LỄ ĐÓN NHẬN BẰNG CÔNG NHẬN DI TÍCH LỊCH SỬ NHÀ THỜ HỌ ĐẬU TRUNG TÔN CHI CẨM NANG, XÃ THANH MAI, HUYỆN THANH CHƯƠNG, TỈNH NGHỆ AN.

Ngày 4/9/2012 ( tức nhằm ngày 19 tháng 7 năm Nhâm Thìn ), UBND xã Thanh Mai đã long trọng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử nhà thờ họ Đậu trung tôn, chi Cẩm Nang, xã thanh Mai, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Mấy ngày qua vùng Nghệ Tĩnh trời mưa tầm tã, theo dự báo thời tiết của đài truyền hình thì ngày 04/9/2012 vẫn tiếp tục mưa cho đến khoảng vài ba ngày tiếp theo. Ban tổ chức buổi lễ do UBND xã Thanh Mai chủ trì và anh em con cháu họ Đậu đang phải chuẩn bị dự phòng tổ chức buổi lễ trong điều kiện thời tiết mưa gió.
Khoảng hơn 7 giờ sáng ngày 4/9 đoàn chúng tôi gồm Ban thường trực Hội đồng gia tộc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh, Hội đồng họ Đậu tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng họ Đậu thị Xã Cữa Lò, Hội đồng chi họ Đậu Doãn phường Trung Đô thành phố Vinh chuẩn bị trên đường về Thanh Mai thì nhận điện của ông Đậu Bình nhiếp ảnh gia, thuộc Hội đồng họ Đậu huyện Hương Sơn gọi điện hỏi : ” trời đang mưa thế này liệu có tổ chức được lễ đón nhận Bằng được không ? “. Ông Đậu Công Tuệ trả lời ” Buổi lễ vẫn tiến hành như đã định, rất mong anh em họ Đậu ở Hương Sơn và đặc biệt là ông cùng về giúp đỡ cho buổi lễ thành công tốt đẹp”.
Sáng hôm nay thật là trời cũng hiểu thấu lòng người, như có tổ tiên phù hộ, ban cho buổi sáng bầu trời mây bay lãng đãng, khí hậu mát mẻ để buổi lễ tiến hành lúc 9 giờ theo đúng chương trình. Tại sân UBND xã các nam nữ thanh niên, các em học sinh, các cụ phụ lão, các anh chị trung niên xã Thanh Mai, cùng con cháu họ Đậu ở khu vực Nghệ Tĩnh ai ai cũng vui vẻ, quần áo tề chỉnh, nghiêm trang xếp hàng trong lễ khai mạc. Mọi người lắng nghe như nuốt lấy từng lời bài diễn văn của UBND xã đọc tại buổi lễ đón nhận Bằng.
Diễn văn nêu rõ: Nhà thờ họ Đậu chi Cẩm Nang thờ cụ thủy tổ Đậu Hoàng Văn và vợ là cụ Lê thị người ở huyện Hương Sơn. Năm Giáp Tuất, niên hiệu Đức Long thứ 6 ( 1634 ) hai cụ cùng các vị họ Trần, họ Nguyễn, họ Phạm đã có công khai cơ kiến ấp lập nên thôn Thị Bàng ( thôn Bích Thị – hay thôn Phuống, xã Thanh Mai).
Đến đời thứ sáu, năm niên hiệu Dương Đức, đời Lê Gia Tông ( 1672 ), cụ Đậu Bá Công Đạo ( Đỗ Bá Công Đạo ) tham gia thi hội đỗ hai trường thi, được triều đình gia ân làm giám sinh, rồi sau đó bổ làm tri huyện Thạch Hà. Cụ Đỗ Bá Công Đạo là người thông minh, lại được xuất thân từ lao động, là người từng chứng kiến bao cuộc xâm lấn, giết chóc của giặc Chiêm Thành trên quê hương. Khi được bổ làm quan cụ rất thấu đáo, quan tâm đến cuộc sống của nhân dân. Do vậy mọi việc liên quan đến việc quan, việc công, cụ đều xuất phát vì ý nguyện lòng dân, hết mực lo toan cho dân, giúp dân vượt qua thống khó. Tài năng và đức độ của cụ Đỗ Bá Công Đạo được triều đình ghi nhận và phong tước “Đoan Triều Nam”.
Vào khoảng năm Chính Hòa ( 1680 – 1705 ) cụ từ quan với ý chí nung nấu quyết tâm sang nước Chiêm Thành xem xét hình thế núi sông, đường biển xa gần. Cụ giả dạng người buôn thông qua cuộc hành trình để khảo sát và vẽ bản đồ từ miền Thuận Quảng trở vào. Khi công việc vẽ bản đồ hoàn thành cụ về ra mắt chúa Trịnh, dâng trình hiến kế “Nam chinh” để trừ họa cho đất nước. Chúa Trịnh xem xong cả mừng và giao tiếp cho cụ vẽ “Tứ chí lộ đồ – Toàn tập bản đồ tứ chí “. Trong bản đồ này, đặc biệt cụ đã vẽ bản đồ về Bãi Cát Vàng ( tức Hoàng Sa, Trường Sa ) chính do cụ khảo sát chi tiết. Bản đồ đã chính thức thể hiện trong cương vực, bờ cõi, đơn vị hành chính, biểu tượng truyền thống xây dựng, bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta.
Đó là tấm bản đồ được vẽ lên bằng máu của bao thế hệ tổ tiên, ông cha trong quá trình kiến tạo, mở mang và gìn giữ đất nước.
Vào đời thứ 7 có cụ Đậu Công Di là người có sức khỏe, lanh lợi và tài trí hơn người, tự tu tập được võ nghệ rất cao cường, cụ đã tham gia đội ưu binh của Nguyễn Bằng nổi dậy bao vây phủ chúa, phế bỏ Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ bị trăm họ oán giận, lập Trịnh Khải lên làm chúa. Ngày 26/02 năm Cảnh Hưng thứ 44 ( 1784 ) cụ Đậu công Di được triều đình xét phong chức” Bá Hộ, Phó Thiên Hộ, tráng tiết tướng quân” ( Hiện nay dòng họ Đậu còn giữ được Sắc phong ).
Vào đời thứ 8 có Cụ Đậu Công Bàn là người giỏi địa lý phong thủy đã trình hiến kế sách lên quan lại địa phương việc cần khai thủy vùng đất Bàu Mơ rộng lớn để lấy đất cho dân làm ruộng; cụ dâng kế sách đắp Đập Trẽ lấy nước tự chảy để tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với kế sách cụ Đậu Công Bàn đã dâng, cụ cùng dân địa phương đã khai khẩn được hàng trăm mẫu ruộng mỗi năm cho hai vụ lúa màu xanh tốt, góp phần đưa cuộc sống cho nhân dân được ấm no. Với công lao dâng hiến kế sách và công sức của cụ Đậu Công Bàn rất được nhân dân trong vùng kính trọng, tin yêu.
Hôm nay với tấm lòng ” uống nước nhớ nguồn, tri ân tiên tổ ” mỗi chúng ta hãy ra sức học tập, làm theo tấm gương các bậc tiên liệt, quyết tâm giữ gìn, bảo vệ quê hương đất nước mà tổ tiên đã tốn bao xương máu gây dựng nên. Quyết tâm phấn đấu làm giàu cho que hương đất nước.
Tiếp sau bài diễn văn, vị Đại diện UBND huyện Thanh Chương trịnh trọng đọc Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An V/v Công nhận di tích lịch sử nhà thờ họ Đậu chi Cẩm Nang, xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương.
Sau những ý đẹp lời hay phát biểu cảm tưởng của các vị đại diện các tổ chức đoàn thể, dòng họ. Vị Đại diện Ban quản lý di tích tỉnh Nghệ An theo ủy quyền của UBND tỉnh trịnh trọng trao Bằng cho Đại diện UBND, UBMTTQ xã Thanh Mai và đại diện Hội đồng chi họ Đậu Cẩm Nang.
Bằng di tích được đặt trang trọng trên kiệu sơn son thếp vàng do các nam nữ thanh niên xã Thanh Mai và con cháu họ Đậu khiêng rước về nhà thờ họ Đậu chi Cẩm Nang. Đoàn rước han hoan trong sắc đỏ phấp phới màu cờ tổ quốc, cờ lễ hội truyền thống, trong tiếng trống, chiêng rộn ràng vang cả một vùng quê.
Chúng tôi ai ai trong lòng cũng rất vui và hạnh phúc khi đọc câu khẩu hiệu trang trọng nơi trước nhà thờ” Uống nước nhớ nguồn “, mọi người ai cũng biết dù qua bao cuộc thăng trầm nhưng hậu thế không bao giờ quên công lao, đức độ của các bậc tiền nhân.
( Tin và ảnh Đậu Công – Đậu Bình )