Đoàn đại biểu Quốc hội thăm mộ Tổ họ Đỗ

03/11/2011

Khu vực quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội có 02 khu di tích đã được dòng họ Đỗ Việt Nam xác định là mộ Tổ, là khu miếu mộ cụ Đỗ Quí Thị và khu mộ tám người em ruột (Bát Bộ Kim Cương). Các cụ còn được thờ trong nhà thờ Bách Việt Thiệu Tổ và một số ngôi chùa. Hành trạng của các cụ đã được ghi rõ trong bộ Cổ lôi Ngọc phả Truyền thư, được khảo cứu và công bố trong sách họ Đỗ Việt Nam tập 1 và tập 2  (Nhà xuất bản Văn hoá thông tin Hà Nội) và sau này tiếp tục được nghiên cứu sâu thêm ở cuốn Suy nghĩ về những khoảng trống trong lịch sử nước ta, và bộ khảo cứu Những khám phá mới nhận thức mới về nguồn gốc dân tộc Việt và Nền văn minh Việt cổ.

Hàng chục năm qua rất nhiều đoàn bà con họ Đỗ đã về dâng hương lễ Tổ. Hôm nay (13/11/2011) là một ngày đặc biệt. Hội đồng dòng họ Đỗ Việt Nam đã đưa một đoàn đại biểu Quốc hội, đi thăm và dâng hương tại 02 khu di tích trên. Trong đoàn có nhiều đại biểu người họ Đỗ là các vị Đỗ Mạnh Hùng, Đỗ Văn Vẻ, Đỗ Thị Hoàng, Đỗ Ngọc Niễn. CLB Doanh nhân họ Đỗ Việt Nam nhận trọng trách tổ chức chuyến đi. Lần đầu tiên Tuổi trẻ họ Đỗ Việt Nam (một tổ chức mới được thành lập) đã tham gia vào hoạt động của dòng họ.

Theo nhận xét của  ông Lê Như Tiến, phó ban Văn Hoá – Giáo dục của Quốc hội, thì hai khu di tích trên ngoài ý nghĩ tâm linh của dòng họ Đỗ Việt Nam còn mang ý nghĩa ở tầm Quốc gia cần được bảo vệ. Ông đề nghị Hội đồng dòng họ Đỗ Việt Nam sớm lập dự án trình lên Quốc hội và Nhà nước Cộng hoà Xã hội  Chủ Nghĩa Việt Nam ra quyết định công nhận di tích lịch sử, để có kế hoạch bảo vệ và tôn tạo.

Mặc dù trước đây UBND Thành phố Hà Đông đã có văn bản thống nhất giữ nguyên hiện trạng khu Gò Thiềm thừ (mộ Bát bộ Kim cương), nhưng nhiều vị đại biểu Quốc hội không khỏi băn khoăn khi Gò Thiềm thừ nằm trong qui hoạch khu nhà ở Văn La, do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị  khu công nghiệp Sông Đà (Công ty SUDICO) làm chủ đầu tư.

 Hội đồng dòng họ Đỗ Việt Nam chân thành cảm ơn đoàn  đại biểu Quốc hội, đã dành thời giờ vàng ngọc về thăm, dâng hương mộ Tổ họ Đỗ Việt Nam và nhờ các vị chuyển lời và một số tài liệu về dòng họ Đỗ cho một số vị đại biểu Quốc hội người họ Đỗ khác, do bận công tác hôm nay đã không thể có mặt.

Các vị đại biểu Quốc hội người họ Đỗ phát biểu cảm tưởng rất vinh dự, tự hào là những đại diện của gần 8 triệu người con họ Đỗ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam được về thăm mộ Tổ,  hứa  sẽ ủng hộ Hội đồng dòng họ Đỗ Việt Nam trong nỗ lực bảo vệ di tích  Tổ tiên linh thiêng.

Chúng tôi tin tưởng rằng một ngày không xa các di tích trên được tôn tạo xứng  tầm, thành nơi hành hương và giáo dục truyền thống cho bà con họ Đỗ.

Đây là 02 di tích trong tổng số hơn 30 di tích Tổ tiên linh thiêng của dân tộc Việt Nam trên địa bàn Hà Nội mà nhóm nghiên cứu lịch sử chúng tôi (tập hợp một số người yêu sử nước nhà) đã khảo cứu hàng chục năm qua. Nhiều di tích trong số đó đã v à đang có nguy cơ bị làn sóng đô thị hoá xâm hại. Chúng tôi cũng mong muốn các nhà sử học Việt Nam vào cuộc nghi ên cứu, làm rõ và đề xuất nhà nước khoanh vùng bảo vệ.

Bài Đỗ Quang