Tin thêm về dòng họ Đỗ “Bá Già” thôn Tiên Lữ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc

Tin thêm về dòng họ Đỗ “Bá Già” thôn Tiên Lữ, Lập Thạch, Vĩnh Phúc

Cuốn Họ Đỗ Việt Nam hai tập do Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành thực sự là một công trình quý báu, là kết quả của một quá trình sưu tầm, phân tích, tổng hợp với nhiều công sức và tâm huyết của Ban Biên soạn về tình hình phát triển họ Đỗ Việt Nam.

Hậu duệ 7 dòng họ Đỗ thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc rất phấn khởi và trân trọng những thông tin về dòng họ được ghi nhận từ trang 251 đến trang 254 trong cuốn Họ Đỗ Việt Nam tập II. Với tấm lòng ngưỡng mộ và biết ơn các vị tiền bối họ Đỗ, chúng tôi xin được bổ sung và làm rõ thêm một số điều về phân chi cụ Đỗ Lợi thuộc dòng họ Đỗ “Bá Già” ở Tiên Lữ nói trên.

Cụ Đỗ Lợi (1893-1961) trước năm 1945 là nhà tư sản kinh doanh ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Cụ rời quê ra Hà Nội lập nghiệp vào đầu thế kỷ trước.

Vào năm 1925 ở giữa Ngõ Văn Hương (số 95 Tôn Đức Thắng rẽ vào hiện nay) có một xưởng gạch hoa được đặt tên là trại Vạn Cẩm của một Hoa Kiều. Gọi là trại vì xưởng gạch nằm trong khuôn viên rất rộng trong đó có một hồ lớn có diện tích chỉ kém sau hồ Văn Chương.

Năm 1930, trại này sang tay cụ Đỗ Lợi. Cụ vừa tiếp tục sản xuất gạch hoa, vừa nuôi ngựa đua. Xung quanh hồ cụ trồng dừa, nhãn và trồng cỏ đủ chỗ cho việc nuôi và huấn luyện ngựa cho tới tận năm 1945. Dân ở đây gọi địa điểm này là trại Đỗ Lợi, trong đó hồ Đỗ Lợi (trích trang 678 cuốn Phố và Đường Hà Nội – Nguyễn Vinh Phúc. Nhà xuất bản Giao thông Vận tải 2004) Ngách 28, ngõ Văn Hương ngày nay, dân vẫn gọi là ngõ Đỗ Lợi, có thời kỳ dài đã có bảng mang tên cụ. Hồ Đỗ Lợi sau nhiều năm bị lấn chiếm, lấn dần hồ. Nay đã thành khu dân cư, di tích giữa hồ còn lại hiện nay là một sân chơi rộng khoảng 500m2 ở hẻm 28/39 Ngõ Văn Hương.

Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Đỗ Lợi hồ hởi đón chào chế độ mới. Trong tuần lễ vàng góp phần kiến quốc cụ đã làm Chủ tịch tuần lễ vàng khu Văn Miếu cũ và đã góp 45 lạng vàng.

Hoà bình lập lại 1954 gia đình cụ Đỗ Lợi ở Hà Nội và trong những đợt cải tạo công thương nghiệp, cụ đã hiến 18 ngôi nhà cho Chính phủ.

Cụ Đỗ Lợi xây dựng gia đình lần lượt với các cụ bà Triệu Thị Trình, Nguyễn Thị Quỹ và Trần Nguyệt Nhà, đã có tất cả 16 người con trong đó có ông Đỗ Huân.

Ông Đỗ Huân (1918-2000) là nghệ sĩ nhiếp ảnh, nguyên Uỷ viên Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, nguyên Uỷ viên Ban chấp hành Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn nghệ Hà Nội. Ông Đỗ Huân có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được giải ở trong và ngoài nước. Năm 1995 ông được tặng Huy chương Vì sự phát triển Nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.

Gia đình cụ Đỗ Lợi mà ông Đỗ Huân là đại diện đã được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đến thăm.

Các con, cháu, chắt của cụ Đỗ Lợi hiện nay rất đông đúc, rất nhiều cháu thành đạt trong cuộc sống, nhiều cháu đang học tập và làm việc tại nước ngoài.

Về dòng họ Đỗ “Bá Già” xin được nêu thêm:

Thân sinh ra cụ Đỗ Lợi là cụ Đỗ Văn Kỳ, tự Phúc Thiện. Cụ Đỗ Văn Kỳ là Chánh tổng thời cũ, cụ là người mẫn thế, nhìn xa trông rộng và rất gần gũi với mọi người, nên dân quý mến gọi là cụ Bá Già. Các con của cụ trong đó có cụ Đỗ Lợi đều ra Hà Nội lập nghiệp và thành đạt ở trong và ngoài nước (trích bài ký: Làng của Khương Hồng Minh, đã đăng trên số báo tết Xuân Quý Mùi 2003-Công an thành phố Hồ Chí Minh).

Để làm rõ mối quan hệ huyết thống trong dòng họ, xin gửi tới Ban biên tập Bản sơ đồ phả hệ chi cụ Đỗ Lợi. Sơ đồ này bao gồm 7 đời, tính từ cụ tổ 5 đời của cụ Đỗ Lợi và đến đời thứ 7 các con của cụ để các vị trong dòng họ được biết.

Đỗ Vinh và Đỗ Văn Sỹ- hodovietnam.vn