Tư liệu quý về một nhà tư sản yêu nước

Mới rồi, tôi gặp GS. TSKH. Đỗ Long Vân, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam tại nhà một người bạn, khi ông đem tặng chủ nhà một cuốn sách khổ to, bìa cứng trang trọng.

Đó là cuốn “Đỗ Đình Thiện- Cuộc đời và những cống hiến cho nền tài chính cách mạng Việt Nam”, Nhà xuất bản Tài chính ấn hành cuối năm 2007. GS. Vân là con út, con trai duy nhất của cụ Đỗ Đình Thiện, cho biết,  cuốn sử liệu dầy dặn công phu về người cha quá cố, có được là nhờ sự đóng góp nhiệt tình của nhiều cán bộ, chuyên gia thuộc Bộ Tài chính, Viện Sử học, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam… Đại tướng Võ Nguyên Giáp đích thân viết lời tựa, có đoạn: “Tôi được biết anh chị Đỗ Đình Thiện đều tham gia cách mạng từ rất sớm… và đã có đóng góp lớn về mặt tài chính cho đất nước trong thời kỳ đầu cách mạng đầy khó khăn gian khổ nhưng rất hào hùng”.

tu_lieuGần 400 trang viết, ảnh, tư liệu, cuốn sách lần đầu tiên giới thiệu với bạn đọc chân dung một nhân vật lịch sử đặc biệt, còn ít người biết tới. Là một kỹ sư học tại Pháp, ông Đỗ Đình Thiện đã ra nhập Đảng Cộng sản Pháp, trở về nước ông cùng vợ là bà Trịnh Thị Điền tự nguyện làm một việc thầm lặng là đóng góp về kinh tế cho cách mạng. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, ông bà đã trở nên giàu có nổi tiếng đất Hà Thành với tiệm buôn tơ Cát Lợi ở 54 Hàng Gai, Nhà máy Dệt ở Gia Lâm, Hà Nội; đồn điền cà phê ở Chi Nê, Hoà Bình.

Đặc biệt với đồn điền Chi Nê đã trở thành nơi lui tới thường xuyên trên đường công tác của Bác Hồ và hầu hết những nhà lãnh đạo thời chống Pháp. Khi Toàn quốc kháng chiến nổ ra, đây lại trở thành nơi đặt Nhà máy In “Tiền Cụ Hồ”. Mới đây, Bộ VH, TT & DL đã chính thức công nhận đây là Di tích lịch sử văn hoá, quốc gia.

Năm 1943, đồng chí Nguyễn Lương Bằng vượt ngục Sơn La, đến 54 Hàng Gai gặp ông bà Đỗ Đình Thiện nói rằng, Đảng đang rất khó khăn về tài chính. Nghe vậy, ông bà lập tức mở tủ trao ba vạn đồng Đông Dương (số tiền tương đương hàng trăm cây vàng).

Về sự kiện này, năm 1972, trong một lần tiếp bà Đỗ Đình Thiện tại nhà riêng, đồng chí Trường Chinh đã nhắc lại: “Trước khi nhận được số tiền ba vạn đồng anh chị gửi qua anh Nguyễn Lương Bằng, quỹ Đảng chỉ còn 24 đồng”.

Sau Tổng khởi nghĩa tháng 8.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh “Cử ông Đỗ Đình Thiện làm phụ trách tại quỹ trung ương ở Hà Nội”. Không những vận động mọi người đóng góp, bản thân ông bà đã gương mẫu đóng góp 10 vạn đồng Đông Dương vào Quỹ Độc lập và 100 lạng vàng vào Tuần lễ vàng.

Có một sự kiện tài chính nổi bật lúc đó, tổ chức bán đấu giá bức chân dung Hồ Chủ tịch để lấy tiền ủng hộ Chính phủ kháng chiến, nhà tư sản Đỗ Đình Thiện đã mua bức tranh với giá 1 triệu đồng và sau đó tặng lại bức tranh cho thành phố. Những đóng góp về tài chính như thế của một doanh nhân với sự nghiệp giải phóng đất nước là hiếm có và rất to lớn!

Đặc biệt, cuốn sách lần đầu tiên công bố tư liệu về thời kỳ Bác Hồ đi Pháp từ 22.6 đến 17.9.1946, mà suốt thời gian ấy ông Đỗ Đình Thiện được tháp tùng với danh nghĩa là thư ký riêng của Người. Còn đó những trang nhật ký đã vàng ố sau gần 70 năm, được ông đã ghi chép rất tỉ mỉ về những cuộc gặp gỡ công khai cũng như  trong hậu trường của Bác, thực sự là các hoạt động ngoại giao đầy bản lĩnh, khôn khéo của Người trong thời kỳ trứng nước của cách mạng.

Khá nhiều bức ảnh quý rút từ Album gia đình, lần đầu ra mắt bạn đọc về hoạt động của Bác với giới chính khách, các trí thức lớn của Pháp, bà con Việt kiều, bên cạnh vị Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà non trẻ, luôn có những cộng sự đắc lực, ngày đó mới ở tuổi ngoài bốn mươi đang sung sức như Đỗ Đình Thiện, Vũ Đình Huỳnh…

Thật cảm động khi phần kết của cuốn sách, có đoạn mô tả nhà tư sản yêu nước ấy lúc cuối đời lại khiêm nhường hưởng bìa N, là mức phân phối thấp nhất thời bao cấp dành cho dân thường. Khi ông bị ốm nặng vào bệnh viện Việt- Xô, bác sĩ lúng túng không biết xếp vào tiêu chuẩn nào và người bác sĩ này kể: “Trong bệnh viện có chuyện rất lạ. Một ông già chẳng có một chức vụ gì, thậm chí không có lương hưu, nhưng các đồng chí cán bộ cao cấp nhất cứ thay nhau vào thăm!”. Ông Đỗ Đình Thiện đã qua đời ngày 2.1.1972, hưởng thọ 69 tuổi.

Công lao đóng góp cho Đảng, cho đất nước của nhà tư sản- chiến sĩ cách mạng Đỗ Đình Thiện thật to lớn và có nhiều điểm độc đáo như vậy. Và qua cuốn sách mô tả trung thực sự nghiệp của đời ông, cho thấy ngay từ khi nền thương mại Việt Nam còn rất non trẻ, đã có những triệu phú biết làm giàu từ bàn tay lao động, trí tuệ và lại biết sẵn sàng cống hiến toàn bộ tài sản có được vì đại nghĩa. Nhắc lại một tấm gương doanh nhân sáng chói từ giữa thế kỷ trước, hẳn là rất có ý nghĩa với lớp doanh nhân hậu thế thời hội nhập toàn cầu hôm nay.

 Theo VH online