NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HOÁ GẦN ĐÂY CỦA HỌ ĐỖ VIỆT NAM

NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HOÁ GẦN ĐÂY CỦA HỌ ĐỖ VIỆT NAM E-mail
07/08/2007

KẾT LUẬN CỦA CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC

VỀ NHỮNG TÁC PHẨM VĂN HOÁ GẦN ĐÂY CỦA HỌ ĐỖ VIỆT NAM

Ngày 2/3/2004 Thường trực Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam với sự nhất trí của các dòng họ Đỗ các nơi đã lấy ngày Rằm tháng Hai âm lịch hàng năm làm ngày tưởng niệm liệt vị tiên tổ HĐVN, gọi tắt là ngày Họ Đỗ Việt Nam (không gọi là ngày giỗ tổ). Cũng trong dịp này, dòng họ Đỗ các nơi trong cả nước còn đề ra nguyện vọng có được bài văn tế tưởng niệm liệt vị tiên tổ HĐVN để cho các dòng họ sử dụng chung vào ngày Rằm tháng Hai, và cũng mong có bài ca về Họ Đỗ Việt Nam. Vì vậy, từ năm 2004, Thường trực Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam đã có kế hoạch vận động, trưng cầu trước hết là các vị họ Đỗ trong cả nước và nước ngoài, tham gia sáng tác.

Tiêu chí yêu cầu về bài trên phải đạt được là:

a- Đây là bài văn tế tưởng niệm tất cả các vị tiên tổ họ Đỗ Việt Nam, sử dụng vào Rằm tháng Hai cho tất cả các dòng họ các nơi.

b- Nội dung phải sát, đúng lịch sử họ Đỗ Việt Nam.

c- Biểu lộ được tâm linh, tình cảm tri ân tiên tổ của hậu duệ HĐViệt Nam với tổ tiên của mình.

d- Lời văn trong sáng theo ngôn ngữ Việt Nam hiện đại, không theo ngữ Hán (vì thế không gò bó theo Đường luật, miễn là lời hay, súc tích, ý đẹp có sức truyền cảm sâu nặng).

KẾT LUẬN VỀ BÀI VĂN TẾ TƯỞNG NIỆM LIỆT VỊ TIÊN TỔ HỌ ĐỖ VIỆT NAM

Qua 3 năm trưng cầu sáng tác, chúng tôi đã nhận được gần 20 bài nhiều thể loại thơ, phú và các bài đó đều được đăng trên các bản tin. Bản Thông tin HĐVN số 19 (tháng 7/2006) đã chọn ra được 10 bài ít nhiều có nội dung tốt để bà con dòng họ các nơi nghiên cứu cho ý kiến lựa chọn lấy một số bài, để tiếp tục tuyển chọn được một bài tương đối đạt yêu cầu hơn.

Năm qua, chúng tôi tiếp tục tham khảo ý kiến rộng rãi, cả các vị trong họ Đỗ và ngoài họ Đỗ, lấy ý kiến đóng góp của dòng họ các nơi và thấy đã đến lúc kết thúc cuộc vận động sáng tác này.

Dựa trên các tiêu chí yêu cầu về nội dung đặt ra từ đầu (và một số lần đã nhắc lại trên bản tin), chúng tôi đã chọn ra vài bài, qua so sánh tương đối, cuối cùng chọn một bài, về cơ bản đạt được các tiêu chí yêu cầu đặt ra. Đó là bài của ông Đỗ Văn Minh gốc họ Đỗ Tĩnh Gia, Thanh Hoá, hiện định cư ở ngõ 7, khu 1, Đông Triều, Quảng Ninh. Bài này đã được đăng lần đầu ở Bản tin số 14 (tháng 4/2005), đăng lại cùng 9 bài khác trong Bản tin số 19 (tháng 7/2006) và đăng lại có sửa chữa ở Bản tin số 20 (tháng 10/2007). Bài này đã được đạo diễn đưa vào trong phim tư liệu tập I Họ Đỗ Việt Nam. Dưới đây là bài văn tế tưởng niệm liệt vị tiên tổ họ Đỗ Việt Nam của tác giả Đỗ Văn Minh được Thường trực BLL Họ Đỗ Việt Nam chính thức tuyển chọn để sử dụng chung vào ngày Rằm tháng Hai:

              Trời nay ấm áp

              Đang độ xuân phân

              Cây cây nẩy lộc

              Đỗ Đậu sinh chồi

              Sắc xuân tươi đẹp

              Sáng chiếu thập phương

              Tưng bừng lễ Tổ, rực rỡ cờ bay (1)

              Giơ cao biểu tượng – Họ Đỗ Việt Nam.

                                   *

               Trống chiêng nổi ba hồi

               Ánh lửa thiêng bừng sáng

               Khói nhang toả thơm bay

               Lòng thành dâng lễ, bái Tổ tôn linh

              Với khí thiêng núi cao sừng sững

               Hoà âm vang biển cả dạt dào

              Sơn hà thống nhất

              Từ Hữu Nghị quan đến Mũi Cà Mau

              Địa linh nhân kiệt

              Trăm họ một lòng

               Lớp lớp cùng một cội

               Năm ngàn năm lịch sử vẻ vang.

               Họ Đỗ xin một ngày đại lễ

               Để tôn vinh liệt vị tổ tiên

               Con cháu nơi nơi mọi miền

               Đồng tâm nhiệt thành tế Tổ

      Chúng con nghiêm trang :Hướng về di tích cổ

               Gò Thiềm Thừ, vùng lịch sử Ba La

               Bia Con Cóc sánh cùng trời đất

               Tám mộ trường tồn – Dấu tích linh xưa. (2)

Kính cẩn thưa rằng:

               Vật hữu tại thiên, nhân sinh do tổ

                Họ Đỗ trường tồn, sinh sôi nẩy nở

               Hậu thế vinh hoa, nhờ phúc cội nguồn

               Nghĩ về Người trước, nhớ đến công ơn.

               Xưa mở nước Văn Lang một cõi

               Từ Hùng Vương – nguồn cội

Nay Việt Nam, kỷ nguyên Hồ Chí Minh – vĩ đại quang vinh

                Bao hiển thánh anh hùng, bất tử.

                Nhà nước Văn Lang chặng đầu lịch sử

                Bao anh hào họ Đỗ góp công.

                Xin kính cáo tiên linh Thượng tổ

                Xin kính mời cụ Long Đỗ – tiên linh (3).

                Xin kính cáo tôn bà: Đỗ Quý Thị

                (Có tên là công chúa Đoan Trang)

                 Xin kính cáo tôn thần trong họ

                 Tám con trai họ Đỗ – Bát Bộ kim cương.

                 Xin kính cáo các bậc tiền hiền liệt vị

                 Những anh hào họ Đỗ Việt Nam

                 Xin kính cáo những tiên linh đất nước

                 Cùng hội về thượng hưởng, hỡi ơi!

                 Xin các bậc tiên linh chứng giám

                Tấm lòng thành của hậu thế hôm nay.

Tự hào thay:

                 Lớp lớp con Hồng cháu lạc

                 Thật giỏi dang xây dựng cơ đồ

                 Từ buổi đầu manh mún, hoang sơ

                 Đến thời đại văn minh rực rỡ.

                 Trải bao phen đất nước lâm nguy

Vượt qua đói nghèo, thắng quân thù cường bạo

                 Tâm thành, trí dũng, thông minh

                 Lo đất nước trường tồn, hưng thịnh.

                 Thật tự hào dân tộc Việt Nam vĩ đại

Bao anh hùng hào kiệt, như thần thánh hiển linh,

Những người con bất diệt, người đời mãi tôn vinh.

                 Họ Đỗ Việt Nam ta

                 Cùng bao người anh hùng, hào kiệt

                 Xin tự hào kiêu hãnh hôm nay:

                 Các bậc tiên linh họ Đỗ

                Thuộc lớp người Thượng tổ xa xưa.

                Đỗ Quý Thị, cùng tám người em ruột

                Giúp nhà Hùng dựng nước Văn Lang

                Người họ Đỗ anh tài, thời phong kiến

               Gần trăm người đỗ đạt đại khoa

               Xếp thứ sáu trong bảng vàng bia ký

               Có hàng trăm sứ thần, quan võ

               Bao anh tài đã nối tiếp đời nay.

Nét đẹp thay:

               Hướng về viêc họ

               Hậu thế một lòng

               Ngưỡng vọng tổ tông

               Sưu tầm nguồn cội

               Sách “Họ Đỗ Việt Nam” ra đời nhiều tập(4)

               Ghi bao điều công đức tổ tiên

                Các hào kiệt, anh hùng tộc Đỗ

                Đã lưu danh, trong sách quý này.

                Những “Thông tin việc họ” lâu nay(5)

                Bao ý chí lòng thành ở đó

                Bao hảo tâm nhiệt tình giúp đỡ

                Những con người nghĩa cả với tổ tiên.

                                   *

                Trời cao sáng tỏ giờ thiêng

                Cúi mình bái tạ tổ tiên thánh hiền

                Xin ngưỡng vọng, tôn linh tiên tổ

                Nối tiếp đời đời họ Đỗ Việt Nam.

                Cầu cho Tổ quốc giang sơn

                Trên đà phát triển phồn vinh mọi bề

                Cho đất nước thái bình, đổi mới

                Cho dân giàu, nước mạnh, văn minh.

Nguyện rằng:

                 Bảo tồn di tích thiêng liêng

                 Phụng thờ tiên liệt, kính tôn Tổ đường

                 Noi theo truyền thống cội nguồn

                 Quan tâm việc họ giữ gìn gia phong.

                 Nhất tề họ Đỗ một lòng

                 Góp xây bảo vệ non sông huy hoàng.

Đỗ Văn Minh, gốc họ Đỗ – Tĩnh Gia – Thanh Hoá

Hiện ở: Ngõ 7-khu I – Đông Triều – Quảng Ninh

ĐT: 033 670 652

(1)Ngày tưởng niệm liệt vị tiên tổ họ Đỗ Việt Nam vào Rằm tháng Hai âm lịch (gọi tắt là ngày Họ Đỗ Việt Nam)

(2) Vùng đất Ba La ở (Hà Đông) có các di tích cổ: Mộ và miếu thờ cụ bà Đỗ Quý Thị. Còn ở gò Thiềm Thứ (gò Con Cóc) thuộc đất Vân La gần ngã ba Ba La thị xã Hà Đông về hướng Đông, rộng khoảng 1 sào Bắc bộ là nơi đặt mộ 8 người em trai cụ (gọi là Bát Bộ kim cương); có 02 bia con cóc + 4 mặt có chữ Nho.(Xem sách họ Đỗ Việt Nam tập một, NXB VN-TT, 2001,tr589-591).

(3) Theo truyền thuyết Cụ Long Đỗ là cha của cụ Đỗ Quý Thị và Bát bô kim cương. Đến nay, sách Họ Đỗ Việt Nam do chưa có đủ tư liệu, chứng tích về Cụ, nên vẫn coi là truyền thuyết, chưa chính thức coi Cụ là người họ Đỗ xa xưa nhất.

 (4) Sách Họ Đỗ Việt Nam tập I:720 trang, xuất bản năm 2001 và tập II: 1110 trang, xuất bản năm 2004, Nxb Văn hoá – Thông tin.

 (5) ” Thông tin họ Đỗ Việt Nam” số ra đầu tiên năm 2001 (3 tháng 1 lần) đến nay tính đến tháng 7/2007 đã ra được 23 số, và còn tiếp tục…
Nguồn hodovietnam.vn