Hậu duệ họ Đỗ Nhân Vũ về thăm cội nguồn tiên tổ

Hậu duệ họ Đỗ Nhân Vũ về thăm cội nguồn tiên tổ E-mail
09/12/2006

Trên Thôn Nhân Vũ trước Cách mạng tháng 8 năm 1945 gọi là Thượng thôn, xã Nhân Vũ, tổng Nhân Vũ, phủ Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tại đây ngụ cư sinh sống từ lâu đời họ Đỗ. Theo gia phả các cụ để lại, từ đầu đến nay có tới 16 đời hình thành 3 chi:

– Đỗ Trung Chí (chi Giáp) người thừa tự là Đỗ Văn Cổ (đã mất). Hiện nay, con trai cụ Cổ là cụ Đỗ Văn Cố, trưởng họ, lo phụng sự cúng giỗ Tổ họ.

– Đỗ Phúc Trấn (chi Ất), người thừa tự là Đỗ Văn Thung (đã mất). Hiện con trai cụ Thung là Đỗ Văn Xưởng hàng ngày lo phụng sự Tổ chi.

– Đỗ Phúc Tịnh (chi Bính) người thừa tự là Đỗ Văn Bút (đã mất), hiện con trai cụ Bút là Đỗ Văn Tự lo phụng sự Tổ chi.

Ba chi này tồn tại và phát triển trên quê hương thôn Nhân Vũ, và một số nơi: Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh…

Vừa qua, ngày Rằm tháng 7 Bính Tuất (ngày 8/8/2006) là ngày hoá của cụ bà Đỗ Quý Thị, một số hậu duệ họ Đỗ Nhân Vũ được sự hướng dẫn của Trưởng BLL họ Đỗ Việt Nam, đã tiến hành thăm viếng mộ cụ Đỗ Quý Thị (tức Quý bà Họ Đỗ). Qua thăm viếng tận nơi miếu thờ của cụ được biết rõ hơn, tên huý của cụ là Ngoan, còn gọi là công chúa Đoan Trang. Chồng của cụ là Nguyễn Minh Khiết, hay gọi là Khương Thái Công, hiệu là Đế Minh. Cụ Đỗ Quý Thị đã nhiều năm theo Đạo Sa Bà ở động Tiên, Lạc Thuỷ (Hoà Bình hiện nay), đạo hiệu là “Hương Vân Cái Bồ Tát” cách đây khoảng 5000 năm. Cụ sinh ngày 8/4 âm lịch và hoá (mất) ngày 15 tháng 7 âm lịch ở Nội Tích, Đại Lôi (Ba La – thị xã Hà Đông ngày nay). Trước đây, chúng tôi đi thăm viếng chùa ở nhiều nơi thường được nghe câu tụng niệm “Nam mô Hương Vân Cái bồ tát ma ha tát” giờ mới hiểu đây là câu mở đầu của bất kỳ buổi khai kinh kệ nào với nghĩa là: chúng con xin quy y (theo) Mẹ Hương Vân đại thánh bồ tát. Trong tập sách “Kinh báo hiếu và vu lan” của thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh, in 1993, đã ghi rất rõ điều này.

Con trai cụ là Lộc Tục, sau lấy hiệu là Kinh Dương Vương và được tôn vinh là Ngọc Hoàng, Thượng đế (ông trời). Con trai của Kinh Dương Vương là Lạc Long Quân, được trao đứng đầu nước Văn Lang (năm 2879 trước công nguyên) mở đầu nhà Hùng.

Cũng trong ngày Rằm tháng 7 âm lịch (8/8/2006) đại diện hậu duệ Họ Đỗ Nhân Vũ cũng đã viếng thăm, quan sát gò Thiềm Thừ (tức gò Con Cóc) tại vùng BaLa, thị xã Hà Đông, nơi mộ 8 người em trai của cụ bà Đỗ Quý Thị và là cậu ruột của Lộc Tục -Kinh Dương Vương. Đó là 8 người tài được tôn hiệu là Kim Cương có công lớn giúp sức cho Kinh Dương vương thời kỳ tu luyện và về sau làm chủ trưởng nước Xích Quỷ, trước khi Nhà nước Văn Lang ra đời. Tám vị này theo phả cũ truyền lại thường gọi là Bát Bộ Kim Cương. Bia trụ đá vuông có con cóc ở trên, mang ý sâu xa là “cậu ông trời” xưa kia được đặt trước miếu thờ, nơi mộ của 8 vị này.

Đại diện hậu duệ họ Đỗ Nhân Vũ còn đến lễ tổ tại từ đường họ Nguyễn đã được thấy cụ Trưởng họ đang làm lễ giỗ cụ Đỗ Quý Thị là tối cao tổ ngoại, được cụ kể lại chi tiết, giới thiệu chu đáo, tận tình. Sau đó, đã đến thăm viếng chùa Sùng Nghiêm, nơi thờ cúng cụ Nguyễn Minh Khiết. Đế Minh và hai em cụ là Đế Nghi và Nguyễn Long Cảnh.

Thời tiết ngày hôm đó có mưa nhỏ, mát mẻ, cuộc thăm viếng đúng vào ngày hoá của cụ Đỗ Quý thị thật cảm động, đầy ý nghĩa, một dịp hiếm có trở về với cội nguồn tổ tiên và chúng tôi sẽ kể lại những điều mắt thấy tai nghe với bà con dòng họ ở quê nhà.

Tin từ ông Đỗ Văn Hoà- Nguồn hodovietnam.vn