Hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ (5-5 âm lịch), một trong 15 cái Tết hàng năm của người Việt. Đoan là mở đầu, ngọ là chỉ thời gian khoảng giữa trưa. Tết Đoan ngọ là dấu mốc thời gian trong năm khi mà khí dương của trời đất và trong cơ thể của con người vượng nhất. Vì thế Tết Đoan Ngọ còn được gọi là Tết Đoan dương. Với cư dân nông nghiệp là ngày phát động bắt sâu bọ phái hại mùa màng, nên gọi là Tết giết sâu bọ.
Tết Đoan Ngọ của người Việt gắn với nhiều tục lệ nay đang dần mai một. Tục hái lá thuốc, tục khảo cây, tục tắm hoặc xông bằng các thứ lá thơm như lá mùi, lá xả, lá hương nhu…tục nhuộm móng chân, móng tay, đeo bùa ngũ sắc cho trẻ nhỏ.
Ngày Tết Đoan Ngọ theo lệ cũ mâm cúng với đầy đủ lễ vật, trong đó không thể thiếu: rượu nếp, bánh ú, bánh tro, chè xôi các loại và hoa quả theo mùa. Nhưng ngày nay đã giản tiện đi nhiều.
Theo tín ngưỡng Việt thì ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch còn là ngày hóa của Quan Âm Bồ Tát, Chúa Mẫu Thoải và Quốc Mẫu Âu Cơ. Trong dân gian vẫn lưu truyền câu ca dao:
Tháng Năm ngày tết Đoan Dương
Là ngày giỗ Mẹ Việt Thường Văn Lang.
Theo Ngọc Phả ở nhà thờ Bách Việt triệu tổ, Quốc Mẫu Âu Cơ là con gái Đế Lai, tên gọi là Mỹ đã kết duyên với Quốc tổ Lạc Long Quân.
Bà ở Động Lăng Xương. Bà xin Hương Vân Cái Bồ Tát ở tại Thanh Nguyên, huyện Sơn Du, Trường Sa châu, lại xin Mẫu Thượng ngàn (mẹ chồng) trồng dâu ở vùng Tiên Châu tại huyện Bất Bạt, Sơn Tây cũ. Khi mất Quốc Mẫu được an táng tại Đồng Láng, trại Bác Lãm.
Thời Lê- Trịnh, Chúa Trịnh Minh Khang Thái vương tặng Ngài tên đẹp là “Căn Kỷ Công Chúa”; mỹ tự “Thục đức đoan trang công chúa.” Lê Từ đặt tên là Ích Khánh Long, tôn Bồ Tát.
Dưới thời vua Khải Định cải táng đặt trong chùa Tường Quang, Thượng Mạo. Mộ của Ngài hiện nay vẫn còn, gọi là mộ bà Căn Kỷ.
Làng Trinh Lương gọi Bà là Năn Nỷ, có nơi gọi là Bà Chúa Lính. Sinh thời, Bà chăm sóc cho gia đình binh lính. Đến thời Nguyễn vẫn còn có ruộng lính hay ruộng của bà Chúa Lính.
Bà mất ngày 5 tháng 5. Mỗi làng làng thuộc Tổng Xốm (Văn Nội, Nhân Trạch, Trinh Lương, Thượng Mao, Động Lãm, Bắc Lãm, Quang Lãm…thuộc phường Phú Lương và Phú Lãm ngày nay) cúng một ngày cho đến 20 tháng 5. Quốc lễ gọi là Đoan dương tiết.
Một bản thần tích khác ở Phú Thọ liên quan đến Tết Đoan ngọ và Mẫu Âu Cơ như sau:
“Thần tích về dòng Lạc Long Quân ở vùng Động Đình tại làng Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ.
Thông tin rõ ràng về ngày Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 là ngày sinh trăm trai, cũng là trăm vương trấn giữ các đầu núi góc biển, lập hầu phong đất thành bách tính, chia bách thần gồm hai bộ Sơn Thủy.
Thơ rằng:
Họ Hùng cơ nghiệp dựng trời Nam
Khắp chốn là dòng dõi thánh thần
Trăm trai ngàn cháu trong thiên hạ
Trăm trứng một bầu hiếm thế gian
Hai ngàn năm lẻ núi sông đó
Mười tám đời truyền với tháng năm
Xưa nay danh vọng Nam cùng Bắc
Họ Hùng chính đế tổ trời Nam”.
Có tích kể lại rằng bánh trôi, bánh chay đã có từ thời Hùng Vương và tục làm hai món bánh này để nhắc nhớ về sự tích “bọc trăm trứng” của Âu Cơ – Lạc Long Quân. Trăm viên bánh nhỏ như hình ảnh tượng trưng cho trăm trứng của Đức Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho năm mươi trứng nở ra thành năm mươi người con lên rừng theo mẹ. Bánh chay tượng trưng cho năm mươi trứng nở ra thành năm mươi người con theo cha xuống biển.
Hôm mồng 8 tháng 4 vừa rồi ở khu di tích Quốc gia Đình (Đền) Nội Bình Đà, nơi thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân, tôi được nghe về nghi thức làm bánh vía. Số lượng bánh phải đủ 100 cái, tượng trưng 100 người con trai, được thả xuống giếng ngọc để dâng lên Quốc tổ và Quốc mẫu. Công thức làm bánh được giữ bí mật, chỉ biết trong đó có đủ 100 vị thuốc.
Đỗ Quang Hòa