Đoàn đại biểu họ Đỗ Thái Nguyên tổ chức dâng hương tưởng nhớ Tiến sĩ Đỗ Cận và quý bà Đỗ Thị Mĩ Mai

Đoàn đại biểu họ Đỗ Thái Nguyên tổ chức dâng hương tưởng nhớ Tiến sĩ Đỗ Cận và quý bà Đỗ Thị Mĩ Mai

                     Đỗ MC

       Trong khuôn khổ các hoạt động hướng tới Đại hội thành lập Hội đồng họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên vào ngày 19 – 5 2013, Ban liên lạc họ Đỗ tỉnh Thái nguyên đã tổ chức các hoạt động hướng về cội nguồn, tưởng nhớ các vị danh nhân, liệt nữ họ Đỗ tại Thái Nguyên.

        Ngày 1-5-2013, Đoàn đại biểu họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên do Luật sư Đỗ Đức Trọng, Trưởng Ban liên lạc dẫn đầu, đã tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ Tiến sĩ Đỗ Cận tại Đền thờ ông thuộc thôn Thống Thượng, xã Minh Đức, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Tham gia dâng hương cùng đoàn, có đại diện chính quyền địa phương, các cụ cao niên, các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng là con cháu họ Đỗ và học sinh các trường Tiểu học, THCS lân cận.

      Đỗ Cận, tên thật là Đỗ Viễn, tự là Hữu Khác, hiệu là Phổ Sơn, sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434) đời Vua Lê Thái Tông, quê ở Minh Đức, Phổ Yên, Thái Nguyên. Ông là người học giỏi nhưng lận đận con đường khoa cử. Mãi đến năm 45 tuổi (1478) ông mới đỗ Tiến sỹ và được lưu danh tại bia Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Mến mộ tài năng đặc biệt của ông, Vua Lê Thánh Tông cho đổi tên Đỗ Viễn thành Đỗ Cận.

         Ông là thành viên của “Tao Đàn Nhị thập bát tú” (28 ngôi sao của Tao Đàn) – nơi tập hợp những nhà thơ tài năng xuất chúng của nền thi ca cung đình do Vua Lê Thánh Tông sáng lập. Trong vòng 20 năm cống hiến, từ một chức quan nhỏ hàm Tòng Thất phẩm, Đỗ Cận được cử làm Phó sứ “mang chuông đi đánh xứ người”(thời nhà Minh), làm Tham Nghị xứ Quảng Nam, rồi làm tới chức Thượng thư đứng đầu 1 trong 6 bộ của Triều đình nhà Lê với hàm Tòng Nhị phẩm.

      Rời chốn quan trường, ông về quê sống cuộc đời giản dị. Gần gũi, thương dân, ông hướng dẫn mọi người tăng gia, sản xuất; bày cách làm thuỷ lợi, khắc phục bão lũ, thiên tai; tôn thờ các vị anh hùng dân tộc. Ngưỡng mộ và ghi ơn công đức của Tiến sĩ đại khoa Đỗ Cận, sau khi ông mất nhân dân Phổ Yên lập đền ngay dưới chân núi Phổ Sơn để thờ phụng người con vĩ đại của quê hương.

     Thành tâm, kính cẩn dâng hương, tưởng nhớ vị Tiến sĩ đại khoa họ Đỗ, bản Khấn văn của Đoàn đại biểu họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên đã khẳng định tài năng và ngợi ca công đức của ông:

Từng nghe:

        Thuở hàn vi – long đong, lận đận.

        Học tài, thi phận –  không nản, chí bền

        Chậm công danh – sớm nổi  Sĩ hiền.

        Vua trọng, dân tin – Đỗ Viễn thành Đỗ Cận.

 Tự hào thay :

       Tiến sĩ – Đỗ đại khoa, ngời ngời danh phận

       “ Nhị thập Bát tú” – Tao Đàn tỏa rạng Khuê Văn .

        Đức rộng, tài cao – bia Tiến sĩ để đời Văn Miếu.

        Đạo làm con – vuông tròn chữ hiếu

        Bậc tôi hiền – sáng rọi đức minh trung,

       Quan Thượng tư – danh tiếng đã từng,

       Phó sứ lẫy lừng – “ngân chuông” đất Bắc,

       Xã tắc, quê hương – vẹn toàn, son sắt,

       Giản dị, khiêm nhường, độ lượng, bao dung,

       Rời chốn phồn hoa, phẩm lộc – về rừng

       Giữ trọn một đời thanh khiết;

       Đỗ đại khoa – Tiến sĩ anh minh, hào kiệt

       Đức đạo để đời, danh tiếng thơm lưu./.

     Cùng ngày, Đoàn đại biểu họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ dâng hương tưởng nhớ  cụ Đỗ Thị Mĩ Mai tại đền Đồng Thụ xã Thuận Thành, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Dự lễ dâng hương còn có đại diện thầy, trò Trường THCS Thuận Thành, các thành viên ban quản lí di tích và các cụ cao niên tại địa phương.

      Bà Đỗ Thị Mỹ Mai, sinh ngày mồng 10 tháng Giêng năm Quý Mão (1507), con gái thứ 7 của Tiến sĩ Đỗ Túc Khang (có tên trong bia tiến sĩ ở Văn Miếu), một vị quan có danh vọng cuối thời Lê sơ. Khi nhà Lê sụp đổ, nhà Mạc lên ngôi (1527), Tiến sĩ Đỗ Túc Khang vẫn được trọng dụng. Ông được cử giữ chức Tán trị thừa chính sứ đạo Thái Nguyên. Đất Phổ Yên và các vùng phụ cận có nhiều giặc giã nên ông phải thường xuyên chống giặc. Khi tuổi cao, sức yếu, ông tiến cử con gái là Đỗ Thị Mỹ Mai đi dẹp giặc thay mình. Là tiểu thư xinh đẹp, võ nghệ tinh thông, bà đóng giả nam chỉ huy quân lính, đánh đâu được đấy. Trong một trận quyết chiến, giáp bào rách lộ yếm đào, thân phận nữ nhi khó giữ. Bọn giặc đã dùng thủ đoạn đê hèn, trần trụi tiến công khiến bà Mai phải lui binh, tuẫn tiết vào ngày 8 tháng 6 năm Mậu Tý (1528) khi mới 21 tuổi đời, gửi mình nơi sông Giã, tức sông Công hiện nay ở vùng đất Phổ Yên địa linh nhân kiệt. Thi thể của bà được nhân dân chôn cất và lập đền thờ Đồng Thụ thờ cúng hàng năm. Công lao, tài năng, đức hạnh của bà Đỗ Thị Mĩ Mai được Khấn văn của Đoàn đại biểu họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên khẳng định:

  “Sử sách còn ghi:  Thời hậu Lê – tiền Mạc

  Có người con gái  Làng Quậy – Cổ Loa

  Xinh đẹp, tài hoa, danh gia vọng tộc,

  Tiểu thư lá ngọc cành vàng

  Chẳng hám cao sang, không màng phú quý,

  Con gái cụ Đỗ Túc Khang – Tiến sĩ,

  Tán trị thừa chính sứ đạo Thái Nguyên

  Khi giặc giã cướp phá Phổ Yên

  Tang tóc, đau thương khắp vùng phụ cận

  Cải gái thành trai, lãnh quân ra trận

  Tả xung hữu đột, há có kém người,

 Giặc giã hoang mang, hỗn loạn, rụng rời

 Nháo nhác chạy, khiếp tài dũng tướng.

 Chốn xa trường, bỗng giáp bào rách, vướng

 Yếm đào bay – lộ phận nữ nhi

 Cơ hội hiếm khi, lũ giặc chớp – giở  trò đê tiện

Trần trụi tiến quân – một lũ súc sinh

Mĩ nữ lui binh, nuốt nhục, trẫm mình,

Tuẫn tiết giữ phẩm hạnh – tướng quân trinh nữ

Cháu con đời đời thương nhớ

Xã tắc mãi mãi ghi công

Đỗ Thị Mĩ Mai- liệt nữ anh hùng

Tuổi đôi mươi – rạng ngời danh nhân Đại Việt.