BLL Họ Đỗ Việt Nam 10 năm hoạt động

BLL Họ Đỗ Việt Nam 10 năm hoạt động
05/11/2006

1. Thời kỳ chuẩn bị ( 1995 – 1997 ) thành lập Ban liên lạc:

Sau 30 năm toàn dân ta cũng như cộng đồng Họ Đỗ đã tập trung vào các cuộc kháng chiến chống xâm lược; năm 1995 cũng là sau 20 năm kể từ khi đất nước thống nhất đi vào xây dựng theo đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta; con cháu hậu duệ các gia tộc Họ Đỗ cũng như các dòng họ khác với nét đẹp truyền thống văn hoá vốn có “Uống nước nhớ nguồn, hướng về tiên tổ” đã hình thành phong trào tự giác tự nguyện: tìm lại gia phả, lập lại phả hệ; chăm lo xây dựng tu tạo nhà thờ họ, mồ mả ông cha.

 

Sự gặp nhau đó như là lẽ đương nhiên, xuất phát từ tâm linh tình cảm, trách nhiệm đạo đức của con cháu ở tất cả các dòng họ; đặc biệt là những người lớn tuổi, đã nghỉ hưu sau cuộc đời chiến đấu, lao động, học tập phấn đấu vì Độc lập – Tự do – Hạnh phúc của đất nước và của mỗi gia đình.

Năm 1995, tổ chức Câu lạc bộ thông tin các dòng họ Việt nam đầu tiên được thành lập . Chính trong quá trình này nhiều đại biểu của dòng họ sinh hoạt trong Câu lạc bộ trên cũng đã đặt ra vấn đề cần thiết lập ban liên lạc của mỗi dòng họ.

Gần 2 năm sau, qua nhiều cuộc gặp gỡ của đại biểu Họ Đỗ các nơi riêng rẽ, trao đổi, chuẩn bị, cuộc họp của Họ Đỗ Việt Nam do hai ông PGS Đỗ Tòng – họ Đỗ gốc ở Kim Quan, Thạch Thất , Hà Tây và ông Đỗ (Đậu ) Như Chung họ Đỗ gốc Cảnh Dương , Quảng Bình cùng đứng ra triệu tập cuộc họp tại Hà nội tháng 4/1997, chính thức thành lập Ban liên lạc đầu tiên của Họ Đỗ Việt Nam. Tới dự cuộc họp còn có đại diện các dòng Họ: Họ Đỗ ở Dục Tú (Đông Anh , Hà Nội ), Họ Đỗ ở Phương Điếm (Gia Lộc, Hải Dương), Họ Đỗ ở Bình Điền ( Ý Yên , Nam Định ), Họ Đỗ ở khu vực Quãng Ngãi, Họ Đỗ ở Bồng Trung, Thanh Hoá .v.v.

Cuộc họp đã xác định rõ tôn chỉ mục đích hoạt động của mình. Trong tất cả các bản tin “Việc Họ Đỗ Việt Nam” từ số 1 về sau đều in nhắc lại tôn chỉ mục đích này ở mặt sau bìa.

2. Thời kỳ đầu hoạt động của Ban liên lạc Họ Đỗ Việt Nam

(từ tháng 4 / 1997 đến cuối năm 2001).

“Vạn sự khởi đầu nan”. Đúng vậy thời gian hơn bốn năm đầu tiên này, sự tham gia thật sự của nhiều thành viên rất lỏng lẻo, ngẫu hứng, thậm chí “cho vui” hoặc “chờ xem”…coi đây là công việc rất thứ yếu của mình. Hiếm cuộc họp của Ban Liên lạc đạt 2/3 số người có mặt. Một số vị có tâm huyết nhưng sức khoẻ yếu, tuổi cao, lực bất tòng tâm. Một số vị có trí tuệ, tâm huyết lại bận đương chức hoặc ở xa, phương tiện đi lại khó khăn…

Kinh phí, quỹ hoạt động của Ban Liên lạc do các thành viên đóng góp tuỳ tâm, tự nguyện( mỗi vị góp 30.000-50.000đ , cao nhất là 100.000đ, có vị không góp chút nào). Hơn 4 năm thu được tất cả là 850.000. Trong khi đó lại phải chi phí cho rất nhiều việc lớn như :

Tổ chức 2 cuộc đi thực tế bằng ô tô (16-20 chỗ ) cho các thành viên đến các di tích mồ mả Tổ tiên nhằm bác bỏ, xoá đi sự nghi ngờ ( hầu hết chưa tin các tư liệu tìm được về Tổ tiên) và điều đặc biệt là quan niệm còn rất phổ biến, ngộ nhận, mang tính định kiến lâu đời : Họ Đỗ là người gốc Trung Quốc? Hai chuyến đi cả ngày, mỗi chuyến đi này, các vị không phải đóng góp tiền đi lại và tiền ăn trưa.

Xuất bản sách Họ Đỗ Việt Nam ( nay gọi là tập I). Khi ấy, việc thu thập được thông tin về các nhánh, chi họ Đỗ ở các nơi là rất khó khăn. Chủ biên đã tìm được cách gửi qua đường bưu điện mấy ngàn bức thư theo kiểu “thả bom toạ độ”(tức là tìm trên sách, báo cũ và mới), qua các phương tiên nghe nhìn… biết ở đó có người họ Đỗ là gửi thư, may thì trúng? Kết quả chỉ có 150 thư được phản hồi. Trong đó, nhiều thư hoan nghênh việc làm nhưng thắc mắc là làm việc này để làm gì, mục đích gì, ngại liên lụy vào mình!… và cho biết phả của nhánh họ Đỗ mình bị thất lạc, không làm được phả mới, dù chỉ 5-7 thế hệ. Rốt cuộc chỉ có mấy chục dòng họ có thư phản hồi lại được đưa vào sách họ Đỗ Việt Nam tập I.

+ Còn chi nhiều khoản khác cấn thiết cho hoạt động của ban liên lạc (điện thoại, văn phòng và các văn phòng phẩm).

Có thể nói số tiền thu được như trên (tám trăm năm mươi ngàn đồng) thực tế không đủ chi đánh máy, photocopy tài liệu.

Số chi trong thời kì này vẫn dựa chủ yếu vào hảo tâm tài trợ tự nguyện, tự giác (tiền và hiện vật văn phòng, xe cộ đi lại, tiền dịch tài liệu…ăn uống trong nhiều cuộc họp các thành viên ban liên lạc: chi lễ vật hương hoa nhiều lần khi đến nghiên cứu các di tích, nơi thờ mồ mả tổ tiên và từ đường của nhiều nhánh, chi họ Đỗ…). Những khoản chi ấy do một số vị và gia đình ông Đỗ Tòng, ông Đỗ Châu, Đỗ Đình Hiệp hỗ trợ.

Các thành viên lúc này tham gia chung các cuộc họp của Ban Liên lạc là: Đỗ Tòng, Đỗ Văn Trương (Nghiêm), tuy sức khoẻ đã kém nhưng rất quan tâm tới hoạt động của Ban Liên lạc; Đỗ Châu tuy ít tham gia trực tiếp nhưng rất nhiệt tình ủng hộ, đăng cai tổ chức một số cuộc họp, cho mượn xe đi nghiên cứu di tích; Đỗ Đình Nha, Đỗ Đình Hạ ( Quảng Ninh sức khoẻ yếu thỉnh thoảng tham gia họp); Đỗ Quang Toại, Đỗ Ngại, Đỗ Hạp; Đỗ Quang Liên; Đỗ Thế Gia… Tất cả đều trên 70 tuổi và hầu hết đều có bệnh tuổi già như mắt mờ (đục thuỷ tinh thể), huyết áp cao…nên nặng nề về tham gia ý kiến chung còn tham gia vào công việc thực tế thì cũng rất hạn chế.

3. Thời kỳ cuối năm 2001 đến nay ( tháng 10/2006 )

Bắt đầu thời kỳ này bằng cuộc họp ở Dục Tú (Đông Anh) ngày 25/11/2001, tiếp theo họp ở Hà Nội ngày 16/12/2001 với cùng một nội dung chương trình là tổng kết qua các thời kỳ hoạt động trước: khẳng định lại tôn chỉ, mục đích; xác định rõ hơn về tổ chức; định rõ phương châm; đề ra công việc thống nhất việc đóng góp tài chinh. Đặc biệt là tại hội nghị này đã xác định được hai điều có ý nghĩa đối với tổ chức hoàn toàn dựa vào tự giác, tự nguyện, phần đông lại là những người cao tuổi: nguyên tắc đầu tiên là tự giác, tự nguyện, đồng tâm, đồng thuận, đồng hành, bình đẳng, không bầu cử theo đa số mà hiệp thương đề cử tín nhiệm; Hai là công việc thì theo phương châm “liệu cơm gắp mắm” đóng góp vào quỹ chung theo lòng hảo tâm, “lọt sàng xuống nia”.

Toàn bộ hoạt động của thời kỳ này đều được phản ánh rõ trong các báo cáo ở các cuộc họp mặt hằng năm của Ban Liên lạc và cũng được in trong sách Họ Đỗ Việt Nam tập II, coi đó như là một văn kiện cơ bản về hoạt động của Ban Liên lạc Họ Đỗ Việt Nam.

Từ sau năm 2001, nhiều vị đã tín nhiệm và tự nguyện tham gia, đã hình thành được Thường trực Ban Liên lạc để hoạt động hằng ngày. Có những vị mới tham gia vào thời kỳ này là Đỗ Nhật Văn, Đỗ Đình Hiệp, Đỗ Hữu Lâm, Đỗ Minh Cao, Đỗ Văn Thận, Đỗ Như Oai… Bắt đầu thời kỳ này, nhất là sách Họ Đỗ Việt Nam tập I phát hành thì hoạt động của Ban Liên lạc Họ Đỗ khu vực, Ban Liên lạc ( Hội đồng tộc Họ) các nhánh, chi họ Đỗ ở các nơi được thành lập và có sự hội tụ đông đảo hơn, đều đặn hơn. Có một số vị đại diện Ban liên lạc Họ đỗ khu vực ở địa phương định cư ở Hà Nội, cũng hoạt động , giữ mối giao lưu chặt chẽ, thường xuyên hơn giữa Ban liên lạc Họ Đỗ Việt Nam với Ban liên lạc Họ đỗ khu vực các nơi như các ông Đỗ Ngại, Đỗ Như Oai, Đỗ Bá Ngọc . . .

sach_hd1.2Thời kỳ này, Ban liên lạc ra được bản “Thông tin việc Họ Đỗ Việt Nam” số 1 ( tháng 12/2002 ) . Mặc dù vậy , nhiều vị vẫn chưa tin là Họ Đỗ chúng ta có thể ra nổi bản tin. Nhưng thực tế bản tin đẫ tới tay người đọc vào đầu mỗi quý. Bản tin ra quí IV năm 2006 này đã là số 20 với số lượng phát hành 750 bản.

Trong thời kỳ này, họ Đỗ Việt Nam đã thống nhất có được biểu trưng dòng họ mình và xác định được ngày Họ Đỗ Việt Nam hằng năm “ngày tưởng niệm Liệt Vị Tiên Tổ Họ Đỗ Việt Nam” vào rằm tháng Hai âm lịch.

Cuối thời kỳ này, đã xuất bản được sách Họ Đỗ Việt Nam Tập II (in đẹp dày 1120 trang, nộp lưu chiểu và đã phát hành từ cuối tháng 6/2004).

Website của Họ Đỗ Việt Nam chính thức lên mạng với tên là: http://www.hodoviêtnam.vn/. Bộ phim tài liệu Họ Đỗ Việt Nam đang trong thời kỳ giàn dựng, sắp ra đời.

Tính đến tháng 10/2006, trên 700 cá nhân và đại diện dòng họ các nơi đăng ký tham gia làm thành viên Ban Liên lạc họ Đỗ Việt Nam. Có thể nói là đến nay đã bước đầu định hình, có nền nếp dựa trên cơ sở tự giác, tự nguyện, đồng tâm, đồng thuận, đồng hành, bình đẳng.

                                                                                            PGS. Đỗ Tòng *