Dòng họ Đỗ Hữu (gốc Hậu Lộc – Thanh Hóa)
đang có chuyển biến tích cực TRONG HOẠT ĐỘNG KHUYẾN HỌC – KHUYẾN TÀI. Thùy Tao (Bộ phận dòng họ Đỗ Hữu tại Tp Thanh Hóa) Dòng họ tôi vốn là một dòng họ nghèo nên phải tự tách ra từ họ gốc ở quê để tha phương cầu thực, lập nghiệp ở nhiều vùng quê khác trên cả 3 miền đất nước, bắt đầu từ những năm giữa thế kỷ thứ XIX. Cho đến nay dòng họ tôi vẫn như thế, vẫn là một dòng họ nghèo, vẫn là một dòng họ phải ly hương, địa bàn cư trú vẫn rất phân tán, và chỉ đang là một dòng họ nhỏ, “hậu sinh” so với nhiều dòng họ khác trong cộng đồng HĐVN. Sau nhiều năm tìm kiếm, chắp nối liên lạc với nhau, mãi đến những năm đầu của thế kỷ XXI vừa qua chúng tôi mới tập hợp được nhau lại trong một Ban Liên lạc và một Hội đồng họ tộc của dòng họ. Trong cuộc họp mặt đầu tiên của đại biểu bà con tất cả 6 chi của dòng họ (họp tại thành phố Thanh Hóa), chúng tôi đã thống nhất đề ra 3 hoạt động quan trọng nhằm vào 3 mục tiêu chủ yếu trong việc củng cố và phát triển dòng họ từ nay về sau. Đó là : – Hoạt động tình nghĩa và tri ân tiên tổ nhằm tăng cường sự gắn kết tình cảm huyết thống và ý thức hướng về cộinguồn cho các thế hệ. – Hoạt động phát triển kinh tế nhằm giảm bớt mức độ túng nghèo và tăng thêm mức độ khá giả cho các gia đình, nhanh chóng đưa cả dòng họ thoát ngưỡng nghèo một cách thực chất. – Hoạt động khuyến học – khuyến tài nhằm tạo thêm nguồn nhân lực chất lượng cao (trí thức, doanh nhân, lao động kỹ thuật bậc cao,…) để phát triển kinh tế và phát huy văn hóa dòng họ ngày càng bền vững. Biết mình là dòng họ nghèo, tiềm lực về mọi mặt đều thiếu thốn nên chúng tôi đã chú ý ngay đến mục tiêu thứ 3 : khuyến học – khuyến tài. Trước mắt là không cần nhiều tiền cũng làm được ngay, nhà nào cũng làm được ngay. Về lâu dài thì đó là xây dựng tiềm lực cho dòng họ, nguồn tiềm lực đáng quý nhất để phát triển dòng họ một cách bền vững. Cái khó của chúng tôi khi thực hiện mục tiêu này là địa bàn cư trú quá phân tán nên rất hạn chế điều kiện giao lưu, học hỏi, trao đổi, động viên và giúp đỡ lẫn nhau, không dễ dàng tạo dựng khí thế khuyến học – khuyến tài sôi động trong toàn dòng họ như là các dòng họ khác có điều kiện gần gũi nhau. Nhưng cái khó hơn cả có lẽ là về nhận thức, tư tưởng, là nếp nghĩ, nếp sống của bà con. Quen chịu cảnh nghèo túng và lạc hậu ở nông thôn quá lâu rồi, tâm lý nông dân còn khá nặng nề trong nhiều gia đình. Sự sôi động và đua chen của cơ chế thị trường và đời sống đô thị mà vài chục năm nay một bộ phận gia đình mới được chập chững bước vào chưa đủ sức làm thay đổi được tư duy về cung cách làm ăn, về lối sống, nếp sống,…chưa tạo ra được ý chí vươn lên đủ mạnh trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Trong rất nhiều gia đình của dòng họ chúng tôi chưa có được truyền thống học hành – thành đạt, chưa xây dựng được nề nếp học tập cho con trẻ, nhiều bậc cha chú cũng chưa thật chăm lo đến việc tự học suốt đời của bản thân nên trong dòng họ chưa có được nhiều tấm gương về mặt này. Chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục bằng cách tăng cường hoạt động của Ban liên lạc, của Hội đồng họ tộc, của các vị cao niên, và cố gắng khai thác sự hỗ trợ của các Hội Khuyến học ở các địa phương trong triển khai cuộc vận động xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ hiếu học. Bước đầu, Ban liên lạc dòng họ đã đề ra chủ trương : – Biểu dương trong dòng họ và khen thưởng các cá nhân được công nhận là Học sinh giỏi từ cấp tỉnh trở lên, thi đỗ vào đại học, cao đẳng, hoàn thành chương trình đào tạo sau đại học với học vị Thạc sĩ, Tiến sĩ. – Biểu dương trong dòng họ các gia đình có con đạt được thành tích như trên. – Trao tặng Huy hiệu HĐVN cho các cá nhân có thành tích như trên. – Vận động xây dựng Quỹ Khuyến học cho dòng họ từ năm 2010. – Đẩy mạnh hoạt động thông tin, giao lưu trong dòng họ, đặc biệt chú ý nêu gương tốt về học tập, rèn luyện của lớp trẻ, về khuyến học-khuyến tài của các gia đình, chi họ ở cả 3 địa bàn cư trú hiện nay. Quán triệt định hướng hoạt động chung của Ban liên lạc HĐVN và chủ trương cụ thể về Khuyến học – khuyến tài của Ban liên lạc dòng họ, các gia đình trong dòng họ chúng tôi đã có những chuyển biến khá tích cực trong việc thực hiện chức năng giáo dục của gia đình. Biểu hiện đáng mừng đầu tiên là các bậc cha mẹ đều đã thường xuyên sâu sát và quan tâm chăm sóc việc học hành của con cái, tạo điều kiện về thời gian cho con học tập theo lịch của nhà trường, để mắt đến việc vui chơi giải trí và quan hệ bạn bè của con, thường xuyên liên lạc với giáo viên chủ nhiệm lớp, động viên và có thưởng khi con đạt thành tích học tập tốt (điểm tốt, được công nhận Học sinh giỏi, được khen thưởng từng mặt,…). Chưa thống kê được kịp thời và đầy đủ, nhưng qua trao đổi thì thấy các chi họ nào, các địa bàn cư trú nào của dòng họ chúng tôi cũng có nhiều gia đình làm được như thế, có nhiều hơn các cháu học tốt hơn trước, số các cháu vào đại học ngày càng nhiều hơn, kể cả học đại học ở nước ngoài, nhiều cháu tốt nghiệp đại học, giáo dục chuyên nghiệp đã có công ăn việc làm, chưa có cháu nào sa vào tệ nạn xã hội,… Riêng bộ phận các cá nhân học sau đại học tuy chưa nhiều về số lượng, nhưng cũng đã có một số gương mặt thành đạt, đã được nêu gương trong dòng họ. Trong những năm đầu của thế kỷ XXI dòng họ chúng tôi có 3 cá nhân đã bảo vệ thành công học vị Thạc sĩ, và đều là gái, đó là : – Đỗ Thị Thanh Hà, là thế hệ thứ 5, thuộc chi 5 của dòng họ, là cán bộ giảng dạy tại khoa Văn hóa và Ngôn ngữ Anh – Mỹ, ĐH Quốc gia Hà Nội, đã học và bảo vệ học vị Thạc sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ học ứng dụng tại ĐH Melbourne (Australia). Hiện Thanh Hà đang học tiếp để bảo vệ học vị Tiến sĩ cũng ở trường Đại học trên và đến đầu năm 2011 sẽ hoàn thành. – Đỗ Nữ Minh Khai, là thế hệ thứ 6, thuộc chi 1 của dòng họ, đã học và bảo vệ học vị Thạc sĩ ngành Anh ngữ tại Nhật bản.
– Đỗ Thị Thanh Hương, là thế hệ thứ 5, thuộc chi 5 của dòng họ, đã học và bảo vệ học vị Thạc sĩ ngành Triết học tại Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, hiện là cán bộ giảng dạy tại Học viện Quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT). Ngoài ra, nếu kể từ thế kỷ trước thì dòng họ chúng tôi đã có 1 nữ Tiến sĩ và 1 nam Sau đại học rồi. Đó là : – Đỗ Thi Thanh Hoa, là thế hệ thứ 4, thuộc chi 6 của dòng họ, đã học và bảo vệ học vị Tiến sĩ ngành Địa lý tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội, hiện công tác tại Viện nghiên cứu phát triển Du Lịch Hà Nội. – Đỗ Văn Phấn, là thế hệ thứ 3, thuộc chi 4 của dòng họ, đã học Thực tập sinh và được cấp chứng chỉ Sau đại học chuyên ngành Kinh tế lao động tại Bulgaria (từ những năm 60), hiện đã nghỉ hưu. (2 người vừa kể sau đã được ghi danh trong sách Họ Đỗ Việt Nam tập 2) Nhân dịp đầu Xuân Canh Dần 2010, đại diện Ban liên lạc dòng họ tại Thành phố Thanh Hóa đã tổ chức trao tặng Huy hiệu HĐVN cho Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Hương. Đây là trường hợp đầu tiên trong dòng họ chúng tôi, Huy hiệu HĐVN được trao cho cá nhân đạt học vị sau đại học, kể từ khi Ban liên lạc dòng họ có chủ trương về khuyến học-khuyến tài. Trong câu chuyện này có một điều hơi khác lạ và thú vị làm chúng tôi phải để tâm nghiên cứu là các cá nhân thành đạt theo con đường tân học từ sau Cách mạng tháng 8-1945 chủ yếu đều là Nữ (khác với các vị tiền bối ở thế hệ 1 và 2 lại toàn là Nam, 3 vị đã đậu Tú tài Hán học trước năm 1920). Với chủ trương tích cực của Ban liên lạc, trên cơ sở những thành tích ban đầu đáng ghi nhận này, chúng tôi hy vọng hoạt động khuyến học-khuyến tài của dòng họ sẽ có những chuyển biến tích cực hơn, được thực sự đẩy mạnh hơn, sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển tiến bộ của dòng họ về mọi mặt. Tháng 2 năm 2010 T T |