Mồng 8 tháng 4 âm lịch là ngày đản sinh Phật Việt. Ngài Hương Vân Cái Bồ Tát sinh sống cách nay khoảng 4.900 năm. Thời gian đã quá lâu, nhưng ” Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư”, ” Bách Việt Tộc Phả”, những bộ sách có từ thời Đinh lại chép khá kỹ về bà, đủ thấy bà là một phụ nữ có vị trí rất quan trọng trong lịch sử người Việt cổ. Nhờ tiếp cận những sách này chúng ta mới biết bà là người họ Đỗ, tên huý là Ngoan, còn gọi là công chúa Đoan Trang, hay gọi theo họ là Đỗ Quý Thị (tức Quý bà họ Đỗ). Chính sử gọi bà là Vụ Tiên (tên một vì sao trên trời). Bà sinh ngày mồng tám tháng tư và hoá (mất) ngày rằm tháng bảy. Bà là vợ vua Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết), sinh ta Lộc Tục (sau là Kinh Dương Vương).
Ở địa vị cao như vậy, nhưng cuộc đời bà không ít thăng trầm. Bị chồng ruồng rẫy bà không hề oán hận, mang con nhỏ vào tu ở động Tiên Phi (Hòa Bình). Khi đất nước có giặc ngoại xâm lại động viên con ra trận đánh giặc. Khi con lên ngôi vua tự xưng là Kinh Dương Vương (khoảng năm 2879 TCN), đón mẹ về kinh đô thì không ham phú quí, vẫn toàn tâm, toàn ý tu hành đến trọn đời, nêu tấm gương sáng cho cả nước trong thời dựng nước. Công chúa Đoan Trang và 8 người em trai dời lầu son gác tía về ẩn tu nơi rừng sâu núi thẳm. Sau bao nhiêu khổ hạnh, thử thách trên con đường tu đạo các ngài đã thành chính quả, được đời sau tôn vinh là Hương Vân Cái Bồ Tát và Bát Bộ Kim Cương. Nhiều ngôi chùa Việt Nam, hiện còn lưu lại những bức tượng các ngài, là những tác phẩm điêu khắc rất có giá trị.
Sách “Sa môn Phật giáo của người Việt”- Tác giả TS Lã Duy Lan- Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2023. Đạo Sa Môn của các ngài có từ thời dựng nước “dạy là về sự tu thân tích thiện, tức là nói đến việc mọi người phải sống hòa thuận, biết yêu thương quý trọng lẫn nhau, biết chia ngọt sẻ bùi và nhường cơm sẻ áo khi vui vẻ cũng như lúc khó khăn, phải làm các việc tốt, tránh xa các điều xấu điều ác.
Đạo Sa Môn dạy là ai ai cũng phải biết quý trọng và ghi nhớ công ơn của cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Quý trọng cha mẹ, ông bà là những việc mà con cháu phái thực hiện khi cha mẹ, ông bà còn sống, kể từ lời ăn tiếng nói cho đến việc làm và các cách ứng xử nói chung đều phải tỏ ra đúng mực, nhất là phải chăm sóc chu đáo về ăn uống, sinh hoạt khi cha mẹ, ông bà đã già yếu, bệnh tật. Còn ghi nhớ công ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên (khi ông bà cha mẹ đã qua đời để về với tổ tiên), với người Việt thì đã trở thành thông lệ, tức là đã trở thành phong tục tập quán được thể hiện ở các việc như: trông nom phần mộ, lập bàn thờ, nhà thờ, tổ chức cúng giỗ tại gia (đối với cha mẹ, ông bà) và nhà thờ họ (đối với tổ tiên). Đối với các tổ tiên chung thì đó là việc đóng góp xây dựng đình, chùa, đền, miếu… tham gia các sinh hoạt của làng xã khi có liên quan đến việc thờ cúng thần thành hoàng hoặc tuần tiết thì lên chùa dâng hương lễ Phật”.
Đạo Phật từ Ấn Độ truyền vào nước ta sau này chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đạo Sa Môn bản địa. Các bậc vua hiền thánh chúa của nước Việt có xuất thân giáo dục nơi cửa thiền như vua Lý Thái Tổ, vua Trần Thánh Tông đều là những minh quân.
Thượng hoàng Trần Nhân tông tu hành theo khổ hạnh và lập ra Thiền phái Trúc Lâm, lấy hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Ba vị tổ của thiền Phái Trúc lâm – Vị Tổ thứ nhất: Thượng hoàng Trần Nhân Tông, Pháp danh: Điều Ngự Giác Hoàng là Thầy của Vị Tổ thứ 2 Pháp Loa và Pháp Loa là Thầy của vị tổ thứ 3: Thiền sư Huyền Quang.
Có thể thấy các vị Phật Việt từ xa xưa đều tu hành theo phép tu khổ hạnh mà thành chính quả.
Đón mừng đản sinh đức Hương Vân Cái Bồ Tát năm nay cả nước chấn động về hiện tượng thầy Thích Minh Tuệ. Phép tu theo hạnh Đầu đà của thầy Minh Tuệ nhắc chúng ta nhớ về hành trì của các vị Phật Việt trong lịch sử. Cùng với đó phép tu tại gia của nhiều gia đình Việt Nam. Ở đó ban thờ Phật cùng với ban thờ gia tiên từ lâu đã trở thành một tín ngưỡng thuần Việt.
Bài Hòa Đỗ
Bài Hòa Đỗ