(HNMCT) – “Con người có tổ có tông/ Như cây có cội, như sông có nguồn”. Câu ca dao quen thuộc được nêu trong “Tộc ước họ Đỗ (Đậu) Việt Nam” do Hội đồng dòng họ Đỗ (Đậu) biên soạn trên cơ sở kế thừa truyền thống của dòng tộc xưa. Bản Tộc ước nhằm nhắc nhở, giáo huấn nền nếp kỷ cương cho con cháu tiếp tục gìn giữ nét đẹp thuần phong mỹ tục, văn hóa dòng họ, đề cao đạo lý làm người, khẳng định sức mạnh đồng tâm vì sự phát triển chung.
Kết nối họ hàng, xây “làng” hạnh phúc!
Dòng họ Đỗ (Đậu) là một trong các dòng họ lớn nhất của Việt Nam có lịch sử hình thành từ lâu đời, hiện đang phát triển ngày càng mạnh với hàng trăm chi, nhánh ở các làng, xã trong cả nước. Hội đồng dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam được thành lập từ năm 1997 với sự khởi xướng của cố Giáo sư Đỗ Tòng và 15 thành viên trong Ban liên lạc. Trải qua 24 năm hoạt động và phát triển, hiện đã có hơn 2/3 trong số các tỉnh, thành phố trên cả nước thành lập Ban liên lạc dòng họ Đỗ (Đậu) với hàng chục ngàn người tham gia các hoạt động kết nối với dòng họ.
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng yên tĩnh có cây bưởi trĩu quả chín vàng trước hiên nhà tại khu Linh Đàm (Hà Nội), Chủ tịch Hội đồng dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam Đỗ Văn Kiện trân trọng giới thiệu từng kỷ vật, từ những bức ảnh thờ cho đến cuốn Ngọc phả, những tập sách “Họ Đỗ Việt Nam” dày dặn được soạn thảo, in rất công phu…
Ông Đỗ Văn Kiện tự hào chia sẻ: “Trên cơ sở kế thừa truyền thống Tộc ước xưa, dòng họ Đỗ (Đậu) hiện đã biên soạn Tộc ước mới nhằm tiếp tục gìn giữ nét đẹp truyền thống, thuần phong mỹ tục, văn hóa dòng họ, nêu rõ 4 nội dung lớn trong tôn chỉ, mục đích, hoạt động của dòng họ. Một là, xây dựng mối liên hệ tốt đẹp giữa các chi, tộc họ Đỗ, cùng nhau khai thác và phát huy truyền thống nhân văn tốt đẹp của dòng họ và của các dòng họ khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hai là, giúp nhau tìm về cội nguồn, biên soạn gia phả, lập phả hệ, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh thuộc dòng họ. Ba là, trao đổi, cung cấp thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử có liên quan đến các chi, tộc thuộc dòng họ. Bốn là, hướng hoạt động văn hóa dòng họ vào sự nghiệp giáo dục con người, sống có tri thức văn hóa, đạo đức hiếu nghĩa, lòng tự tôn, tính tự lập, giàu tình thương yêu, đoàn kết, biết tôn trọng và chấp hành pháp luật. Góp phần cùng các dòng họ khác xây dựng đất nước Việt Nam hiện đại, dân chủ, công bằng, văn minh và giàu mạnh”.
Phát huy truyền thống văn hóa, nét đẹp dòng họ, Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam luôn đề cao chủ trương “Kết nối họ hàng, xây làng hạnh phúc”. Giải thích về thông điệp này, Chủ tịch Hội đồng dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam Đỗ Văn Kiện phân tích: “Đảng, Nhà nước luôn đề cao việc phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Dòng họ Đỗ luôn mong muốn góp sức mình vào công cuộc ý nghĩa ấy thông qua hoạt động kết nối yêu thương giữa những người cùng dòng họ, truyền thông mạnh mẽ, tăng cường giáo dục cho thế hệ trẻ hướng về cội nguồn, thực hiện nền nếp gia phong, nói không với tệ nạn xã hội, cùng nỗ lực học tập và phát triển”.
Phát huy giá trị văn hóa dòng họ
Một trong các mục tiêu được xác định rõ ràng trong Chiến lược phát triển văn hóa đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 12-11-2021 là “Phát huy mọi nguồn lực phát triển để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam trở thành trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển”.
Thực tế cho thấy, để nâng cao nhân cách con người Việt Nam, vai trò của văn hóa dòng họ có ý nghĩa quan trọng, do văn hóa dòng họ được xây dựng dựa trên cơ sở những hành vi văn hóa vừa kế thừa có chọn lọc các giá trị cổ truyền, vừa quy nạp thêm các giá trị mới mang tính nhân bản, tiến bộ.
Trao đổi về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) thành phố Hồ Chí Minh, ông Đỗ Văn Trắc cho biết: “Thực hiện Tộc ước của dòng họ, mỗi chi tộc đều được khuyến khích lập ban khuyến học, quỹ khuyến học, khuyến tài. Dòng họ cũng thành lập Câu lạc bộ (CLB) doanh nhân, CLB Tuổi trẻ, CLB Khoa học giáo dục, CLB trợ giúp pháp luật, thu hút sự tham gia của đông đảo các thế hệ, tổ chức các hoạt động hữu ích, cùng hỗ trợ nhau để phát triển, nêu cao thông điệp “Kết nối – Yêu thương – Phát triển – Hạnh phúc”.
Ông Đỗ Văn Trắc, nguyên Chủ tịch Công ty cổ phần Dây và Cáp Sacom, Chủ tịch CLB các tổ chức niêm yết Việt Nam, được biết đến là một trong những người đầu tiên tại Việt Nam đưa doanh nghiệp cổ phần hóa lên sàn chứng khoán với mã SAM.
Nhớ lại hành trình tay trắng từ miền quê nghèo Thái Bình vào Nam lập nghiệp và thành danh, ông kể: “Tôi nhớ mãi lời dặn của cha mẹ, rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải lấy chữ Đức và chữ Tín làm đầu. Tôi mong thông điệp này sẽ lan tỏa mãi đến mai sau, vì vậy, trên cương vị Phó Chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) phụ trách phía Nam, trong những năm qua, tôi cùng với các thành viên trong hội đồng luôn thường xuyên thăm hỏi những người cao tuổi trong dòng họ, hỗ trợ đồng bào gặp thiên tai, quyên góp tiền xây nhà thờ Tổ, phối hợp với các doanh nghiệp hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó… Đông đảo doanh nhân họ Đỗ (Đậu) đã cùng tham gia, nhập cuộc thực sự và làm được nhiều điều ý nghĩa, hỗ trợ nhau cùng phát triển”.
Trong nhịp sống hiện nay, văn hóa dòng họ đang là một điểm tựa góp phần lấy lại sự cân bằng tinh thần trong xã hội, thông qua hoạt động gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ tình cảm, cơ hội kết nối, không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, phong tục tập quán, văn hóa vùng miền, cùng hướng về nguồn cội. Hơn thế, như chia sẻ của Tổng Thư ký CLB Doanh nhân họ Đỗ Việt Nam Đỗ Trọng Quang: “Mỗi người Việt Nam am hiểu sâu sắc về truyền thống dòng họ mình cũng là góp phần am hiểu sâu sắc về lịch sử dân tộc mình, quốc gia mình. Sự phát triển lớn mạnh của mỗi dòng họ là góp phần làm cho đất nước ta phát triển và phồn thịnh”!