“Thần đèn xứ Bắc” dời nhà 3.000 tấn

“Thần đèn xứ Bắc” dời nhà 3.000 tấn

“Thần đèn xứ Bắc” trực tiếp chỉ đạo việc “giải tỏa” công trình.

TT – Sáng nay (2-1), “thần đèn xứ Bắc” Đỗ Quốc Khánh (giám đốc Công ty Xử lý lún – nghiêng VN) cùng các cộng sự chính thức khởi công di dời một tòa nhà nặng đến 3.000 tấn tại Khu công nghệ cao Phù Cát (km27 Láng – Hòa Lạc, Hà Tây).

So với công trình lớn nhất mà “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy di dời năm ngoái tại Bình Thuận, tòa nhà ở Hà Tây nặng hơn gấp đôi, và quãng đường di dời xa gần gấp năm lần!

Công trình cần di dời là tòa nhà hai tầng có chiều ngang 65m, sâu 29m, với tổng diện tích sàn lên đến 3.800m2, tổng khối lượng khoảng 3.000 tấn của Liên hiệp Sản xuất công nghệ viễn thông tin học – HTI.

Nhiều kỷ lục VN

Hôm qua 1-1, trước mắt chúng tôi, tòa nhà đã được chằng níu cẩn thận và được kích nâng lên khỏi mặt đất nằm vững chắc trên các đường ray. Phía trước tòa nhà (nhìn ra đường Láng – Hòa Lạc), sáu xilanh thủy lực cỡ lớn (đường kính 400mm) có sức đẩy 150 tấn/xilanh đã được kê áp vào sáu trụ chính của tòa nhà. Phía sau tòa nhà là sáu đường ray đã được lập với sáu hệ thống tời, dây cáp cỡ lớn để hỗ trợ kéo – chỉnh hướng đưa tòa nhà dịch dời đúng 50m so với yêu cầu của chủ đầu tư (HTI). Kỹ sư Nguyễn Văn Thi, phụ trách tổ kỹ thuật thiết bị di dời, cho biết mọi việc chuẩn bị cho di dời đã hoàn tất, chỉ “chờ giờ đẹp” sáng nay sẽ khởi công di dời.

Theo kỹ sư Thi, công trình này nằm trên phần đất sẽ chạy đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội đang được Tổng công ty Xây dựng VN thi công nên phải di dời lùi về phía trong 50m. Từ cuối năm 2005, “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy đã được mời ra để xử lý công trình này.

Nhưng sau khi triển khai, thấy “nhiều vấn đề kỹ thuật phức tạp” nên chủ đầu tư đã ký tiếp hợp đồng với trường ĐH Xây dựng Hà Nội và giao đơn vị này làm tổng thầu quản lý, điều hành công việc di dời. Cho đến cuối năm 2007, tỉnh Hà Tây đã thúc ép tiến độ gắt gao nhưng công trình vẫn chưa hề nhúc nhích, phía ĐH Xây dựng Hà Nội thấy giải pháp di dời của “thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy bộc lộ nhiều yếu tố rủi ro nên đã mời “thần đèn xứ Bắc” – thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh, giám đốc Công ty Xử lý lún – nghiêng VN, tham gia. Và ngày 1-12-2007, “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh chính thức vào cuộc…

Chỉ chưa đầy một tháng tham gia với tư cách là nhà thầu phụ để lo di dời tòa nhà, đến 28-12-2007 “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh đã thử nghiệm cho tòa nhà di dời 95cm an toàn, trong vòng chỉ hơn một giờ. Theo kế hoạch, trong vòng 10 ngày kể từ hôm nay 2-1, tòa nhà sẽ được đẩy – kéo đi 50m. Đầu tiên tòa nhà sẽ  “đi” 30m trong ba ngày, sau đó dừng để làm tiếp đường ray và sẽ đẩy dời nốt 20m còn lại. Và nếu sau 10 ngày, công trình nặng 3.000 tấn này di dời về đúng vị trí an toàn thì “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh sẽ lập một lúc ba kỷ lục VN. Đó là kỷ lục về trọng lượng (tòa nhà nặng 3.000 tấn), kỷ lục về thời gian và độ chính xác khi di dời (10 ngày – 50m) và kỷ lục về tiến độ ứng dụng khoa học kỹ thuật (thời gian lập phương án, thiết kế, chế tạo thiết bị, vận hành… đúng một năm).

Ngoài ra còn có một kỷ lục khác mà bản thân “thần đèn” không muốn nhắc tới – đó là giá cả. Theo “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh, tổng chi phí cho một công trình cần di dời chỉ chiếm 10-30% chi phí đập bỏ, phá dỡ, xây mới. Không kể phần thiết bị (chủ yếu là sáu xilanh thủy lực cỡ lớn), riêng phần công di dời và thiết kế thiết bị của “thần đèn” chỉ 300 triệu đồng.

“Thần đèn xứ Bắc” là ai?

9 giờ sáng nay, tòa nhà hai tầng nặng 3.000 tấn này chính thức được “thần đèn” Đỗ Quốc Khánh cùng gần 200 công nhân “đẩy” lùi về phía trong 50m. Đây là mặt sau của tòa nhà, và hệ thống ray, dây kéo – Ảnh: ĐQK.

Đỗ Quốc Khánh sinh năm 1955, người Đại Mỗ, Từ Liêm, Hà Nội; thi đỗ ĐH xây dựng với số điểm gần như tuyệt đối (năm 1973) và được Nhà nước cho đi du học tại Tiệp Khắc (cũ). 11 năm đèn sách ở nước bạn, anh đã nhận được tấm bằng đỏ về chuyên ngành các hệ thống tự động hóa quản lý các quá trình sản xuất trong cơ khí, là thạc sĩ nghiên cứu khoa học độc lập của hãng SKODA, chuyên mô phỏng hệ thống tự động trong lĩnh vực điều khiển học năng lượng. Về nước, anh Khánh được phân công tác tại Viện KHCN – Bộ Xây dựng.

Đến năm 1991 cộng tác với Trung tâm nền móng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội, chủ yếu làm nhiệm vụ thi công công trình xây dựng dân dụng, thủy lợi và chống lún. Từ chống lún – sập, anh nhảy sang lĩnh vực hoàn toàn mới là di dời, mà theo anh đó là một sự “lệch pha”. Tuy khởi nghiệp với lún – nghiêng – sập chỉ là sự lệch pha đối với một thạc sĩ điều khiển học nhưng chính nhờ sự lệch pha này mà anh đã cho ra đời một công nghệ hoàn toàn mới, có lý thuyết, qui trình riêng, thiết bị, nguyên liệu hoàn toàn sử dụng trong nước.

Một số công trình di dời, chống nghiêng – lún mà thạc sĩ Đỗ Quốc Khánh đã xử lý thành công kể từ năm 2005 đến nay gồm: di dời công trình cấp nước trên đỉnh đồi Bò, Hòa Bình; di dời công trình nhà ba tầng ở Kỳ Sơn – Hòa Bình, lún nghiêng – sập với độ nghiêng thả dọi kỷ lục 3,1m từ mái tầng 3, góc nghiêng 280, gấp 4 lần độ nghiêng tháp Piza của Ý; nhà tám tầng ở thị xã Hà Giang: lún 60cm, nghiêng 1,2m, sập vỡ sáu chân cột trong vòng sáu tiếng, đã có lệnh phá dỡ; chống nghiêng, sập nhà cổ ba tầng số 6 Nguyễn Hữu Huân (đầu cầu Chương Dương); ép cọc chống lún nhà hát Chèo VN – Kim Mã.

 ĐỨC BÌNH

Dưới đây là một vài hình ảnh chuẩn bị khởi công di dời toà nhà:


SV trường ĐHXD trước giờ “xung trận”


Toà nhà đã được cắt móng, giằng sát trước khi được di dời


Hệ thống ba-lăng xích dùng để kéo ngôi nhà và điều chỉnh hướng ngôi nhà di chuyển


Hệ thống kích đẩy thuỷ lực


Hệ thống con lăn và dây cáp