Giáo sư Tây học trong bộ khăn đóng áo dài
Giữa sắc phục chủ đạo vàng, nâu tại đại lễ Phật đản Vesak ở Hà Nội giữa tháng 5 vừa qua, giáo sư kiều bào Đỗ Đình Chiểu nổi bật với bộ lễ phục dân tộc áo the, khăn xếp.
Giáo sư Chiểu cười và nói vui, không phải ông “bắt chước” các vị nguyên thủ, mà đây là bộ y phục ông thường xuyên mặc trong các dịp lễ hội của người Việt tại Pháp. Nó nhắc nhở ông và mọi người nhớ đến y phục truyền thống của người Việt Nam – áo the, khăn xếp.
Tình yêu quê hương
Giáo sư Vật lý nguyên tử Đỗ Đình Chiểu (ĐH Montpellier – Paris) thường tự hào là người con của quê hương “chiếc gậy Trường Sơn” (Hà Tây). Ông đến học tại Pháp từ năm 1956. Nhờ được thọ giáo những người thầy nổi tiếng cả về tài năng và đức độ như giáo sư Louis Neel (đoạt giải Nobel về Vật lý năm 1970), giáo sư Pierre Gilles de Gennes (đại học Paris), chàng sinh viên Việt Nam Đỗ Đình Chiểu đã quyết định đi theo con đường Vật lý, dù trước đó đã theo học Toán để thi vào ĐH Bách khoa Pháp.
|
Giáo sư Chiểu (phải) đang trao đổi với ông Huỳnh Đảm – Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam. |
Năm 1972, dưới sự hướng dẫn của hai người thầy trên, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ về vật liệu từ. Bản luận án được hội đồng bảo vệ đánh giá là một nghiên cứu quan trọng, mở ra chương mới về nghiên cứu vật liệu từ và đạt hạng tối ưu. Sau đó, ông làm việc tại Trung tâm nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) và Trung tâm nguyên tử Pháp (CEA).
Cũng từ đó, giáo sư Chiểu gắn bó với giảng đường đại học. Ông đã đi giảng tại nhiều trường đại học lớn ở Mỹ, Anh, và nhiều nước khác. Vừa giảng dạy, ông vừa đóng góp tham luận về vấn đề hợp tác giáo dục giữa các nước với Pháp. Nhưng dù ở bất kỳ đâu, ông luôn nhớ đến Việt Nam.
Giáo sư Chiểu thường kể lại câu chuyện mà ông không thể quên. Đó là lần giáo sư Ngụy Như Kon Tum từ Việt Nam sang thăm và nói chuyện tại đại học bên Pháp (khi đó, đất nước vẫn còn chiến tranh), chàng thanh niên Đỗ Đình Chiểu đã bày tỏ mong muốn trở về nước làm việc. Câu trả lời của giáo sư Kon Tum khiến ông bất ngờ, nhưng càng ngẫm càng thấy đúng: “Mỗi người có một phận sự. Các em cứ học đi, sau này thành tài về đóng góp cho quốc gia cũng chưa muộn”. Từ đó, ý thức “thành tài và trở về” dường như luôn thường trực trong ông.
Giáo sư Chiểu không chọn con đường hồi hương như nhiều bạn bè. Trong thâm tâm ông, trở thành một “cây cầu nối” giữa hai quốc gia sẽ tốt hơn.
Cầu nối giữa 2 nền văn hóa
Từ năm 1979 đến nay, giáo sư Chiểu đi, về như con thoi giữa Pháp và Việt Nam, đầu tiên ông cộng tác cùng giáo sư Nguyễn Văn Hiệu bằng cách mang những tài liệu về để tổ chức các buổi hội thảo. Ông từng được anh hùng Phạm Tuân mời về đóng góp ý kiến để chuẩn bị làm thí nghiệm về một số chất đất hiếm.
Mỗi năm, ông về Việt Nam 1-2 tháng để tham gia giảng dạy tại các trường đại học trong nước, cộng tác với các viện khoa học của Việt Nam. Đặc biệt, 10 năm trở lại đây, giáo sư Chiểu phân chia quỹ thời gian rõ ràng: mỗi năm 6 tháng ở Pháp, 6 tháng ở Việt Nam để giảng dạy tại Đại học Bách Khoa (Trung tâm Hi-tech), làm việc với Viện Vật lý, Phân viện khoa học TP HCM. Giáo sư Chiểu nhận xét: “Việt Nam có vốn khoa học rất cao, nhưng chưa có điều kiện để phát huy. Sinh viên Việt Nam đi du học phát huy rất tốt khả năng, nhưng khi đi vào khâu tổ chức làm việc thì chưa hiệu quả. Chúng ta đã chi tiền cho nghiên cứu khoa học, nhưng phải biết quản lý mới mang lại hiệu quả”.
Mới đây, được biết TP.HCM xây dựng đề án về trí thức, trong đó đề cập đến vấn đề trả lương cao (từ 1.000-1.500 USD cho trí thức Việt kiều kèm theo một số ưu đãi khác), ông bày tỏ ý kiến: “Trả lương cao không phải là vấn đề quyết định mà ở cách chúng ta mời và trọng dụng trí thức”.
Bản thân ông trong từng ấy năm làm việc, cống hiến cho quê hương, chưa từng đòi hỏi lương bao giờ. Trái lại, ông còn tự bỏ tiền (tổng cộng khoảng 500 triệu) để làm học bổng tặng cho một số trường trong nước và học sinh nghèo. Giáo sư Chiểu cho biết, tâm trạng của nhiều trí thức đã thành danh ở nước ngoài khi cuối đời đều muốn trở về quê hương. Với kinh nghiệm dồi dào, sức khỏe tốt, những trí thức về hưu có thể đóng góp cho đất nước thêm mươi, mười lăm năm nữa.
Đóng góp ý kiến bằng kinh nghiệm, trực tiếp tham gia một số hoạt động theo khả năng – đó là cách giáo sư Đỗ Đình Chiểu cho thấy mình là người Việt Nam từ trong huyết quản, dù ông đang mang quốc tịch Pháp.
Lý Yến- Báo Đất Việt
|