Dòng họ Đỗ Duy thôn Phương Tảo, xã Xuân Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Dòng họ Đỗ Duy thôn Phương Tảo, xã Xuân Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình

Họ Đỗ Duy thôn Phương Tảo, xã Xuân Hoà, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình là một dòng họ lớn, có bề dày lịch sử trên 600 năm. Theo phả ký, dòng họ Đỗ Duy có nguồn gốc phát tích từ Nha Môn, Vĩnh Phú. Đến thế kỷ thứ 14 cụ ông Đỗ Duy Tá cùng cụ bà Vũ Thị Khoan về sinh cơ lập nghiệp tại vùng Tây Để, nay là thôn Phương Tảo, xã Xuân Hoà, từ đây dòng họ Đỗ Duy ra đời và sinh sôi phát triển đến ngày nay. Cụ Đỗ Duy Tá được tôn thờ là cụ tổ của dòng họ Đỗ Duy thôn Phương Tảo. Dòng họ được phân chia thành 5 chi. Qua hơn 600 năm hình thành và phát triển, đến nay dòng họ Đỗ Duy thôn Phương Tảo đã có gần 500 hộ với gần 2000 nhân khẩu. Không chỉ sinh sống ở thôn Phương Tảo, ngày nay con cháu dòng họ Đỗ Duy đã có mặt làm ăn, sinh sống ở nhiều vùng của đất nước như Hà Nội, Hải Dương, Tây Nguyên, Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang…

Từ đường của họ Đỗ Duy được xây dựng tại xóm Tiên Lữ trung tâm của thôn Phương Tảo. Năm Canh Thìn 1940 từ đường được con cháu tổ chức đại tu lại, có kiểu dáng kiến trúc đặc sắc nhất so với từ đường của tất cả các dòng họ khác hiện có ở xã Xuân Hoà. Từ đường có bức đại tự lớn với dòng chữ “ẩm hà tư nguyên” có nghĩa là “uống nước nhớ nguồn”, hai bên có câu đối:

“Tổ đường linh bái, thiên niên hằng tại, đức lưu quang

Tộc tĩnh quý tôn, vạn đại trường tồn, danh kế nghiệp”

Dịch nghĩa là:

“Dòng họ tôn kính công lao to lớn của tổ tiên làm hưng thịnh đến muôn đời.

Con cháu luôn luôn kính bái tiên tổ để giữ lấy đức sáng ngời mãi mãi”.

Trong khám sơn son thiếp vàng tượng thờ 2 đức thuỷ tổ đó là đức ông Đỗ Duy Tá và đức bà Vũ Thị Khoan, được đặt trang trọng ở vị trí cao nhất chính giữa cung trong của từ đường. Bên ngoài là 5 gian nhà tế được làm bằng gỗ lim cổ kính để con cháu về tế lễ những ngày giỗ tết hàng năm. Với lối kiến trúc đặc biệt của ngôi từ đường và nhiều truyền thuyết về công lao, đức độ và sự linh thiêng của cụ tổ họ Đỗ Duy nên ngày nay nhiều người dân thuộc dòng họ khác vẫn về từ đường họ Đỗ Duy thôn Phương Tảo để dâng hương lễ bái nhân dịp những ngày đại lễ trong năm như tết Nguyên đán, Rằm tháng Giêng, Rằm tháng 7…để cầu phúc, cầu may.

Dòng họ Đỗ Duy có bề dày lịch sử và truyền thống quý báu, thời nào cũng có người hiền tài đứng ra giúp nước, giúp dân, cùng cộng đồng xây dựng và bảo vệ làng xã. Thời hậu Lê, năm 1748 có cụ Đỗ Duy Mục học hành thành đạt, tức đức hơn người, thi đỗ Thái học sĩ, được bổ làm quan đến chức Tri phủ, Thái Bình. Năm 1766 có cụ Đỗ Duy Giản học hành tài giỏi, văn hay chữ tốt, hiểu rộng, biết sâu, thi đậu Giải nguyên, được bổ làm quan đến chức Hàn Lâm Thị Giảng (đọc sách và dịch thư tịch cho nhà vua). Thời thuộc Pháp những năm 1916 – 1925 trong phong trào Văn thân chống Pháp có cụ Đỗ Duy Lễ giỏi võ nghệ nức tiếng trong vùng, cụ có lòng yêu nước thương dân, không chịu nổi ách đô hộ, cai trị hà khắc của thực dân Pháp, cụ đã triệu tập quân sĩ ngày đêm luyện tập võ nghệ chờ thời cơ khởi nghĩa. Khi hay tin có cuộc khởi nghĩa của Phan Bá Vành ở làng Nguyệt Gián, Kiến Xương, Thái Bình, cụ đã đem quân đến sáp nhập với nghĩa quân của Phan Bá Vành để chống Pháp.

Trong công cuộc chấn hưng văn hoá dân tộc, dòng họ Đỗ Duy có nhiều người học hành tài giỏi, biết mang kiến thức của mình, giúp đời, giúp họ, mở lớp dạy học cho dân như cụ Nhất Tứ, cụ đồ Đáng, cụ đồ Chức, cụ đồ Khước, cụ đồ Ngoạn, cụ đồ Bài, cụ đồ Hãn…truyền thống này được phát huy đến ngày nay, nhiều con cháu dòng họ Đỗ Duy học hành thành đạt.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, con cháu dòng họ Đỗ Duy đã hăng hái tham gia kháng chiến đánh giặc cứu nước. Hơn 60 người con của dòng họ Đỗ Duy đã vào bộ đội đánh giặc ở khắp các chiến trường, trong đó có 19 người đã anh dũng hy sinh tính mạng và một phần xương máu của mình cho nền độc lập tự do của Tổ quốc.

Ngày nay trong công cuộc đổi mới, phát huy truyền thống quý báu của dòng họ, con cháu dòng họ Đỗ Duy thôn Phương Tảo năng động và sáng tạo trong sản xuất và công tác, nhiều người trở thành cán bộ trung, cao cấp trong quân đội, và công an, nhiều người làm ăn phát đạt giàu có, cả dòng họ không còn hộ đói. Họ đã thành lập ra Hội đồng Bảo tộc gồm những người có năng lực và uy tín để duy trì, bảo vệ những di sản, kiến trúc và giữ gìn những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của dòng họ, chăm lo xây dựng dòng họ tiến bộ, động viên con cháu đoàn kết cùng cộng đồng xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước ngày một giàu mạnh phồn vinh.

Đỗ Ngọc Bân- nguồn hodovietnam.vn