Giới thiệu về làng hợp lễ bình xuyên vĩnh phúc

Giới thiệu về làng hợp lễ bình xuyên vĩnh phúc

Nhân dịp kỷ niệm 900 năm.Họ Đỗ làng Hợp Lễ đã tổng kết 12 năm phát triển Dòng họ và khánh thành Nhà thờ Tổ(28/8/2009 tức 12/6 Kỷ Sửu).

Một số đại biểu đại diện TT BLL HĐVN đã về dự.

Sau cuộc họp Ban liên lạc họ Đỗ Hợp Lễ mong muốn được đăng cai tổ chức cuộc gặp mặt nghĩa tình lần thứ 14 vào năm 2011(Năm 2012 BLLHĐ – Đà Nẵng đã đăng cai).

Chúng tôi có bài giới thiệu về truyền thống của dòng Họ Đỗ Hợp Lễ Vĩnh Yên, để bà con Họ Đỗ cả nước biết.

Đỗ Đình Dương

*

*           *

Phát Biểu Trong lễ kỷ niệm Nhân 900 năm họ Đỗ Làng hợp lễ tổng kết 12 năm Phát triển và lễ khánh thành nhà thờ tổ

(28/8/2009 tức 12 tháng 6 Kỷ sửu)

Kính thưa! Các cụ lão ông, lão bà, các cụ cao niên trong dòng tộc.

Các vị đại diện ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam

Các vị lãnh đạo Đảng, chính quyền MTTQ, Đại biểu các ban ngành của thị trấn, và Các vị khách quý và Toàn thể các ông bà cô chú, các anh chị em, các thành viên trong họ.

Được sự uỷ nhiệm của ôngTrưởng tộc. Tôi xin cảm ơn quý vị Đại biểu, quý khách và bà con cô bác đã giành thời gian quý báu về dự lễ kỷ niệm 900 năm Họ Đỗ ở làng Hợp Lễ Thị Trấn Thanh Lãng đặc biệt sau 12 năm đổi mới của Dòng họ và Lễ khánh thành Nhà Thờ tổ mới xây dựng xong.

Xin gửi tới Quý vị và Bà con lời chào đoàn kết, chúc quý vị mạnh khoẻ hạnh phúc.

Trước hết xin chân thành cảm ơn Tập thể Thường trực ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam và Đặc biệt là phó Giáo Sư Đỗ Tòng, Người khởi nguồn sáng lập ban liên lạc HĐVN nay là cố vấn của BLL, người đã hơn 10 năm liền mang hết tâm trí, tài năng công sức, tiền của cho việc tìm lại cội nguồn dòng tộc Họ Đỗ Việt Nam.

Đến nay công trình đồ sộ về lịch sử Họ Đỗ Việt Nam đã và đang được vun đắp, khai thác bổ xung, chứng minh, Qua thông tin từ Ban liên lạc toàn quốc đến nay đã có hơn 470 dòng họ, giao lưu gắn kết dưới sự chỉ đạo chung của một ban liên lạc toàn quốc có Trụ sở đặt tại số nhà 27 phố Đào Tấn – Hà Nội.

Qua các tài liệu, các thông tin từ ban liên lạc, chúng ta được biết những tư liệu vô cùng quý giá và tự hào của họ Đỗ.

Vinh dự, tự hào về bề dày lịch sử của họ Đỗ ta đã có hơn 900 năm phát tích sinh tồn ở làng Hợp Lễ, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.

“Họ Đỗ xin một ngày đại Lễ

Để tôn vinh liệt vị Tổ tiên

Con cháu nơi nơi mọi miền

Đồng tâm nhiệt thành về lễ Tổ”

Cụ Thủy Tổ họ ta tên thật là Đỗ Minh Khôi, mộ táng tại xứ đường Trong, mộ táng sâu không nấm. Do quá trình xã hội đổi thay, phần mộ cụ còn lại 100mđã xây đẹp đẽ.

Cụ Tổ bà tên thật là Nguyễn Thị Thịnh, mộ táng tại xứ Đống Đình Gò Than, trên đất canh tác (phần mộ này do họ Nguyễn Công trông giữ).

Thuộc Triều Lý đời vua thứ tư Lý Nhân Tông (1072 – 1128) cụ Tổ định cư phát tích ở làng Hợp Lễ và làm quan hiệu sinh phủ Yên Lãng (đó là tộc phả ghi lại).

Mộ Phần của cụ cũng ở nơi cao ráo, bằng phẳng “Sơn – Thuỷ” hữu tình. Đất dựng nhà thờ (Tổ đường) cũng nằm chính giữa làng ở thế đất cao, thoáng. Qua nhiều đời, ruộng đồng canh tác hầu hết là gần làng và toàn là những chân ruộng tốt (Đằng điền), trải qua một bề dày lịch sử 900 năm tôn vinh, hưng thịnh với 26 đời: người nối tiếp, đất nước, làng quê biết bao thay đổi. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nhưng rất tự hào là chúng ta vẫn thuỷ chung, son sắt, nề nếp gia phong luôn luôn bảo tồn, trên dưới đồng thuận. Kể cả trong lúc muôn vàn khó khăn đến giàu sang, phú quý, chúng ta vẫn giữ và định hướng theo 4 chữ đại tự ghi trong Tổ đường: “Tổ Đức Lưu Quang”, cha truyền con nối 26 đời.

Trong quá trình sinh tồn của dòng tộc đến đời thứ 12 có một sự kiện mà ai cũng biết đó là: Cụ Tiên tổ Đỗ Thành Trung sinh hạ được 4 người con trai, cụ Đỗ Văn Gián con trưởng mất sớm, cụ Đỗ Văn Tuyển con thứ kế nghiệp tôn tộc truyền sinh đến nay. Người con thứ ba là cụ Đỗ Văn Thắng là dưỡng tử họ Nguyễn Duy, cháu ở với cô sau đó lập công tộc riêng và truyền sinh đến nay thuộc chi Nguyễn Công cụ Thành cụ Tổ huý, Nguyễn Công Thắng.

Cụ thứ 4 là Đỗ Văn Sùng di cư đến làng Tề Lỗ huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc (về sau mất liên lạc).

Đời thứ 13: Cụ Đỗ Văn Tuyển sinh hạ được 4 người con trai là cụ Đỗ Công Nghiên thuộc chi trưởng sinh tồn đến nay. Cụ thứ hai là Đỗ Phúc Đoan thuộc chi thứ 2 sinh tồn đến nay. Thuộc ông Đỗ Văn Như phụng sự, cụ thứ 3 là cụ Đỗ Đăng Doanh là chi thứ 3 do cụ Đỗ Văn Bạch ta thường gọi (cụ Ký Bạch) là cháu 9 đời phụng dưỡng, đến năm ất Dậu (1945) di cư đi Đại Từ – Thái Nguyên (ít có liên lạc). Cụ thứ 4 tức chi 4 là cụ Đỗ Đông Thành đi làm dưỡng tử họ Nguyễn Hữu, cháu ở với cô sau trưởng thành ông trưởng họ này và ngày nay thuộc ông Nguyễn Hữu Lâm phụng sự.

Thể theo nguyện vọng của bà con chi 4 này là hướng về cội nguồn để sinh hoạt chung cùng các chi trong họ Đỗ.

Cũng từ những sự kiện trên phần mộ của Thuỷ Tổ, các vị tiên tổ được phân chia như sau:

Mộ của cụ Hiện Thuỷ Tổ Khảo huý Đỗ Minh Khôi do họ Đỗ giữ mộ cụ Đỗ Văn Thắng tức Nguyễn Công Thắng. Ngôi mộ cụ Đỗ Đông Thành do họ Đỗ trong giữ, giỗ kỵ thuộc chi họ Hữu phụng sự, đó là Tiên tổ Đỗ Đông Thành (Tức Nguyễn Hữu Thành).

Kể qua chuyện phân chia phụng sự và gìn giữ mộ Tổ trên ta thấy được nét đẹp văn hoá, tuy không thành tự nhưng thành văn, thâm thuý, sâu lắng và gắn bộ muôn đời. Có sự ràng buộc gắn kết chặt chẽ và nề nếp gia phong.

Cảm ơn Tổ tiên! Hàng chục đời sinh tồn. Hơn 900 năm của cội nguồn chi cành nảy nở, hoa lá xum xuê 26 đời con cháu của Tiên tổ nay có tới trên dưới 700 đinh, là một trong những dòng tộc có bề dày, lịch sử và cũng là một dòng họ có dân số vào loại đông nhất nhì trong thị trấn.

Hơn 900 năm trải qua nhiều triều đại, nhiều chính thể, họ Đỗ vẫn luôn duy trì và là một họ có nếp sống văn hoá, trong họ có nhiều đời làm nghề dạy học, làm nghề văn, ít làm chính trị. Nhìn chung là có lối sống nhân từ, bác ái, làm điều thiện, giữ vững vị thế của dòng họ trong cộng đồng làng xã.

Trong văn hoá ứng xử luôn biết người biết ta, khiêm tốn. Lớp người sống trong thời phong kiến thực dân, các cụ vẫn giữ lối sống hiền từ, mẫu mực theo dòng Nho giáo được dân làng kính nể, mến yêu. Chức danh trùm làng là người có thể bao quát là ” Cố vấn đặc biệt” công việc của một làng, phải là một người có Tâm, Đức , Tài , Trí, có uy tín liên quan đến việc Quốc thái dân an ở một làng quê, Ngăn ngừa sự ngược đãi của cường hào hương lý và quan lại cấp trên, động viên phát huy quyền bình đẳng trong dân chúng.

Với 4 chữ “Tổ Đức lưu quang” trong 26 đời sinh tồn, dòng họ đã sản sinh và nuôi dưỡng cháu con có Tâm, Đức, Trí, Tài, trung hiếu, có đủ tầm ứng xử và hoà mình, giữ vững vị thế của dòng tộc trong xã hội ở mọi thời đại. Chúng ta tự hào về dòng họ đã có người con gái ở vào đời thứ 12 đã sản sinh, nuôi dạy con trai là Nguyễn Duy Thì để trong thời vua Lê, chúa Trịnh ông được nhiều lần phong hàm, phong tước mà đỉnh cao là năm 1646 (Năm Bính Tuất) ông được phong “Thượng Thư Bộ Lại”, kiêm Trưởng lục bộ sự, tế tửu Quốc Tử Giám, coi việc Hàn Lâm Viện, Thái Phó và được mở phủ là phủ Bình Quân lại được cấp 50 mẫu ruộng để lập đền thờ.

Tự hào về bề dày lịch sử của dòng họ, chúng ta không quên nhắc lại sự vững mạnh của tập thể về vốn quỹ trong xã hội phong kiến đó là Họ ta có một vốn quỹ chung rất khiêm tốn và đủ mạnh để phục vụ việc họ.

Toàn bộ tài sản vốn quỹ trên từ xưa ta vẫn coi là của trưởng, của trưởng là của họ, họ với trưởng là một. Chính đây thể hiện sự đoàn kết nhất trí và sự tin cậy của dòng tộc.

Sau cách mạng tháng 8, tại khuôn viên này, thay mặt dòng họ ông Trưởng đã thu xếp để một Ban chỉ huy của Tiểu Đoàn Vệ Quốc Quân sử dụng Nhà thờ Tổ họ là nơi làm việc và xung quanh là nơi nuôi dưỡng cả 1 tiểu đoàn Vệ Quốc, kể cả ăn ngủ cùng với hàng trăm em thiếu nhi do lạc cha mẹ khi chiến tranh xảy ra ở Thủ đô, Nhà nước gom lại đưa về nơi đây hàng tháng trời, Trưởng họ cung cấp lương thực.

Họ ta rất giàu lòng yêu nước. Từ những buổi sơ khai ban đầu. Họ chúng ta đã đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, như có nhũng cụ đi trên thuyền, trên mảng, cướp chính quyền, phá kho thóc ở ấp Bát Soạn. bỏ tiền gạo ra nuôi Vệ Quốc Đoàn, nuôi trẻ lạc, thậm chí còn đăng ký và chịu trách nhiệm trước Đảng về việc nhận đỡ đầu cán bộ cách mạng và chu cấp toàn phần ăn, mặc, phí tổn để cán bộ hoạt động như ông Trần Quang Sơn – Bí thư huyện uỷ Bình Xuyên (1946 – 1947) 3 năm trời ăn, mặc và đi lại chính nơi đây để lãnh đạo phong trào huyện, toàn tỉnh, rồi ông trưởng thành khu uỷ viên Liên khu.

Bí thư Đảng uỷ đường sắt Việt Nam (ông hy sinh trong chiến tranh đánh Mỹ ở cầu Đò Lèn năm 1966).

Trong 2 cuộc kháng chiến cứu nước, Họ ta đã có sự đóng góp rất xứng đáng về nhân tài, vật lực. Nhiều gia đình là cơ sở che dấu, nuôi dưỡng cán bộ, Bộ đội hoạt động bí mật, nhiều người tham gia vào lực lượng dân quân du kích, đi bộ đội, TNXP vào các cơ quan Nhà nước, ra chiến trường và phục vụ chiến đấu, xây dựng chủ nghĩa xã hội, có nhiều người là Đảng viên Đảng cộng sản, cán bộ hưu trí, một số gia đình liệt sĩ được phong tặng danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu”, có nhiều người là thương binh được tặng danh hiệu “Người công dân kiểu mẫu”. Đến nay các thế hệ nối tiếp nhau, họ ta hiện có một số là sĩ quan trung, cao cấp, trong lực lượng vũ trang, một số là cán bộ, tiến sĩ, kĩ sư, kỹ thuật trên lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao cũng như mọi mặt kinh tế, xã hội và giáo dục. Trong đóng góp với xã hội, có nhiều ông bà được thưởng huy hiệu 30, 40 năm tuổi Đảng, có hàng chục người được thưởng Huân chương các loại, có người được sở hữu hàng chục bằng khen và giấy khen các loại.

Mọi đóng góp với nhà nước nói chung là tốt là một dòng họ vì cộng đồng làng xã.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sau hơn 20 năm đât nước đổi mới, nhân dân cả nước nói chung và làng xã nói riêng đã có nhiều chuyển biến đi lên, nhà nhà no đủ, xóm làng khang trang, cuộc sống thanh bình, hạnh phúc.

Thật vậy “Tân quốc, Tân gia, Tân lạc cảnh“…

Trước hết ghi nhận và cảm ơn một số thành viên trong cộng đồng dòng họ đã có tâm, có trí, có tài, đức và giàu lòng nghĩ về tổ tông. Đã khởi xướng và đề ra những chủ trương đúng đắn, đúng thời điểm, hợp lòng, có tình thuyết phục cao, làm nên sự đồng thuận.

Nói về mặt giữ gìn kỷ cương, nề nếp gia phong:

Trong những năm từ 1997 đến nay 2009, chúng ta đã sưu tầm, bổ xung, hoàn chỉnh cuốn Tộc phả. Có in ấn sạch đẹp, phân phối xuống các đầu cành, đầu bếp cùng lưu giữ, Sau khi đã thông qua toàn họ.

Chúng ta lập được một Phả hệ, in khổ lớn ghi chi tiết từng, từng đinh trong họ đến đời thứ 26 công khai tại từ đường đã nhiều năm nay.

Chúng ta đã viết được một tộc ước có những quy định cụ thể áp dụng cho nội bộ và phù hợp với thời đại. Không ngoài phạm vi quy định của hương ước làng xã về mọi mặt, đồng thời trong họ còn có những điều cần khuyên răn, để giữ gìn kỷ cương,

Chúng ta đã thành lập được quỹ thăm hỏi, phúng viếng đối với mỗi thành viên trong họ khi yếu đau, lúc về già, Quỹ và chương trình này, nhiều năm nay duy trì tốt và rất có tác dụng. Đặc biệt về mặt giáo dục đối với lớp con cháu trong dòng họ, đồng thời qua việc làm của ta dư luận, xã hội có ý đồng tình hoan nghênh và đã đang học tập.

Là một dòng họ có truyền thống về khuyến học khuyến tài, hoà nhịp với phong trào của địa phương, với những đề xuất đúng đắn. Nghị quyết của Hội đồng dòng họ lại được quán triệt rộng rãi, dân chủ bàn thảo, gây sự đồng thuận mà có rất nhiều hộ gia đình trong họ rất phấn khởi vì nó công bằng, phù hợp với điều kiện kinh tế, cho nên 100% số hộ trong họ tự nguyện đóng góp, thật công bằng, công khai, đúng kỳ, đủ số.

Từ nguồn vốn quỹ ít ỏi thu vào hàng năm, trong những năm qua ta đã trao thưởng cho gần 300 lượt các cháu học sinh, sinh viên có thành tích trong học tập hàng năm và thi cử đỗ đạt, số học sinh được nhận phần thưởng của dòng họ năm sau cao hơn năm trước, từ khi chi hội khuyến học ra đời đến nay (2009) họ ta đã có 15 cháu thi đỗ vào các trường Đại học, Cao Đẳng, số tốt nghiệp Đại Học, Cao Đẳng. Có 2 cháu được cấp bằng tiến sĩ. Nhiều gia đình vượt khó nuôi con ăn học. Chúng ta có 13 con em có trình độ văn hoá trên đại học đã đang công tác trong cơ quan nhà nước hoặc đã nghỉ hưu trí.

Thành tích khuyến học của dòng họ đã được địa phương ghi nhận, đã mấy lần cấp bằng khen và thưởng. Rất vinh dự là họ ta đã được 2 lần Hội khuyến tỉnh cấp bằng khen.

Về mặt tâm linh thờ cúng: Bề dày lịch sử và tiềm năng kinh tế của dòng họ chúng tôi đã đề cập ở trên. Song vì 5 gian nhà cổ, đồ thờ cúng của ta bị giặc Pháp đốt phá hết.

Không vốn quỹ, không ruộng vườn, không đất thờ tự, không có nhà và đồ thờ cúng Tổ đường.

Song nhờ câu “Phúc ấm lộc bền

BLL HĐ Hợp Lễ đã cùng bà con bàn bạc để người góp của, người góp công, xây dựng lại Nhà thờ khang trang to đẹp để bà con có nơi Thờ tự, đến nay Nhà Thờ đã hoàn thành..

Toàn bộ danh sách cá nhân, tập thể công đức tiền, vật liệu đồ thờ v.v.. đều được ghi chép đầy đủ niêm yết công khai tại nhà họp của họ.

Mong rằng nơi đây là nơi thờ phụng Tổ đường, phải được mọi người, mọi thế hệ mang tâm gìn giữ, bổ xung để ngày càng khang trang hơn, đồng thời phải thể hiện tôn nghiêm nơi tổ đường, nghiêm cấm những gì phi đạo lý.

Phải coi đây là luật di sản văn hoá của dòng họ, môt tài sản chung quý giá của cộng đồng dòng họ “Bất khả xâm phạm”.

Đối với ông Trưởng họ phải coi trọng hơn nữa việc hương khói trong những ngày giỗ kỵ, tuần tiết, mọi thứ trong nội thất mỗi khi thêm vào, bớt đi đều phải được thông qua tập thể Hội đồng, không nên tự ý thay đổi.

Về mặt tâm linh: Hội đồng khuyến khích các gia đình, con cháu có tâm nghĩ đến Tổ tiên và cầu mong sự che chở, phù hộ của Tổ tiên, mà những ngày trong gia đình có việc vui mừng, thi cử, có Tu lễ lên Tổ đường thắp hương đều phải thông qua ông trưởng.

Nơi đây mọi người trong họ đều phải coi trọng tâm linh tín ngưỡng, thờ cúng để tỏ lòng tri ân Tiên tổ. Cảnh quan môi trường phải luôn phong quang sạch đẹp

Tránh mọi hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, hành nghề mê tín dị đoan, giữ gìn: Đoàn kết, kỷ cương, nề nếp gia phong, dân chủ, công khai, công bằng là ý nguyện của mọi người trong họ.

Xin chân trọng kính chúc quý vị và bà con mạnh khoẻ an khang thịnh vượng.

Thay mặt BLLHĐ Hợp Lễ

Trưởng ban

Đỗ Văn Bính