QUY CHẾ TỔ CHỨC – HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM
QUY CHẾ TỔ CHỨC – HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM
– Căn cứ Tộc ước Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam ngày 19/2/2012; – Căn cứ Quy chế Tổ chức – Hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam ban hành ngày 29 tháng 4 năm 2017; – Căn cứ vào hoat động thực tế của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam từ tháng 4/2017 đến nay; – Căn cứ Biên bản họp ngày 25 tháng 02 năm 2020 của Ban Thường trực Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam về bổ sung, sửa đổi Quy chế Tổ chức – Hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; Ban thường vụ Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam họp ngày …tháng…năm 2022 thống nhất ban hành Quy chế sửa đổi như sau:
CHƯƠNG MỘT NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG Điều 1: Phạm vi điều chỉnh Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam (sau đây viết tắt là Hội đồng) quy định tổ chức và hoạt động của Hội đồng. Điều 2. Tôn chỉ, mục đích của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam hoạt động theo tôn chỉ, mục đích mà Ban liên lạc họ Đỗ (Đậu) Việt Nam trước đây, nay là Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đề ra, đồng thời luôn lấy Tộc ước họ Đỗ (Đậu) Việt Nam làm nền tảng, vì lợi ích chung của cộng đồng họ Đỗ (Đậu) trong nước cũng như ngoài nước và lợi ích của dân tộc Việt Nam. 2. Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam hoạt động nhằm mục đích tăng cường đoàn kết, hợp tác giữa các dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và xây dựng, phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa các dòng họ khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Điều 3 Đại hội Đại biểu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Nhiệm vụ, quyền hạn 1.1. Đánh giá kết quả nhiệm kỳ vừa qua, quyết định phương hướng nhiệm vụ xây dựng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam trong trong nhiệm kỳ tiếp theo; 1.2. Quyết định số lượng và thành phần Hội đồng họ Đỗ ( Đậu) Việt Nam; 1.3. Quyết định sửa đổi tộc ước, bài ca truyền thống, huy hiệu, biểu trưng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 1.4. Tiến cử các Ủy viên Hội đồng 1.5. Hình thức và quyết định: Biểu quyết dơ tay Khi thực hiện hình thức biểu quyết dơ tay phải được trên 50% (năm mươi phần trăm) đại biểu có mặt tán thành; 2. Số lượng đại biểu 2.1. Đại biểu đương nhiên a) Các ủy viên Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam khóa cũ; b) Các đại biểu mới được các Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực, cấp huyện độc lập tiến cử là Chủ tịch Hội đồng nhưng chưa tham gia Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. 2.2. Đại biểu khác: a) Do Ban Thường vụ Hội đồng quyết định; b) Đại biểu phân bổ theo Hội đồng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, khu vực, cấp huyện độc lập. 3. Thời gian, địa điểm Đại hội Đại biểu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 3.1. Năm năm một lần theo nhiệm kỳ của Ban chấp hành Hội đồng, có thể sớm hơn hoặc muộn hơn nhưng không quá 6 tháng. Trường hợp đặc biệt có thể sớm hoặc muộn hơn thì do Ban thường vụ quyết định. 3.2. Thời gian, địa điểm cụ thể do Ban Thường vụ Hội đồng quyết định và phải thông báo trước ít nhất 03 tháng. Điều 4: Tên gọi của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1.Tên gọi đầy đủ: Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam (Viết tắt theo chữ cái: HĐHĐ(Đ)VN) 2. Tên gọi tắt theo con dấu: Hội đồng họ Đỗ Việt Nam. 3. Tên website Họ Đỗ Việt Nam: www.hodovietnam.vn Điều 5. Khu Di tích lịch sử họ Đỗ (Đậu) Việt Nam Khu mộ Tổ họ Đỗ (Đậu Việt Nam đã được UBND Thành phố Hà Nội cấp Bằng Di tích Lịch sử số 1428/QĐ-UBND ngày 28 tháng 3 năm 2016. Khu mộ Tổ họ Đỗ (Đậu Việt Nam gồm hai cụm di tích: 1. Mộ Tổ Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam nằm tại Gò Thiềm Thừ (các tên gọi khác: Gò Cóc Thần, Gò Ba La, Ba La Trang); địa chỉ: Tổ 6 – Phường Phú La – Quận Hà Đông – Hà Nộ. 2. Miếu Mộ Cụ Đỗ Quý Thị húy Đoan Trang (Công chúa Đỗ Đoan Trang), Đạo hiệu là Hương Vân Cái Bồ Tát; địa chỉ: Ngõ 14 Quang Trung (thường gọi là ngõ Trạm điện) Ngách 23, Tổ 8 – phường Phú La – quận Hà Đông – Thành phố Hà Nội. 3. Nhà thờ Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam: Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam chỉ có một Nhà thờ tổ, địa điểm xây dựng Nhà thờ tổ gần Khu di tích lịch sử Mộ tổ họ Đỗ Đậu Việt Nam (Tổ 6 – Phường Phú La – Quận Hà Đông – Hà Nội) để tạo thành quần thể Khu tưởng niệm Tổ tiên họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. 4. Nhà thờ vọng: Họ Đỗ (Đậu) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được xây nhà thờ để thờ tổ tiên họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. Khi xây nhà thờ vọng, họ Đỗ (Đậu) các tỉnh, TP trực thuộc trung ương phải báo cáo về Ban Quản lý di tích – Xây dựng của Hội đồng để trình Ban thường vụ quyết định. Điều 6: Các tổ chức của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Đại hội Đại biểu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam là tổ chức quyền lực cao nhất của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 2. Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam là tổ chức lãnh đạo, điều hành cao nhất của dòng họ Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 3. Ban Thường vụ Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam là cơ quan điều hành của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam giữa hai kỳ họp của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; . 4. Các Ban chuyên môn là cơ quan giúp việc của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 5. Hội đồng họ Đỗ (Đậu) các địa phương trực thuộc Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 6. Các tổ chức khác trực thuộc Hội Đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. Điều 7: Trụ sở – con dấu và tài khoản của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Trụ sở Hội đồng 1.1 Trụ sở chính: Nơi thờ Tổ Tiên họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, số 7 – 9 Ngõ Chùa 2, Tổ dân phố 6, phường Phú La, quận Hà Đông, TP Hà Nội. 1.2. Văn phòng đại diện được đặt tại TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh hoặc các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương và phải được Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ ( Đậu) Việt Nam quyết định. 2. Con dấu: theo quy định của Tộc ước 3. Tài khoản của Hội đồng và các cơ quan thuộc Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam là tài khoản đồng sở hữu và đăng ký tại Ngân hàng lớn có uy tín tại Hà Nội, giao dịch bằng nội tệ (VNĐ – Việt Nam đồng) và ngoại tệ (USD – Đô la Mỹ). CHƯƠNG HAI NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM Điều 8. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Tuân thủ hiến pháp – pháp luật nhà nước, thực hiện chế độ làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, bình đẳng, công khai, phát huy trí tuệ tập thể; 2. Vì lợi ích của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 3. Hội đồng hàng năm có ít nhất 1 kỳ họp toàn thể; 4. Địa điểm, thời gian tổ chức họp Hội đồng: Theo quyết định của Thường vụ Hội đồng và được thông báo trước khi họp 15 (mười năm) ngày. 5. Nghị quyết của Hội đồng phải được trên 70% (bảy mươi phần trăm) Ủy viên Hội đồng dự họp biểu quyết tán thành. 6. Hội đồng hoạt động có nhiệm kỳ 05 (năm) năm. Ủy viên Hội đồng tự nhận thấy sức khỏe yếu không thể tiếp tục tham gia hoặc sự nhiệt tình giảm sút (thể hiện không tham gia liên tiếp 3 kỳ họp Hội đồng) thì Ủy viên đó tự xin từ nhiệm hoặc do Hội đồng xem xét quyết định. 7. Kinh phí hoạt động của Hội đồng thực hiện theo Quy chế Tài chính – Tài sản của Hội đồng Điều 9. Nhiệm vụ của Hội đồng 1. Xây dựng chương trình hoạt động hàng năm; Quyết định những chủ trương, biện pháp và các công việc có tính chiến lược theo Nghị quyết của Đại hội Đại biểu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam nhằm củng cố, xây dựng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam phát triển vững mạnh. 2.Tổng hợp thông tin để đề cử, tiến cử những người có đủ tiêu chuẩn nêu tại Khoản 3 Điều 10 để tham gia Hội đồng. 3. Chấp thuận sự thay đổi, bổ sung số lượng Ủy viên Hội đồng. 4. Trình Đại hội đại biểu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam quyết định về số lượng, nhân sự Hội đồng. CHƯƠNG BA NHIỆM VỤ – QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM
Điều 10. Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Nhiệm vụ: Thực hiện Điều 9 của Quy chế này 2. Số lượng Ủy viên Hội đồng: Do Đại hội đại biểu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam quyết định. 2.1. Ủy viên đương nhiên: Là các Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) cấp huyện và khu vực độc lập, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trường hợp vì lý do nào đó Chủ tịch không tham gia Hội đồng họ Đỗ (Đậu) VN được thì Hội đồng địa phương tiến cử người thay thế; 2.2. Ủy viên Hội đồng khác: Do Hội đồng khóa cũ tiến cử, Đại hội quyết định, số lượng Ủy viên tiến cử không quá 50% (năm mươi phần trăm) số Ủy viên đương nhiên. 3. Tiêu chuẩn của Ủy viên Hội đồng 3.1. Là công dân Việt Nam, công dân nước ngoài mang họ Đỗ (Đậu); 3.2. Có tâm, có tầm và tự nguyện hiến dâng công sức, tiền, của, thời gian cho hoạt động xây dựng dòng họ. Không vụ lợi, không đòi hỏi quyền lợi; 3.3. Gương mẫu trong mọi công việc của dòng họ, nói đi đôi với làm, phát ngôn chuẩn mực đúng nơi đúng chỗ; 3.4. Có điều kiện về thời gian, sức khỏe để tham gia hoạt động trong các Ban của Hội đồng khi được phân công. Điều 11. Ban Thường vụ Hội đồng: 1. Nhiệm vụ và quyền hạn 1.1. Quyết định thành lập và quy định về tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan giúp việc của Hội đồng; 1.2. Quyết định công nhận các tổ chức trực thuộc Hội đồng; 1.3. Quyết định triệu tập cuộc họp của Hội đồng; 1.4. Quyết định những vấn đề về chủ trương trong quá trình điều hành giữa các kỳ họp của Hội đồng; quyết định kế hoạch công tác 06 (sáu) tháng, hàng năm theo chương trình hoạt động, nghị quyết, quyết định của Hội đồng; 1.5. Xây dựng đề án nhân sự khóa mới để Hội đồng xem xét trình Đại hội đại biểu khóa mới thông qua; 1.6 Tiến cử các chức danh phụ trách chuyên môn của Hội đồng. 1.7 Đề xuất thay đổi, bổ sung số lượng Ủy viên Hội đồng để Hội đồng thông qua; 1.8 Quyết định các công việc cấp bách của Hội đồng và có trách nhiệm thông báo cho Hội đồng trong kỳ họp gần nhất. 2. Nhân sự và số lượng: Do Hội đồng khóa cũ tiến cử và Hội đồng khóa mới thông qua. Số lượng Ủy viên Thường vụ do Hội đồng quyết định. Chủ tịch Hội đồng là Trưởng Ban Thường vụ Hội đồng. 3. Ban Thường vụ Hội đồng họp thường kỳ 02 (hai) lần trong một năm. Cuộc họp của Ban Thường vụ Hội đồng hợp lệ khi có ít nhất 70% (bảy mươi phần trăm) số Ủy viên Ban Thường vụ tham dự. Ban thường vụ triệu tập họp bất thường khi cần thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ. 3.1 Ban thường vụ họp bất thường khi có đề nghị của ít nhất 50% (năm mươi phần trăm) số Ủy viên Ban Thường vụ; 3.2 Ban thường vụ họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng triệu tập. Điều 12. Chủ tịch Hội đồng 1. Chủ tịch Hội đồng được các Ủy viên Hội đồng khóa cũ tiến cử trong số Ủy viên Hội đồng và được các Ủy viên Hội đồng khóa mới thông qua. 2. Nhiệm vụ và quyền hạn 2.1. Tổ chức thực hiện các Nghị quyết, kế hoạch, chương trình công tác của Hội đồng, Thường vụ Hội đồng; 2.2. Chủ trì các cuộc họp thường niên của Hội đồng, Ban Thường vụ, chủ trì các hội nghị toàn quốc họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 2.3. Ban hành các quyết định: Công nhận chức danh trong Hội đồng; ký Quyết định công nhận Hội đồng họ Đỗ (Đậu) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cấp huyện độc lập và các tổ chức trực thuộc Hội đồng; 2.4. Là Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng và kỷ luật; 2.5. Đồng chủ tài khoản dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và là người duyệt chi các khoản chi theo quy định của Quy chế Tài chính của Hội đồng; 2.6. Tiến cử Phó chủ tịch thường trực, Phó chủ tịch kiểm Tổng thư ký, Phó chủ tịch phụ trách vùng miền và các Phó chủ tịch Hội đồng khác; 2.7. Là người cao nhất quyết định các vấn đề quan hệ đối nội và đối ngoại. 3. Tiêu chuẩn: 3.1. Là người biết nhìn xa trông rộng; hiểu về lịch sử dòng họ; có uy tín, tâm huyết; biết tổ chức và đoàn kết được các thành viên Hội đồng; 3.2. Là người có điều kiện về thời gian, sức khỏe và kinh tế để làm việc họ. 3.3 Là người có mặt kịp thời tại văn phòng Hội đồng để giải quyết công việc của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. Điều 13: Các Phó chủ tịch Hội đồng Phó chủ tịch Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng tiến cử trong số Ủy viên Hội đồng và do Hội đồng thông qua. Các Phó Chủ tịch Hội đồng: 1. 01 Phó chủ tịch thường trực: 1.1. Phó chủ tịch thường trực Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định trong số các Phó Chủ tịch Hội đồng và là Ủy viên Ban thường vụ Hội đồng; 1.2. Nhiệm vụ: Thay Chủ tịch Hội đồng điều hành công việc hàng ngày của Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền và thực hiện công việc khác do Chủ tịch Hội đồng phân công; 1.3. Tiêu chuẩn: a) Người đã nghỉ hưu, còn khỏe mạnh, có thể sắp xếp được nhiều thời gian tham gia việc họ; b) Thường xuyên có mặt tại văn phòng Hội đồng để xử lý công việc của Hội đồng c) Đảm bảo có mặt khi Chủ tịch Hội đồng triệu tập; 2. Các Phó Chủ tịch khác: 2.1: 01 Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký là Ủy viên Ban Thường vụ Hội đồng; 2.2: Các Phó Chủ tịch Hội đồng kiêm trưởng ban hoặc phụ trách các ban của Hội đồng là Ủy viên Ban Thường vụ hội đồng; 2.3: 03 Phó Chủ tịch Hội đồng phụ trách vùng miền (Bắc, Trung, Nam) là Ủy viên Ban thường vụ Hội đồng và là Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chức năng nhiệm vụ do chủ tịch Hội đồng phân công. 3. Các Phó Chủ tịch là Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. 3.1.Nhiệm vụ: a) Thay mặt Hội đồng theo dõi, nắm tình hình hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) cấp tỉnh, huyện trong vùng, miền mình phụ trách; b)Tuyên truyền, vận động, hoạt động kết nối các dòng họ để có nhiều tỉnh, huyện thành lập được Hội đồng; c) Giải quyết những vướng mắc, thắc mắc của Hội đồng cấp tỉnh, huyện trong phạm vi quyền hạn hoặc báo cáo với Chủ tịch Hội đồng để phối hợp giải quyết; d) Thay mặt Hội đồng dự các phiên họp, họp mặt, lễ kỷ niệm…của Hội đồng cấp tỉnh, huyện và các dòng họ Đỗ (Đậu) trên địa bàn khi được mời hoặc được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền; thăm, viếng ủy viên Hội đồng và tứ thân phụ mẫu của thành viên Hội đồng cấp tỉnh, huyện khi bệnh hoặc từ trần; e) Kiểm tra, động viên, đôn đốc Hội đồng các tỉnh, huyện, khu vực độc lập trên địa bàn thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; g) Định kỳ 03 tháng thông báo, báo cáo tình hình, trao đổi công việc với Chủ tịch Hội đồng. 3.2. Tiêu chuẩn: a) Người đã nghỉ hưu, còn khỏe mạnh, có thể sắp xếp được nhiều thời gian tham gia việc họ; b) Định cư ở thành phố, thị xã thuộc tỉnh trung tâm của vùng, miền. Điều 14. Văn phòng Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Nhiệm vụ: Thực hiện công tác Văn thư , Bảo mật, Tài chính (khoản thu, chi thường xuyên), Hậu cần, Nghi lễ, Khánh tiết, Lễ tân trong các hoạt động của Hội đồng. Soạn thảo quy định Tổ chức và Hoạt động của Văn phòng theo nhiệm vụ được giao, trình Thường vụ Hội đồng phê duyệt. Cụ thể: 1.1. Công tác Văn thư – Bảo mật: Đánh máy, in ấn , chuyển công văn, nhận công văn và quản lý, lưu trữ công văn, tài liệu, con dấu của Hội đồng theo quy chế bảo mật; 1.2. Công tác Tài chính – Hậu cần: a) Thu ngân, quản lý khoản quỹ thu chi thường xuyên an toàn; thực hiện công tác kế toán rõ ràng, minh bạch, báo cáo, thông báo quỹ theo quy định của Quy chế Tài chính ; b) Bảo đảm cơ sở vật chất, hậu cần cho các các hoạt động của Hội đồng; c) Quản lý và bảo quản toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị của Hội đồng; 6 tháng, hàng năm thực hiện chế độ kiểm kê, đánh giá chất lượng cơ sở vật chất, đề xuất với Thường trực Hội đồng hủy hoặc mua thêm, mua bổ sung… 1.3. Công tác Nghi lễ, Khánh tiết, Lễ tân: a) Phối hợp với cơ quan, tổ chức liên quan Xây dựng kế hoạch và tổ chức bảo đảm về nghi lễ, lễ tân trong các ngày lễ, hội họp của dòng họ (ngày Truyền thống họ Đỗ (Đậu) Việt Nam (Rằm thàng hai âm lịch hàng năm), ngày Phật Đản (ngày sinh của cụ Đỗ Quý Thị Mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm), ngày Phật hóa (ngày mất của cụ Đỗ Quý Thị Rằm tháng bảy âm lịch hàng năm) và các hội nghị của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam b) Phối hợp với Ban Tài chính lập kế hoạch dự chi tài chinh, bảo đảm vật chất cho các cuộc gặp mặt, hội họp giao lưu, thăm viếng và bảo đảm cơ sở vật chất cho các hoạt động của Hội đồng trình Chủ Tịch và Thường trực Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam quyết định. 2. Cơ cấu tổ chức: 2.1. 01 (một) Chánh Văn phòng; 03 (ba) Phó Chánh Văn phòng, 2.2. Tổ chức 03 (ba) Tiểu ban: a) Tiểu ban Văn thư – Bảo mật: do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách; thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm 1.1 Khoản 1 Điều 16; b) Tiểu ban Tài chính – Hậu cần: Do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách, thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm 1.2 Khoản 1 Điều 16; c) Tiểu ban Nghi lễ, Khánh tiết, Lễ tân: Do một Phó Chánh Văn phòng phụ trách, thực hiện nhiệm vụ quy định tại điểm 1.3 Khoản 1 Điều 16. 3. Tiêu chuẩn 3.1 Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, tháo vát, có hiểu biết về công tác Văn phòng, Tài chính, Hậu cần, Lễ nghi, có năng lực trong giao tiếp; 3.2 Thường trú ở Hà nội, gần Khu mộ Tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. 4. Cơ chế bổ nhiệm: 4.1. Chánh Văn phòng: do Ban Thường vụ tiến cử trong số các Ủy viên Thường vụ; 4.2. Các Phó Chánh Văn phòng: Do Chánh Văn phòng tiến cử, Ban Thường vụ Hội đồng Quyết định; 4.3. Số lượng, tổ chức cụ thể từng Tiểu ban do Chánh Văn phòng đề xuất, Ban Thường vụ Hội đồng Quyết định. Điều 15. Ban Thư ký – Truyền thông 1. Nhiệm vụ: 1.1. Công tác truyền thông, a) Trực tiếp viết tin, chụp hình, quay phim về các lĩnh vực cần thiết về hoạt động của dòng họ; kịp thời cập nhập thông tin chính thống đã được Thường trực Hội đồng hoặc Trưởng ban Thư ký – Truyền thông phê duyệt vào Website, bản tin Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác; b) Sắp xếp các trang mục trong bản tin, website dòng ho đảm bảo hợp lý, chuyên nghiệp; c) Quản lý và lưu trữ các thông tin về Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. Khi cần chỉnh sửa hoặc hủy thông tin phải có ý kiến của Thường trực Hội đồng; d) Hướng dẫn các dòng họ Đỗ (Đậu) địa phương: lập hòm thư điện tử (Email) và thông báo Email đến các dòng họ Đỗ (Đậu) trong nước và nước ngoài để tăng cường thông tin trong dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; e) Thiết kế bộ nhận diện thương hiệu toàn bộ các văn bản của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và Hội đồng Họ Đỗ (Đậu) các địa phương theo mẫu thống nhất. 1.2. Công tác thư ký: a) Phối hợp với Văn phòng chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức Hội nghị và các cuộc họp; b) Chuẩn bị tài liệu, thông tin, báo cáo, thảo giấy mời đến Thành viên dự họp; c) Phân công các thành viên làm công tác thư ký trong các hội nghị, cuộc họp; d) Soạn thảo các thông báo về kết quả hội nghị, cuộc họp gửi đến các tổ chức theo chỉ đạo của Thường trực Hội đồng hoặc Trưởng ban Thư ký – Truyền thông 2. Cơ cấu 2.1. Thành viên và số lượng thành viên: Do Ban Thường vụ quyết định không quá 7 người; 2.2. Tiêu chuẩn: ưu tiên những người đã và đang hành nghề luật, báo chí, công nghệ thông tin, tuổi trẻ, năng động, có kỹ năng giao tiếp. 2.3. Trưởng ban là Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký. 2.4. Các thành viên khác: Do Trưởng ban tiến cử, Thường vụ quyết định. 2.5. Phó trưởng ban: 02 (hai) người. Do Ban thường vụ Hội đồng tiến cử trong số các Ủy viên thường vụ; a) Phó trưởng ban phụ trách công tác truyền thông; b) Phó trưởng ban phụ trách công tác thư ký. Điều 16. Ban Tư vấn – phả, sử và đối ngoại 1. Nhiệm vụ 1.1. Tiểu ban Tư vấn a) Nghiên cứu về Lịch sử dòng họ sưu tầm tài liệu để giúp Hội đồng, Thường vụ Hội đồng và Chủ tịch Hội đồng, có thêm tư liệu để tuyên truyền, giáo dục các thế hệ con cháu, hậu duệ của Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, gắn kết yêu thương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống; b) Tổng hợp ý kiến của các cá nhân, tổ chức họ Đỗ (Đậu) để tham mưu về mọi mặt cho Hội đồng; c) Tư vấn, giúp đỡ các dòng họ Đỗ (Đậu), bà con là người họ Đỗ (Đậu) có những vướng mắc liên quan đến pháp luật; d) Tổ chức hợp tác, tham vấn với các nhà khoa học, các nhân sĩ, trí thức, quan chức trong và ngoài dòng họ, trong nước và nước ngoài để tham mưu toàn diện cho Hội đồng; 1.2. Tiểu ban Phả – Sử a) Ghi chép nhật ký, lưu giữ tư liệu về các hoạt động của dòng họ; b) Chủ trì việc biên soạn Phả, Lịch sử họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 1.3. Tiểu ban Đối ngoại a) Xây dựng kế hoạch, tổ chức các chương trình kết nối với các tổ chức, cá nhân là người họ Đỗ (Đậu) ở nước ngoài để giúp đỡ họ tìm về cội nguồn, chi ân Tiên Tổ; b) Vận đông kiều bào họ Đỗ (Đậu) ở nước ngoài trí tuệ, công sức, tiền của xây dựng dòng họ; c)Trong các ngày họp mặt toàn quốc hàng năm, tích cực vận động, mời các quan khách có quan hệ mật thiết với dòng họ Đỗ (Đậu) và đại diện các dòng Họ khác đến tham dự; 2. Cơ cấu tổ chức 2.1. Thành viên và số lượng thành viên Ban Tư vấn – phả, sử và đối ngoại : Do Ban Thường vụ tiến cử và quyết định 2.2 Trưởng ban: Do Ban Thường vụ tiến cử trong số Ủy viên Ban Thường vụ; 2.3. Phó trưởng ban: 03 (ba) người phụ trách ba mặt công tác. Nhân sự cụ thể Do Trưởng ban tiến cử, Ban Thường vụ Hội đồng quyết đinh; 3. Tiêu chuẩn thành viên Ban Tư vấn – phả, sử và đối ngoại 3.1 Có uy tín cao trong cộng đồng dân cư, là tấm gương tốt của gia đình, dòng tộc; 3.2 Đã hoặc đang hành nghề luật, có kiến thức về lịch sử, văn hóa, xã hội; có am hiểu sâu về lịch sử dòng họ, có khả năng, có tâm huyết chăm lo công việc xây dựng phát triển dòng họ. Điều 17. Ban Kiểm tra – Khuyến học, Khen thưởng, kỷ luật 1. Nhiệm vụ 1.1. Hàng năm lập kế hoạch và thực hiện kiểm tra các tổ chức thuộc Hội đồng về việc tuân thủ Tộc ước và Quy chế Tổ chức – hoạt động của Hội đồng, việc chấp hành các Nghị quyết, quyết định của Hội đồng, của Ban Thường vụ Hội đồng. Trường hợp kiểm tra đột xuất phải do Chủ tịch Hội đồng quyết định. 1.2 Tổ chức công tác khuyến học: Huy động nguồn lực; động viên con cháu chăm ngoan học giỏi thành đạt; Thành lập ban khuyến học Hội đồng Họ Đỗ (Đậu) VN và tại các Hội đồng Họ Đỗ (Đậu) địa phương; 1.3. Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo kết quả kiểm tra trong kỳ họp Ban thường vụ Hội đồng, Ban chấp hành Hội đồng. Nếu phát hiện có dấu hiêu vi phạm hoặc vi phạm phải báo ngay Ban thường vụ Hội đồng để kịp thời ngăn chặn, xử lý; 1.4. Xây dựng quy chế khen thưởng kỷ luật trình Ban thường vụ hội đồng quyết định; 1.5. Thống kê danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân của Hội đồng, các nhà tài trợ trong và ngoài nước đủ điều kiện khen thưởng, vinh danh, ghi danh để Ban thường vụ xem xét quyết định. 2. Cơ cấu tổ chức: 2.1. Thành viên và số lượng Thành viên: Do Ban Thường vụ tiến cử và Hội đồng quyết định không quá 7 người.; 2.2. Trưởng ban: Ban Thường vụ tiến cử trong số ủy viên Thường vụ; 2.3. Phó Trưởng ban do Trưởng ban tiến cử, Thường vụ Hội đồng quyết định. 3. Tiêu chuẩn: 3.1. Có sức khỏe, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; 3.2. Tự nguyện, sẵn sàng đóng góp thời gian cho hoạt động dòng họ; 3.3. Có đạo đức, làm việc trung thực, khách quan, công tâm, minh bạch. Điều 18. Ban Tài chính – vận động công đức 1. Nhiệm vụ: 1.1. Quản lý tài chính, tài sản của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đúng Quy định Tài chính – Tài sản của Hội đồng; 1.2. Xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân cung tiến, công đức tiền của, công sức để xây dựng dòng họ theo Nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1.3. Hướng dẫn các tổ chức thuộc Hội đồng lập tài khoản, quản lý Tài chính – Tài sản theo Quy chế Tài chính – Tài sản của Hội đồng; 1.4. Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo công tác Tài chính – Tài sản trong kỳ họp Ban Thường vụ và Ban chấp hành Hội đồng. 2. Cơ cấu tổ chức: 2.1. Số lượng thành viên không quá 7 người. Do Ban thường vụ Hội đồng quyết định; 2.2. Tổ chức hai tiểu ban a) Tiểu ban Tài chính – Tài sản b) Tiểu ban Vận động công đức 2.3. Trưởng ban: Do Ban Thường vụ tiến cử trong số Ủy viên Thường vụ Hội đồng; 2.4 Các Phó trưởng ban do Trưởng ban tiến cử, Ban thường vụ Hội đồng quyết định 2.5. Ban Tài chính – Vận động công đức chịu sự điều hành trực tiếp của Chủ tịch Hội đồng; 3. Tiêu chuẩn : Thành viên Ban Tài chính – Vận động công đức, định cư ở Hà Nội. 3.1 Là người họ Đỗ (Đậu) có hiểu biết về kế toán hoặc đã trải qua công tác kế toán; 3.2. Có đạo đức, liêm chính, có uy tín, có năng khiếu trong thuyết trình, vận động và có quan hệ tốt với các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân, các thành viên trong họ, ngoài họ, trong nước và nước ngoài để vận động sự ủng hộ tiền của, vật chất thực hiện chương trình, kế hoạch xây dựng dòng họ của Hội đồng. Điều 19: Ban Quản lý di tích – Xây dựng 1. Nhiệm vụ: 1.1 Quản lý Khu Di tích lịch sử và nhà thờ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam; 1.2. Phối hợp với Ban quản lý di tích Hội đồng họ Đỗ (Đậu) địa phương quản lý các Di tích của dòng họ đã được nhà nước xếp hạng. 1.3. Hàng ngày thay mặt Hội đồng đón tiếp khách về dâng hương khu Di tích Mộ Tổ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, tổng hợp thống kê các đoàn. 1.4. Phối hợp với tiểu ban Tài chính của Văn phòng ghi nhận tiền, vật chất bà con về dâng hương, công đức; 1.5. Phối hợp với Văn phòng chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết để Hội đồng thực hiện nghi lễ trong các ngày truyền thống họ Đỗ (Đậu) Việt Nam (Ngày 15 tháng 2 âm lịch hàng năm), ngày sinh của cụ Đỗ Quý Thị (Mùng 8 tháng 4 âm lịch hàng năm), ngày mất của cụ Đỗ Quý Thị (Ngày 15 tháng 7 âm lịch hàng năm) và các ngày quan trọng khác. 1.6. Lập kế hoạch: Xây dựng, tôn tạo các Di tích đề nghị Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam trình cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước quyết định công nhận. 1.7 Tổng hợp và trình các công trình xây dựng theo quy định của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. 2. Quyền hạn: Được sử dụng một phần tiền bà con hương lễ, cúng viếng vào việc hương khói, trông coi, chăm sóc khu di tich miếu, mộ (trừ số tiền ghi rõ là tiền công đức tôn tạo Di tích, mua đất làm nhà thờ …) thì phải nộp vào Tài khoản của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. 3. Cơ cấu tổ chức: 3.1. Số lượng thành viên: Do Ban thường vụ Hội đồng quyết định nhưng không quá 7 người; a) Trưởng Ban: Do Ban Thường vụ Hội đồng tiến cử; b) Phó ban: 02 (hai) người, do Trưởng ban tiến cử, Thường vụ quyết định. 3.2. Tổ chức: 02 (hai) tiểu ban a) Tiểu ban Quản lý Di tích: 3 người, 01 (một) Phó ban kiêm Trưởng Tiểu ban, 02 (hai) người làm chăm sóc hương đăng Miếu Mộ và nhà Thờ (thủ từ); Kế toán và thủ quỹ do Tiểu ban Tài chính – Hậu cần Văn phòng Hội đồng đảm nhiệm; Nhiệm vụ: Thực hiện điểm 1.1, 1.2, 1.3, 1.4, 1.5 Khoản 1 Điều 20 b) Tiểu ban Xây dựng: 2 người, 01 (một) Phó ban kiêm Trưởng Tiểu ban, 01 (nột) nhân viên thống kê Di tích; Nhiệm vụ: Thực hiện điểm 1.6 Khoản 1 Điều 20. (Khi có Quyết định xây dựng một công trình nào đó Ban thường vụ Hội đồng sẽ thành lập Ban xây dựng) 4. Tiêu chuẩn: 4.1. Định cư ở Hà Nội, ưu tiên người gần khu Mộ Tổ; 4.2. Hiểu biết sâu về lịch sử Khu Di tích, thông thạo, nghi thức lễ nghi, trung thực, cởi mở, dể gần, cư xử điểm đạm, không vụ lợi cá nhân. Điều 20: Hội đồng họ Đỗ (Đậu) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương 1. Hội đồng họ Đỗ (Đậu) các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương là tổ chức trực thuộc Hội đồng. 2. Hội đồng họ Đỗ (Đậu) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Quy chế tổ chức, hoạt động phù hợp với Quy chế tổ chức, hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. 3. Việc thành lập Hội đồng họ Đỗ (Đậu) các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương phù hợp với sự phát triển của dòng họ và do Ban Thường vụ Hội đồng thống nhất quyết định. 4. Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam thay mặt Hội đồng ký quyết định công nhận Hội đồng họ Đỗ (Đậu) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cấp huyện độc lập. Công nhận các chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch của các Hội đồng nêu trên. 5. Con dấu của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Kích cỡ theo con dấu của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và phải có biểu trưng họ Đỗ (Đậu). Điều 21: Các Câu lạc bộ trực thuộc Hội đồng 1. Các Câu lạc bộ là tổ chức trực thuộc Hội đồng, là cánh tay nối dài của Hội đồng. 2. Việc thành lập Câu lạc bộ phải thực hiên từng bước phù hợp với sự phát triển của dòng họ và do Ban Thường vụ Hội đồng thống nhất quyết đinh. 3. Trình tự thủ tục lập Câu lạc bộ: 3.1. Lập tờ trình về việc thành lập Câu lạc bộ gửi Thường vụ Hội đồng. 3.2. Thường vụ Hội đồng tiến cử hoặc thông qua danh sách Ban chấp hành lâm thời Câu lạc bộ. Ban chấp hành lâm thời Câu lạc bộ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký. 3.3. Ban chấp hành lâm thời Câu lạc bộ xây dựng Điều lệ, Quy chế hoạt động, tổ chức của Câu lạc bộ và đề nghị Thương vụ Hội đồng công nhận. 3.4. Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng ký quyết định công nhận Ban chấp hành Câu lạc bộ. 4. Chế độ Tài chính của các Câu lạc bộ: Chịu sự kiểm tra theo định kỳ của Ban tài chính; chịu sự kiểm tra theo yêu cầu của Ban kiểm tra khi Ban thường vụ Hội đồng chỉ đạo. 4.1. Các câu lạc bộ được lập quỹ có tài khoản riêng. Tài khoản phải đăng ký với Hội đồng và phải thực hiện chế độ quản lý tài chính theo quy chế, quy định tài chính của Hội đồng; 4.2. Chế độ lệ phí đóng góp hàng tháng, hàng năm của hội viên do các Câu lạc bộ tự quy định. 5. Con dấu của Câu lạc bộ: Kích cỡ theo con dấu của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và phải có biểu trưng họ Đỗ (Đậu).
CHƯƠNG BỐN TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CỦA HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM Điều 22. Nguyên tắc quản lý, sử dụng Tài chính – Tài sản 1. Tài chính – Tài sản của họ Đỗ (Đậu)VN giao cho Hội đồng quản lý là tài sản chung của dòng họ, chỉ được sử dụng cho các hoạt động xây dựng họ Đỗ (Đ)VN. 2. Quản lý Tài chính – Tài sản phải thực hiện công khai, minh bạch; việc thu, chi phải được thể hiện trên 01 (một) tài khoản của họ Đỗ (Đậu)Việt Nam do Chủ tịch và Trưởng ban Tài chính Hội đồng từng cấp đồng chủ tài khoản. Tiền vào (thu), tiền ra (chi) phải được thông báo đến các ủy viên trong Ban Thường vụ Hội đồng từng cấp. 3. Định kỳ 3 tháng, 6 tháng tổng hợp thu chi quỹ, số lượng, chất lượng tài sản báo cáo Ban Thường vụ; hàng năm quyết toán thu chi tài chính, kiểm kê tài sản báo cáo trong hội nghị Hội đồng. Điều 23. Tài chính 1. Nguồn thu 1.1 Thu lệ phí ra nhập Hội đồng của hội viên; 1.2. Thu hội phí hàng năm của hội viên trong Hội đồng. 1.3. Thu từ các hoạt động hợp pháp của Hội đồng theo quy định của pháp luật. 1.4. Thu từ các nguồn tài trợ, ủng hộ, công đức, đóng góp, cúng lễ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật và của Hội đồng. Định mức thu quy định ở Điểm 1.1 1.2 1.3 – Khoản 1 điều này do Ban Thường vụ quyết định phù hợp với từng năm 2. Các khoản được chi 1.1. Mua đất để xây dựng Nhà thờ, Khu tưởng niệm Tổ tiên họ Đ(Đ)Việt Nam; 1.2. Xây dựng, tôn tạo, bảo tồn Khu Di tích Lich sử họ Đỗ (Đ)Việt Nam; Xây dựng Nhà thờ, trụ sở, văn phòng thường trực; Xây dựng các công trình khác của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. 1.3. Chi cho các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng; 1.4. Các khoản chi khác và thủ tục duyệt chi được quy định cụ thể tại Quy định Tài sản – Tài chính của Ban Tài chính Hội đồng. Điều 24. Tài sản của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam 1. Tài sản của họ Đỗ(Đậu)Việt Nam bao gồm tài sản cố định và tài sản lưu động; tài sản vật thể và tài sản phi vật thể do Hội đồng trực tiếp quản lý và tài sản do các tổ chức trực thuộc Hội đồng quản lý: 1.1. Đất, tài sản gắn liền trên đất của Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam hoặc Hội đồng các tổ chức trực thuộc Hội đồng Họ Đỗ (Đậu) các địa phương quản lý; 1.2. Nhà thờ Tổ họ Đỗ (Đậu)Việt Nam, Khu Văn hóa tâm linh họ Đỗ (Đậu) Việt Nam ở các địa phương quản lý và Nhà thờ các dòng họ Đỗ(Đậu)Việt Nam ở cơ sở; 1.3. Khu di tích lịch sử Mộ tổ họ Đỗ (Đậu)Việt Nam: a) Gò Thiềm Thừ, địa chỉ tại Tổ 6 – Phường Phú La – Quận Hà Đông – Hà Nội. b) Miếu Mộ Cụ Đỗ Quý Thị húy Đoan Trang (Công chúa Đỗ Đoan Trang), Đạo hiệu là Hương Vân Cái Bồ Tát; địa chỉ: Ngõ 14 Quang Trung (thường gọi là ngõ Trạm điện) Ngách 23, Tổ 8, phường Phú La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; 1.4. Các Khu di tích, di tích lịch sử văn hóa của họ Đỗ (Đậu)Việt Nam ở các địa phương quản lý; 1.5.Trụ sở, Văn phòng làm việc, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của Hội đồng và của các đơn vị trực thuộc Hội đồng; 1.6. Các ấn phẩm, kỷ vật, đồ vật về lịch sử, truyền thống, văn hóa, nghệ thuật của dòng họ do mua, sản xuất bằng quỹ của Hội đồng hoặc các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước cung tiến, hiến tặng cho họ Đỗ (Đậu)Việt Nam và của các đơn vị trực thuộc Hội đồng; 1.7. Quỹ của Hội đồng và của các đơn vị trực thuộc Hội đồng; 1.8. Tài sản của các tổ chức trực thuộc Hội đồng họ Đ(Đ)VN; 2. Cơ chế quản lý tài sản được quy định cụ thể tại Quy định Tài sản – Tài chính của Ban Tài chính Hội đồng.
CHƯƠNG NĂM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG QUY CHẾ VÀ HIỆU LỰC THI HÀNH Điều 25: Bổ sung, sửa đổi 1. Quá trình thực hiện nếu thấy nội dung của Quy chế không còn phù hợp thì Thường vụ Hội đồng ghi nhận, thống nhất xem xét sửa đổi. 2. Trường hợp vì nội dung cần chỉnh sửa ngay (gấp) thì Ban Thường vụ Hội đồng sẽ quyết định tạm thời, có hiệu lực trong thời gian quyết định, đến ngày họp Hội đồng họ Đỗ (Đậu) gần nhất sẽ thông qua. Điều 26: Điều khoản thi hành 1. Quy chế tổ chức – hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam sửa đổi, bổ sung gồm 05 chương 26 Điều đã được Ban Thường vụ Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam thống nhất quyết định ngày … tháng … năm 2022. 2. Các Ban chuyên môn của Hội đồng có trách nhiệm soạn thảo quy định về tổ chức, hoạt động để trình Ban thường vụ và Chủ tịch Hội đồng quyết định. 3. Quy chế này thay thế Quy chế tổ chức – hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam ban hành ngày 29 tháng 4 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày … tháng … năm ……
|