Những người con họ Đỗ tìm nhau ở làng Sặt: Kỷ niệm về làng Sặt – Quê hương cụ Đỗ Văn Hùng (tức Đề Sặt)

Những người con họ Đỗ tìm nhau ở làng Sặt:

Kỷ niệm về làng Sặt – Quê hương cụ Đỗ Văn Hùng (tức Đề Sặt)

ThS. Đỗ Xuân Trường (Viện Sử học)

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế bền bỉ, hào hùng và có sức ảnh hưởng lớn trong phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Do vậy, nguồn tài liệu, nhân vật và sự kiện lịch sử liên quan là tương đối phong phú, đa dạng và phức tạp, nhất là giai đoạn đầu của Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1892). Năm 2024, nhân kỷ niệm 140 năm sự kiện thủ lĩnh Lương Văn Nắm tập hợp lực lượng, làm lễ Tế cờ khởi nghĩa, chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm về cuộc khởi nghĩa này, trong đó có trường hợp cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đỗ Văn Hùng (còn gọi là Đề Sặt hay Thống Sặt).

 

Cụ Đỗ Văn Hùng (1847-1893) sinh ra và lớn lên ở làng Sặt, tổng Mục Sơn, phân phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang). Cụ từng là lý trưởng, nổi tiếng về tính gan dạ và tài năng quân sự. Bên cạnh có các tùy tướng Đề Lâm (Trần Đức Thăng), Đề Sắt (Trần Văn Rệ hay Duệ), Đốc Lành (Trần Văn Lành), Đốc My (Nguyễn Văn My)… Đề Sặt gắn bó với Đề Nắm ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, căn cứ làng Sặt và làng Hả luôn tương hỗ nhau trong suốt giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Năm 1891, sau những đợt tấn công lớn vào Yên Thế không đạt nhiều kết quả của thực dân Pháp, tình thế hai bên rơi vào một giai đoạn hưu chiến kéo dài. Ngày 12-4-1892, cụ Đề Sặt ra hàng quân Pháp trong bối cảnh nhiều thủ lĩnh khác cũng đầu hàng do sự truy lùng gắt gao của kẻ thù. Câu chuyện trở nên phức tạp, khi theo nhiều giai thoại truyền khẩu, cụ Đề Sặt là người đầu độc và sát hại cụ Đề Nắm trước khi trình diện quân Pháp. Tài liệu phía Pháp có ghi lại sự kiện Đề Thám cho người về làng Sặt bắt cụ Đề Sặt rạng sáng ngày 8-2-1893.

Câu hỏi cái chết của cụ Đề Nắm như thế nào? cụ Đề Sặt có liên quan đến cái chết của cụ Đề Nắm không? là những băn khoăn và dư luận âm ỉ suốt hơn một thế kỷ qua, là một trong những tồn nghi lớn liên quan đến Khởi nghĩa Yên Thế. Đây không chỉ là nỗi đau đáu của hậu duệ cụ Đề Sặt trên đất Liên Sơn, mà còn là khúc vĩ thanh không mấy hòa hợp và nghi kỵ lẫn nhau giữa dân làng Sặt và dân làng Hả (quê cụ Đề Nắm). Câu hỏi này dẫn chúng tôi đến với mảnh đất làng Sặt, ba chuyến đi là ba tâm trạng khác nhau.

  1. Chuyến đi lần thứ nhất: Từ Yên Thế tới đình làng Sặt (tháng 6-2023)

Đầu tháng 6-2023, Viện Sử học có nhận thông tin về việc hậu duệ gia đình cụ Đề Sặt Đỗ Văn Hùng mong muốn có buổi trao đổi làm việc với cơ quan. Nhiều ý kiến từ cán bộ nghiên cứu đề xuất một chuyển khảo sát thực tế tại làng Sặt. Chúng tôi chợt nghĩ, tại sao mình không bắt đầu từ “không gian xứ Yên Thế”, mảnh đất gắn liền với cuộc khởi nghĩa hào hùng, bi tráng và bền bỉ nhất trong phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Vì vậy, chúng tôi quyết định xây dựng một lịch trình từ Yên Thế rồi về làng Sặt. Trong đoàn hầu hết đều là cán bộ nghiên cứu lịch sử, được học, đọc tài liệu về sử và trong quá trình làm nghề, có nhiều lần đụng tới vấn đề khởi nghĩa Yên Thế. Những cái tên như Đề Thám, Đề Nắm, Thống Luận, Đề Sặt, Đề Lâm… hay địa danh như Hố Chuối, Phồn Xương, Khám Nghè, Sông Sỏi, Dĩnh Thép, Tỉnh Đạo… trên những tài liệu vô thức cứ in dấu trong đầu. Nhưng đôi khi, với nhiều bạn học sử, dường như nó chỉ ở trên sách vở, ít có điều kiện điền dã thức tế để được “cảm nhận” cái bối cảnh lịch sử, vùng đất gắn liền với cuộc khởi nghĩa ấy trong khung cảnh xứ Bắc Kỳ cuối thế kỷ XIX.

Nhân thời gian chờ đợi chuyến điền dã, tôi có lần giở lại những tài liệu hiện có trong tay về Hoàng Hoa Thám, về khởi nghĩa Yên Thế. Những mô tả về địa hình, địa vật của các tác giả người Pháp, người Việt về Yên Thế thì rất nhiều, đặc biệt trong những cuốn “tiểu thuyết thuộc địa” xuất bản trong thời điểm “giữa hai cuộc chiến” (những năm 1930). … Theo các tài liệu đó, đương thời, Yên Thế giữ một vị trí mang tính chiến lược trong hệ thống tổ chức lãnh thổ của thực dân Pháp, vừa nằm ở vùng lãnh thổ dân sự vừa nằm “lọt thỏm” (chữ dùng của Lyautay viết năm 1895) ở đường vành đai lãnh thổ quân sự. Trong đó, Yên Thế cuối thế kỷ XIX được cai trị bởi chính quyền dân sự và một quan chức hành chính nổi tiếng là vụng về. Chính vì vậy, các thủ lĩnh Yên Thế đã tận dụng lợi thế địa lý cũng như mâu thuẫn hành chính giữa hai phía dân sự và quân sự của chính quyền Pháp để duy trì sự cân bằng cho khu vực của mình (nhất là trường hợp Đề Thám). Yên Thế là một trong những vùng đất tiêu biểu nhất của chiến tranh du kích và nghệ thuật tận dụng địa hình để xây dựng căn cứ, tác chiến quân sự tại xứ Bắc Kỳ.

Sáng ngày 21-6-2023, chúng tôi tới Khu di tích trọng điểm quốc gia về Khởi nghĩa Yên Thế, thăm những tường thành bằng đất tại đồn Phồn Xương, thắp hương tại Chùa Lèo, tại mộ bà Hoàng Thị Thế (con gái cụ Đề Thám), nghe kể về những giai thoại, được cảm nhận cái “sinh thể” của di tích, của hiện vật, nhìn từ thế kỷ XXI về cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đoàn chúng tôi bấy giờ “rất gọn”, chủ yếu là các cán bộ nghiên cứu về lịch sử cận đại Việt Nam của Viện sử học và Bảo tàng tỉnh. Chuyến thăm quan cũng để lại nhiều ấn tượng thú vị đối với các thành viên trong đoàn, chí ít là được gặp và nói chuyện với “Trai Cầu Vồng, gái Nội Duệ”, được đứng trên đồn Phồn Xương nhìn ngắm cảnh vật xung quanh và có thêm “cảm hứng” về khởi nghĩa Yên Thế.

Chiều cùng ngày, chúng tôi về tới đình làng Sặt, nơi gắn liền với thủ lĩnh Đề Sặt (tức cụ Đỗ Văn Hùng, 1847-1893). Đón tiếp đoàn có các bác như Bí thư, Trưởng thôn thôn Sặt, bác thủ từ, đại diện gia đình cụ Đề Lâm (họ Trần), và nhiều hậu duệ cụ Đề Sặt. Trước đó, tôi có liên lạc với anh Đỗ Trọng Tiến, Đỗ Trọng Biển (cháu đời thứ 5 cụ Đề Sặt), nhờ gia đình chuẩn bị giúp tất cả những tài liệu mà gia đình hiện có về cụ Đề Sặt. Đoàn chúng tôi được tiếp đón rất chu đáo, trọng thị, được lắng nghe ông Đỗ Trọng Bốn (cháu đời thứ tư cụ Đề Sặt) trình bày “tâm thư” của gia đình, kể về thân thế và sự nghiệp cụ Đề Sặt do ông biên soạn, đọc thư của ông Bốn gửi GS. Đinh Xuân Lâm, và được gửi tặng ba tài liệu: cuốn sách nhỏ của tác giả Vương Thành Giao: “Mảnh đất con người làng Sặt Liên Sơn qua chặng đường lịch sử” (ngày 20-8-1997), Kỷ yếu Hội thảo “Vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế” (tháng 3-2014) tổ chức tại Tân Yên, và bài viết trên báo Sông Thương (số 1/2018): “Những câu chuyện về làng Sặt ít người biết” của bác Trần Văn Lạng. Sau đó, anh Biển còn gửi thêm hai trang trong một cuốn sách (tôi chưa kịp hỏi lại nguồn), có đoạn phỏng vấn của bác Hoàng Minh Hồng với bà Trần Đức Thành Long về các thủ lĩnh làng Sặt.

Trong hơn hai tiếng làm việc, chúng tôi có trao đổi lại với các cụ, đại thể mấy vấn đề: thứ nhất, trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, vai trò của cụ Đề Sặt và nghĩa quân xứng đáng được ghi nhận; thứ hai, vấn đề trọng tâm nhất, trong mong muốn của gia đình làm sáng tỏ những vấn đề liên quan tới cụ Đề Sặt, có “ba nút thắt”: sự kiện cụ Đề Sặt ra hàng tháng 4-1892, câu hỏi lớn “cụ Đề Sặt có liên quan tới cái chết của cụ Đề Nắm không?, và sự kiện cụ Đề Sặt bị nghĩa quân Đề Thám bắt (tháng 2-1893); thứ ba, nguồn tài liệu về vấn đề trên là không nhiều, nên sẽ khó khăn hơn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu bản chất sự kiện; thứ tư, chúng tôi ghi nhận những mong muốn của các cụ cao tuổi, nhân dân làng Sặt về việc tổ chức một “tọa đàm” cho vấn đề này, đề xuất một số việc “cần làm ngay”.

Ông Bốn, đại diện gia đình có nói, dù kết quả nghiên cứu như thế nào, gia đình chúng tôi cũng “chấp nhận”, “không oán trách” các tác giả đã viết, đang nghiên cứu và sẽ công bố kết quả. Ông Bốn cũng gửi lời cảm ơn tới bác Trần Văn Lạng, trong bài viết tại Hội thảo về cụ Đề Nắm và bài viết trên báo Sông Thương, đã hé mở một tài liệu của Paul Chack (viết năm 1933, tài liệu do dịch giả Lê Kỳ Anh – tức nhà thơ Hoàng Cầm dịch), có đề cập đến một lý giải về cái chết của thủ lĩnh Lương Văn Nắm, khi quân Pháp và tay sai tìm thấy mộ Đề Nắm, được cho là chết vì “bệnh kiết lỵ”.

Chuyến đi đến làng Sặt đầu tiên của chúng tôi kết thúc, bản thân tôi lúc đó cũng “nặng trĩu tâm tư”, sau khi nói chuyện và trao đổi với chị Giám đốc Bảo tàng tỉnh về những khó khăn của vấn đề này.

 

  1. Chuyến khảo sát lần hai: từ tọa đàm tại trụ sở xã Liên Sơn tới mộ cụ Đề Sặt (ngày 9-12-2023)

Trở về Hà Nội, chúng tôi đã tìm kiếm các nguồn tài liệu hiện có, đặc biệt là cuốn của tác giả Paul Chack: Hoang-Tham, pirate, Les Editions de France, Paris, 1933(Hoàng Hoa Thám – tên giặc), liên quan đến một chi tiết cho rằng Đề Nắm chết vì “bệnh kiết lỵ”, mộ được tìm thấy ngày 28-3-1892 (trang 27), và nhiều tài liệu tiếng Pháp khác ghi chép về từ khóa khởi nghĩa Yên Thế, Đề Thám, Sặt, Đề Nắm… Sau đó, chúng tôi liên hệ với nhiều nhà nghiên cứu, đề xuất đặt bài theo những chủ đề liên quan đến cụ Đề Sặt, làng Sặt. Quả thực, vấn đề này rất phức tạp và “nhạy cảm”, đọc lướt những tài liệu đã công bố về khởi nghĩa Yên Thế thôi cũng thấy sự việc không đơn giản, nhất là câu hỏi “cái chết của cụ Đề Nắm?”. Phải đến tháng 10-2023, một bản kế hoạch tổ chức hội thảo mới được trình ký, tôi thấy nhiều “bài đinh” cho chủ đề hội thảo được xây dựng.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn về chuyên môn. Thậm chí, có nhà nghiên cứu khi đọc cuốn Hoàng Hoa Thám (1836-1913) (xuất bản năm 2014, tr. 283), thấy đoạn viết của tác giả cuốn sách nói về cái chết của cụ Đề Nắm, có trích dẫn trong ngoặc kép rằng “Y [tức Đề Sặt] đã đầu độc người thủ lĩnh [tức Đề Nắm] rồi sáng hôm sau, ngày 12-4-1892, đến quy hàng Đại úy Braudiét…”, chú thích ghi cuốn Histoire militaire de l’Indochine (Lịch sử quân sự Đông Dương), đã lập tức trao đổi lại với tôi rằng nếu tài liệu Pháp ghi thế này thì vụ việc “đóng đinh” rồi, còn viết gì nữa? Tuy nhiên, sau khi chúng tôi tra lại cuốn sách Histoire militaire de l’Indochine francaise (débuts à nos jours) juillet 1930, tome 2, Imprimerie d’Extrême-Orient, 1931, tiếng Việt là Lịch sử quân sự Đông Dương (từ đầu cho đến ngày nay), tại trang 22, không hề có đoạn nào ghi như trên, nhà nghiên cứu đó mới quyết định bắt tay vào viết bài cho Hội thảo.

Sáng ngày 9-12-2023, chúng tôi trở lại xã Liên Sơn, thực hiện chuyến khảo sát lần thứ hai, đồng thời tổ chức một buổi “tọa đàm”, có sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo của Sở VHTT&DL tỉnh, Bảo tàng tỉnh, huyện và các đồng chí lãnh đạo xã Liên Sơn, đi cùng đoàn có bác Trần Văn Lạng (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh). Cùng với đó, đại diện gia đình cụ Đề Nắm (bác Lương Văn Hòe, cháu đời thứ 5) và gia đình cụ Đề Sặt, cụ Đề Lâm và các bác đại diện đình làng Sặt, thôn Sặt đến tọa đàm. Vốn có nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu với các địa phương, Trưởng đoàn của chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ có hỏi thêm về tình hình tư liệu của dòng họ, ví dụ các cụ còn văn bản nào như gia phả hay ghi chép gì thêm về cụ Đề Sặt không? Tuy nhiên, kết quả tài liệu tại địa phương chưa có gì mới hơn chuyến khảo sát đầu tiên. Chúng tôi được lắng nghe trực tiếp ý kiến của bác Trần Văn Lạng về quá trình viết và nội dung bài “Về cái chết của thủ lĩnh Lương Văn Nắm những vấn đề cần làm sáng tỏ” trong Hội thảo năm 2014; ý kiến của bác Lương Văn Hòe về câu chuyện này do ông cha truyền lại, về phần mộ của cụ Đề Nắm hiện nay; ý kiến của các đồng chí lãnh đạo địa phương… Tại cuộc tọa đàm nhỏ này, chúng tôi cũng trình bày một số vấn đề về mặt sử liệu, phương pháp nghiên cứu và kế hoạch tổ chức hội thảo.

Tuy nhiên, chuyến khảo sát này dù có những “nội dung mới” về mặt sử liệu nhưng vẫn khiến các đồng chí lãnh đạo và nhiều thành viên cảm thấy “chưa yên tâm”, bởi tài liệu còn hạn chế và nhiều nội dung chính “chưa thực sự có kết quả rõ ràng”, mới chỉ “đính chính” một vài chi tiết lịch sử trong một số công trình đã công bố cùng thêm một số văn bản tiếng Pháp. Vì vậy, tọa đàm tạm kết luận “còn rất nhiều việc phải làm”. Theo phản xạ nghề nghiệp, tôi chú ý rất nhiều tới thái độ của bác Lương Văn Hòe (hậu duệ cụ Đề Nắm) với gia đình cụ Đề Sặt và những nội dung được bác trình bày.

Buổi chiều, chúng tôi được các bác trong gia đình dẫn ra thăm và thắp hương mộ cụ Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng), trong đó các bác có “báo cáo” lại kết quả làm việc của đoàn trước vong linh cụ Đề Sặt.

  1. Trở lại làng Sặt và Tân Yên (tổ chức Hội thảo ngày 20-6-2024)

Trở lại sau chuyến đi vẫn còn nhiều “tâm tư”, chúng tôi xúc tiến triển khai các hoạt động chính, chuẩn bị tổ chức một Hội thảo về cụ Đề Sặt, làng Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế. Công việc “bếp núc” rất bộn bề. Kế hoạch hội thảo được Viện Sử học “cấu trúc” lại, phân chia công việc và nội dung chuyên môn rõ hơn.

Những lúc có dịp, tôi thường trao đổi với các thầy tôi, GS.TS. Đỗ Quang Hưng, PGS. TS. Tạ Thị Thúy, PGS. Vũ Huy Phúc… về chủ đề Hội thảo và được chỉ dạy thêm những “kỹ thuật”, “phương pháp” và cách triển khai vấn đề sao cho hiệu quả. Chúng tôi nhiều lần trao đổi về tài liệu, cách thức và phương pháp xử lý tài liệu, những chi tiết còn tồn nghi… Kết quả cuối cùng là tập Kỷ yếu (khoảng 150 trang A4) gồm 17 bài tham luận được gửi đến các đại biểu tại Hội thảo Thống Sặt (Đề Sặt), làng Sặt với phong trào nông dân Yên Thế, Tân Yên ngày 20-6-2024.

Buổi sáng, chúng tôi trở lại thăm làng Sặt. Cùng đoàn, có bác Đỗ Văn Kiện (Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ – Đậu Việt Nam), bác Đỗ Văn Trắc (Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội đồng họ Đỗ – Đậu Việt Nam) và bác Đỗ Kiến Lập (Phó Tổng thư ký Hội đồng), cùng nhiều thành viên dòng họ Đỗ. Nghi thức dâng hương tại mộ cụ Đỗ Văn Hùng (Đề Sặt) được bác Kiện tiến hành rất trang trọng. Tôi nhận thấy sự phấn khởi trong nét mặt và ánh mắt của các bác, các anh trong gia đình cụ Đề Sặt khi hay tin chính thức tổ chức Hội thảo về cụ.

Tin tức về Hội thảo này đã được Truyền hình Bắc Giang, Báo Bắc Giang đưa tin tối cùng ngày, tác giả Đỗ Quang Hòa tổng hợp và đăng tải trên Website www.hodovietnam.net (ngày 21-6-2024). Nhiều tham luận nghiên cứu về Đề Sặt, làng Sặt được trình bày tại Hội thảo cùng các ý kiến thảo luận. Trong đó, có nhiều ý kiến của các nhà khoa học như: GS. TS. Đỗ Quang Hưng, PGS. TS. Nguyễn Đức Nhuệ, PGS.TS. Nguyễn Văn Nhật, TS. Trần Xuân Trí, TS. Trần Thị Phương Hoa, TS. Nguyễn Thị Lệ Hà, TS. Bùi Thị Hà, NNC Trần Văn Lạng… và các ý kiến phát biểu của Sở VHTT&DL tỉnh, bác Đỗ Văn Trắc (đại diện Hội đồng họ Đỗ – Đậu Việt Nam), ông Đỗ Trọng Bốn (cháu đời thứ tư của cụ Đề Sặt), ông Lương Văn Hòe (cháu đời thứ năm của cụ Đề Nắm), đại diện xã Liên Sơn…

Anh Đỗ Quang Hòa và tôi có trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có ý tưởng nói về kết quả của Hội thảo này. Các đại biểu tham dự đã có trong tay tập tài liệu, cùng nghe tổng kết hội thảo của Đoàn chủ trì.

Liên quan đến “câu hỏi đinh”: “cái chết của thủ lĩnh Lương Văn Nắm?”, tôi xin tổng hợp một số vấn đề chính:

Thứ nhất, về thời điểm xảy ra sự kiện, có mấy giả thuyết chính:

– Theo nhiều tài liệu tiếng Việt, “vụ đầu độc Đề Nắm” xảy ra vào Tết Hàn thực (mồng 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn).

– Một số tài liệu cho rằng Đề Sặt hãm hại Đề Nắm ngày 11-4-1892, hôm sau ra hàng quân Pháp (12-4-1892). Có một số tài liệu cho rằng thời điểm tết Hàn thực năm Nhâm Thìn là ngày 11-4-1892.

– Một tài liệu cho rằng Đề Nắm bị Lãnh Đệ tức Đề Sặt ám hại đêm 9 rạng ngày 10 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Thìn (30-9-1892)[1]. Tác giả không nói rõ nội dung sự kiện.

– Nhiều tài liệu theo truyền khẩu dân gian cho rằng vụ hãm hại Đề Nắm xảy ra vào ngày hội Khám Nghè, hoặc “nhân một đám cỗ”. Các tài liệu dẫn câu chuyện này hầu như không có ngày tháng cụ thể.

– Theo tài liệu tiếng Pháp: theo Paul Chack (1933), quân Pháp phát hiện mộ được cho là của Đề Nắm vào ngày 28-3-1892; theo tin tức được đăng tải trên báo Le Courrier d’Haiphong (Tin tức Hải Phòng), No 569, le 7 avril 1892 (ngày 7-4-1892), nhắc đến mộ Đề Nắm (tài liệu mới này do TS. Trần Xuân Trí công bố).

Theo khảo cứu của chúng tôi, hầu hết các tài liệu tiếng Việt, cả các công trình nghiên cứu, biên soạn liên quan đến sự kiện cái chết của Đề Nắm đều dựa vào nguồn tài liệu truyền khẩu dân gian. Tuy nhiên, có một số điểm cần khẳng định như sau:

– Tết Hàn thực (mồng 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn) chính xác là ngày 30-3-1892, không phải ngày 11-4-1892 (ngày 15 tháng 3 âm lịch). Do vậy, những tài liệu căn cứ vào thời điểm sự kiện xảy ra vào tết Hàn thực (âm lịch) và cho đó là ngày 11-4-1892 là không chính xác về mặt lịch đại.

– Mốc sự kiện ngày 10 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Thìn (30-9-1892) mà tác giả Nguyễn Xuân Cần đưa ra có độ chênh khá lớn với những nguồn tài liệu khác, nội dung sự kiện chưa được xác định nguồn dẫn tài liệu cụ thể.

– Về cơ bản, nội dung sự kiện “đầu độc Đề Nắm” khá tương đồng giữa hai bối cảnh thời gian tết Hàn thực và hội Khám Nghè, cần có những nghiên cứu tìm hiểu thêm về chi tiết này.

Nếu căn cứ vào tài liệu của Paul Chack có thể khẳng định: đến thời điểm quân Pháp thấy mộ Đề Nắm ngày 28-3-1892 (tức ngày mồng 1 tháng 3 năm Nhâm Thìn), Đề Nắm đã chết trước đó và được chôn cất. Mốc lịch sử này xảy ra trước Tết Hàn thực hai ngày, trước sự kiện Đề Sặt ra hàng 14 ngày. Tin tức trên báo Le Courrier d’Haiphong (Tin tức Hải Phòng, ngày 7-4-1892) nhắc đến mộ Đề Nắm, như vậy, những tài liệu tiếng Việt cho rằng Đề Nắm bị sát hại ngày 11-4-1892 là không chính xác.

Thứ hai, về câu hỏi cái chết của Đề Nắm? Theo chúng tôi, có hai giả thuyết chính:

– Thủ lĩnh Đề Nắm bị đầu độc, hoặc bị sát hại: nhiều câu chuyện truyền khẩu dân gian được ghi chép lại[2], nhiều tác giả viết về nội dung này theo truyện kể dân gian cho rằng Đề Sặt / Thống Sặt / Lãnh Đệ (Nguyễn Xuân Cần có nói đây là Đề Sặt) có ý hãm hại, đầu độc Đề Nắm qua vụ “bát chè mẻ” có bỏ độc. Có tài liệu chỉ đề cập đến việc Đề Sặt sát hại / giết Đề Nắm một cách ngắn gọn, không nói rõ nội dung sự kiện.

– Theo Paul Chack, Đề Nắm chết vì “bị kiết lỵ”, được đem chôn trước ngày 28-3-1892.  

Thứ ba, về việc Đề Sặt / Thống Sặt / Lãnh Đệ (tức Đề Sặt) có đầu độc Đề Nắm hay không? Cũng có hai giả thuyết:

– Hầu hết các tài liệu dân gian nói đến vụ “tết Hàn thực”, hội chèo Khám Nghè, hay “nhân một đám cỗ”, đều tập trung cho rằng Đề Sặt / Thống Sặt hay Lãnh Đệ (tức Đề Sặt) là người chủ mưu đầu độc Đề Nắm, có xuất hiện thêm một số nhân vật như vợ Đề Sặt, Cai Bá làng Bùi (có tài liệu nói bà vợ thứ hai của Thống Sặt là Đặng Thị Bớt, con gái ông Cai Bá làng Bùi), hoặc Chánh Biếu (người làng Mục Sơn, Yên Thế)…

Có tài liệu đã xâu chuỗi việc này với vụ Đề Thám dẫn quân về bắt Đề Sặt vào tháng 2-1893, và cho rằng hai sự kiện này có quan hệ nhân quả.

– Có thuyết nói rằng Đề Sặt bị vu oan là đầu độc Đề Nắm nên lo ngại mà rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân[3]; Vương Thành Giao cũng dẫn một giả thuyết cho rằng “đây là câu chuyện mưu kế phịa ra để lừa Pháp mà thôi, chứ không phải thế, chỉ là chuyện bịa đặt giả dối như vậy nên có cớ để giả hàng Pháp thôi”[4].

Các tài liệu viết sơ lược chỉ nhắc đến việc Đề Nắm mất năm 1892, chưa đề cập đến những nhân vật và chi tiết liên quan.

Thứ tư, trong diễn trình liên quan đến sự kiện Đề Nắm mất năm 1892, có một số tài liệu nhắc đến chi tiết: Đề Sặt sau khi sát hại Đề Nắm đã ra hàng thực dân Pháp, thậm chí còn chặt đầu Đề Nắm mang dâng quân địch. Tuy nhiên, theo Paul Chack, khi phát hiện mộ Đề Nắm (vừa chết vì kiết lỵ), người này là Quản Đào và thủ hạ (bản dịch của Lê Kỳ Anh); trong bản dịch tiếng Việt mới nhất tác phẩm này của Paul Chack,với tựa đề Hoàng Hoa Thám, (do Phùng Đức Trung dịch, Võ Nguyên Phong bổ chú, Nxb. Khoa học Xã hội và Truongphuong books, Hà Nội, 2022), dịch giả dịch tên “Quan dao” thành “ông quan huyện Đào Nguyên”.

Qua tổng hợp và phân tích trên đây, sự kiện cái chết của thủ lĩnh Đề Nắm theo các tài liệu hiện có còn nhiều mâu thuẫn. Có thể thấy rằng, hầu hết các tài liệu tiếng Việt đề cập đến sự kiện này chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu truyền khẩu dân gian; còn tài liệu tiếng Pháp của Paul Chack hay tờ Le courrier de Haiphong (7-4-1892) viết lại có sự mâu thuẫn với các nguồn tài liệu trên về mặt ngày tháng, nội dung và chủ thể sự kiện.

Còn có rất nhiều nội dung thú vị trong các tham luận được trình bày tại Hội thảo về cụ Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng), làng Sặt và Khởi nghĩa Yên Thế ngày 20-6-2024 vừa qua.

Tìm thấy nhau ở làng Sặt

Chúng tôi được gặp gỡ và tiếp xúc gần hơn với Hội đồng họ Đỗ – Đậu Việt Nam qua sự kiện về cụ Đỗ Văn Hùng (Đề Sặt). Riêng GS.TS. Đỗ Quang Hưng có quen và biết bác Đỗ Tòng (Trưởng ban liên lạc họ Đỗ – Đậu Việt Nam đầu tiên, chủ biên cuốn Họ Đỗ Việt Nam). Chúng tôi có nói đùa với nhau: nhờ cụ Đề Sặt mà mấy anh em họ Đỗ mới tìm được nhau hôm nay. Hóa ra, cùng với các bác và anh em họ Đỗ ở làng Sặt, chúng tôi cũng có thêm rất nhiều các bác, các anh em trong họ trên mọi miền tổ quốc, có cô em họ là Đỗ Huệ – một người đầy năng lượng và nhiệt huyết của tuổi trẻ họ Đỗ.

Bác Đỗ Văn Kiện, bác Đỗ Văn Trắc, bác Đỗ Kiến Lập và nhiều thành viên của dòng họ Đỗ có nói với chúng tôi về một số hoạt động, những ý tưởng chính đang triển khai trong thời gian tới của dòng họ. Chúng tôi (GS.TS. Đỗ Quang Hưng, TS. Đỗ Danh Huấn và tôi) đều cảm nhận được sự tâm huyết của các bác, các anh chị và các bạn đối với dòng họ Đỗ.

 Kết quả của ba lần về làng Sặt của chúng tôi nói trên phần nào đáp ứng được những mong mỏi của gia đình cụ Đề Sặt Đỗ Văn Hùng, tuy còn một số vấn đề chưa được thống nhất, cần tiếp tục nghiên cứu thêm. Nhân giờ giải lao, tôi có ngồi nói chuyện cùng bác Đỗ Trọng Bốn và bác Lương Văn Hòe trong không khí vui vẻ, thân tình.

Tân Yên hôm ấy quả thực là một ngày nắng khác!

[1] Nguyễn Xuân Cần (1980), Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (195) tháng 11-12 năm 1980, tr. 65

[2] Có thể xem bài của Nguyễn Văn Phong, “Thủ lĩnh Lương Văn Nắm qua một số chuyện kể dân gian”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học  Vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Bắc Giang, tháng 3-2014, tr. 91-100. Tác giả giới thiệu các tư liệu dân gian về Lương Văn Nắm do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm năm 1961-1962 và do Vương Thành Giao sưu tầm năm 1978; và nhiều nguồn tài liệu sưu tầm khác.

[3] Khổng Đức Thiêm (2014), Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb. Tri Thức, tr. 283.

[4] Vương Thành Giao, Mảnh đất con người làng Sặt Liên Sơn qua chặng đường lịch sử, Tân Yên, ngày 20-8-1997, tr. 6