Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Thép Việt : “Tôi tạo ra động lực chứ không ôm đồm”

+ Anh nghĩ gì về tính bền vững của ngành thép ?

Trước hết phải hiểu rõ yếu tố của sự bền vững là gì. Chúng ta quen vin nhờ vào cụm từ cạnh tranh để tạo ra những con đường rộng cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, hay chính chúng ta đầu tư thiếu định hướng. Đơn cử, có đơn vị nhập công nghệ cũ đến mức chỉ cán được thép tấm rộng đến 1.5 mét, trong khi ở nước ngoài 2 mét còn bị chê là lạc hậu. Khi đầu tư, khi mời gọi hãy nghĩ đến tương lai gần rồi xa hơn nữa kinh tế đất nước nằm ở đâu, ngành thép sẽ ở đâu. Nhiều năm trước, ông Chu Dung Cơ biết “bắt lớn bỏ nhỏ” nên nền kinh tế Trung Quốc trưởng thành.  Trong khi chúng ta vẫn biết lời răn của ông bà, cụ thể là phải biết nhìn xa trông rộng mà vẫn “tham bát bỏ mâm”. Sức mạnh của một tập đoàn chỉ có khi sự phát triển ấy là của dân và vì dân. Nhất là khi các tập đoàn đang sử dụng “nội lực” của dân. Cái thiếu của chúng ta ở các tập đoàn là chưa tạo động lực chung cho mọi người đi lên, nhất là những người có năng lực. Rất dễ nhận thấy, có quá nhiều lợi ích xuất phát chỉ vì lợi ích của tập đoàn và chiếm hết cơ hội từ một thiểu số người. Trong khi người dân nào cũng biết vấn đề cốt lõi là phải biết đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của tập đoàn.

+ Nói về cái tâm của doanh nhân. Anh nghĩ gì về sự tôn vinh và đánh giá cao trách nhiệm mà nhân dân đã dành cho giới  doanh nhân ?

 Xin hiểu rằng, doanh nhân là định mệnh chứ nào có sung sướng gì. Tôi chi một đồng sai, cả hội đồng quản trị nhìn vào. Lợi tức của các cổ đông luôn là nỗi lo thường trực, tức hoạt động phải chuẩn xác. Doanh nhân phải đủ sự nhạy cảm để  Thấy – Hiểu – Cảm – Ngộ được vấn đề trước khi hành xử. Tuy nhiên đừng ham hố mà Ngộ nhiều vấn đề. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh mà. Tư chất của doanh nhân là phải có Trí để tồn tại, có Dũng để dám đương đầu, có Tâm sáng mà nghĩ về lợi ích chung. Với Chương trình Ngôi nhà mơ ước, mỗi tuần chúng tôi trao cho người nghèo một căn nhà trị giá trung bình 30 triệu là nỗ lực của một thương hiệu thể hiện đạo đức kinh doanh, tình yêu thương con người, đồng hành với từng ý chí vươn lên của từng số phận. Cũng vậy, cứ mỗi 20 giờ thứ 6 hàng tuần chúng tôi thông qua HTV9 phát sóng chương trình Câu chuyện ước mơ với thời lượng 30 phút với chủ đích cùng chung tay biến những ước mơ của cha mẹ mong có đủ thuốc men chữa trị người con bệnh nặng, người dân muốn thay một cây cầu khỉ cho xóm nghèo, nguyện vọng được trở về thăm nhà của những đứa con lầm lỗi nhưng không đủ can đảm đối diện với cha mẹ, hay ước nguyện chung sống của hai người khiếm thị trước ngăn cản của gia đình,… nhằm tô hồng thêm cái đạo lý thật đẹp của dân tộc mình khi không bao giờ quay lưng với những người biết vươn lên trong cuộc đời, cũng là sự tri ân với nhân dân, đất nước của tập thể người lao động Thép Việt. Tập thể này đã và đang sống và hành xử tìm hạnh phúc trong Cho và Nhận.

+ Xin cảm ơn anh và chúc Thép Việt giữ được những gì đang có và sẽ có.

TRUNG TRƯỜNG (Thực hiện)

(NB&CL số 15/2009- AT)