KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG CHI 3 PHÁI 3 TỘC ĐỖ NGỌC MỸ

KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG CHI 3 PHÁI 3 TỘC ĐỖ NGỌC MỸ E-mail
18/09/2009
DIỄN VĂN LỄ KHÁNH THÀNH TỪ ĐƯỜNG CHI 3 PHÁI 3 TỘC ĐỖ NGỌC MỸ

                       Ngày 6/9/2009 (18/7/Kỷ Sửu)

          Kính thưa quý vị Đại biểu là lãnh đạo địa phương

          Kính thưa quý Đại diện BLL họ Đỗ Quảng Nam-Đà Nẵng

          Kính thưa quý đại biểu đại diện các dòng họ bạn tại địa phương

          Kính thưa quý đại biểu đại diện các chi phái tộc Đỗ Ngọc Mỹ

Kính thưa toàn thể bà con gia đình Chi 3 phái 3 tộc Đỗ Ngọc Mỹ.

          Hoà nhịp trong không khí tưng bừng, kỷ niệm 64 năm ngày quốc khánh 2/9, hôm nay bà con tộc Đỗ Chi 3 phái 3 long trọng tổ chức Lễ Khánh thành Nhà thờ Chi tộc.

        Dưới làn mưa đầu mùa mát mẻ của buổi sáng mùa thu tươi đẹp hôm nay, các vị khách quý và đông đúc bà con gia đình tộc Đỗ Ngọc Mỹ, không quản ngại gió mưa, từ các nơi lũ lượt về đây dự buổi lễ Khánh thành, thật đầy cảm kích! Thay mặt Ban tổ chức và nhân danh cá nhân, xin nhiệt liệt chào mừng quý vị khách quý và toàn thể bà con.

          Kính thưa quý vị khách quý

          Kính thưa quý bà con gia đình tộc Đỗ

          Hôm nay bà con gia đình tộc Đỗ chi 3 phái 3 lấy làm thoả nguyện và tự hào. Thoả nguyện vì đã từng mong ước làm sao phục dựng được ngôi Nhà thờ, mà ông cha ta đã một lần xây dựng vào năm 1941, nhưng đến năm 1954 đã dỡ đi vì hoàn cảnh lịch sử của đất nước ngày ấy. Mong ước đó hôm nay đã thành hiện thực! Không thoả nguyện sao được khi trước đây có lúc dừng chân nơi này, chỉ thấy một sự hoang vắng, nền móng của ngôi nhà thờ cũ nằm hiu hắc “trơ gan cùng tuế nguyệt” dãi dầu với gió mưa…! Cảnh đìu hiu như thế đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua! Vậy mà hôm nay một ngôi Nhà thờ mới, sáng sủa, đẹp đẽ, sừng sững mọc lên, rất đỗi tôn nghiêm, con cháu tụ họp đông vầy! Thật là một niềm vui khó tả! Con cháu cụ tổ Đỗ Đăng Long lấy làm tự hào vì đã quyết tâm làm được một việc mà hơn một năm trước đây chỉ có trong ước mơ. Chúng ta đã thực hiện tốt đạo lý truyền thống thờ phụng tổ tiên, như người xưa đã nói: “Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ tông ông bà”. Chúng ta đã không quản ngại khó khăn, toàn bộ con cháu dâu rễ chung tay góp sức, kẻ ít người nhiều, đồng tâm hiệp lực, xây dựng hoàn thành ngôi từ đường không kém phần khang trang! Đứng trước cảnh quang tươi đẹp này, lòng ta lâng lâng, tràn trề vui sướng! Hãy vỗ tay mừng vui cho sự kiện lớn lao và ý nghĩa này!

          Kính thưa quý vị! Ngôi từ đường nằm trên nền của ngôi Nhà thờ cũ, thuộc mảnh đất mà trước đây ông cha trong Chi tộc đã khai phá. Bây giờ địa danh này thuộc Khu dân cư mới thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ngôi từ đường xây theo hướng của ngôi từ đường cũ, nhìn mặt về hướng nam, hướng mà từ thế kỷ 15, tiền nhân chúng ta từ phương bắc đã đi mở cỏi, để có non sông gấm vóc như ngày hôm nay. Ngôi từ đường có diện tích xây dựng 100m2, toạ lạc trong khuôn viên thoáng đãng, rộng 3500m2 được khởi công ngày 31 tháng 3 năm 2009 (nhăm ngày 6 tháng 3 năm Kỷ Sửu) và sau 5 tháng xây dựng đã hoàn thành, với toàn bộ kinh phí kể cả nhà trù là 150 triệu đồng, đươc long trọng tổ chức lễ khánh thành hôm nay: ngày 6/9/2009 nhằm ngày 18 tháng 7 năm Kỷ Sửu. Từ nay trai, gái, dâu, rễ, con cháu cụ Đỗ Đăng Long được quy tụ về ngôi từ đường này để thắp hương dâng cúng và tưởng niệm.

          Nhân buổi lễ khánh thành này, tôi một hậu duệ đời thứ 6 của cụ tổ Đỗ Đăng Long xin phép được thay mặt Hội đồng Chi tộc, bày tỏ lòng cảm ơn chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho công việc phục dựng ngôi từ đường. Xin cảm ơn toàn thể thành viên trong Chi tộc đã góp công, góp sức cho nghĩa cử cao đẹp này, đồng thời nhiệt liệt biểu dương một số em, số cháu đã hết lòng cho công việc, ngày đêm tận tuỵ cho ngôi từ đường xây dựng đạt đến kết quả, nổi bật nhất là cháu Đỗ Đăng Thanh, hậu duệ đời thứ 7 của ông tổ Đỗ Đăng Long.

          Kính thưa quý khách

          Kính thưa quý bà con gia đình tộc Đỗ Ngọc Mỹ.

          Chúng ta hân hoan trong ngày vui khánh thành từ đường hôm nay, lại nhớ về ngôi từ đường cũ, nên xin có vài dòng nhắc lại, đồng thời xin sơ lược vài nét về nguồn gốc Chi 3 phái 3 tộc Đỗ Ngọc Mỹ:

          Ngôi từ đường cũ xây dựng từ năm 1941 tại khuôn viên này, cấu trúc bằng đá ong, cột gỗ, lợp ngói âm dương màu đỏ. Đây là ngôi từ đường duy nhất có được, của cả mấy xã trong vùng thời đó. Hằng năm bà con trong Chi tộc tề tựu về đây để cúng tế tiên tổ, cúng xong thì cùng nhau quây quần bên mâm cơm đạm bạc. Ngôi từ đường đó trước năm 1945, một tổ chức của Đảng Cộng sản ở Ngọc Mỹ-Quý Thượng dùng làm nơi bí mật hội họp, trong số hội họp này có người của Chi tộc vì là thành viên trong tổ chức đó. Sau khi giành chính quyền, ngôi từ đường cũng là nơi làm việc của chi bộ Vi Dân (khi Đảng chưa ra công khai). Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, một đôi lần máy bay địch bay qua, nhìn thấy ngôi từ đường, xả súng bắn xuống mấy loạt, nhưng không trúng chính diện mà chỉ trúng một góc phía sau và bình phong phía trước. Qua mấy nét kể trên về ngôi từ đường, chúng ta thấy rằng, nơi đó chẳng những để thờ cúng tiên tổ mà còn giúp ích cho cách mạng ở địa phương. Tuy không lớn nhưng có ý nghĩa thiết thực góp phần vào cuộc Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để giành độc lập cho dân tộc. Chi 3 phái 3 tộc Đỗ Ngọc Mỹ rất lấy làm vinh dự và tự hào về điều đó.

          Kính thưa quý vị và quý bà con!

          Bây giờ xin sơ lược vài nét lịch sử về Chi tộc: Theo gia phả tộc Đỗ Ngọc Mỹ, ông Tiền hiền Đỗ Đại Công và Á hiền Đỗ Đại Thành từ xã Đăng Phúc, huyện Khương Lộc, phủ Quảng Bình, tỉnh Thuận Hoá vào sống bằng nghề chài lưới bên sông Trường Giang, sau đó lần theo hướng tây nam, đến Ngọc Sơn (Ngọc Mỹ ngày nay) để khai khẩn đất đai, sinh cơ lập nghiệp và lập nên tộc Đỗ Ngọc Mỹ ngày nay.

          Từ năm tháng tạ thế ghi trong gia phả của một vài vị tổ đời sau, tính lùi thời gian về trước, ta có thể phỏng ước rằng: Vị thuỷ tổ chúng ta đến Ngọc Sơn lập nghiệp vào khoảng thập niên đầu của thế kỷ 17.

          Ông Tiền hiền, vị thuỷ tổ Đỗ Đại Công đã khai sinh ra dòng tộc Đỗ Ngoc Mỹ là đời thứ 1; Các đời thứ 2, thứ 3 bị thất lạc gia phả! Đến đời thứ 4, tuy trong gia phả không ghi tên tuổi, nhưng vị tổ này đã sinh ra 3 người con trai (đời thứ 5) là Đỗ Đại Khoa, Đỗ Đại Nẫm (Niệm) và Đỗ Đại Bền (có nơi viết là Biện hoặc Bồn). Đó là 3 vị Tổ đứng đầu của 3 phái anh em. Ông Đỗ Đại Bền, người em thứ 3 là vị đầu Tổ phái 3.

           Vị đầu Tổ phái 3 sinh ra một con trai là Đỗ Đăng Vạn cùng 2 con gái (đời thứ 6) và bắt đầu từ đây, một đặc điểm rõ nét để đánh dấu phái 3 là tất cả con trai trong phái đều được viết là “Đỗ Đăng” vào gia phả. Ông Đỗ Đăng Vạn sinh ra 3 người con trai là Đỗ Đăng Quảng, Đỗ Đăng Cơ và Đỗ Đăng Khuyết (đời thứ 7).

          Ông Đỗ Đăng Quảng sinh 2 người con trai là Đỗ Đăng Huề và Đỗ Đăng Hoà (đời thứ 8). Ông Đỗ Đăng Hoà là người rất có công với dân, với làng xã, để đức nghiệp cho con cháu, sinh ra 6 người con trai và 7 người con gái (đời thứ 9), trong đó Đỗ Đăng Đợt (Thanh), anh trai lớn, tiếp sau Đỗ Đăng Huỳnh rồi đến Đỗ Đăng Long cùng 5 chị và em gái khác là con của một người mẹ đầu. Ông Đỗ Đăng Huỳnh và ông Đỗ Đăng Long là 2 vị nổi tiếng giúp ích cho dân cho làng xã.

        Ông Đỗ Đăng Long, sinh vào thập niên 80 của thế kỷ 18, là người con trai thứ 3, trở thành vị đầu tổ Chi 3 (thuộc Phái 3) tộc Đỗ Ngọc Mỹ, gọi tắc là Chi tộc Đỗ Đăng Long.

          Ông tổ Đỗ Đăng Long và Bà tổ Nguyễn Thị Điều (người Quý Thượng) sinh hạ 4 người con trai và 1 người con gái (đời thứ 10) theo thứ tự là Đỗ Đăng Điện, Đỗ Đăng Bàn, Đỗ Đăng Núc, Nguyễn Thị Tường và Đỗ Đăng An (chết sớm)

          Ông Đỗ Đăng Điện và ông Đỗ Đằng Bàn là 2 anh em đã từng làm được nhiều việc lớn, giúp ích cho dân, cho xã để lại tiếng tốt trong dân làng.

          Ba vị Tổ (đời thứ 10) nói trên đã sinh ra các thế hệ con cháu đời thứ 11, 12, 13, 14, 15, 16 và mới bắt đầu xuất hiện đời thứ 17. Hiện diện đến thời điểm hôm nay, trong chi tộc có tất cả 56 hộ đang sinh sống ở các địa phương: Ngọc Mỹ, Quý Thượng, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Đắc Lắc và rải rác một vài hộ ở Thái Nguyên, Hà Nội, Long An, Bình Thuận và Ô Xtrây Lia.

          Các thế hệ con cháu ông Đỗ Đăng Long, đã nối nghiệp tiên tổ làm rạng danh cho dòng tộc: Cụ Đỗ Đăng Đông, đời thứ 11 và tiếp theo con cháu cụ, đời 12, 13 là người có học vấn, làn thầy giáo, thầy thuốc có tiếng, nên người thời đó đã tặng gia đình cụ 2 câu đối, hiện nay còn treo ở bàn thờ là: “Thi Sữ Đại Danh Truyền Thế Bữu/ Hiên Kỳ Chân Quyết Thiệu Gia Phong

     Các cụ đời thứ 12, như cụ Đỗ Chương tham gia phong trào chống sưu thuế, năm 1908 lên Tam Kỳ hưởng ứng phong trào, bị Pháp bắt giam 2 tháng. Cụ Đỗ Đăng Cảnh tham gia tổ chức do nhà Yêu nước Trần Cao Vân, Thái Phiên lãnh đạo cùng vua Duy Tân nhằm lật ách thống trị của thực dân Pháp. Cuộc chính biến năm 1916 nổ ra không thành, cụ không muốn lọt vào tay giặc nên đã tuẫn tiết. Cụ Đỗ Trác vận động một số cụ trong làng, năm 1939 kéo lên phủ đường Tam Kỳ phản đối việc làm có hại đến lợi ích dân làng của lý trưởng Ngọc Mỹ. Cụ Đỗ Đăng Kế còn gọi là xã Dương làm Lý trưởng làng Ngọc Sơn nhưng giàu lòng nhân hậu, bênh vực người nghèo, được nhân dân quý trọng kính yêu.

          Nối nghiệp tiên tổ, đời thứ 13 nhiều người tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Các cụ Đỗ Vinh, Đỗ Hoành và Đỗ Luyện tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 được Nhà nước công nhận là Cán bộ Lão thành CM. Cụ Đỗ Hoành đã từng kinh qua chức vụ Thường vụ tỉnh uỷ tỉnh Ninh Thuận, trong thời gian cụ công tác tại đây và cụ Đỗ Thanh Tuyền đã từng giữ chức vụ Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng do Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản VN khoá VI bầu ra.

        Kế tục truyền thống cha ông, đời thứ 14 hầu như cả thế hệ tham gia kháng chiến chống Mỹ. Có 40 nam nữ đã hy sinh vì sự nghiệp chung, là Liệt sĩ với Bằng Tổ quốc ghi công (trong đó có 6 vị đời thứ 13).  10 Bà Mẹ VNAH kể cả con gái và con dâu cùng hàng chục thương binh các loại. Nhiều người bị địch bắt tra tấn, giam cầm đày đoạ ở các nhà lao Côn Đảo, Chí Hoà, Thừa Phủ…Thời chống Mỹ là thời kỳ vô cùng ác liệt và đẫm máu, nhiều con cháu Chi tộc Đỗ Đăng Long đã bị giặc hành hạ, sát hại! Trước cảnh giặc quá dã man, ông Đỗ Đăng Mai (tức Hương Hởi đời 13) đã phải lấy dao tự cắt cổ mình để phản đối sự bạo tàn đó, làm cho chúng khiếp sợ và thầm thán phục.

          Về học vấn thi cử, từ những năm 20 của thế kỷ trước, cụ Đỗ Uynh, người đầu tiên trong làng đã học đến năm thứ 3 bậc thành chung tại trường Quốc học Huế. Năm 1927 cụ tham gia để tang nhà yêu nước Phan Châu Trinh, bị Pháp đuổi việc khi cụ đang làm thông ngôn tại bệnh viện Huế. Từ đó cụ về làng mở trường dạy học, đào tạo nhiều tài năng giúp ích cho đất nước sau này. Do có công dạy giỏi và thâm niên, cụ được chính phủ Nam triều thưởng trật “Cửu phẩm văn giai”, cụ Đỗ Hoành vào những năm 30 đã học trường Quốc học Quy Nhơn và đỗ bằng Diplôm (tức bằng Thành chung sau khi học xong bậc thành chung), một văn bằng có giá trị cao và thực sự có kiến thức thời đó. Các thế hệ đời thứ 14, 15 cho đến các thế hệ sau này, có rất nhiều người học Đại học rồi cao học lấy  bằng thạc sĩ, Kỹ sư, cử nhân…Trong niên khoá 2007-2008, cháu Đỗ Hoàng Anh, (đời 16) đạt điểm cao khi thi vào Đại học, được nhận học bỗng 1500 đô la Mỹ và cháu Đỗ Thị Thanh Bình (đời 16) đạt huy chương vàng trong kỳ thi toán Olimpic các trường chuyên khu vực phía Nam. Trong tương lai gần, Chi tộc sẽ có những cháu học hành đỗ đạt, sẽ nhận các bằng tiến sĩ, và những học vị khác xứng đáng với truyền thống hiếu học của các thế hệ cha ông.

          Có người trong thế hệ đời thứ 14 đã từng là cọng tác viên các báo, đã viết nhiều bài có giá trị đăng trên các tờ báo ở Trung ương và địa phương. Đồng thời đem tài năng, kiến thức với lòng nhiệt tình của mình, giúp ích cho nhân dân để lại tiếng tốt trong dân làng như đã sưu tầm biên soạn Lịch sử quê hương, đóng góp tích cực vào việc làng, việc xã và còn nhiều gương “người tốt, việc tốt” khác nhưng trong bài diễn văn này không thể kể hết.

          Khái quát đôi dòng nói trên để thấy được bề dày truyền thống vẻ vang về lòng yêu nước, về đạo nghĩa, nhân tài, văn học v.v…từ thế hệ này đến thế hệ khác như các câu người xưa đã nói: “Tổ tiên phương danh lưu sử sách/Tử tôn tích học kế gia phong” hoặc “Tổ tiên xây đắp nền đạo lý/ Con cháu vun trồng nếp kỷ cương”  là vậy.

          Kính thưa quý vị khách quý

          Kính thưa quý bà con gia đình tộc Đỗ

          Hôm nay bà con Chi tộc Đỗ Đăng Long vô cùng phấn chấn được đứng trong ngôi từ đường tôn nghiêm và mới mẻ này để dâng hương tiên tổ. Đây là việc làm hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ. Việc làm này đã nói lên bản sắc văn hoá dân tộc và nhân văn sâu sắc của người Việt Nam nói chung, của con cháu tộc Đỗ nói riêng.

          Càng tự hào về cha ông, chúng ta càng ra sức giữ gìn và phát huy hơn nữa truyền thống quý báu đó. Ra sức xây dựng gia đình văn hoá, có cuộc sống ấm no hạnh phúc và không ngừng phấn đấu vươn lên ở mức cao hơn.

          Để vun đắp tương lai, phát triển nhân tài, giúp ích xã hội, chúng ta không bao giờ xao lãng việc học hành như Lê nin đã nói: “Học, học nữa, học mãi”, động viên con cháu luôn nêu cao ý chí học tập và ý chí tiến thủ. Xây dựng Chi tộc vững mạnh, đoàn kết yêu thương nhau. Các thế hệ trong Chi tộc hôm nay kế tiếp đến các thế hệ mai sau luôn luôn chăm lo gìn giữ ngôi từ đường ngày càng tốt đẹp, vững bền và định kỳ cúng bái, thường xuyên tới lui hương khói.

          Chúng ta dù ở nơi đâu và dù mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau, nhưng luôn ghi nhớ trong lòng là con cháu cụ thuỷ tổ Đỗ Đại Công, là dòng máu của ông tổ Đỗ Đăng Long, ông tổ đầy tôn kính và đầy tự hào của chúng ta, ông tổ đã sinh ra chi tộc này với ngôi từ đường này, để trái tim ta luôn nóng bỏng tình thương yêu dòng tộc và rộng hơn nữa tình yêu thương đồng bào và Tổ quốc chúng ta.

          Trong buổi lễ khánh thành này, là dịp gặp mặt đông đủ nhất bà con dòng tộc nên chúng tôi có phần lạm dụng thời gian để nói lên những điều muốn nói, tuy chưa hết, nhưng không thể kéo dài thêm nữa, xin được dứt lời tại đây.

          Cuối cùng xin được phép, thay mặt Chi tộc kính chúc quý vị khách quý và toàn thể bà con tộc Đỗ, lời chúc sức khoẻ, an khang và lời cảm ơn chân thành.

                                                Người viết và đọc: Đỗ Hùng Luân

 

HAI CÂU ĐỐI  TRÊN TẤM LIỄN TREO TẠI BÀN THỜ THỜI ÔNG CỐ ĐỖ ĐĂNG ĐÔNG

 

“THI SỬ ĐẠI DANH TRUYỀN THẾ BỬU

HIÊN KỲ CHÂN QUYẾT THIỆU GIA PHONG”

Tạm dịch nghĩa:

Câu 1:  –Văn thơ nổi tiếng được ghi lại truyền cho thế hệ quý báu mai sau

Câu 2 Thầy thuốc bậc sư tổ như Hiên Viên, Kỳ Bá xác định điều đúng đắn và chính xác, truyền nối cho dòng dõi gia đình.