp. Ông Đỗ Văn Ngưu, một doanh nghiệp ở Tam Hưng – Minh Đức, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng hiến tặng công trình cổng tam quan bằng đá trị giá hàng trăm triệu đồng…

Sau hơn 10 tháng thi công, đầu năm 2013, công trình nhà thờ họ Đỗ đã hoàn thành với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Nhà thờ như một bông hoa đẹp trong quần thể các di tích nhà thờ họ ở vùng đảo Hà Nam.

Cẩm Phượng (CTV)