Họ Đỗ làng Linh Chiểu khánh thành nhà thờ họ

Họ Đỗ làng Linh Chiểu khánh thành nhà thờ họ

11/11/2009
Ngày 25 tháng 10 năm 2009, bà con họ Đỗ Làng Linh Chiểu, xã Sen Chiểu, huyện Phúc Thọ, Hà Nội tưng bừng tổ chức lễ khánh thành nhà thờ Họ, đáp ứng lòng mong mỏi, khát khao đã bao năm của dòng Họ. Bà con họ Đỗ ở nhiều nơi trong Khu vực xứ Đoài cử đại biểu về dự. Giáo sư tiến sĩ Đỗ Đình Chiểu (BLL họ Đỗ Ứng Hòa) đã gửi lẵng hoa và sách chúc mừng họ Đỗ Linh Chiểu. Thường trực BLL họ Đỗ Việt Nam cũng cử đoàn đại biểu về chúc mừng và giao lưu cùng bà con. Năm nay, riêng khu vực Hưng Hóa- xứ Đoài đã có 02 nhà thờ họ mới được khánh thành, nhờ công đóng góp của bà con trong, mỗi nhà thờ trị có giá hàng trăm triệu đồng.  Ở những làng quê thuần nông, đây là một sự cố gắng lớn và đồng thuận cao của bà con, những tin hiệu vui cho phong trào hướng về cội nguồn của họ Đỗ chúng ta. Tuy nhiên đây đó vẫn còn nhiều chuyện không vui, như vụ đập phá Đỗ Hữu  Từ đường ở Thành phố Hồ Chí Minh cách đây hơn một tháng, mà báo CAND đã đưa tin. Chính nhờ báo chí mà các cấp chính quyền đã can thiệp, kịp giữ lại một công trình kiến trúc đẹp và cổ kính. Mới tuần trước bà con họ Đỗ Quang ở xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên đã thông tin về ngôi nhà thờ  họ Đỗ Quang, nơi cách đây 03 năm đã tổ chức họp mặt bà con họ Đỗ cả nước, đang bị một số người mưu toan chiếm đạt.  Họ cung cấp thông tin sai lạc cho báo chí, đánh lộn sòng đất nhà thờ họ thành đất tôn giáo, đây là một việc làm rất nguy hiểm trong giai đoạn hiện nay.

Trong hoạt động dòng họ chúng ta cần nhận thức và xác định rõ:

– Tục thờ cúng tổ tiên của dân tộc Việt không phải là một tôn giáo.

– Đất nhà thờ họ không phải là đất tôn giáo.

– Trong trường hợp xảy ra tranh chấp đất đai nhà cửa thì đây không phải là tranh chấp đất đai, nhà cửa tôn giáo.

Để làm rõ những nhận thức trên chúng tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác. BBT cũng mong nhận được những bài của bạn đọc gần xa về chủ đề này.

 Lễ khánh thành nhà thờ Linh Chiểu
HỌ ĐỖ VIỆT NAM

BLL HỌ ĐỖ LÀNG LINH CHIỂU XÃ SEN CHIỂU-HUYỆN PHÚC THỌ-HÀ NỘI

BÀI PHÁT BIỂU TẠI LỄ KHÁNH THÀNH HỌ ĐỖ -LINH CHIỂU.

Ngày 25-10-2009( 08/9/Kỉ Sửu)

Kính lễ các cụ tổ tiên Họ Đỗ làng Linh Chiểu

Kính thưa: Các vị đại biểu khách quý.

Kính thưa các cụ,các ông các bà và toàn thể anh em Họ Đỗ Làng Linh Chiểu.

Nhân buổi lễ trọng đại này cho phép tôi được thay mặt BLL Họ Đỗ Làng Linh Chiểu được trân thành cảm ơn sự có mặt của các vị đại diện cho Họ Đỗ Việt Nam, đại diện của Họ Đỗ Hưng Hoá – Xứ Đoài, đại diện của các dòng Họ bạn đã đến cổ vũ động viên chúng tôi để buổi lễ được thành công tốt đẹp hơn.

Tôi xin phép được thay mặt BLL Họ Đỗ làng Linh Chiểu giới thiệu sơ lược về lịch sử Họ Đỗ Việt Nam và Họ Đỗ Làng Linh Chiểu.

I. Phần I:

Họ Đỗ Việt Nam có từ bao giờ: Theo các tài liệu, các thông tin chi tiết đầy đủ về gia phả Họ Đỗ Việt nam với các công trình nghiên cứu khoa học đồ sộ của hơn 400 dòng Họ Đỗ trong nước và 28 dòng Họ Đỗ ở nước ngoài đã khẳng định người Họ Đỗ lâu đời nhất ở Việt Nam hiện tìm thấy là cụ Long Đỗ tên thật là Nguyễn Đỗ Khanh Hiệu là Phúc Lộc cụ sinh năm 4630 TCN. Mất ngày 25/9/4535 TCN thọ 95 tuổi. Cụ Long Đỗ là Hoàng Tử thứ 15 của Đế Thích Bát Hải Đại Vương: là cháu nội của cụ Đế Thiên Phục Hy Thiên Không Giáo Chủ.

Sinh thời cụ Long Đỗ là tể tướng của hai đời Vua. Cụ đã rất giỏi về nông nghiệp cụ đã đi khắp nơi dạy dân trồng lúa nước, trồng cây đậu và chế biến sản phẩm lúa gạo và đậu phụ. Cụ luôn được Vua Cha là Bát Hải Đại Vương giúp cho mưa thuận gió hoà vì thế đời sống xã hội thời đó rất thịnh vượng (Theo sự tích cây đậu). Về sau dân gian truyền tụng và gọi cụ là: “Thần Long Đỗ”. Được nhà Vua phong thần: “Đỗ Phủ Thành Hoàng Thần Quân”. Đến đời vua Lý Thái Tổ phong là: “Quốc Đô Định Bang Thành Hoàng Đại Vương”. Thời nhà Trần Vua Trần Thánh Tông phong là: “Bảo Quốc Định Bang Đại Vương”. Hiện nay mộ của cụ ở tại số 3 ngõ Gạch-Đền Bạch Mã -Hoàn Kiếm – Hà Nội…

Đời thứ hai là cụ Long Quy Đời thứ ba là cụ Long Ngao .Đời thứ tư là cụ ĐỗThương.

Cụ Đỗ Thương là tể tướng của hai đời Vua là: Sở Minh Công (Đế Thừa ) và Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết) cụ bà thứ 9 của cụ Đỗ Thương có tên là Vụ Tiên. Cụ Tiên đã sinh ra cụ bà Đỗ Quý Thị và 8 người em trai (trong dân vẫn gọi là Bát Bộ Kim Cương).

Cụ Đỗ Quý Thị có tên thật là Đỗ Đoan Trang sinh ngày 8/4/4307 TCN mất ngày rằm tháng 7 năm 4212TCN hưởng thọ 95 tuổi hiện nay mộ của cụ còn ở tại Ba La -Hà Đông- Hà Nội. Cụ được đời sau phong là Hương Vân Cái Bồ Tát và Sa Bồ Giáo Chủ. Hiện nay cụ còn được tôn vinh là Đệ Nhất Tiên Thiên Thánh Mẫu.

Cụ Đỗ Quý Thị sinh ra Nguyễn Lộc Tục được 8 người cậu ruột phò trợ về sau đã nối nghiệp cha lập ra nước Xích Quỷ và xưng là Kinh Dương Vương từ đây bắt đầu của triều đại Hùng Vương thứ nhất của trang vàng lịch sử Việt Nam.

Sau khi lên ngôi Kinh Dương Vương đã phong cho cha mình là Đế Minh là “Ngọc Hoàng Thượng Đế” và 8 người cậu ruột của mình là Bát Bộ Kim Cương. Hiện nay cả 8 vị Kim Cương đó hiện còn mộ tại xã Vân La- Hà Đông- Hà Nội (người đời vẫn gọi là mộ Bát Bộ Kim Cương hay Gò Thiềm Thừ).

II. Phần II:

Họ Đỗ ở đất Linh Chiểu có từ bao giờ:

Cụ Tổ chúng ta ở đất Linh Chiểu hiện nay được biết cụ có tên thật là Đỗ Tín Dũng-Hiệu Khắc Dụ-Cụ là hậu duệ của cụ tổ thứ 6 có tên Đỗ Dũng hiệu là Địch Trừ Tai Kim Cương. Theo ngọc phả của di tích lịch sử Đình, Chùa Cổ Linh hiện còn lưu giữ cụ Đỗ Tín Dũng đã về đây lập nghiệp từ rất lâu cùng với các Họ khác là: Nguyễn, Lê, Khuất, Phùng đã dựng nên làng Hương Linh sau đổi thành Cổ Linh rồi Linh Chiểu nay là Thanh Chiểu. Theo tài liệu này làng Cổ Linh được lập vào khoảng năm 980-988 (Thời Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn lên ngôi với tước hiệu Thiên Phúc).

Cụ Dũng có 3 cụ bà và 5 người con trai về sau do dân số tăng nhanh đã tách thành 5 chi đẻ tiện sinh hoạt; nề nếp sinh hoạt đó vẫn được tồn tại đến ngày nay.

Do quá trình lịch sử thay đổi cộng với thiên tai địch hoạ…Mà tới nay mọi gia phả không còn giữ được nguyên vẹn. Mộ cụ Dũng hiện được đặt tại Gò Bút. Năm 1989 toàn thể bà con trong Họ đã góp công sức xây dựng lại thành khuôn viên như ngày nay. Trong đó phải kể đến những tấm gương tiêu biểu của các cụ cao tuổi như; Trưởng tộc Đỗ Văn Khiệt;Các cụ Đỗ Tứ; Đỗ Ban; Đỗ Quốc Ngâu; Đỗ Văn Nhương; Đỗ Nghiệp…(Đã mất) hay các ông hiện còn sống như ông Đỗ Văn Kiểm; Đỗ Văn Sâm; Đỗ xuân Cầu; Đỗ Xuân Sinh; Đỗ Văn Tiếp; Đỗ Văn Hồng; Đỗ Văn Nhuỵ… Mọi sinh hoạt thường ngày là do các trưởng chi chỉ đạo cả Họ chỉ tập trung mỗi năm có 2 ngày: Rằm tháng 2 là giỗ cụ Tổ; 20 tháng chạp viếng mộ các cụ Tổ.

Hiện nay dân số của Họ khoảng 1700 khẩu với 920 xuất đinh. Do điều kiện kinh tế xã hội nhiều con cháu Họ Đỗ của làng đã phiêu dạt đi khắp nơi:Lạng Sơn; Than Uyên; Nghiã Lộ; Hoà Bình; Phú Thọ; Nghệ An; Đà Nẵng; Lâm Đồng; TP HCM; Bình Dương; Sông Bé…

III. Phần 3:

Những nét đẹp văn hoá dòng Họ xưa và nay.

Trong sự nghiệp phát triển chung của xã hội, cộng đồng ở thời nào người Họ Đỗ chúng ta cũng có những anh hùng làm rạng danh sử sách của dòng Họ cũng như của dân tộc.

Điển hình như cụ Đỗ Văn Khiêm (thường gọi là cụ Cai:1820-1850) Đã nhiều lần mở kho phát chẩn cho dân trong những năm đói kém cụ đã được Vua Tự Đức phong là Thầy Tú 3 tỉnh:Sơn Tây; Hưng Yên; Tuyên Quang và bức trướng vơi 8 câu thơ tựa đề: Phúc Đức. Các con của cụ từ 15 tuổi đều được phong hàm và được ban thưởng.

Quận Cồ Đỗ Văn Minh đã viết hịch: (Hịch Lãnh Cồ) dựng cờ khởi nghĩa đánh Pháp (1885-1887)rất nhiều nơi tham gia hưởng ứng nghĩa quân của cụ nhiều lần làm chủ một địa bàn rộng lớn từ Cầu Diễn trở lên Sơn Tây; Phú Thọ. Cụ đã có ý tưởng hợp binh với các cụ Đốc Ngữ, Đề Thám.Việc không thành cụ về đóng đô tại Vật Lại. Bị Lãnh Bình phản bội cụ đã chết trận ngày 10/2/1887.

Cụ bà Đỗ Thị Khuê với đức độ của người phụ nữ từ chối không vào cung làn cung nữ mà ở lại tuổi 24 phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi con khi chồng mất cụ được vua Bảo Đại phong; “Tiết Hạnh Khả Phong “năm 1938

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước nhiều thanh niên của dòng họ Đỗ đã tích cực tham gia tòng quân. Có………….. là quân nhân, sỹ quan quân đội nhân dân. Trong đó có……….. là thương binh……… là liệt sỹ. Có nhiều ông sau khi hoàn thành nghĩa vụ đã trở về quê hương lại chung tay xây dựng xã hội mới và nhiệt tình trong công việc dòng họ như: Ông Đỗ Văn Miên, Đỗ Văn Hộ, Đỗ Văn Long…

* Về văn hoá xã hội, từ xưa tới nay họ Đỗ của làng Linh Chiểu vẫn được coi là dòng họ hiếu học thành đạt trên mọi mặt. Phải kể đến cụ Giáo Tư Đỗ Quý Nhâm ( 1880-1917) Cụ là con trai thứ tư của cụ Đỗ Văn Khiêm, Cụ rất giỏi về lý, số va nghề y, được nhân dân khắp vùng kính trọng.

Cụ Đỗ Văn Nhiêu ( 1690-1770), Cụ học rộng tài cao, được quan Thượng Bắc họ Lê ở Phụ Khang nhận làm thầy. Khi cụ mất, quan Thượng Bắc xin phép được mang thi hài cụ đặt tại Núm Chiêng thuộc Quỳnh Lâm- Cam Lâm- Sơn Tây. Khi quan Thượng Bắc mất đã dặn dò con cháu đặt mộ mình ngay phía dưới chân gò để trông nom thầy. Hiện nay hai mộ đó vẫn được hai họ Đỗ và Lê trông nom sang sửa.

Ông Đỗ Đình Đậu là người được vinh dự là đại biểu Quốc Hội khoá IV; là tổ trưởng một tổ thợ xây dựng Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh; Ông Đỗ Khoan nguyên là uỷ viên Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Vĩnh Phú; Ông Đỗ Thông- Giám Đốc ngân hàng Tây Ninh… Ngoài ra còn rất nhiều các cụ, các ông, các bà là thầy giáo, thầy thuốc, là cán bộ các nghành.

* Ngày nay thế hệ trẻ Họ Đỗ của làng càng được phát triển và thành đạt hơn. Trong số đó phải kể tới cô Đỗ Thị Tám- một tấm gương vượt khó hiếu học, đã được Nhà Nước Philippin cấp bằng tiến sĩ nông nghiệp năm cô 32 tuổi.

Cô Đỗ Thị Thu Hồng- Thạc sĩ hiện là phó ban dân vận Tỉnh Uỷ Phú Thọ

Cô Đỗ Thị Thuý- Thạc sĩ y dược bệnh viện 198…

Anh Đỗ Phương Đông hiện là vụ phó vụ chính sách của Trung Ương.

Anh Đỗ Văn Hưng- Phó Tổng Giám Đốc liên minh các hợp tác xã Việt Nam khi mới 40 tuổi. Còn rất nhiều những tấm gương thành đạt khác của con cháu ở khắp nơi.

* Trên mặt trận phát triển kinh tế tại địa phương, đã xuất hiện nhiều tấm gương làm giàu bằng nghề truyền thống ( bún, đậu, chăn nuôi) như anh Đỗ Văn Tuyên, Đỗ Văn Thuyên, Đỗ Văn Hồng… Ngoài ra một số ngành nghề khác cũng được phát triển như xây dựng dân dụng có anh Tuấn, anh Thể… Nghề mộc có anh Tài, anh Thành… Làm cho kinh tế gia đình cũng như địa phương ngày một phát triển.

Quỹ khuyến học của dòng họ cũng ngày một phát triển số các cháu vào đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt trong những năm gần đây số các cháu vào cao đẳng, đại học của Họ Đỗ có tỷ lệ cao nhất ở địa phương. Trong đó phải kể đến gia đình ông Đỗ Ngọc Lân có 4 đều vào đại học. Nhiều gia đình khác có 1,2 con vào đại học như gia đình anh Hinh, anh Minh, anh Thăng, anh Thung,anh Hùng ,anh Tiến,anh Sản anh Đông,anh Liên anh Điều….và rất nhiều cháu đang học cao đẳng, trung cấp. Đó là tài sản quý nhất của dòng họ ta.

Truyền thống ” uống nước nhớ nguồn” luôn được các thế hệ con cháu Họ Đỗ ghi nhớ bằng những việc làm cụ thể điển hình là hai công trình xây dựng mang tính đoàn kết nhất trí cao của toàn thể bà con trong họ. Đó là công trình xây dựng Mộ Tổ (1989) và công trình xây dựng Nhà Thờ Họ (2007-2009). Trong ngày lễ trọng đại này một lần nữa cho phép tôi kính chúc sức khoẻ toàn thể quý vị đại biểu, kính chúc sức khoẻ của toàn thể bà con Họ Đỗ mạnh khoẻ, thành đạt, đoàn kết.

Xin chân thành cảm ơn

Bài do ông Đỗ Ngọc Lân gửi- Nguồn hodovietnam.vn