Thưa lại cho rõ

Thưa lại cho rõ E-mail
04/11/2009

Chúng tôi mới nhận được thư ông Đỗ Quang Ánh, họ Đỗ Quang làng Giẽ Hạ gửi báo Pháp luật Việt Nam, phản ánh :  Trong số báo Pháp luật Việt Nam ra ngày 23/10/2009 có bài: ” Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Một đất , nhiều…. sổ đỏ (?). Nội dung đề cập đến một số sự việc liên quan đến ngôi nhà thờ họ Đỗ Quang ở thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Theo đề nghị của ông Ánh chúng tôi xin đăng toàn bộ nội dung bức thư trên. Đầu đề do ban biên tập Website hodovietnam đặt.

Thưa lại cho rõ

Giẽ Hạ ngày 30/10/2009

Kính gửi: Báo Pháp luật Việt Nam !

Tôi là Đỗ Quang Ánh, cán bộ hưu trí, ở Thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện  Phú Xuyên, Hà Nội.

Trong số báo Pháp luật Việt Nam ra ngày 23/10/2009 có đăng bài: “ Huyện Phú Xuyên (Hà Nội): Một đất , nhiều…. sổ đỏ (?)”. Nội dung  bài báo đề cập đến một số sự việc liên quan đến ngôi nhà thờ họ họ Đỗ Quang ở thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trong đó cho rằng UBND huyện Phú Xuyên “ Cấp dưới… vượt quyền luật định”; “Một mảnh đất, Hai sổ đỏ”; “Bỏ qua quyền lợi hợp pháp”… Là người trong họ Đỗ Quang làng Giẽ, hiểu rõ sự việc, tôi thấy cần cung cấp một số thông tin lịch sử về ngôi nhà thờ này và chỉ ra những vấn đề bài báo nêu ra mà tôi cho là chưa đúng, để tránh ngộ nhận trong dư luận.

Dòng họ Đỗ Quang là một họ lớn ở xã Phú Yên, đã định cư ở đây hàng trăm năm. Đây là dòng họ rất có ý thức bảo vệ giữ gìn hương hỏa của tổ tiên, nên qua bao phen binh lửa đến nay dòng họ vẫn giữ gìn được mồ mả tổ tiên, gia phả, nhà thờ họ. Ngôi từ đường cổ của họ Đỗ Quang, toạ lạc trên một khu đất rộng 1,4 sào Bắc bộ, lần trùng tu gần nhất  vào năm 1845 (cất nóc hồi 8 giờ tối  ngày 14  tháng 8 –  năm ất tỵ), tính đến nay đã gần 200 năm, được xếp vào loại kiến trúc cổ. Trong nhà thờ còn giữ được nhiều hiện vật quý như: Cửa Võng, Khám thờ, hoành phi, câu đối và các đồ tế khí: Tàn lọng, trống chiêng, bát bửu v.v… gian giữa có treo hai bức đại tự:

–         Đỗ Thị Từ đường

–         Kim Ngọc Trùng Quang

Nghĩa là:

–         Đây là nhà thờ họ Đỗ

–         Quang (tên đệm) là nguồn sáng của vàng ngọc.

Nhà thờ có đặt bài vị thờ cụ Tổ Họ và các tiên hiền trong Họ. Theo phả dòng Họ, Cụ Tổ là Phúc Nghĩa Bá Đỗ Quang Côn. Sinh thời cụ tòng sự tại Bộ Lễ (Bộ Ngoại giao), làm chức Tả thị Lang (như thứ trưởng thứ nhất ngày nay), kiêm thêm chức Tả Thị Lang Bộ Công (Bộ Quốc phòng), triều Vua Lê Hiển Tông. Mộ cụ hiện vẫn còn ở cánh đồng sau làng.

Trong những năm gần đây, con cháu trong họ tự nguyện đóng góp hàng trăm triệu đồng để tôn tạo nhà thờ và mộ Tổ. Lần gần đây nhất là tháng 9/2009, xây dựng trên khuôn viên nhà thờ ba gian nhà dùng cho việc hội họp, tiếp khách và nơi đọc sách, báo cho con cháu trong họ.

Đất và nhà thờ họ Đỗ Quang bao đời nay giao cho con trai trưởng của dòng trưởng quản lý, thờ phụng tổ tiên. Trưởng họ hiện nay là ông Đỗ Quang Thành.

Như vậy đây không phải là “đất ở” hoặc “đất tôn giáo” theo như cách mà tác giả bài báo quan niệm. Theo chúng tôi đất nhà thờ họ qui định tại khoản 3, điều 9 Luật đất đai năm 2003: “Cộng đồng dân cư gồm cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc và các điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất”.

Bài báo còn trích dẫn Khoản 2, Điều 55. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng của Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chánh phủ ngày 29/10/2004: “ a) Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi về sử dụng đất của các bên phù hợp với thực tế;”, mà cho rằng UBND huyện Phú Xuyên “bỏ qua quyền lợi hợp pháp” của gia đình các cá nhân tổ chức liên quan, tôi cho là không đúng bởi nhiều lẽ.

Đất nhà thờ họ Đỗ Quang không phải là đất tôn giáo, nên việc viện dẫn Điều 55. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng là không phù hợp.

Nếu lập luận như bài báo, thì e rằng đất nhà thờ của các dòng họ trên đất nước Viết Nam sẽ phải chuyển một phần hoặc toàn bộ cho gia đình các ông trưởng họ, được dòng họ giao quản lý đất và nhà thờ họ để thờ phụng tổ tiên.

Thưa quí Báo!

Tuy là một người dân bình thường, nhưng tôi cũng biết rằng Luật đất đai của Việt Nam đã qua nhiều lần sửa đổi để ngày một hoàn thiện, sát với thực tế. Luật đất đai năm 1987 tôi chưa thấy khoản mục nào ghi về đất nhà thờ họ, nhưng Luật đất đai năm 2003 đã đề cập rõ ràng đến đất “ dòng họ được Nhà nước giao đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất”. Nên thiết nghĩ, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhà thờ dòng họ Đỗ Quang năm 1991 ghi “đất ở”,  sau đó  GCNQSDĐ cấp năm 2003 ghi “đất dòng họ Đỗ Quang”, tiếp theo  GCNQSDĐ cấp năm 2008 ghi “dòng họ Đỗ Quang” là vận dụng đúng với qui định của pháp luật theo từng thời kỳ. Còn bản chất lịch sử của khu đất nhà thờ họ chúng tôi là không có gì thay đổi trong mấy trăm năm qua.

Cũng vì có sự sửa đổi, bổ xung nhiều lần của luật đất đai, nên  trong thực tế  một thửa đất có việc kê khai, thay GCNQSDĐ nhiều lần, chia ra nhiều loại sổ đỏ, sổ hồng, sổ trắng, sổ xanh…rất phức tạp, có thể dẫn đến có sai sót  như đã cấp GCNQSDĐ mới, nhưng chưa thu hồi GCNQSD cũ mà  bài báo nêu. Còn như bài báo đề cập, mãi đến tháng 9/2009 ông Đỗ Quang Tình (hiện đang ở trên đất nhà thờ) tìm hiểu mới biết việc thay đổi trên cũng là điều dễ hiểu, vì nhà thờ họ chúng tôi khi được UBND Huyện cấp GCNQSDĐ, Hội đồng gia tộc họ Đỗ Quang chỉ thông báo cho bà con trong ngày giỗ Tổ, sau đó giao lại cho ông trưởng họ Đỗ Quang Thành giữ, nếu bà con nào không tham dự ngày giỗ Tổ đó có thể không biết.

Thưa quí Báo !

Quê chúng tôi là vùng đất văn vật, có nhiều danh nhân đã đi vào lịch sử. Ở đây  từng tồn tại nhiều công trình kiến trúc to đẹp như Đình, chùa, miếu mạo, phủ đệ, nhà thờ họ… những đến nay chỉ còn nguyên trạng 02 ngôi đình cổ dựng năm 1686 và ngôi nhà thờ cổ họ Đỗ Quang, theo chúng tôi rất cần được tôn tạo gìn giữ, bảo vệ theo Luật về bảo vệ di sản văn hóa. Ngôi nhà thờ này đã được nhiều người trong  và ngoài nước biết đến. Tháng 3/2006 dòng họ chúng tôi đã đứng ra đăng cai tổ chức Hội nghị họ Đỗ Việt Nam toàn quốc, có hàng trăm đại biểu ở khắp ba miền đất nước và nước ngoài về dự. Bà con rất tự hào về truyền thống dòng họ. Trong họ đoàn kết, xây dựng được Qui ước dòng họ, quĩ khuyến học, đội bóng đá, tổ chức dạy nghề cho con em trong họ…, tích cực tham gia cùng các họ bạn xây dựng quê hương giầu đẹp.

Đáng tiếc những thông tin không chính xác bài báo đưa ra đã gây bức xúc cho bà con trong họ, ngoài làng, có thể là nguyên nhân gây mất đoàn kết trong nội bộ họ chúng tôi và làm khó cho công tác quản lý đất đai ở huyện nhà. Vì vậy tôi thấy cần nói lại cho rõ, để tránh những ngộ nhận và hiểu lầm đáng tiếc.

Xin gửi tới quí Báo lời chào trân trọng.

Thay mặt bà con họ Đỗ Quang

Đỗ Quang Ánh- Nguồn hodovietnam.vn