Với gốc nông nghiệp trồng lúa nước, từ hơn 5000 năm trước, tổ tiên của tổ tiên ta đã xây dựng nên một nền tảng văn hóa đầy tính nhân văn, giàu cảm xúc, đậm chất văn hiến và đẹp muôn màu. Rồi tổ tiên ta thừa hưởng, phát triển, giao lưu và làm thành bản sắc văn hóa Việt Nam.
Từ cái nhà định cư đến đám ruộng định canh, qua cái gò mả tôn nghiêm trong cái làng gắn kết, người Việt ta đã làm cái BÀN THỜ trang trọng nhất, tôn kính nhất và BẤT KHẢ XÂM PHẠM. Trên cái bàn thờ ấy, TỔ TIÊN được trọng vọng và cả một lâu đài với tầng tầng, lớp lớp đời đời tổ tiên ngự trị và không bao giờ rời xa một bước. Đó là cha mẹ, ông bà, cố kị, …. đến Hùng Vương, đến Cha Tổ Lạc Long Quân và Mẹ Tổ Hồng Bàng Âu Cơ, đến xa xôi bất tận …
Phải sống chết bảo vệ cái NHÀ để giữ cái BÀN THỜ. Mất NƯỚC là mất LÀNG, mất LÀNG là mất NHÀ, mất NHÀ là mất BÀN THỜ nên quân nào đụng đến NƯỚC là tất cả xả thân bảo vệ. Một công thức yêu nước kì diệu Made in Vietnam!
Vì vậy, đời sống tâm linh của cha ông ta vô cùng phong phú, cao đẹp và độc đáo. Nhu cầu tâm linh bao giờ cũng cấp thiết và thường trực. Chúng ta kính trời, kính đất, thờ sông, thờ núi, vọng cây, vọng con và ngưỡng vọng, kính thờ con người: tổ tiên, anh hùng dân tộc.
Trên nền tâm linh ấy, trên bản chất văn hóa mềm dẽo, dung hòa, từ cuối thời Dựng nước (Hùng Vương), Đạo Bụt đã đến nước ta. Vậy là, hơn 2000 năm trước, ánh đạo từ bi, ánh sáng trí tuệ của Đức Bụt Thích Ca Mâu Ni đã được gieo trên ruộng phước – phước điền Việt Nam. Và đã nhanh chóng bén rễ, phát triển bởi sự bắt gặp, gần gũi, gần như y chang nhau: văn hóa ta vốn hiền lành, dung dị, chan hòa, vị tha, trọng nhân, quý vật, sống nay nghĩ mai chết về đâu, tích thiện, trách dữ, ….
Đạo Bụt truyền thống rất lành: mái chùa nhỏ bé, khiêm nhường, không đòi che cái đình làng trang trọng giữa làng; ruộng chùa yên áng với bóng dáng các chân sư; đường làng thanh tịnh, trang nghiêm bởi bóng sư nhẹ nhàng đi đi lại lại gieo điều thiện nghiệp. Nhà sư truyền thống rất thiện: không sân si, không tranh giành, không ham vui, không giành nói, không xàm xí, chỉ hành trì và mĩm cười mà giáo hóa thế gian.
Và mái chùa cùng nhà sư ấy không trốn đời, không yếm thế mà sẵn sàng nhập thế, độ đời: nhà chùa cùng dân chống lũ, chống bão; nhà chùa san sẻ cho người cơ nhỡ, tha nhân; nhà chùa phút chốc biến thành đồn lũy chống giặc dữ; nhà sư xếp áo tu mặc chiến bào, bỏ chuông mõ, cầm gươm đao đánh giặc giữ nước; những nhà sư hiền sĩ am tường tam giáo cùng vua luận bàn thế sự, trị quốc, an dân để có thái bình, thịnh trị.
Đất nước này có những triều đại mà vua là Bụt tử, mà vua là nhà sư. Và các bị vua – sư ấy làm hai việc đạo đời rất hài hòa, dung hợp đến kỳ lạ mà không nước nào có được. Việt Nam không có vị vùa sùng đạo như A Dục, không có vị vua xây kinh đô Phật giáo khổng lồ như Angkor. Việt Nam chỉ có những Phật Hoàng yêu dân, kính Bụt mà thôi!
Hiện tượng xã hội hiện tại không phải là hiệu ứng đám đông, cũng chẳng ai lợi dụng kích động. Tiên trách kỷ, hậu trách nhơn thôi. Kinh tế thị trường làm cho Đạo Bụt thay đổi theo. Trên nền tâm đạo, dân ta sẵn sàng dâng cúng và tiền, đất, tài sản được dùng nhiều cho đạo. Chùa to khủng, tượng bành ky, xa hoa, lộng lẫy, … mới đầu dân cũng ham mà theo. Rồi họ chợt nhận ra, ÔNG BỤT CỦA TÔI ĐÂU, MÁI CHÙA CỦA TÔI ĐÂU? ÔNG SƯ CỦA TÔI ĐÂU?
Chùa to tướng, tượng bự chảng, sư sang đẹp và các kỷ lục Phật giáo làm lóa mắt nhưng cũng làm nhức mắt đồng bào! Than ôi! Những kỷ lục ấy được cái gì hay chỉ làm mất đi “những ngôi chùa truyền thống” trong tâm thức? Những tượng ngọc, tượng vàng được cái gì hay chỉ làm lu mờ những tượng gỗ mít, tượng đất nung ĐẦY PHẬT TÍNH? Và nhà sư … phòng sư ở như thế nào ạ 😇? Xe hơi đời mới 😇 không làm trầm trồ, tay lắc lắc cái rolex không làm ngưỡng mộ đâu ạ! Áo y lụa là láng cón chỉ làm đẹp cho tấm ảnh đăng FB, Zalo, Viber của sư 😇. Tại sao dạo mấy năm nay lại xuất hiện mấy cái tên lạ lùng, quái đản, khinh bỉ: THÍCH CÚNG DƯỜNG, THÍCH CHUYỂN KHOẢN, THÍCH TING TING, THÍCH HIẾN KẾ, THÍCH CAR MONEY, THÍCH CỎ PILI, …? Ai cầm vertu, ip 15, mac book khoe khoang? Tại ai ạ? Tại ta thôi ạ! Ta cứ ngắm ta và tự thấy!
Nên thôi, con nghe Bụt dạy TU LÀ SỬA và TU PHẢI DIỆT THAM, SÂN, SI, tu là hiền, là xả, là ly, là vị tha, là không ganh tị. Ai hơn phải tán thán, học tập. Như Thầy Huyền Diệu đáng kính gọi Sư Minh Tuệ là Thầy và ngưỡng mộ vì những điều công hạnh mà Ngài ấy làm.
Lành thay và kính thay!
Xin hãy giữ nền ĐẠO PHÁP DÂN TỘC TRONG SÁNG, CHÁNH PHÁP THÍCH CA MÂU NI 🙏.
Những hình ảnh ấy … thấy dân chúng từ bi, nhân ái hơn bao giờ hết. Dân chưa bao giờ thương mến công an như bây giờ. Tôn giáo khác nhau chưa bao giờ ngồi lại chiêm nghiệm, nhìn nhau và thương nhau như bây giờ. Năng lượng tích cực yêu thương, từ bi, tích thiện, tự chữa lành chưa bao giờ mạnh mẽ như bây giờ.
Công đức của Sư là vô lượng ạ!
Trân trọng!
(Con là Hoằng Hiển kính ghi).
Lời Hòa thượng Thích Huyền Diệu, Chủ tịch Liên đoàn Phật giáo Thế giới tại Lumbini – Nepal