Hoạt động của họ Đỗ Nam Định

Giới thiệu

Chương trình Hoạt động của Hội đồng họ Đỗ Nam Định Khóa I

Đại hội Thành lập họ Đỗ Nam Định lần thứ nhất đã nhất trí thông qua Chương trình Hoạt động của Hội đồng họ Đỗ Nam Định nhiệm kỳ 2017-2020

1. Hoạt động của Hội đồng theo Điều lệ, tích cực liên lạc, liên kết các dòng họ Đỗ trên địa bàn tỉnh, giúp nhau tìm về cội nguồn, tu phả dòng họ đầy đủ, chính xác, trao đổi văn hóa tâm linh thời đại mới.
2. Cùng các huyện, thành phố chưa thành lập Hội đồng, từng bước chuẩn bị Đại hội thành lập Hội đồng họ Đỗ cấp huyện, cấp thành phố.
3. Tích cực tham gia các hoạt động của Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam
4. Ban Biên tập thông tin, sử dụng trang Thông tin điện tử www.hodonamdinh.com và trang Facebook “Họ Đỗ Nam Định”, khi có điều kiện sẽ in bản tin.
5. Thành lập Ban biên soạn cuốn sách “Lịch sử các dòng họ Đỗ trên địa bản tỉnh Nam Định”.
6. Khảo cứu tài liệu, minh chứng lịch sử đề nghị minh oan cho cụ Đỗ Thích (thế kỷ X – triều Đinh).
7. Chuẩn bị để thành lập Câu lạc bộ doanh nhân, câu lạc bộ văn, thơ, văn nghệ họ Đỗ Nam Định.
8. Vận động quyên góp xây dựng quỹ, , ủng hộ cho các hoạt động của họ Đỗ Nam Định.
9. Xây dựng kế hoạch để có thể đăng cai: Họp mặt họ Đỗ (Đậu) Việt Nam tại Nam Định.
10. Chuẩn bị nhân sự, nội dung và công tác bảo đảm cho Đại hội Họ Đỗ Nam Định khóa 2 vào năm 2020.

HỘI ĐỒNG HỌ ĐỖ NAM ĐỊNH KHÓA I

 ______________________________________

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ NAM ĐỊNH
………………………………………..
Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mang dòng máu họ Đỗ (Đậu) và luôn có ý thức hướng về tổ tiên dòng họ. Chúng ta lớn lên nhờ tình yêu thương và sự dạy dỗ nghiêm khắc của ông bà, cha mẹ và các bậc cao niên trong dòng tộc. Vì thế, chúng ta luôn tự hào vì mình là con cháu họ Đỗ Việt Nam nói chung, là con cháu họ Đỗ Nam Định nói riêng
Đến khi lớn lên, cũng chính nhờ ý thức và niềm tự hào về dòng họ mà con cháu họ Đỗ Nam Định luôn phấn đấu học tập và rèn luyện đạo đức để trở thành người có ích cho xã hội, để xứng đáng là con cháu của dòng họ Đỗ (Đậu). Hội đồng họ Đỗ Nam Định luôn hướng về cội nguồn, tri ân tiên tổ, đáp nghĩa, đền ơn, phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết tự lực tự cường, hiếu học, coi trọng tri thức, kinh tế, có tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết với các dòng tộc khác trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo hướng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Ngày 12 tháng 3 năm 2017, tại cuộc gặp mặt họ Đỗ Việt Nam tại trung tâm sự kiện Dạ Lan Thanh Hoá, ông Đỗ Văn Kiện – chủ tịch Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam đã yêu cầu thành lập Hội đồng họ Đỗ Nam Định. Cụ Đỗ Phúc Hối đã tham gia Hội đồng họ Đỗ Việt Nam nhiều năm đã tìm những người họ Đỗ có tâm huyết, họp thành lập Ban liên lạc lâm thời. Ban liên lạc gồm có:
1. Ông Đỗ Phúc Hối – xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường;
2. Ông Đỗ Minh Thoa – xã Giao Châu, Huyện Giao Thủy;
3. Ông Đỗ Trọng Hoành – xã Nghĩa Thịnh huyện Nghĩa Hưng;
4. Ông Đỗ Ngọc Phương – xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu (Công tác tại Quảng Ninh);
5. Ông Đỗ Trọng Hùng – xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu.
Điều là chúng ta cảm động nhất là cụ Đỗ Phúc Hối, năm nay đã 88 tuổi nhưng cụ vẫn tự đi xe máy đến các địa nơi gần, và nhờ ông Đỗ Văn Bảo (người cùng xã) chở xe máy đến những nơi xa để kết nối dòng họ.

Ngày 28 tháng 5 năm 2017 (nhằm ngày mồng 3 tháng 5 năm Đinh Dậu), tại nhà Văn hoá xóm 4, xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, họ Đỗ tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị thành lập Ban liên lạc họ Đỗ tỉnh Nam Định.
Về dự Hội nghị có ông Đỗ Phúc Hối – trưởng Ban liên lạc lâm thời; ông Đỗ Ngọc Phương – công tác tại Quảng Ninh – gốc Nam Định – Phó ban liên lạc lâm thời; ông Đỗ Minh Thoa – xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, Phó ban liên lạc lâm thời; ông Đỗ Trọng Hoàng – xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng – Phó ban liên lạc lâm thời; Đỗ Trọng Hùng xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu cùng các đại biểu đại diện cho họ Đỗ thuộc thành phố Nam Định và các huyện trong toàn tỉnh.
Ông Đỗ Phúc Hối, chủ trì Hội nghị thông qua mục đích của Hội nghị.
Tiếp theo, ông Đỗ Ngọc Phương thông qua bản dự thảo “Điều lệ tổ chức và hoạt động của Hội đồng họ Đỗ tỉnh Nam Định”. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí cao với việc đưa Điều lệ vào sử dụng chính thức.
Hội nghị đã công khai bầu ra các thành viên đại diện cho thành phố Nam Định, đại diện các huyện vào Ban liên lạc chính thức do ông Đỗ Phúc Hối làm trưởng ban, các ông Đỗ Ngọc Phương, ông Đỗ Trọng Hoành và ông Đỗ Minh Thoa làm phó ban. Trụ sở làm việc của Ban liên lạc được đặt tại nhà văn hóa xóm 4 xã Hải Bắc, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (số nhà 245).
Các đại biểu lần lượt phát biểu ý kiến, các ý kiến đó dù có khác nhau về hình thức trình bày nhưng đều qui tụ về một mối. Đó là lòng quyết tâm xây dựng Hội đồng họ Đỗ tỉnh Nam Định ngày càng vững mạnh cả về lượng và về chất. Các đại biểu đều vui mừng chào đón sự kiện thành lập Ban liên lạc họ Đỗ tỉnh Nam Định.
Sự ra đời của Ban liên lạc là một bước ngoặt lớn của dòng họ Đỗ tỉnh Nam Định. Chắc chắn, họ Đỗ tỉnh Nam Định chúng ta sẽ ngày càng phát triển bởi chúng ta có sức mạnh của sự đoàn kết, có sức mạnh của lòng hiếu thuận với ông bà, tổ tiên. Hội đồng họ Đỗ tỉnh Nam Định đã, đang và sẽ góp thêm sức mạnh cho đại gia đình họ Đỗ Việt Nam.
Hội đồng Họ Đỗ Nam Định là địa chỉ để các thế hệ con cháu dòng tộc của tỉnh nhà giao lưu, học hỏi, cập nhật, chia sẻ thông tin, qua đó tăng cường ý thức tôn kính tổ tiên và quý trọng tình cảm anh em họ hàng, gia tộc.
Như lời của bậc tiền bối đã nói:
Tôn tộc đại quy
Tôn lộc đại nguy
Tôn tài đại thịnh
Tôn nịnh đại suy
Nghĩa là:
Đề cao nòi giống ắt đại hòa hợp
Coi trọng bổng lộc ắt đại nguy nan
Tôn trọng tài năng, ắt đại phồn thịnh
Ưa thích xiểm nịnh, ắt đại suy vong.
Với tình cảm thiêng liêng của những người con mang trong mình dòng máu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, chúng ta xin bày tỏ tấm lòng tôn kính của mình với các bậc tiền nhâni đã dành trọn cả cuộc đời hết lòng vì sự phát triển của dòng họ. Hiện nay, Họ Đỗ Nam Định tiếp tục kết nối các con cháu họ Đỗ gốc Nam Định ở khắp mọi miền đất nước, tạo dựng được nề nếp văn hóa trong dòng họ, để tri ân với tổ tiên và xây dựng nền tảng cho thế hệ mai sau.
Chúng ta cũng xin bày tỏ lòng tôn kính của mình với các bậc tiền bối đã miệt mài ngày đêm dày công nghiên cứu, tìm kiếm dữ liệu về cội nguồn dòng họ để thế hệ trẻ viết tiếp bản trường ca Đỗ tộc.
Trở về với nguồn cội là nghĩa vụ, là trách nhiệm và là tình cảm của mỗi chúng ta!

Nam Định, ngày 10 tháng 11 năm 2017

(Đỗ Hạ)

________________________

Từ đường dòng họ Đỗ Phúc thôn Tiên Chưởng, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Đỗ Minh Thoa – Phó Trưởng ban Cố vấn Hội đồng họ Đỗ Nam Định khóa I

       Theo gia phả để lại, đức tổ họ Đỗ Phúc là hậu duệ đời thứ 11 của thủy tổ Đại Vương Đỗ Phúc Hưu. Cha mẹ mất sớm, ngài một mình bươn chải tìm kế sinh nhai bằng nghề chài lưới trên sông Nhị Hà (sông Hồng) xung quanh cửa bể Ba Lạt (Hạ nguồn sông Hồng, tiếp giáp với biển). Chiều chiều, về chợ Hộc (chợ Bể) bán cá. Thấy dải cồn cát ở vùng này thuận tiện, trên bến dưới thuyền nên quyết định dựng nhà định cư – đó chính là làng Tiên Chưởng ngày nay (khoảng năm Tân Sửu (1619), thời vua Lê Kính Tông, thuộc triều đại nhà Lê Trung Hưng). Đến năm 1629, cùng với các vị của ba họ: họ Cao, họ Trần, họ Nguyễn viết tấu xin vua lập làng Tiên Chưởng. Chính vì thế, ngọc phả đình làng tôn là “tứ tính tiên công” (nghĩa là: bốn họ về trước có công lập làng). Cũng từ đó, các cụ tổ lãnh đạo hướng dẫn dân làng quai đê, lấn biển, khai khẩn bãi bồi thành đồng ruộng thẳng cánh cò bay nên người đời có câu ca tặng khen lưu truyền công đức đến bây giờ:

“Biển Đông mà biển thành làng,
Bãi bồi mà biển bạt ngàn lúa xanh”

Cũng từ đó, dân làng mỗi lúc một đông. Làng ta lại có thêm 4 họ nữa về lập ấp. Đó là họ Đào, họ Mai, họ Lê, họ Phạm – một minh chứng cho tên “BÁT TỘC TIÊN HIỀN”. Các dòng họ chung tay xây làng, giữ đất.
Theo quy luật tự nhiên, các bậc tiền nhân tuổi già quy y cùng tiên tổ, con cháu ở lại trung hiếu vẹn tròn, bảo nhau xây nơi thờ phụng. Năm Bính Tuất (1802), ngôi từ đường bằng gỗ của họ ta ra đời trên chính nền đất này.
Hơn 100 năm sau, mùa đông năm Bính Tý (1936), ngôi từ đường kiên cố bằng gạch, vôi được xây dựng lại thay cho ngôi từ đường bằng gỗ đã xuống cấp. Gần nửa thế kỷ sau, do biến cố thăng trầm của thời gian, do sự tàn phá của chiến tranh – hai quả bom Thực dân Pháp ném xuống năm 1953 làm ngôi từ đường của họ ta nứt mẻ, dột nát tứ tung không thể để vậy sửa chữa được nữa, dòng họ đã hạ quyết tâm xây lại theo đúng kiểu dáng cổ xưa nhưng to rộng hơn và chắc chắn hơn.

 

Từ đường họ Đỗ Phúc – xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định

Tại ngôi từ đường này, chúng ta có uy danh của thần tổ Đỗ Anh Vũ được người đời sau tôn vinh là Đức Thánh Lác – văn võ song toàn được triều Lý phong hàm “ĐẠi đô thống” “Thượng tướng quân”, có công giúp triều Lý ổn định đất nước suốt 20 năm trận mạc lẫy lừng.
Ngôi từ đường này, còn có anh linh danh tướng Đại Vương Thủy tổ Đỗ Phúc Hưu có công giúp nhà Lê giữ yên triều chính, dạy dỗ cháu con dân làng vùng Giao Thủy quai đê, lấn biển, mở mang bờ cõi. Khi Ngài thác được các vua nhà Nguyễn phong sắc 10 lần, lưu truyền muôn thuở.
Nơi đây cũng là nơi thờ Cửu Huyền Thất Tổ chúng ta. Người trọn đời với làng, với xã, với con cháu yêu thương. Những khí tự, hoành phi, câu đối trong từ đường là minh chứng cho giá trị của một ngôi từ đường có bề dày lịch sử.
Với giá trị lịch sử như đã nói ở trên, tháng Giêng năm 2013, dòng họ ta đã có tờ trình trình lên các cấp có thẩm quyền. Nguyện vọng của dòng họ được Ủy ban nhân dân xã Giao Châu xác nhận, đề nghị phòng văn hóa huyện Giao Thủy, phòng di sản danh thắng – Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Nam Định lập hồ sơ khoa học thẩm định di sản. Ngày 27 tháng 12 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua và ra quyết định cấp bằng di tích lịch sử văn hóa cho từ đường dòng họ Đỗ Phúc làng Tiên Chưởng, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

 

Lễ rước Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa dòng họ Đỗ Phúc xã Giao Châu (nguồn: http://namdinh.gov.vn/huyengiaothuy/)

Thật là một đại hồng phúc cho họ ta mà không có giá trị vật chất nào sánh được. Mỗi chúng ta dù trai hay gái, dâu hay rể, xa hay gần đều có quyền tự hào về tiên tổ, về giá trị của ngôi từ đường mà giữ trọn hiếu nghĩa phụng thờ tổ tiên ông bà, cha mẹ. Toàn gia tộc chúng ta quyết gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di tích thiên thu, trường cửu!

Nam Định, tháng 12 năm 2017

___________________________________

 Ngày 28-12-5017 Đỗ tộc chi Đàm An tổ chức Lễ động thổ khởi công xây dựng trùng tu và nâng câp từ đường chi họ Đỗ chi Tộc Đàm An xóm 4 xã Hải bắc huyện Hải Hậu Nam Định với dự toán khoảng 2,5 tỷ đồng xây hai tầng , tầng một phòng lễ tân , đón tiếp khách , tầng hai làm bằng gỗ là nơi thờ cúng thời gian xây dựng 12 tháng .