Hội đồng họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên dâng hương Tiến sĩ Đỗ Cận

Ngày 21-2 (tức 14 tháng Giêng), nhân Lễ hội đền Đỗ Cận, Đoàn đại biểu Hội đồng họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên do Luật sư Đỗ Đức Trọng, Chủ tịch Hội làm Trưởng đoàn đã tổ chức Lễ dâng hương Tiến sĩ Đỗ Cận tại đền thờ ông ở xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên. Cùng đi với Đoàn còn có các bác, cô, chú: chú Đỗ Trọng Hiệp, Phó Chủ tịch Hội; cô Đỗ Thị Thìn, Phó Chủ tịch Hội; chú Đỗ Đại Phong, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; chú Đỗ Văn Hùng, Trưởng phòng An ninh điều tra Công an tỉnh… và các anh, chị là con, cháu, dâu, rể họ Đỗ, anh Đỗ Văn Nam, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tuổi trẻ họ Đỗ, đông đảo thành viên trong Hội đồng họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên.

Hòa cùng đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương, Đoàn đại biểu Hội đồng họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên đã nghiêm trang dự khai mạc Lễ hội đền Đỗ Cận, sau đó, kính cẩn dâng Lễ, thắp nén hương thơm lên Tiến sĩ Đỗ Cận, một vị quan đức độ, cần mẫn, tài năng, một nhà thơ nổi tiếng. Sau khi dâng Lễ trong đền, bác Đỗ Đức Trọng đã thay mặt Đoàn đại biểu Hội đồng, đọc văn khấn bày tỏ lòng thành kính trước Tiến sĩ Đỗ Cận.

Sau khi dâng hương tại đền thờ Đỗ Cận, Đoàn đại biểu Hội đồng họ Đỗ tỉnh Thái Nguyên tiếp tục dâng hương tại đền Đồng Thụ – đền thờ bà Đỗ Thị Mỹ Mai, sinh ngày mùng 10 tháng Giêng năm Quý Mão (1507) con gái thứ 7 của ông Đỗ Túc Khang, vị quan có danh vọng cuối thời Lê sơ, tại xã Thuận Thành, thị xã Phổ Yên. Sử sách ghi lại rằng khi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê (1527), ông Đỗ Túc Khang vẫn được nhà Mạc trọng dụng và cử giữ chức Tán trị thừa chính sứ đạo Thái Nguyên. Do vùng đất này có nhiều giặc giã ông Khang được cử đi đánh giặc, vì tuổi cao sức yếu nên ông tiến cử con gái là Đỗ Thị Mỹ Mai đi dẹp giặc. Bà Mai xinh đẹp, giỏi võ nghệ đóng giả nam giới chỉ huy quân, đánh đâu được đấy. Bọn giặc đã dùng thủ đoạn khiến bà Mai phải tuẫn tiết vào ngày 8/6 Mậu Tý (1528). Thi thể của bà được nhân dân chôn cất và lập đền thờ cúng.

Tham dự Lễ dâng hương Tiến sĩ Đỗ Cận, bà Đỗ Thị Mỹ Mai, tôi cũng như tất cả các con, cháu, dâu, rể họ Đỗ đều cảm thấy bình an, phấn chấn xen lẫn xúc động. Lễ dâng hương đã nhắc nhở cho chúng tôi về nguồn cội, răn dạy con cháu noi gương các bậc tiền nhân họ Đỗ, phấn đấu hết mình trên mọi lĩnh vực. Không những vậy, chuyến đi cũng giúp các thế hệ con, cháu, dâu, rể họ Đỗ xích lại gần nhau hơn, mọi người cùng nắm tay, trao nhau lời chúc năm mới sức khỏe dồi dào, công việc thuận lợi. Chia tay nhưng mọi người đều vương vấn, hẹn sớm có ngày gặp lại.

Đỗ Quốc Tuân

Đỗ Cận tên khai sinh là Đỗ Viễn, tự là Hữu Khác, hiệu là Phổ Sơn, sinh năm Giáp Dần, niên hiệu Thiệu Bình năm thứ nhất (1434) đời Vua Lê Thái Tông, tại làng Thống Thượng, tổng Thống Thượng, phủ Phú Bình, xứ Thái Nguyên, nay là xóm Thống Thượng, xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên. Đỗ Cận đỗ tiến sỹ năm 1478, trong lần thi đình, mến mộ tài năng của ông Vua Lê Thánh Tông đổi tên Đỗ Viễn  thành Đỗ Cận.

Trong vòng 20 năm cống hiến và thăng tiến trên quan trường, từ một chức quan nhỏ với hàm Tòng Thất phẩm, Đỗ Cận được làm Phó sứ “mang chuông đi đánh xứ người”, rồi làm Tham Nghị xứ Quảng Nam. Nhờ tài năng và sự cống hiến của một hiền nhân quân tử, ông được làm tới chức Thượng thư đứng đầu 1 trong 6 bộ của triểu đình nhà Lê với hàm Tòng Nhị phẩm.

Không chỉ là một vị quan đức độ, cần mẫn, tài năng, ông còn là thành viên của Tao Đàn Nhị thập bát tú (28 ngôi sao của Tao Đàn)-Hội nhà thơ, nơi tập hợp những nhà thơ tài năng nhất của nền thi ca cung đình phát triển rực rỡ thời Hồng Đức do Vua Lê Thánh Tông sáng lập. Ông có những bài thơ như Thái thạch vãn Bạc được so sánh cùng những bài thơ hay của thi nhân trung Hoa. Ngưỡng mộ và biết ơn ông, sau khi Đỗ Cận mất nhân dân Phổ Yên lập đền ngay chân núi Phổ Sơn để thờ phụng.

Đền thờ Đỗ Cận đã chính thức được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia ngày 10-3-2014. Thời gian qua, được sự quan tâm của chính quyền, nhân dân địa phương, các con, cháu họ Đỗ và du khách thập phương, đền thờ đã được tu bổ một số hạng mục.