TÓM TẮT LỊCH SỬ HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM

TÓM TẮT LỊCH SỬ HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM

Họ Đỗ- một cộng đồng người Việt cổ đã sống trên quê hương đất tổ này từ xa xưa, rất lâu đời. Các di tích, thư tịch cũ còn lưu giữ không ít nơi đã khẳng định rõ họ Đỗ đã tồn tại gắn liền với nơi phát tích, sinh tụ của người Việt cổ trên vùng đất này ít nhất cách đây khoảng 5.000-6.000 năm, trước thuở lập nước đầu tiên mang quốc hiệu Văn Lang, trước cả thời xác lập vua Hùng đời thứ nhất.

Theo “ Cổ Lôi Ngọc Phả Truyền Thư”, “ Bách Việt Tộc Phả”, Sách họ Đỗ Việt Nam tập I, in năm 2001 và nhiều tài liệu sưu tầm khảo cứu những năm gần đây, thì những người họ Đỗ xa  xưa nhất tới nay được biết đến là cụ bà họ Đỗ, tên huý là Ngoan, còn gọi là công chúa Đoan Trang, hay gọi theo họ là Đỗ Quý Thị (tức Quý bà họ Đỗ). Cụ sinh ngày mồng tám tháng tư và hoá (mất) ngày rằm tháng bảy, lấy chồng người họ Nguyễn tên là Nguyễn Minh Khiết tức là Đế Minh. Hai cụ sinh ta Lộc Tục (sau là Kinh Dương Vương). Là tối cao ngoại tổ của dòng họ Nguyễn Vân ở Vân Nội, nên Cụ được thờ cùng liệt vị tiên tổ họ Nguyễn Vân tại nhà thờ ở thôn Vân Nội. Hiện ở đây còn lưu giữ được bài “Thỉnh tổ tổng khoa- Cúng gia tiên”. Trong phần mở đầu ghi rõ câu “Nam mô Hương Vân Cái Bồ Tát Ma Ha Tát”. Mộ và miếu thờ Cụ ghi trong thư tịch cũ nay vẫn còn ở Ba La, thị xã Hà Đông.

Tục truyền Đỗ Quý Thị là con gái cụ Long Đỗ Hải Vương trấn trị ở cửa sông Tô Lịch, vùng Nghi Tàm, Hà Nội. Cụ Long Đỗ là một trong tam vị thành hoàng Thăng Long- Hà Nội (còn được gọi là Thần Bạch Mã), được thờ ở đình Tân Khai (Thái Cam) phố Hàng Vải, đền Bạch Mã, phố Hàng Buồm và nhiều nơi khác ở Hà Nội).

Đỗ Quý Thị có 8 người em trai có tên là: Đỗ Xương, Đỗ Tiêu, Đỗ Kỷ, Đỗ Cương, Đỗ Chương, Đỗ Dũng, Đỗ Bích, Đỗ Trọng.

Do có sự bất hoà với chồng ( Đế Minh), Cụ đã đem con trai là Lộc Tục (khi còn ít tuổi) vào tu động Tiên Phi (thường gọi là Động Tiên) ở huyện Lạc Thuỷ thuộc tỉnh Hoà Bình ngày nay. Cụ khởi xướng và trở thành giáo chủ đạo Sa môn với đạo hiệu là Hương Vân Cái Bồ Tát. Đạo Sa Môn bản địa với hai giáo lý cơ bản là tu thân tích đức và ghi nhớ công ơn Tổ tiên xuất hiện từ thời dựng nước, có ảnh hưởng tạo dựng nếp sống, nếp nghĩ, phong tục, tập quán…của người Việt

Đỗ Quý Thị  cùng với 8 vị em trai đều là người tài giỏi, hết lòng nuôi dạy Lộc Tục trưởng thành, cho đến khi Lộc Tục được cha là Đế Minh giao quyền thay cha trị vì đất nước, lấy hiệu là Kinh Dương Vương (được tôn là Ngọc Hoàng Thượng Đế), đặt tên nước là Xích Quỷ (Xích nghĩa là đỏ, Quỷ là chữ ghép từ ba chữ Vương-Tam Vương.

Tám vị mà Lộc Tục gọi là cậu sau đều trở thành các vị “Kim Cương”, thường được gọi là Bát Bộ Kim Cương và mang Phật hiệu, gồm:

  1. Đỗ Xương, hiệu Thanh Trừ Tai Kim Cương;
  2. Đỗ Tiêu, hiệu là Tịch Độc Thận Kim Cương;
  3. Đỗ Kỷ, hiệu là Hoàn Tuỳ Cầu Kim Cương;
  4. Đỗ Cương, hiệu là Bạch Tịnh Thuỷ Kim Cương;
  5. Đỗ Chương, hiệu là Xích Thanh Hoả Kim Cương;
  6. Đỗ Dũng, hiệu là Định Trừ Tai Kim Cương;
  7. Đỗ Bích, hiệu là Tử Hiền Thần Kim Cương;
  8. Đỗ Trọng, hiệu là Đại Thần Lục Kim Cương.

Mộ của 8 vị này ở gò Thiềm Thừ (con cóc tía) ở vùng Ba La, cách mộ cụ bà Đỗ Quý thị mấy trăm mét đường chim bay. Trước đây gò này còn hai bia đá, trụ vuông, trên đỉnh trụ bia có con cóc ôm quả địa cầu, tượng trưng là “Cậu Ông Trời” (Ngọc Hoàng Thượng Đế). Bốn mặt bia đề bốn câu chữ Hán:

     Phiên âm chữ Hán:

–                     Phương phần bảo mật

–                     Vạn cổ nghiễm nhiên

–                     Chi hạng lưư hương

–                     Thiên thu thường tai.

 

Lời dịch của La Sơn Phù Tử Nguyễn Thiếp năm 1789:

–                     Lối cũ dấu thơm

–                     Nghìn xưa vẫn đó

–                     Cây to báu vật

–                     Muôn thở còn đây.

Do biến động của lịch sử hai bia này đã bị di chuyển và nay vẫn còn nằm trên bờ sông Nhuệ thuộc làng Cự Khuê.

*

Tiếp theo dòng lịch sử đất nước, qua các thế hệ thời Hùng về sau cũng còn để lại di tích về những nhân vật lịch sử họ Đỗ tiêu biểu như:

Thời Hùng Vương thứ Sáu có Đỗ Phụng Chân ở trang Khê Kiều, huyện Thư Trì, tỉnh Thái Bình ngày nay, đã có công đánh giặc Ân, được dân làng tôn làm Thành Hoàng.

Thời Hùng Nghị Vương (Hùng Vương thứ 17) ở trang Nhân Lý, nay là làng Tiểu Quan (Châu Giang, Hưng Yên) có một gia đình họ Đỗ (Đỗ Quang) gồm 3 người con đã có công giúp nước, trong đó có một con gái.

Thời Hùng Vương thứ 18: Số nhân vật lịch sử họ Đỗ xuất hiện không còn là cá biệt, như ở trang Cổ Tiết (Thái Bình) có gia đình Đỗ Công Điềm và ba con trai Đỗ Quân Tấu , Đỗ Lục Lang, Điền Khánh và con gái là Liên Nương đã có công chống giặc, giúp dân, được suy tôn làm Thành Hoàng làng, hiện nay vẫn được thờ phụng.

Từ đầu Công nguyên, nhất là từ thời Hai Bà Trưng, càng về sau danh sách các nhân vật họ Đỗ được ghi tên trong sử sách ngày càng nhiều.

Đỗ Năng Tế  là một dũng tướng văn võ toàn tài, đồng thời là thầy dạy của Hai Bà Trưng, phù giúp Hai Bà khởi nghĩa đánh đuổi Thái thú Tô Định, giành lại giang sơn. Khi ông mất (ngày 17 tháng 7 âm) được dân lập miếu thờ và suy tôn làm Thành hoàng Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.

Đỗ Tuệ Độ (374423), nguyên quán Bắc quốc, nhưng sinh quán ở Việt Nam. Ông làm Thứ sử Giao Châu ,có công dẹp giặc, mang lại thái bình cho dân. Đại Việt sử lược đời nhà Trần chép: “Tuệ Độ thi hành chính sự, dân chúng nể sợ những vẫn mang lòng yêu mến. Cửa thành ban đêm vẫn mở, trên đường không ai nhặt của rơi”.

Đỗ Cảnh Thạc (912 – 967) là một trong 12 vị sứ quân sống và hoạt động vào thế kỷ X. Ông được Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan tán tụng là: “Tướng công phò suốt ba đời nhà Ngô, trải bao biến cố vẫn giữ một lòng trung hiếu, không màng danh lợi. Các triều đại đều có sắc phong cho Ngài là Thượng Đẳng thần vương và lập đền thờ ở nhiều nơi.

Pháp Thuận (914-990) tên thật là Đỗ Pháp Thuận. Ông là thiền sư học rộng, thơ hay, hiểu rõ việc nước, có tài giúp vua Lê Đại Hành. Bài thơ “Quốc tộ” của ông là tác phẩm mở đầu cho dòng văn học Viết Việt Nam, có một vị thế quan trọng trong lịch sử văn học, tư tưởng chính trị và Phật giáo Việt Nam.

Đỗ Hành là một danh tướng đời nhà Trần với chiến công lớn nhất là bắt sống tướng nhà Nguyên Ô Mã Nhi. Ông người hương Cổ Hoằng, lộ Thanh Hoa nay là thôn Nhân Mỹ, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tại Hà Nội có một đường phố mang tên Đỗ Hành.

Trần Khắc Chung (1247-1330) tên thật là Đỗ Khắc Chung, người Kinh Môn, Hải Dương. Nhờ công lớn trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông, ông được vua ban quốc tính nên đổi là Trần Khắc Chung. Ông còn được phong chức Đại Hành Khiển và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Dân làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc thờ ông làm thành hoàng làng.

Đỗ Bí (?-1460) là người Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu gian khổ nhất, là một vị tướng chỉ huy xuất sắc của nghĩa quân Lam Sơn. Khi triều đình nhà Lê luận công ban thưởng, Đỗ Bí được nhà vua ban quốc tính và là khai quốc công thần nhà Lê.

Đỗ Quang (1807-1866), người phủ Ninh Giang (nay là Thị Trấn Gia Lộc, huyện Gia Lộc, Tỉnh Hải Dương). Ông thi đỗ tiến sĩ khoa nhâm thìn 1832, là vị quan thanh niêm nổi tiếng trong lịch sử triều Nguyễn. Hiện nay 04 tỉnh thành có đường phố mang tên Đỗ Quang. Đình làng Phương Điếm thờ ông là Thành hoàng cùng với lăng mộ ông được xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Đỗ Thúc Tịnh (1818 – 1862), là người huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ông thi đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thân 1848, sinh thời  là một vị quan có tiếng cần- cán- công- liêm. Khi mất Vua Tự Đức truy phong: “VĂN VÕ TOÀN TÀI ĐẠI TƯỚNG CÔNG”. Ở  thành phố Đà Nẵng hiện có con đường mang tên Đỗ Thúc Tịnh.

Bạch Thái Bưởi (1874-1932)  tên thật là Đỗ Thái Bửu, người Yên Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Ông được xem là bậc tiền nhân của doanh nhân Việt ngày nay, một tấm gương sáng về bản lĩnh và lòng tự hào dân tộc trong kinh doanh. Tại Hà Nội và Nha Trang có đường phố mang tên ông.

***

Hiện nay, họ Đỗ Việt Nam đã phát triển thành một công đồng rộng lớn,  định cư ở hầu hết các vùng, các địa phương trong nước, từ miền cực Bắc đến tận Cà Mau. Theo Hai tập sách họ Đỗ Việt Nam (tập I và tập II) đã sưu tập, giới thiệu tóm tắt lịch sử được khoảng 320 chi, nhánh họ Đỗ ở các làng xã (trong đó có 124 chi họ Đỗ ở vùng Nghệ – Tĩnh, Nam Thanh Hoá, gọi là Đậu ), thực tế con số này chỉ là một phần nhỏ trong tổng số các chi nhánh họ Đỗ ở khắp mọi miền tổ quốc.

Cũng theo hai cuốn sách “Họ Đỗ Việt Nam” mặc dù chưa sưu tập hết nhưng đã đạt được một con số thật đáng quí. Những người họ Đỗ có công với dân, với nước được nhân dân, trong đó có họ hàng làng nước kính trọng, đều được coi là nhân vật đáng tôn vinh. Cụ thể là:

–  Có 219 nhân vật lịch sử , xưa và nay, trong đó có 50 vị được tặng giải thưởng danh hiệu vinh dự đặc biệt của Nhà nước, danh hiệu “Nhân dân”…

–  Có 132 vị Đai khoa cũ:  5 vị bậc Tam Khôi, Trạng Nguyên, Bãng nhãn, Thám hoa. Tiến sĩ  Đệ Nhị Giáp có 18 vị, Tiến sĩ Đệ Tam Giáp có 62 vị.  Tám vị đạt Phó Bảng.  Họ Đỗ xếp hàng thứ 6 trong số các họ cả nước có người đỗ Đại khoa thời cũ.

–  Có 167 vị đỗ Trung khoa thời cũ (Hương cống , Cử nhân ).

–  Có 486 vị  là Tiến sĩ thời nay (tính từ 1945 đến 2003). Trong đó có 157 vị được Nhà nước ta phong chức danh khoa học bậc cao (Viện sý, Giáo sư, Phó Giáo sư ). Chưa có số liệu về các chức danh này của người họ Đỗ định cư ở nước ngoài.

–  Có 215 vị được Nhà nước ta tặng danh hiệu “Ưu tú” gồm 32 nghệ sĩ ưu tú, 109 nhà giáo ưu tú và 64 thầy thuốc ưu tú.

–   Quan Võ xưa và nay có tới 133 vị, trong đó có 15 vị cấp Tướng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sứ Thần cũ có  26 vị.

–  Đại biểu Quốc Hội, thành viên các Uỷ ban Quốc Hội và Chính Phủ từ khoá I cho đến nay (2003) có 97 vị.

–  Có  62 vị được phong là Phúc Thần và Thành hoàng làng.

*

Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song qua nghiên cứu bước đầu cho thấy họ Đỗ (Đậu) Việt Nam là một công đồng có số dân không nhỏ có thể xếp vào hàng 10 họ có dân số đông ở nước ta. Dòng họ đã khẳng định được nguồn gốc lịch sử của mình, có khu mộ Tổ ở Ba La Hà Đông được nhà nước công nhận là di tích lịch sử và đang tiến tới xây dựng nhà thờ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

Cộng đồng họ Đỗ (Đậu) đã, đang và sẽ cùng các dòng họ khác đoàn kết góp phần vun đắp nên truyền thống Văn hoá Việt Nam, xây dựng và bảo vệ non sông gấm vóc  trên phạm vi cả nước hay ở từng làng, xã những nơi có các chi, nhánh họ Đỗ (Đậu)  tồn tại và phát triển.

Đỗ Quang Hòa biên soạn