DÒNG HỌ ĐỖ HỮU 

Chuyện hoạt động của các dòng họ khắp nơi

DÒNG HỌ ĐỖ HỮU

(gốc Hậu Lộc – Thanh Hóa)

đang phấn đấu hướng tới

một sự phát triển bền vững !

                                   Hữu Minh

       Nhân dịp Giỗ họ 12/5 âm lịch năm nay, bà con dòng họ Đỗ Hữu chúng tôi đã kết hợp làm được 2 việc rất có ý nghĩa.

  Việc thứ nhất, chúng tôi đã cùng nhau trở lại Nghè Cáy (Xuân Phụ – xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa) để tổ chức dâng hương cụ cố Tổ, đúng dịp kỷ niệm 110 năm Nghè Cáy được xây dựng. Cụ cố Tổ của chúng tôi – cụ Đề lại Đỗ Hữu Khanh – vốn người bên huyện Hậu Lộc, nhưng đã có công tổ chức khai phá xây dựng nên làng mới ven biển Bằng Trì (sau đổi thành Xuân Phụ) thuộc huyện Hoằng Hóa, góp phần phát triển kinh tế của cả một vùng biển rộng lớn xung quanh đó. Để ghi nhớ công đức của cụ, nhân dân trong làng đã tôn vinh cụ là Thành hoàng làng, và vận động cả nhân dân trong vùng cùng dựng Nghè để thờ cúng hàng năm, từ năm 1905. Gần đây Nghè Cáy (Hoằng Phụ) đã được tôn tạo lại và đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh (năm 2008). Con cháu của dòng họ về đây trong dịp này đã được ôn lại về lịch sử Nghè, về thân thế và công đức của cụ cố Tổ. Qua đó đã nâng thêm được sự hiểu biết chung về dòng họ, củng cố thêm lòng tự hào cho các thế hệ sau đối với truyền thống của dòng họ.

   Việc thứ hai, chúng tôi đã tổ chức đợt 1 “Vinh danh các Nàng Dâu Họ Đỗ” đối với các bà, các chị có thành tích nổi bật hơn trong việc đóng góp xây dựng dòng họ. Chúng tôi nhận thức rằng, sự phát triển lành mạnh của dòng họ từ xưa đến nay, cũng như những thành tựu gần đây của dòng họ, đều có phần đóng góp rất quan trọng của các bà, các chị. Vì chính các bà, cấc chị luôn là một trụ cột, hơn nữa còn là trụ cột thường trực, của mọi gia đình. Các bà, các chị không chỉ có đóng góp tiền bạc, công sức cho các công việc lớn, nhỏ của dòng họ, mà còn tham gia nhiều ý kiến rất xác đáng, thiết thực cho các công việc chung đó. Điều đáng nói nữa là các bà, các chị luôn đứng đàng sau chồng, con, trong các công việc của dòng họ, góp phần tạo nên sự đồng thuận cao trong mọi công việc chung. Và, điều đáng nói hơn tất cả là các bà, các chị luôn giữ một vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy con cái, củng cố gia đình về mọi mặt, xây dựng các gia đình trong dòng họ thành các Gia đình văn hóa (GĐVH), làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của dòng họ. Trong đợt 1 này, chúng tôi đã Vinh danh 17 Nàng Dâu Họ Đỗ. Ngoài các tiêu chí chung (Có đóng góp cụ thể vào các công việc lớn và các hoạt động tình nghĩa thường xuyên, Nuôi dạy con cái tốt, Có quan hệ tốt với bà con họ hàng), thì trong đợt đầu này chúng tôi có ưu tiên xét trước đối với một số cụ, bà cao tuổi. Tuy mới làm thử lần đầu, nhưng ngay lập tức đã thấy có tác động tốt đối với số chị em còn lại, và bắt đầu phát huy tác dụng giáo dục đối với các loại đối tượng khác (Rể, ngoại, nội trai, nội gái).

    Ngoài ra, cũng nhân dịp gặp mặt ngày Giỗ họ năm nay, chúng tôi đã sơ bộ đánh giá lại việc thực hiện nhiệm vụ phát triển dòng họ mà đại biểu bà con đã đề xuất tại các Cuộc gặp mặt năm 2008 và năm 2012. Chúng tôi  đã nhìn nhận được những mặt tốt, những việc đã làm được, cũng như những mặt chưa tốt, cùng những công việc tiến triển chậm, có khó khăn.  Đánh giá về những chuyển biến tiến bộ, tuy thời gian mới qua 6-7 năm mà chúng tôi đã làm được khá nhiều việc lớn và có ý nghĩa. Đó là việc củng cố dòng họ về mặt tổ chức, thiết chế, là việc xây dựng lại Gia phả, Tộc phả bị thất lạc, là việc ôn lại và tiếp tục giáo dục truyền thống dòng họ, là việc tổ chức gặp mặt, tụ hội bà con các chi họ, nhánh họ (sau rất nhiều năm xa cách, vắng tin), là việc khôi phục lại Giỗ họ hàng năm,…Đi liền với những sinh hoạt tinh thần nói trên, là việc tôn tạo lại Nhà thờ họ ở quê Hậu Lộc, và tham gia đóng góp xây dựng lại Nghè Cáy (Hoằng Phụ) ở Hoằng Hóa, hai nơi thờ cúng cố Tổ của dòng họ chúng tôi. Đặc biệt, việc xây dựng lại Nhà Thờ họ ở quê, chúng tôi đã triển khai trong điều kiện rất khó khăn về tài chính và nhân lực. Những khó khăn ấy tưởng như là bất khả kháng, nhưng chúng tôi đã vượt qua được và thành công. Đó là do chúng tôi đã tạo được sự đồng thuận cao, bắt đầu từ việc biết khơi gợi được tình cảm huyết thống, biết đánh thức được tấm lòng nhiệt thành tri ân tiên tổ của toàn thể bà con trong dòng họ.

  Về những khiếm khuyết, yếu kém : Đúng là vì còn một số mặt chưa tốt, một số việc làm còn chậm và hiệu quả thấp, nên chúng tôi thấy không thể yên lòng, và càng không thể vui vẻ, hoan hỉ được. Đáng suy nghĩ nhiều nhất là : dòng họ chúng tôi vẫn là một dòng họ nghèo, chưa có sức bứt phá về kinh tế, và trình độ trí tuệ còn thấp, chất xám chưa được huy động cho phát triển kinh tế, con đường học hành, sự thành đạt của lớp trẻ chuyển biến chậm, tư duy làm ăn vẫn còn bảo thủ, chưa có dấu hiệu đổi mới,... ! Cho đến hôm nay, dòng họ chúng tôi vẫn chưa có một doanh nhân nào, chưa có một điển hình nào trong sản xuất nông nghiệp – xây dựng nông thôn mới, mức thu nhập bình quân của số đông bà con vẫn chưa vượt được ngưỡng trung bình của cả nước. Cho đến hôm nay, số người có trình độ học vấn cao (Thạc sỹ, Tiến sỹ) trong dòng họ vẫn chỉ đếm được trên đầu ngón tay, mặt bằng dân trí đại trà, trước hết là đối tượng lao động (trong các ngành hoạt động ngoài quốc doanh), chưa vượt qua được trình độ tối thiểu về học vấn phổ thông và Tay nghề,  …!

  Thực tế là hai khó khăn, bất cập này đang gây cản trở lớn cho sự phát triển tiến bộ của dòng họ, đang tạo ra cái vòng luẩn quẩn trong phát triển,  chưa tìm được lối  thoát. Bà con nhánh 2 đang ở quê gốc thì còn nghèo và phần lớn làm nông nghiệp. Bà con nhánh 1 đang ly hương và cư trú phân tán khắp cả nước, thiếu hẳn sự hỗ trợ và hậu thuẫn thường xuyên và trực tiếp từ cộng đồng. Đúng là cái vòng luẩn quẩn trong sự phát triển của dòng họ vẫn cứ dai dẳng bấy lâu nay, giữa Kinh tế và Trí tuệ, cả hai đều còn yếu và cứ kìm, giữ nhau. Mọi người đều chưa biết nên đột phá từ đâu để tạo ra “cú hích” cho sự phát triển tổng thể ? Có một thực tế là số các cháu học được lên đến Cao đẳng (CĐ), Đại học (ĐH), rồi cả Trung học chuyên nghiệp (THCN) và Trường dạy nghề (DN), tuy có nhiều hơn trước, nhưng lại không gắn bó với sản xuất, kinh doanh của gia đình, dòng họ, làng xã, hễ học xong là ly hương để tìm việc làm, và trong đó còn ít cháu học nông nghiệp.Việc bồi dưỡng những tri thức khuyến nông, khuyến công từ các Trung tâm học tập cộng đồng còn rất ít ỏi, hình thức, nên chưa có tác dụng thiết thực. Việc tự bồi dưỡng lại còn khó khăn hơn, vì cái gốc Trí tuệ vốn đã không cao rồi. Do đó tư duy làm ăn nhìn chung thường là chắp vá, là bắt chước, vay mượn, là “ăn xổi” và vẫn nặng tính bảo thủ,…nên không thể thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh lên được. Kinh tế nghèo quay lại cản bước con đường học hành, nâng cao trí tuệ, kìm hãm tư duy kinh tế,..!

   Từ thực tiễn phát triển gần chục năm qua, chúng tôi thấy cần phải một lần nữa cùng nhau khẳng định lại định hướng đúng đắn cho sự phát triển của dòng họ, trước mắt cũng như trong tương lai tương đối lâu dài. Dòng họ chúng tôi không thể phát triển tiến bộ để theo kịp với nhịp tiến chung của cộng đồng, nếu không biết đi theo định hướng Phát triển bền vững.

                 Có thể nói gọn về nội dung này như sau :

1/ Yêu cầu chung :

– Phải phát triển cân đối và hài hòa giữa kinh tế (KT) và văn hóa (VH), bằng chính Nội lực của dòng họ.

– Phải bảo đảm sự đồng bộ trong phát triển của tất cả các thành viên trong dòng họ : từng người và từng GĐ.

2/ Mục tiêu phấn đấu :

– Tăng thêm số hộ giàu (chính đáng), hộ khá giả. Giảm dần, tiến tới xóa hẳn hộ nghèo.

– Nâng cao thêm mặt bằng dân trí (học vấn phổ thông và năng lực nghề) của người đang độ tuổi lao động (chẳng hạn 5 năm lên 1 trình độ Nghề, hoặc 1 trình độ phổ cập GD phổ thông).

– Tăng thêm số cháu tốt nghiệp THPT, số cháu vào ĐH, CĐ. THCN, Nghề, khuyến khích học Nghề nhiếu hơn. Tăng thêm số người có trình độ học vấn cao (ThS, TS, TSKH,…).

– Bảo tồn được nề nếp gia phong của GĐ và dòng họ, phát huy được bản sắc VH GĐ và truyền thống dòng họ.

– Tăng thêm hàng năm số GĐ đạt tiêu chuẩn Gia đình văn hóa (GĐVH), tiến tới 100%.

3/ Biện pháp chính :

– Tập trung vào khâu gia đình (GĐ), thông qua việc xây dựng các GĐVH theo các chuẩn mực của Văn hóa gia đình (VHGĐ). Từng GĐ phải thường xuyên thực hiện tốt tất cả các chức năng của GĐ (sinh sản, KT, Giáo dục, VH,…). Đặc biệt chú ý làm thật tốt cả hai chức năng KT và giáo dục (GD), không để chức năng KT lấn át chức năng GD.

– Trong việc thực hiện chức năng GD cần tập trung vào yêu cầu xây dựng cho trẻ và giúp trẻ biết vận dụng tốt nhất Nội lực tự học, tự GD.

– Duy trì đều đặn các hoạt động tình nghĩa, tri ân tiên tổ, khuyến học.

– Tổ chức tốt việc nắm bắt thông tin và trao đổi kịp thời trong dòng họ nhằm giúp nhau kinh nghiệm làm ăn và GD con cái.

    Hình như đã có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng lại rất có ý nghĩa với dòng họ chúng tôi : ngày gặp mặt Giỗ họ năm nay của chúng tôi (12/5 âm lịch) là ngày 27/6 dương lịch, cận sát Ngày Gia Đình Việt Nam 28/6. Được cổ vũ bởi tinh thần Ngày GĐVN, dòng họ chúng tôi đã nêu quyết tâm phấn đấu để phát triển dòng họ theo Định hướng Phát triển Bền vững. Ở đó, khâu trung tâm là phát triển , và bắt đầu từ mỗi GĐ. Ở đó, điểm đột phá là từ chức năng GD của GĐ, thông qua hoạt động Khuyến học, khuyến tài, và luôn có sự gắn kết chức năng KT với chức năng GD của GĐ.

                                                   Ngày 28/6/2015

                                                          H M

                                        (Dòng họ Đỗ Hữu, gốc Hậu Lộc – TH)