DIỄN VĂN KHAI MẠC LỄ KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG ĐỖ THẾ TỘC NGUYÊN QUÁN BÀN LÃNH XÃ (XÃ ĐIỆN TRUNG, HUYỆN ĐIỆN BÀN, TỈNH QUẢNG NAM) TẠI TP. HỒ CHÍ MINH
Kính thưa:
– Quí vị đại biểu đại diện các cấp chính quyền tại địa phương. – Quý đại biểu đại diện Tộc Đỗ Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. – Đại diện Hội đồng gia tộc, Tộc Đỗ Thế tại quê hương Bàn Lãnh Xã, xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. – Quý Chức sắc đại diện hai Họ Đạo Cao Đài là Trung Minh và Trung Hiền. – Quý đại biểu khách mời các Tộc anh em ở Bàn Lãnh Xã, Xã Điện Trung và tỉnhQuảng Nam. – Toàn thể cô, chú và anh em con cháu nội ngoại gần xa đã về tham dự trong lễ khánh thành này. Kính thưa toàn thể quí vị, tôi xin thay mặt cho anh em con cháu Tộc Đỗ Thế tại TP.Hồ Chí Minh, lời đầu tiên kính gửi đến quí vị lời chào mừng trân trọng nhất!
Kính thưa quý vị, theo truyền thống của dân tộc “Trung Thành Hiếu Nghĩa”với tinh thần gia tộc “Hiếu kính Tổ Tiên-Không quên nguồn cội”
Trong xã hội Việt Nam ai ai cũng thuộc lòng câu: “Chim có Tổ-Người có Tông” câu ví giữa chim và người cùng chung một ý nghĩa Tổ và Tông. Mỗi dòng Tộc được sinh ra trong lòng dân tộc và tất cả cũng khởi đầu theo lịch sử của đất nước. Tộc Đỗ của Việt Nam đã có rất sớm, từ thời Phục Hy đã làm chủ trưởng vùng Thập Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, tài liệu nhiều đời đã ghi chép. Khu mộ Tổ Tộc Đỗ tại gò Thiềm Từ ở tại thôn Vân Nội, phường Phú Lương, quận Hà Đông, TP.Hà Nội và hiện nay dòng họ Đỗ-Đậu Việt Nam có hơn 400 dòng tộc Đỗ anh em. Thời gian năm 967 Thập Nhị sứ quân nổi lên thì có ông Đỗ Cảnh Thạc chiếm giữ Đỗ Động Giang thuộc huyện Thanh Oai là Đệ Nhị sứ quân. Qua bao cuộc thăng trầm đến nhà Đinh, Lê, Lý, Trần rồi đến Bình Định Vương Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh. Đến đời Lê Thánh Tông hưng thịnh. Ngài sai ông Đỗ Nhuận làm Bộ Thiên Nam Dư Hạ Tập, trong hội Tao Đàn. Năm 1470, Lê Thánh Tông cải niên hiệu Hồng Đức, quân Chiêm gây rối, nhà vua thống lãnh 20 vạn quân tiến vào cửa Thị Nại, Quy Nhơn đánh ra hàng phục quân Chiêm, nhà vua chia làm 3 nước nhỏ tự trị qui phục Việt Nam đó là: Chiêm Thành-Hóa An-Nam Phan. Đất Đồ Bàn, Đại Chiêm và Cổ Lũy lập ra đạo mới là Quảng Nam gồm 3 phủ, 9 huyện, di dân Nam tiến lập nghiệp dài lâu. Giai đoạn lịch sử thời gian này các bậc tiền nhân của chúng ta từ Thanh Hóa, Nghệ An, mỗi người có chí hướng tương lai vào Quảng Nam khởi nghiệp. Ở trung tâm Gò Nổi phủ Điện Bàn thì tiêu biểu ở giữa là Bàn Lãnh, Đông Bàn, Bảo An. Ở Đông Bàn có 4 Vị làPHẠM, NGUYỄN, HỒ, VĂN. Ở Bảo An có 3 Vị PHAN, NGUYỄN, NGÔ.Riêng ở Bàn Lãnh thì có Ngài PHẠM TRƯỜNG THỌ và Ngài ĐỖ LONG BẢNG của tộc ta đứng Tiền Hiền khai khẩn, với diện tích làng Bàn Lãnh hơn 360 mẫu. Trưng đất công ở giữa còn bốn phía thì trưng tư cho con dân 2 tộc làm nhà vườn để ở nhưng vì đất rộng người thưa nên chỉ có 4 cụm dân cư chính là ấp Tân Nam, ấp Chơn Tây, ấp Hòa Mỹ, ấp Bình Khương, sau này một số hậu nhân của ấp Hòa Mỹ, Bình Khương lập ra ấp mới ở đồng Trung Hòa, là ấp Hòa Bình chỉ có 12 hộ. Quân cấp bình quân cấp đất khi trục dân các đời trước trên 2 mẫu trên một đầu người.Các đời sau còn 1 mẫu 8 rồi 1 mẫu 2.Nhưng quân cấp thực chia là 280 mẫu.Các phần thất thoát và nhượng lại trên 20 mẫu. Trong thời Tây bảo hộ, một con chó Tây bị chết ở Bàu Dượt thì người ta nhận trách nhiệm chôn chó nên làng mất đi mấy mẫu gọi là đất chó Ngao. Phía đất đông bắc làng Bàn Lãnh có một bà lão đi ăn xin bị chết, thì Đông Bàn chôn dùm Bàn Lãnh mất thêm mấy mẫu gọi là đất Cơ tử. Phía tây bắc Bàn Lãnh, người ta giấu mấy hũ rượu lậu Đoan lên bắt hàng vô chủ, truy trách nhiệm đất của ai, làng Bàn Lãnh làm ngơ thì Xuân Đài ra mặt nhận do đó Bàn Lãnh mất đất Bàu Tây gọi là đất Lậu tửu. Riêng thời Thiệu Trị – Tự Đức làng Trừng Giang bị thủy phá lở sạch mới cầu cứu lên tỉnh và kinh đô nhờ làng Bàn Lãnh tương trợ. Lúc bấy giờ, cụ Đỗ Thế Miên đương quyền lý trưởng theo đề xuất của tỉnh và kinh thành đã nhượng cho làng Trừng Giang 13 mẫu gồm 3 xứ đất: Cồn Chùa, Bình Trị, Sông Giang. Trong 3 xứ đất này, dân Bàn Lãnh ở trước thì vẫn giữ nguyên, đường đi bàu nước không tính, chỉ tính đất trần, trống ở đâu giao cho đó đủ số mà thôi trong phong cách “da beo răng lược”. Đến đời vua Thành Thái, làng Trừng Giang lập miếu Thành Hoàng để thờ 3 vị Thần của 3 xứ đất ấy. Đến bây giờ vẫn còn phần mộ của cụ Đỗ Thế Miên có câu đối ở nhà bia nói lên sự tích ấy. Câu đối là: “Bá thế lưu hương tamxứ địa Thiên thu di tích nhứt âm phần” Có nghĩa là: “Ba xứ đất ngát hương muôn thuở Một mộ phấn dấu đẹp ngàn năm” Đến đời vua Bảo Đại năm thứ 10 (1935), quan Nhất phẩm cụ Phạm Liệu (một trong những vị được vua phong Ngũ Phụng Tề Phi) ở Trừng Giang và các hương thân phụ lão đủ các tộc trong làng đến Bàn Lãnh cúng vào miếu Tam Vị một tấm biển sơn son thiếp vàng khắc 3 chữ “Thần Chi Thính” và một gói bạc Đông Dương là 50 đồng gọi chút tấm lòng biết ơn của dân làng Trừng Giang đối với Tiền Hiền làng Bàn Lãnh. Ngoài ra phần đất còn lại 1 là làng đấu giá thu ngân sách hoặc mỗi thời gian bán một phần ví dụ như dưới cống Bốn Thước gần mộ Tiền Hiền thì bán cho ông Văn Lẫm ở Xuân Đài. Còn ở Bàu Điễn thì bán cho ông Thủ Liễu ở Lãnh Đông.Riêng ở đất Dị Đường ở Trung Hòa thì có khu mộ mã Bốn Trụ ở Trừng Giang.Ngoài ra còn bán cho bà con ở Dinh Tây một số để làm mộ địa vì hoàn cảnh hạ bạc ở ghe không có đất. Như ngài Thỉ Tổ tộc Phan Lãnh Đông theo chúa Nguyễn vào năm 1558. vẫn tự hào câu: “Tứ bá miên lễ nghĩa chi tôn bành sum nhiên quan lý, Thập ngũ đợi văn chương chi gia phổ xáng nhỉ trâm anh.” Riêng hai ngài Tiền Hiền PHẠM và ĐỖ ở Bàn Lãnh của chúng ta đã từ Bắc vào Nam cuối triều Lê Thánh Tông khoảng 1485-1490.Tính đến nay khoảng 523 năm.Cuối triều Minh Mạng, các cựu xã được sắc phong Tiền Hiền. Ở làng ta hai ngài Tiền Hiền được phong Bàn Thổ Triệu Cơ Tôn Phổ sắc phong: “Dực Bảo Trung Hưng Linh Phò Chi Tôn Thần.” Phát huy truyền thống này Đời thứ 2 con thứ của Ngài tức là Ngài Đỗ Phi Thơ cựu Thế Tú làm Tri huyện Diên Khánh.Đến đời thứ 4 có Ngài Tri huyện Cần. Đời thứ 6 có Ngài Đỗ Thế Thành là Hùng Oai Tướng Quân. Đời thứ 7 có Ngài Đỗ Thế Liêm là Cai Đội Minh Hầu. Thời cận đại, con cháu Tộc Đỗ các thế hệ có phẩm hàm Thất phẩm, Bát phẩm, Cửu phẩm .v.v. Hệ Nhất Tôn Đỗ Thế đến đời thứ 5 thành hình 4 Phái, đến nay tính chung là 16 thế hệ: – Phái I Bà Bầu (Huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) – Phái II Bàn Lãnh (xã Điện Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) – Phái III Hà Đông (Thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) – Phái IV An Thinh (Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) Thật hân hạnh cho gia tộc ta là cũng đã có nhiều Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng, và một điều đáng được tôn vinh là có bác Đỗ Thế Chấp, hậu duệ đời thứ 11 Phái I Bà Bầu, Tam Kỳ, Quảng Nam.Bác đã được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý: “Anh Hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân” bác cũng vừa qua đời. Và cũng thật thật vui hiện nay mặc dù xa xôi nhưng bác gái (bà quả phụ Đỗ Thế Chấp) cũng đã có mặt tại hội trường này.Hiện nay các thế hệ cháu con cũng không thiếu học vị Kỹ sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, quân đội thì phẩm hàm Tá, Úy. Nhìn lai công đức của Đấng Tiền Hiền vô cùng vĩ đại, các tộc Đỗ anh em vẫn chung một tấm lòng hiếu kính Tổ Tiên, hòa ái đùm bọc, yêu thương dòng họ và làm tròn bổn phận công dân yêu nước và thượng tôn luật pháp. Dù rằng anh em dòng tộc Đỗ ở bất cứ nơi đâu, nhưng vẫn quý thương nhau, thông cảm trong tình đồng tộc Đỗ của Việt Nam đúng theo câu: “Cây kia nghìn nhánh cùng chung cội, Nước nọ muôn khe cũng một nguồn.” Ngày hôm nay trong lễ khánh thành Từ Đường Đỗ Thế Tộc Bàn Lãnh thành phố Hồ Chí Minh. Sự hiện diện của quý vị quan khách, các cấp chính quyền tại địa phương, quý vị đại diện Tộc Đỗ Việt Nam tại Tp. HCM và vùng phụ cận, quý chức sắc tôn giáo, quý đại diện chư tộc bạn gần xa và toàn thể các thế hệ con cháu nội ngoại về tham dự nơi đây là niềm khích lệ động viên vô cùng to lớn đối với gia tộc của chúng tôi tại Tp.HCM .Chúng tôi vô cùng biết ơn quý vị. Tôi xin phép toàn thể quý vị cho tôi được biểu dương các gia đình, các cá nhân đã có nhiều tâm huyết hiếu kính với Tổ Tiên, đã không ngại góp công, góp của, tài vật lực. Dầu trải qua bao khó khăn, thử thách, đổi dời nhưng cũng hết lòng lo toan. Từ lúc ban đầu vận động, các chú Đỗ Thế Đức, Đỗ Thế Điệp, Đỗ Thế Đợt, Đỗ Thế Minh, Đỗ Thế Cứ đã hết sức đồng tình chung lo, nhưng rất tiếc các chú đã quá cố theo vể với Tổ Tiên, chỉ còn nơi đây chú Đỗ Thế Đợt nhưng bệnh yếu đi lại khó khăn. Xin biểu dương tinh thần của các gia đình Đỗ Thế Hậu, Đỗ Thế Thính, Đỗ Thế Sáu, Đỗ Thế Tư, Đỗ Thế Trí, Đỗ Thế Mười, Đỗ Thế Dậu. Và đặc biệt các bà thiếm như bà quả phụ Đỗ Thế Đức, bà quả phụ Đỗ Thế Điệp, bà quả phụ Đỗ Thế Mỹ, các thiếm đã nhắc nhở động viên cổ động cho các con cháu mình góp công sức để lo việc ông bà tiên tổ. Dù cũng còn những phần vướng mắc chưa được thỏa đáng, nhưng vì tinh thần hiếu kính với Tổ Tiên, đến hôm nay đã hoàn toàn thành tựu ngôi Từ Đường theo nguyện vọng của toàn thể anh em con cháu. Dù rằng không được quy mô tráng lệ, nhưng cũng thể hiện tinh thần hiếu kính của đàn hậu duệ đang sinh sống tại Tp.HCM và các tỉnh thành Nam Bộ. Kính chúc quý vị quan khách, quý vị đại biểu và toàn thể bà con nội ngoại các thế hệ hôm nay. Lời chúc mừng sức khỏe an khang hạnh phúc, và xin gởi lời cám ơn đến toàn thể quý vị. Tôi xin trân trọng tuyên bố khai mạc Lễ Khánh Thành Từ Đường Đỗ Thế Tộc tại thành phố Hồ Chí Minh. Trân trọng kính chào quý vị! CT Hội đồng gia tộc Đỗ Thế Tp.HCM Đỗ Thế Ngọc
*Tài liệu tham khảo: – Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim – Gia phả và các bảng Sắc phong của tộc
HỌ ĐỖ VIỆT NAM HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ TP.HCM VÀ VÙNG PHỤ CẬN —————————————- TP.HCM , ngày 26 tháng 04 năm 2013
THƯ CHÚC MỪNG LỄ KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG TỘC ĐỖ THẾ – BÀN LÃNH – QN ĐN TẠI TP. HCM NGÀY 30 – 04 – 2013
Kính thưa quý vị quan khách . Kính thưa quý vị Trưởng Lão , Trưởng Tộc , Hội Đồng Gia Tộc Đỗ Thế và Bà Con Họ Đỗ . Hội Đồng Họ Đỗ TP.HCM và vùng phụ cận kính chúc sức khỏe tất cả quý vị và bà con Họ Đỗ tham dự Lễ khánh thành Từ Đường Tộc Đỗ Thế – Bàn Lãnh – Quảng Nam Đà Nẵng tại TP.HCM ngày 30.04.2013. Chúng tôi rất vui mừng cùng bà con tham dự Lễ Khánh Thành này , chúng tôi hết sức trân trọng tấm lòng thành kính nhớ ơn tổ tông của bà con Họ Đỗ mà Tộc Đỗ Thế – Bàn Lãnh tại TP,HCM là một điển hình cho sự tri ân đó biểu hiện bằng công trình Từ Đường Tộc Họ tại TP.HCM . Đây là một kiến trúc tôn nghiêm đẹp đẽ được khánh thành ngày hôm nay minh chứng cho tấm lòng hiếu nghĩa của con cháu đối với tổ tiên dù ở xa nơi quê cha đất tổ . Họ Đỗ Việt Nam chúng ta đã biết được người Họ Đỗ xa xưa nhất cách đây khoảng 5.000 năm được ghi chép trong thư tịch cổ còn lưu truyền đến ngày nay là Cụ Bà Đỗ Quý Thị ( Đạo hiệu Hương Vân Cái Bồ Tát ) – vợ Cụ Đế Minh ( Nguyễn Minh Khiết ) . Từ đó chúng ta có thể tự hào là Họ Đỗ Việt Nam đã có cội nguồn từ rất lâu , đã có quá trình tồn tại và phát triển cùng với lịch sử dân tộc Việt Nam cho đến ngày nay và chúng ta đã hình thành Ban liên lạc Họ Đỗ Việt Nam để hoạt động cho tộc họ tiếp nối di sản truyền thống tổ tiên đã để lại . Họ Đỗ Việt Nam kể tử thành lập Ban Liên Lạc năm 1997 đến nay là Hội Đồng Họ Đỗ (Đậu ) Việt Nam đã từng bước củng cố và phát triển , tụ hội và kết nối nhiều tộc họ bà con từ nhiều nơi trải dài khắp toàn quốc , từ trong nước ra nước ngoài , từ đó tộc họ chúng ta ngày càng đoàn kết gắn bó giúp đỡ nhau thiết thực hơn và hiệu quả hơn và tại TP.HCM chúng ta có Hội Đồng Họ Đỗ TP.HCM và Vùng phụ cận hoạt động nhằm hội tụ gắn kết bà con Họ Đỗ tại TP.HCM và Vùng phụ cận . Nhân dịp này, Hội Đồng Họ Đỗ TP.HCM và Vùng phụ cận xin kính tặng Từ Đường Tộc Đỗ Thế – Bàn Lãnh – QN ĐN tại TP.HCM câu đối như sau : CỬ MỤC TƯ TỔ CÔNG TÔNG ĐỨC TỒN TÂM VI HIẾU TỬ HIỀN TÔN ( Xin dịch nghĩa : Ngẩng mặt lên coi tưởng nhớ công đức tổ tông Nhũ lòng lo giữ trọn đạo con cháu hiếu hiền ) . Chúc Lễ khánh thành hoàn tất tốt đẹp . Kính chào trân trọng . HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ TP.HCM VÀ VÙNG PHỤ CẬN Chủ Tịch ĐỖ HỮU HẰNG |