Họp ban liên lạc họ Đỗ tại làng Giẽ

Thông tin về cuộc họp ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam hằng năm tại làng Giẽ, xã Phú yên, huyện Phú Xuyên, Hà Tây (26/3/2006)
Đây là cuộc gặp mặt lần đầu tổ chức ở cách xa Hà Nội trên 40 Km.Thời tiết sáng sớm hôm đó có mưa phùn và se lạnh, có ảnh hưởng đến sức khỏe của các vị cao tuổi muốn đến dự. Nhưng rất vui mừng là đại diện các dòng họ, các ban liên lạc của các họ Đỗ khu vực các nơi tới dự rất đông, Tổng số các vị họ Đỗ các nơi từ Quảng Trị trở ra là 180, trong đó có 86 vị là thành viên cũ và 94 vị tham dự lần đầu; các vị làng Giẽ có 120 vị đến dự và phục vụ cuộc họp; Đại biểu các họ bạn là khách mời 10 vị; đại diện chính quyền, đoàn thể, họ bạn làng Giẽ, xã Phú Yên là 32 vị. Có 20 vị họ Đỗ ở xa đến từ 1-2 hôm trước ngày họp.

Các đại biểu đến dự đều rất cảm kích, đánh giá cáo việc tổ chức chu đáo và thái độ đón tiếp rất mực thân tình, cởi mở của bà con cùng họ Đỗ của họ Đỗ Quang làng Giẽ. Đại biểu đều tỏ ra hài lòng và gửi lời cám ơn chân thành về sự đón tiếp. 20 vị ở xa đến trước được bà con họ Đỗ Quang ở đây chăm với tất cả sự cố gắng  thu xếp nơi nghỉ ngơi, ăn uống (không thu tiền)

Về nội dung cuộc họp: Bản báo cáo 9 năm hoạt động của Thườn trực ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam và các ban liên lạc họ Đỗ khu vực, các dòng họ được trình bầy tóm tắt tại cuộc họp , trong đó có 02 vấn đề lớn là:

– Đến nay tổ chức của Họ Đỗ Việt Nam đã có thành viên đông đảo, cần thiết đặt ra vấn đề đổi mới hình thức tổ chức thế nào cho thích hợp để huy động được mọi tiềm năng, khả năng của các vị, các dòng họ tham gia vào công việc chung, vì sự phát triển tiến bộ vững chắc của Họ Đỗ Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Hầu hết các phát biểu của các đại diện đều tán thành hướng tổ chức này trong thời gian tới.

– Phấn đấu sớm cải tiến từng bước phương thức hoạt động, đặc biệt là công nghệ thông tin để mở rộng nội dung hoạt động, tăng thêm quan hệ giao lưu, tụ hội… theo tôn chỉ mục đích của các BLL Họ Đỗ Việt Nam đã xác định. Vấn đề này nói chung được nhiều vị đồng tình nhưng cũng còn có vị phân vân lo lắng về nguồn chi phí tài chính cho việc làm này và sao cho có hiệu quả, tiết kiệm. Khi đặt ra vấn đề này chúng tôi đã tính đến sự cấp thiết của nó và vẫn phải theo nguyên tắc là liệu cơm gắp mắm nhưng cần thiết, tiết kiệm, hiệu quả về thu chi tài chính như từ khi thành lập ban liên lạc đã xác định.

Tại cuộc họp đã đọc thư, điện chúc mừng và góp ý tham gia vào nội dung báo cáo của các ban liên lạc khu vực thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận, Ban vận động thành lập ban liên lạc khu vực Khánh Hòa, Ban liên lạc lâm thời họ Đỗ khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng. Cuộc họp cũng nhận được điện thư gửi tới của cá nhân các vị họ Đỗ và dòng họ Đỗ nhiều nơi chúc mừng và tỏ ý rất tiếc vì lý do thời tiết, sức khỏe không tới dự cuộc gặp mặt tình nghĩa này.

Trước khi vào phần báo cáo, toàn thể mọi người đã chỉnh tề hướng vào bàn thờ tổ họ Đỗ Quang, làm lễ dâng hương tại từ đường họ Đỗ theo nghi thức cổ truyền với 03 hồi trống triêng vang dậy ( xem tin về cuộc họp từ hậu duệ ông Đỗ Quang Ánh, họ Đỗ làng Giẽ Hạ).

Bài văn  chào mừng cuộc họp của đại diện họ Đỗ Quang và chính quyền xã Phú Yên được mọi đại biểu chăm chú lắng nghe và nhiệt tình hoan nghênh.

Tin từ ông Đỗ Quang Ánh (làng Giẽ Hạ), về cuộc họp Họ Đỗ Việt Nam ngày 26/3/2006 tại từ đường làng Giẽ Hạ.

Đây là một ngày hội lớn hiếm có đối với họ Đỗ làng Giẽ Hạ, cũng là ngày hội gặp mặt đầy tình nghĩa của bà con họ Đỗ khắp mọi miền đất nước hằng năm. Từ sáng sớm bà con họ Đỗ đã kéo nhau về tụ hội tại từ đường họ Đỗ Quang làng Giẽ hạ. Mọi người phấn khởi, hồ hởi vui mừng như những người xa quê nay được về gặp gỡ người thân tại một điểm đã từng ghi dấu nơi định cư họ Đỗ từ 500 năm trước (theo phả cũ cho biết).

Ngôi nhà thờ không lớn song cũng đủ để trên 300 con người tụ hội về đây với niềm xúc cảm thiêng liêng khi 3 hồi trống, chiêng cất lên vang động cả một vùng, khói hương nghi ngút làm lễ dâng hương tưởng nhớ các tiền nhân họ Đỗ.

Cuộc họp mặt rất vui mừng được đón tiếp ông Vũ Mạnh Hà, Trưởng ban liên lạc các dòng họ Việt Nam, cùng đại diện BLL toàn quốc các họ Bạn: Trần; Tạ; Tô; Nhữ; Nguyễn; Vũ; Đặng; v.v…với sự có mặt của chính quyền, đoàn thể xã Phú Yên cùng các dòng họ Đỗ định cư ở trong hai làng Giẽ Hạ, Giẽ Thượng đến tham dự.

Trong niềm hân hoan, đại biểu các dòng họ khắp nơi đều vui mừng nói lên tình cảm của mình khi được về dự cuộc họp tại một vùng quê đổi mới, tổ chức tại từ đường của một dòng họ Đỗ với cảm xúc rất đặc biệt trong mỗi người, từ sâu thẳm trong lòng như có gì thôi thúc, ai cũng ao ước đến một ngày được đón tiếp các chi tộc họ Đỗ khắp nơi về tụ hội, tổ chức tại quê hương mình.

Cuộc họp rất phấn khởi nhận được thư của nhiều dòng họ Đỗ và ban liên lạc họ Đỗ khu vực chúc mừng và góp ý kiến thiết thực. Thành công của cuộc gặp mặt không những là do chuẩn bị tích cực cụ thể, tỷ mỷ của Thường trực BLL họ Đỗ Việt Nam, của bà con dòng họ Đỗ Quang, mà còn thu hút được quan tâm của chính quyền địa phương từ quá trình chuẩn bị đến kết thúc. Ông chủ tịch UBND xã Phú Yên Nguyễn Quang Nam đã phát biểu: “Hội nghị Họ Đỗ Việt Nam chẳng những là của riêng họ Đỗ mà đối với địa phương còn là một sự kiện văn hoá để mọi người cùng đồng tâm, đồng thuận, đồng hành trong việc xây dựng nền văn hoá mang bản sắc dân tộc Việt Nam trên con đường đổi mới”.

16h cùng ngày cuộc họp mặt đã kết thúc trong sự lưu luyến của bà con địa phương. Còn các đại biểu, ai cũng cảm thấy mình chưa làm hết những điều dự định, chưa nói hết những cảm xúc dâng trào trong lòng với bà con họ Đỗ sở tại. Cuộc họp đã thành công, để lại trong lòng mỗi người những ấn tượng không thể nào quên trong cuộc giao lưu đặc biệt hiếm có và đầy ý nghĩa tại làng Giẽ này.

Thật vậy, như trong thư cảm ơn của Thường trực BLL họ Đỗ Việt Nam, Trưởng ban PGS Đỗ Tòng đã có lời như sau: “Cuộc họp mặt hàng năm toàn thể ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam ngày 26/3/2006 do bà con họ Đỗ Quang làng Giẽ Hạ có nhã ý nhận đăng cai tổ chức, cùng với sự nhiệt tình ủng hộ của lãnh đạo chính quyền và đoàn thể xã Phú Yên đã thành công tốt đẹp.

Đại diện của mấy trăm dòng họ, các ban liên lạc họ Đỗ khu vực nhiều nơi từ Nam ra Bắc tới dự cuộc họp mặt, đã rất cảm động về sự tổ chức, đón tiếp chu đáo đầy lòng mến khách của bà con họ Đỗ Quang và cơ quan đoàn thể địa phương. Rất nhiều vị coi đến đây là dịp hiếm có trong đời mình.

Các đại diện họ Đỗ cũng như khách mời đại biểu của ban liên lạc toàn quốc các họ Bạn tới dự cuộc họp mặt đều biểu thị tấm lòng ngưỡng mộ con người, cảnh vật làng Giẽ Hạ, xã Phú Yên – một địa danh cổ xưa, cũng như ngày nay đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử, một làng nghề phát triển, giầu có, đầy tương lai rực rỡ theo sự đổi mới của đất nước…”

Hội nghị đã bế mạc những dư âm vẫn còn sâu sắc tong lòng mỗi người dân địa phương, đặc biệt với bà con họ Đỗ Quang, ai cũng phấn chấn rạng rỡ hẳn lên tự hào được đón tiếp bà con họ Đỗ các nơi, tự thấy trách nhiệm hơn với tổ tiên, với dòng họ mà lâu nay chưa phải ai cũng quan tâm đầy đủ.

Phú Xuyên, tình đất, tình người
 

Phó Chủ tịch Hội Da giầy Phú Yên kiểm tra chất lượng sản phẩm.

 

Dọc theo quốc lộ 1A về phía nam, cách Hà Nội chừng 35km, đến Phú Xuyên một vùng đất nổi tiếng một thời oanh liệt trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Những chàng trai, cô gái dân quân tay cày, tay súng bảo vệ Cầu Giẽ – huyết mạch của quốc lộ 1A vận chuyển người, vũ khí, khí tài tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Nay, những chiến sĩ sao vuông của LLVT Phú Xuyên … là những doanh nghiệp trẻ, những chủ trang trại tài năng, xây dựng quê hương thêm giàu, thêm đẹp… ở Phú Xuyên có tới gần trăm làng nghề truyền thống: Nghề khảm trai ở làng Chuôn Ngọ (Chuyên Mỹ), nghề làm giấy ở An Cốc, nghề dệt ở Sơn Hà, nghề đan giỏ bằng cỏ tế ở Phú Túc, nghề giày da ở Phú Yên…

Người Phú Xuyên chịu ảnh hưởng của Nho giáo hiếu học, trọng đạo nghĩa. Đến Phú Xuyên ở bất kỳ làng nào ta cũng dễ dàng nhận thấy những văn chỉ được khắc trên bia đá có từ hàng mấy trăm năm về trước: “Văn là để chở đạo, văn từ Nho học mà ra gọi là đạo. Lễ là duyên tình, lễ trở về gốc gọi là tính”. Những văn bia nói rõ tôn chỉ mục đích của đạo Nho, trọng người có học và để ghi lại công đức của những người đã từng đỗ khoa bảng các kỳ thi làm quan để thế hệ sau theo gương mà hiếu học.Từ xưa, ở làng Phượng Vũ (xã Phượng Dực) có tới 12 dòng họ với 230 người đỗ đạt qua các kỳ thi hương, thi hội, làm quan trong các triều đại phong kiến.

Trong hai cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc, hàng chục nghìn người con Phú Xuyên đã cống hiến cuộc đời, tuổi xuân và xương máu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong số đó có những người đã trở thành những vị tướng tài như: Thượng tướng Phùng Thế Tài, Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh, Trung tướng Anh hùng LLVTND Nguyễn Đức Soát, Anh hùng lái xe Phạm Văn Cán… và 6 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Cả huyện có 4.029 người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên khắp các chiến trường của Tổ quốc. 178 bà mẹ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Kinh tế ngày một phát triển, toàn huyện có 236 trang trại chăn nuôi các loại. Làng quê ngày một trù phú, người dân Phú Xuyên vẫn chăm chỉ làm ăn cấy cày và nghề truyền thống. Những sản phẩm đồ gỗ khảm trai của xã Chuyên Mỹ không chỉ nổi tiếng khắp trong nước mà còn theo chân du khách sang khắp trời Âu, Phi, Mỹ…

Làng nghề giày da xã Phú Yên  là nơi đầu tiên trong cả nước thành lập Hiệp hội giày da cơ sở. Nghệ nhân Trần Hữu Tiễu, Chủ tịch Hiệp hội cho chúng tôi biết: Hiệp hội có hơn 300 hội viên, đều là những nhà sản xuất giày da các loại. Xã có 250 tổ hợp sản xuất, thu hút hàng nghìn lao động. Mỗi năm cung cấp 5 – 7 triệu đôi giày da các loại cho thị trường giày Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Bí quyết làm giày cụ được học từ thuở nhỏ, khi làm thuê cho ông chủ người Pháp ở Hải Phòng, cùng với kinh nghiệm cụ đúc rút trong mấy chục năm đóng giày ở Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng), nay truyền lại cho thế hệ trẻ. Giày da Phú Yên đẹp, bền, giá cả hợp lý, có uy tín trên thị trường.

Về Phú Yên, chúng tôi không chỉ được tận mắt chứng kiến những làng nghề truyền thống sầm uất, mà còn được nghe chuyện của những nữ dân quân anh hùng một thời hiên ngang đối mặt với “thần sấm”, “con ma”, đạp lên bom đạn của đế quốc Mỹ, bảo vệ Cầu Giẽ – huyết mạch giao thông quan trọng. Những chàng trai, cô gái đầu đội mũ sắt, ngồi trên mâm pháo phòng không thuở nào, nay đã vào tuổi ngũ, lục tuần và đã trở thành những chủ cơ sở sản xuất giỏi, giàu kinh nghiệm kinh doanh.

Phú Xuyên những ngày này bừng lên sắc xuân mới. Hàng hóa tấp nập bán mua. Những lô hàng cuối cùng hối hả lên xe chở cho khách để kịp giao hàng. Trên cánh đồng đậu tương đông đang kết những chùm quả sai trĩu, hứa hẹn một mùa bội thu. Lúa chiêm bắt đầu bén rễ, vụ tới mưa thuận gió hòa Phú Xuyên lại được mùa ấm no. Người có công chăm sóc, đất chẳng phụ lòng người.

NGUYỄN THỊ TÂM BẮC – Báo Quân đội nhân dân

 

Hội Da giầy Phú Yên:
 
Phú Yên là làng nghề truyền thống của huyện Phú Xuyên (Hà Tây), sản xuất giầy da nổi tiếng nhất tỉnh. Sớm thích ứng với cơ chế thị trường, ngành nghề phát triển nhanh, đến nay đã có 61% số hộ dân trong xã tham gia sản xuất hàng hoá

Xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên tại thời điểm này có trên 300 cơ sở sản xuất, kinh doanh giầy. Trong 4 thôn của xã, từ Giẽ Hạ lên Giẽ Thượng đều san sát cửa hàng bán giầy và những cơ sở sản xuất giầy.

Năm 2006, giá trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ từ nghề giầy ở xã đạt gần 20 tỷ đồng. Cách đây hơn 3 năm Hội Da giầy của xã được thành lập và đã tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Hội có trên 200 hội viên, sinh hoạt tại 4 chi hội. Hoạt động của Hội được cấp ủy và chính quyền địa phương xếp như một đoàn thể chính trị của xã. Đảng ủy xã trân trọng đánh giá: Hội Da giầy đã năng động trong mọi mặt, có tác dụng to lớn tiếp sức thêm cho làng nghề Phú Yên phát triển.

Nghề đóng giầy ở Phú Yên có từ hơn 100 năm nay. Thuở xa xưa cả làng chỉ có khoảng dăm, mười nhà đóng giầy “tây” nhưng lại ra Hà Nội hoặc đi các tỉnh xa làm ăn. Thời chiến tranh cả nước đi dép cao su lại càng ít nhà làm giầy. Không chịu bỏ nghề, một số các cụ cao tuổi động viên con cháu cố gắng vượt qua khó khăn trở ngại. Từ năm 1993 trở lại đây, nghề sản xuất, kinh doanh giầy có điều kiện phát triển mạnh. Nhanh nhạy trong thương trường, để tập trung phát huy thế mạnh, Hội Da giầy của xã được thành lập. Hàng năm, chương trình công tác của Hội được bàn bạc thông qua và triển khai tới các cơ sở sản xuất. Thông qua các mối quan hệ, Hội đã được Hiệp hội Da giầy Việt Nam phối hợp tổ chức được từ 2 đến 3 lớp tập huấn/năm về: Bảo đảm vệ sinh an toàn cho sản xuất; kiến thức quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng sản phẩm… Hội cũng tổ chức cho các hội viên tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước, động viên, tạo điều kiện cho những cụ có tay nghề cao tham dự các cuộc thi. Năm 2004 có 14 hội viên trong làng,  trong đó có những nghệ nhân nổi tiếng có tay nghề cao như các Cụ Lê Văn Thịnh, Đỗ Quang Giống, Trần Hữu Tiễu… tham gia cuộc thi Mẫu giầy thời trang toàn quốc mang tên: Nhịp bước thời đại. Kết quả hội viên, cụ Lê Văn Thịnh đạt giải ba về giầy nam. Trong năm qua, cụ Trần Hữu Tiễu (88 tuổi), Chủ tịch Hội Da giầy Phú Yên được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề. Cụ là 1 trong số 31 cụ trong toàn tỉnh được vinh dự nhận danh hiệu này. Cùng giữ vai trò chủ chốt của Hội Da giầy Phú Yên còn có ông Lưu Xuân Chúng, Phó Chủ tịch Thường trực. Ông Chúng tỏ ra có nhiều kinh nghiệm về hoạt động Hội trong lĩnh vực giúp đỡ nhau cùng phát triển nghề bởi đã gắn bó với nghề từ 45 năm nay. Ông bảo: Điều làm cho khách hàng ưa chuộng sản phẩm của làng là do giầy được đóng bằng da bò chính hiệu. Để làm được một đôi giầy cần đến 60 loại vật liệu khác nhau. Khoảng 80% nguyên liệu là mua từ trong thành phố Hồ Chí Minh, số còn lại là nhập từ Trung Quốc. Trong 12 tổ hợp sản xuất hiện nay có nhiều cơ sở tiêu thụ 6 đến 7 vạn đôi giầy/năm. Từ ba năm trở lại, mỗi năm Phú Yên sản xuất và bán được xấp xỉ 7 triệu đôi giầy. Khi có hợp đồng với số lượng lớn, một số gia đình đã hợp tác cùng thực hiện để bảo đảm thời gian giao hàng. Hai vấn đề làm cho kết quả sản xuất, kinh doanh đạt cao là do chất lượng hàng bảo đảm và giá bán phù hợp. Một số khâu thủ công trong công đoạn sản xuất hiện nay đang được dần thay thế bằng máy. Cùng với chất lượng, việc thay đổi mẫu hàng cũng được quan tâm. Từ giầy đế nhọn đến đế bằng, từ mũi nhọn đến mũi truyền thống luôn được thợ thay đổi.

Điều gây ấn tượng nhất ở Phú Yên là hầu như lãnh đạo chủ chốt của xã đều là những “cây đa, cây đề” trong sản xuất, kinh doanh giầy. Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Nguyễn Văn Bốn tuy chưa nhiều tuổi nhưng anh là một trong những người có tay nghề nổi tiếng trong làng. Thời điểm cao nhất gia đình anh có tới 7 cửa hàng bán giầy tại khu vực. Mấy năm gần đây anh không trực tiếp sản xuất, kinh doanh nghề giầy nữa mà chuyển sang làm kinh tế trang trại nhưng hỏi bất cứ việc gì liên quan đến nghề anh đều thông thạo. Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Hải chỉ đạo gia đình cung ứng nguyên vật liệu sản xuất giầy đủ cho các hộ trong làng. Theo các anh, khi hội nhập kinh tế quốc tế, làng nghề rất cần có các hiệp hội để tập trung sức mạnh. Hội Da giầy Phú Yên đang hoạt động theo hướng đó./.

Hương Phúc- Hà Tây online 

 

      Giới thiệu về làng Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây.

Từ thủ đô Hà Nội theo con đường xuyên Việt (1A) về phía Nam đến cây số 40 (thuộc huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây) ta gặp một cây cầu vắt qua dòng Mang Giang (một nhánh của sông Nhuệ) đó là Cầu Giẽ. do nhân dân đặt tên từ xa xưa để ghi nhớ một sự kiện lịch sử năm 1789 khi một cánh quân của vua Quang Trung tiến quân ra Bắc do Đại đô đốc Đặng Tiến Đông chỉ huy đã rẽ qua làng tiến về tây nam Thăng Long để tiêu diệt 20 Vạn quân Mãn Thanh.

Hiện nay, Hà Nội đi về phía Nam đến đầu cầu Giẽ phía bờ bắc, quẹo tay phải theo đường 75, đi mấy trăm mét đến làng Giẽ Hạchính là làng Thịnh Phúc (1) ngày xưa nơi Đặng Tiến Đông sinh ra trong dòng họ Đặng một thời vinh hiển có tới 18 quận cộng và nhiều vị tước hầu. Đô đốc Đặng Tiến Đông đã tự tay ghi vào phả tộc rằng: Ông đã sinh ra ở làng Thịnh Phúc vào giờ Sửu ngày 2 tháng 5 năm Mậu Ngọ (tức 18-6-1738).

Làng Giẽ Hạ có từ 400 năm trước Công Nguyên, lúc đầu chỉ có một số gia đình lập thành trang trại gọi là Phúc Trang (cuối thời Hùng Vương). Trải qua thời gian, sau đổi là làng Tĩnh Phúc, đến triều nhà Lê, Lê Quang Hưng thứ 15 (1586) đổi thành làng Thịnh Phúc, đến triều Nguyễn Gia Long (1802-1820) lại đổi là làng Thịnh Đức Hạ.

Sau Cách mạng tháng Tám, lây lại tên cũ là làng Giẽ Hạ, thuộc xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Tây, vì làng gắn liền với Cầu Giẽ, địa danh lịch sử một thời oanh liệt.

Làng Giẽ Hạ vốn là một làng quê cổ, được cụ Lang Canh (tức cụ Đỗ Thị Trần) người con gái dòng họ Đỗ Quang, lúc đương thời đã đặt vè ca ngợi cảnh đẹp của làng:

Cảnh làng Hạ

Đồn rằng Thịnh Hạ ta đây (2)

Có hồ bán nguyệt có cây bàng già

Bến hồ thì lát đá hoa

Hai bên giải vũ thật là xinh thay

Bóng râm cây tiếp liền cây

Lại có cái điếm ở ngay cổng đình

Đường làng lát đá thật xinh

Lát từ cổng đình cho xuống xóm Đông

Khen cho ba xóm có công (3)

Thu nhặt từng đồng lát đá cho sang

Làng ta đi lại đàng hoàng

Có thêm cái chợ cuối làng cũng vui (4)

Đằng trước có cái giếng thơi

Đằng sau có phủ (5) cạnh nơi có đình

Trông sang cái quán một mình

Nhìn vào quán ấy thực tình chín gian

Quán này gác chải (6) của làng

Từ đời ông Hộ lập sang quá này

Giai làng làm thợ giầy, may

Con gái ngày ngày giữ việc đăng ten (7)

Ai đi qua đấy đều khen

Nhìn cảnh làng Hạ, mà thèm đến chơi…

Làng Giẽ ngày nay đã thay đổi rất nhiều, nhưng những nét đẹp văn hoá của làng thì không ai đã từng sống ở đây có thể quên. Làng Giẽ Hạ có 20 dòng họ đã cùng nhau xây đắp nên cảnh quan của làng, trong đó có hai dòng họ Đặng và họ Đỗ Quang đông người và lâu đời ở đây đã góp phần tích cực mà dấu tích vẫn còn đến ngày nay.

Tại xóm Đông Giềng (8) vẫn uy nghi trầm mặc một ngôi từ đường cổ của họ Đỗ Quang, được xây cất từ đời Thiệu Trị năm thứ 5 (14/8/ất Tỵ, 1845), toạ lạc trên một khu đất rộng 1,4 sào Bắc bộ. Tính đến nay, ngôi từ đường có tuổi gần 200 năm, được xếp vào loại kiến trúc cổ. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi nhà thờ họ Đỗ Quang vẫn giữ được những nét nguyên sơ, với những hiện vật quý như: Cửa Võng, Khám thờ, hoành phi, câu đối và các đồ tế khí: Tàn lọng, trống chiêng, bát bửu v.v…

Hai bức đại tự trong nhà thờ:

– Đỗ thị từ đường

– Kim Ngọc trùng quang

Cùng các câu đối từ xa xưa còn lưu giữ được:

1)- Hệ xuất lương chi cao đạo công khắc khai quyết hậu,

– Quang lưu dực thế trung tương hữu duy vi tri tiên.

2) – Đức nghiệp gia chung thuỷ nhất,

     – Thần minh tri trúc tử tôn an.

Lời văn ghi trên đây đã nói lên đức nghiệp và khát vọng lớn lao của tổ tiên dòng họ, và cũng là lời nhắn nhủ con cháu đời sau. ý tưởng đó thực tế được thể hiện từ thế kỷ 15, dòng họ đã có hai cụ đã được phong danh hiệu:

“Đặc tiến quả cảm tướng quân”

“Trung thành môn vệ uý”

Đó là tướng công Đỗ Quang Tân (tự là Quang Doãn và em là tướng công Đỗ Quang Thời (tự là công Trực).

Thế kỷ 18, có cụ Đỗ Quang Côn làm quan dưới triều vua Lê Hiển Tông được phong chức Trung uý, tước Phúc nghĩa Bá, vào bậc ngũ phẩm triều đình; Cụ Đỗ Quang Oánh phụ thân của cụ Đỗ Quang Côn, được nhà vua phong: “Yết trung tướng quân cẩm y vệ” chỉ huy sứ, chỉ huy sứ đồng tri, Vân kỵ uý và ban danh hiệu cho bà Nguyễn Thị Bằng (chính thất của cụ Đỗ Quang Côn) “Lệnh nhân”, hiệu “Y đức”, tên thuỵ là “Trang thân trung tự”. Hai sắc trên được khắc vào gỗ sơn then thiếp bạc còn được lưu giữ đến nay, qua 220 năm vẫn nguyên bản gốc.

Từ xa xưa, họ Đỗ Quang có một phong tục đặc biệt tốt đẹp “khao các nàng dâu” đầu năm, vào ngày 3 tết, dâu họ tề trực tại nhà thờ làm lễ tổ và chia phần lộc cho mỗi dâu họ. Vì các cụ quan niệm: Nàng dâu hiền là người sinh lan, sinh huệ, là người gánh vác cơ nghiệp, là người trực tiếp nuôi dạy nhiều thế hệ con em, làm nên vinh hiển cho dòng họ.

Trải qua 500 năm lịch sử với bao biến động, 20 thế hệ kế tiếp nhau từ một gốc 2 cành, ngày nay dòng họ có trên 100 hộ với 350 nhân khẩu (chưa kể những người làm ăn xa).

Từ khi khai cơ lập nghiệp đến nay, dòng họ Đỗ Quang cũng như nhân dân cả nước qua nhiều bước thăng trầm, nhiều phen binh lửa, giặc Giẽ. Nhưng trong hoàn cảnh nào dòng họ cũng đùm bọc, giúp đỡ, sẻ chia để cùng nhau vượt qua thử thách.

Trong kháng chiến chống Pháp, nhiều con em trong họ thoát ly kháng chiến, người ở lại rào làng chiến đấu, sát cánh cùng bộ đội đánh thắng nhiều trận càn lớn của địch vào khu Cống Thần, Chợ Đại một thời từng được mệnh danh là Thủ đô kháng chiến (nhà văn Nam Cao lấy tư liệu vùng này để viết truyện ngắn “Đôi mắt”).Trong cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ dân quân làng Giẽ- trong đó hơn một phần ba là người họ Đỗ đã dùng súng bộ binh bắn hạ máy bay “Con ma” của không lực Hoa Kỳ. Địch đã trút xuống cầu Giẽ huyền thoại 11.460 trái bom, 99 tên lửa nhưng cầu vẫn hiên ngang đứng đó, được nhạc sỹ Nhật Lai ngợi ca bài hát Hà Tây quê lụa.

“Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ”

Xã chúng tôi được phong tặng xã Anh hùng LLVT. Tượng đài chiến thắng Cầu Giẽ đang được triển khai xây dựng. Họ Đỗ Quang có một Bà mẹ Việt Nam anh hùng và bốn liệt sĩ hy sinh vì nước, nhiều vị được tặng Huân, Huy chương các loại.

Chiến tranh đã lùi xa, trên mặt trận kinh tế chúng tôi lại cùng nhau phấn đấu. Lớp cha, anh dời tay súng, tập hợp cháu con khôi phục lại ba nghề Tổ (nghề thợ may, nghề thợ giầy và nghề sơn mài). Làng, xã được coi là “Làng nghề da giày”. Sản xuất phát triển, mỗi năm thu về hàng tỉ đồng, gấp mấy lần lúa, lại không phải ly hương. Lớp trẻ ngày nay không chịu bằng lòng với các tổ hợp sản xuất nhỏ, mà đang tập trung nguồn lực thành lập công ty, mua ô tô, xây nhà xưởng. Làng chúng tôi được công nhận danh hiệu làng nghề, danh hiệu làng văn hoá trong đó có đóng góp không nhỏ của bà con họ Đỗ.

Giờ đã có “bát ăn, bát để”, việc học hành của con em dòng họ cố phấn đấu theo kịp và vượt tiền nhân. Tuy đã có quy định trong quy ước của họ, nhưng việc khuyến học của các cháu chưa được làm thường xuyên. Bà con dần dần có ý thức vai trò của khoa học kỹ thuật trong sản xuất hàng hoá, thời kinh tế thị trường, hội nhập, mở cửa. Được các bậc cao niên khuyến khích và nhiều người có tâm huyết chung tay góp sức, năm 2005 họ chúng tôi đã xây dựng và thông qua bản quy ước về khuyến học, khuyến tài gồm 8 điều. Thành lập một ban chuyên trách và một quỹ riêng lo việc học của con em trong họ. Quĩ khuyến học vừa ra đời được bà con trong họ hưởng ứng nhiệt tình. Cụ Lưu Thị Sế năm nay đã 85 tuổi, là dâu họ Đỗ, cũng là người đi đầu ủng hộ cho quỹ 100 ngàn đồng. Noi gương cụ, kẻ ít vài chục, người nhiều dăm trăm, ngay đợt đầu quĩ đã có ngót năm triệu đồng. Buổi ra mắt Ban khuyến học của họ được vinh dự đón tiếp đại diện của Đảng uỷ, UBND xã và các họ bạn đến chúc mừng.

Hiện nay, 100% con em dòng họ đang tuổi đi học đều được cắp sách đến trường, trong đó 46% được khen thưởng, có 23 người đã và đang học đại học. Trong họ, không còn hộ nghèo. Nhiều nhà xây dựng kiên cố 2-3 tầng. Hầu hết các gia đình đều dùng nước sạch, điện sản xuất và sinh hoạt 24 giờ/ ngày.

Phong cảnh quê hương chúng tôi ngày một đổi mới. Ai có dịp qua làng Giẽ Hạ ngày nay không khỏi ngạc nhiên về tốc độ đô thị hoá và nông thôn sản xuất công nghiệp hoá, làng nghề da giày. Nhiều người đã gọi làng Giẽ Hạ ngày nay là “Phố làng” với diện mạo khác xa làng Giẽ cổ 50 năm trước.

Năm 2006, làng Giẽ Hạ, dòng họ Đỗ Quang mong được đón tiếp hội nghị toàn thể BLL họ Đỗ Việt Nam với tình cảm thân thiết được dịp gặp đại diện bà con họ Đỗ khắp nơi đến giao lưu, chia sẻ tình cảm mà chúng tôi hằng ấp ủ.

Đỗ Quang Ánh và Đỗ Quang Hoà

Ghi chú:

(1): Tên làng Giẽ Hạ ngày xưa

(2): Tên làng Giẽ Hạ thời Nguyễn

(3): Xóm Đông, xóm giữa, xóm Đình

(4): Chỗ Giẽ

(5): Phủ từ của dòng họ Đặng

(6): Chải là thuyền lớn để bơi trong lễ hội

(7): Đăng ten là móc chỉ thành đồ dùng như: găng tay, khăn phủ bàn, khăn quàng cổ, v.v…

(8): Xóm đông làng Thượng giáp làng hạ

Nguồn hodovietnam.vn