Ông Đỗ Quý Hạo, từ nông dân trở thành nông dân – trí thức

Tối chủ nhật 5/10/2008 đài Truyền hình Việt Nam đã phát chương trình “Người đương thời” giới thiệu tấm gương lao động của anh nông dân Đỗ Quí Hạo. Nhờ nỗ lực không mệt mỏi trong việc tự học và nghiên cứu khoa học, anh đã trở thành một chuyên gia nông học thực thụ, chủ trang trại trồng khoai lang vào loại lớn nhất nước. Do áp dụng thành công những thành tựu mới về khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trang trại của anh đã tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng cao, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu ra thị trường thế giới. Đây là một tấm gương làm giầu từ hai bàn tay trắng mà chúng tôi muốn giới thiệu với bà con trong mục người đương thời của Website hodovietnam.

Ông Đỗ Quý Hạo, từ nông dân trở thành nông dân – trí thức

Thanh Xuân

Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. Không bằng cấp, không vốn liếng, không nghề nghiệp. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, tiết kiệm và sáng tạo, ông Đỗ Quý Hạo đã làm giàu bằng chính những ruộng dưa, củ khoai thân thuộc gắn liền với cuộc sống thường nhật của mình.

Một khởi nguồn nghèo khó

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo của tỉnh Thái Bình, ông Hạo chỉ được học hết lớp 7 trường làng. Ông cũng đã từng là người lính trong những năm sau khi hòa bình được lập lại. Bước ngoặt lớn đối với cuộc đời ông là khi ông vào Kiên Giang thăm chị gái năm 1980. Thấy những cánh đồng mênh mông bất tận, lòng ông thầm ước được là người con nơi đây để có dịp thử tài thử sức và ông đã quết định chọn đây làm quê hương thứ hai của mình.

Ông Đỗ Quý Hạo

Sinh năm 1950
Nghề nghiệp : Làm ruộng
Email : doquyhao@yahoo.com
Website : http://www.khoailangbahao.com.vn/

Lúc đầu khi mới vào Kiên Giang, do chưa quen với tập quán sản xuất ở đây nên chỉ vài năm sau cả gia đình rơi vào cảnh đói nghèo do hết vốn, phải đi làm thuê, cuốc mướn, mót lúa rơi. Nhưng cuộc sống nghèo đói, vất vả đó vô tình đã tạo cho ông một khát vọng làm giàu rất lớn.

Chủ động tìm đến với tri thức

Từ đó ông bắt đầu tìm đọc, nghiên cứu những cuốn sách nói về xã hội, về sự phát triển kinh tế của các nước giàu mạnh ở châu Á, từng bước bổ sung những kiến thức mình đang thiếu hụt và ông đặc biệt chú ý đến những cuốn sách nghiên cứu về cây trồng nghiệp để rút ra những bài học bổ ích cho chính mình.

Tuy nhiên, tự học chưa đủ. Sau thất bại của vụ mùa trồng dưa hấu, ông đã lên các trường đại học có khoa nông nghiệp để học hỏi và đã trở thành người sinh viên nông dân. Từ đó, ông trở thành người sinh viên được quan tâm đặc biệt của các giảng viên, giáo sư đại học.

Với tinh thần ham học hỏi đáng khâm phục – một ông nông dân già ban ngày đi làm đồng ban đêm đốt đèn dầu học sách đại học nhưng khi đến trường vẫn hòa nhập cùng những sinh viên khác, ông là tấm gương sáng cho các bạn trẻ ở trường Đại học An Giang nói riêng và cả một thế hệ trẻ nói chung noi theo.

Từ những kiến thức học hỏi được cả ở ngoài đồng lẫn trên ghế nhà trường, những nông sản mà ông gieo trồng nhờ được đầu tư kỹ thuật đúng đắn nên đã cho sản lượng cao, chất lượng tốt.

Bằng khen ông Đỗ Quý Hạo được nhận do thành công
trồng khoai lang sạch trên đất phèn

Ông cũng đã nhận thấy đầu tư tri thức sẽ có sản phẩm tốt, nhưng làm thế nào để chiếm lĩnh thị trường, để có thể bán được sản phẩm với giá trị cao hơn thì đó vẫn là câu hỏi. Trăn trở đó của ông sẽ được tâm sự với các bạn trong phần II của chương trình.