BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG CỦA BLL HỌ ĐỖ VIỆT NAM

15/03/2009

BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ VIỆT NAM

27 phố Đào Tấn – Ba Đình – Hà Nội

Số: 01/BC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

***

Hà Nội, ngày 15 tháng 3 năm 2009

 

BÁO CÁO

VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ VIỆT NAM

01 NĂM (Từ tháng 03/2008 – 03/2009)

Tại: Cuộc họp mặt lần thứ 12: Hưng Hóa – Xứ Đoài: Ngày 15 tháng 3 năm 2009 – Tức ngày 19 tháng 2 năm Kỷ Sửu)

* Kính thưa các vị quý khách

* Kính thưa các vị trưởng lão, trưởng ban liên lạc các khu vực và vùng phụ cận, các vị trưởng tộc.

* Kính thưa bà con cô bác dòng tộc Đỗ trong và ngoài nước.

Ngày 21/3/2008, cuộc gặp mặt thân mật của các dòng họ Đỗ Việt Nam lần thứ 11 được tổ chức trọng thể tại thành phố Vinh đã thành công tốt đẹp. Ngay trong buổi họp BLLHĐVN Hưng Hóa – Xứ Đoài đã đăng cai xin được tổ chức cuộc họp mặt lần thứ 12 tại quê hương giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Ước mong của bà con cô bác dòng tộc Đỗ Hưng Hóa – Xứ Đoài đã thành hiện thực.

Hôm nay, ngày 15/3/2009 (tức ngày 19/2 năm Kỷ Sửu) tại địa điểm xóm Sổ, thôn Tuy Lộc, xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội hân hoan đón tiếp bà con cô bác dòng tộc Đỗ khắp mọi miền Tổ quốc về đây, cuộc gặp mặt mang dấu ấn, kỳ tích cho Xứ Đoài lịch sử.

Xứ Đoài (thuộc tỉnh Hà Tây cũ) với hơn 1000 làng, làng nào cũng có dòng tộc Đỗ ngụ cư. Nói đến Xứ Đoài là mọi người đều biết đến đất Đường Lâm, làng có 2 vua; lụa tơ Vạn Phúc và Hương Tích Nam Thiên nhất động. Dòng sông Tích lan tỏa khi về xóm Sổ mang theo linh khí của cha (Sơn Tinh) nên mảnh đất này màu mỡ. huyền tích bởi chỉ có một số người ít ỏi mà cha ông họ đã dựng được cả đình, chùa, cả nhà thờ công giáo. 3 dòng họ chính đều có nhà thờ to lớn. Dẫu trải qua biết bao thăng trầm nhưng xóm Sổ ngày nay vẫn là vùng đất lành, bao người muốn đến. Xóm Sổ đông vui hơn, dẫu còn khó khăn nhưng tình người nơi đây vẫn nồng ấm, nhân hậu biết bao !.

An Phú tự – An Phú tự

Mấy trăm năm trước người gieo hạt

Phúc Đức trùng lai mở đất này

Thế sự xoay vần tâm không đổi

Muôn phương hội tụ nghĩa ơn dầy

(Thơ Đỗ Đức Thông)

Thật vậy ! Hôm nay, hàng trăm bà con cô bác và các vị quý khách về đây để minh chứng cho: “Muôn phương hội tụ nghĩa ơn dầy”.

Cho phép tôi thay mặt thường trực Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam, thay mặt bà con cô bác của hơn 400 dòng họ Đỗ sống khắp mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài, gửi lời cảm ơn chân thành tới UBND huyện Phúc Thọ, Mặt trận Tổ quốc huyện Phúc Thọ, Đảng Ủy và chính quyền địa phương xã Trạch Mỹ Lộc. Cảm ơn cha xứ và nhà thờ xóm Sổ. Cảm ơn bà con cô bác, dâu, rể, nội, ngoại của tộc Đỗ xóm Sổ và xứ Đoài đã lo toan chu đáo chỗ ở, đi lại, nơi họp mặt khang trang.

Nhân ngày 8/3, ngày của phụ nữ, Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam xin gửi đến các bà mẹ, nàng dâu, con gái dòng họ Đỗ lời chúc hạnh phúc và đầy tình thương yêu!. Xin cám ơn các bà mẹ đã sinh Lan, sinh Huệ cho sự trường tồn của dòng họ Đỗ Việt Nam.

Nhân ngày lịch sử này, BLLHĐVN quyết định tặng mỗi bà mẹ, nàng dâu, con gái họ Đỗ có mặt hôm nay một huy hiệu họ Đỗ Việt Nam.

BLLHĐVN cùng toàn thể các Ban liên lạc họ Đỗ các khu vực và vùng phụ cận sau mỗi kỳ họp mặt lại tiếp tục những phần việc của mình, nhiệm vụ trọng yếu là:

– Phát huy truyền thống nhân văn của dòng họ Đỗ Việt Nam.

– Giúp nhau tìm về cội nguồn, tri ân tiên tổ.

Điểm lại những việc đã làm là:

1. Duy trì được bản thông tin việc họ Đỗ Việt Nam: Mỗi quý một bản, nay đến số 29. Lượng thông tin khắp cả nước gửi về rất nhiều, bài viết người tốt việc tốt; bài thơ hay; những thông tin trao đổi về dòng họ, cội nguồn và nhiều tư liệu quý. Nhưng do trang tin có hạn nên chúng tôi sử dụng dần dần.

2. Trang Website dòng họ Đỗ Việt Nam: Tuy còn non trẻ nhưng nhờ có lòng nhiệt tình; ý chí vươn lên của nhóm phụ trách trang Website do ông Đỗ Quang Hòa và anh Đỗ Xuân Trường cùng một số anh em vừa nâng cấp về kỹ thuật, cải tiến về hình thức để trang Website của dòng họ Đỗ được đổi mới; đẹp hơn, sáng hơn, và đã trích đưa bộ phim “họ Đỗ Việt Nam” lên trang Website để bà con cô bác trong và ngoài nước thưởng thức.

Số lượng người truy cập ngày một tăng. Bà con ở nước ngoài đã quan tâm đến Website dòng họ Đỗ, theo thống kê lượng truy cập trong nước khoảng 58%, ngoài nước khoảng 42% ( trong đó Mỹ: 19%, Nga: 13% các nước khác » 10%)

3. Phong trào và quỹ khuyến học khuyến tài

Tất cả mọi người đều nhận thức được: Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Phong trào gây dựng quỹ khuyến học khuyến tài đã phát huy rộng khắp đến từng chi họ Đỗ trong cả nước.

– Thường trực BLLHĐVN thành lập quỹ khuyến học khuyến tài để động viên khen thưởng người đạt được Huy chương Vàng, Bạc, Đồng tại các kỳ thi quốc tế.

– BLLHĐVN các khu vực và vùng phụ cận, các chi họ trực tiếp khen thưởng các cháu học giỏi ở các cấp và thi đỗ vào Đại học, thi đỗ ra Đại học và thi đỗ Thạc sỹ, Tiến sỹ…

Việc khuyến học, khuyến tài rất đa dạng đã động viên con cháu dòng họ thêm hiếu học và chịu khó luyện rèn. Tiêu biểu là các dòng họ sau:

– Họ Đỗ Đức Bà xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội

– Dòng họ Đỗ Trọng của An Hải Tây, thành phố Đà Nẵng

– Họ “Đỗ Khâm sai tự dường” thị trấn Châu Ổ – huyện Bình Sơn – tỉnh Quảng Ngãi.

– Họ Đỗ thôn Lương Sơn – xã Đông Sơn – Chương Mỹ – Hà Nội

– Dòng họ Đỗ Hữu: Gốc Tuy Lộc – huyện Hậu Lộc – Thanh Hóa

– Họ Đỗ thị trấn Quảng Hà – huyện Hải Hà – tỉnh Quảng Ninh.

Và nhiều chi họ khác  trong cả nước đã động viên kịp thời khen thưởng các cháu học tốt.

Trong năm 2007 – 2008, thường trực BLLHĐVN quyết định tặng thưởng 3 cháu họ Đỗ có thành tích trong các cuộc thi Toán, Lý quốc tế.

– Cháu Đỗ Xuân Bình: giải Vàng cuộc thi Toán quốc tế

– Cháu Đỗ Thị Thu Thảo: giải Bạc cuộc thi Toán quốc tế

– Cháu Đỗ Hoàng Anh: giải Vàng Olympic Vật lý quốc tế.

Dòng họ Đỗ tự hào có những người con mang tâm trí và cả cuộc đời cho sự nghiệp khoa học kỹ thuật.

TS Đỗ Đức Cường là tác giả của trên 50 phát minh sáng chế, là cha đẻ của máy ATM, nay là cố vấn cao cấp cho Ngân hàng Đông Á. Thần đèn Đỗ Quốc Khánh được Hiệp hội quốc tế về di dời công trình IASM công nhận tòa nhà nặng trên 3.000 tấn do ông thực hiện là tòa nhà nặng nhất thế giới năm 2008. Vừa qua Ông lại mới di dời công trình nặng trên 600 tấn, xoay 180o để phục vụ cho khu tưởng niệm cố tổng bí thư Trường Chinh ở Nam Định.

GS.TS Đỗ Đình Chiểu là người vừa có tâm, vừa có tài. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu Việt Nam về vật lý nguyên tử. Được Nhà nước mời tham gia ý kiến cho dự án xây dựng nhà máy nguyên tử đầu tiên ở nước ta. ông là người rất tâm huyết với quê hương và dòng họ Đỗ. Nay ở tuổi 70, Ông  mong muốn được đóng góp một phần vật chất dù ít ỏi để cung tiến cho dòng họ. BLLHĐVN đã mời Ông tham gia BLLHĐVN để hoạt động và làm cầu nối bà con dòng tộc Đỗ ở Pháp và vùng phụ cận với trong nước.

Bà Đỗ Hoài Thu là thành viên BLLHĐVN họ Đỗ ở Liên bang Đức và vùng phụ cận, ông Đỗ Đình Hiệp là thành viên của BLLHĐVN tại Hoa Kỳ. Các vị đã có những đóng góp thiết thực, vận động bà con cô bác ở nước ngoài hướng về cội nguồn tri ân tiên tổ, thường xuyên gửi thư, tiền về gây quỹ cho dòng họ. Cháu Đỗ Trọng Hiền tốt nghiệp bằng thạc sỹ hàng không không gian tại Hoa Kỳ, hiện nay là chuyên viên thiết kế máy bay dân dụng và quốc phòng cho NASA – BOEING, Spirit Aero Spaces Hoa Kỳ. Hàng năm, cháu đều gửi tiền về tham gia đóng góp vào quỹ khuyến học tại phường An Hải Tây, thành phố Đà Nẵng. Đúng là:

“Lòng hiếu thảo nhớ ơn Tiên tổ

Đạo thủy chung uống nước nhớ nguồn”

4. Việc tri ân tiên tổ nhiều nơi làm tốt

Bà con cô bác bằng tâm, đức, vật chất đã xây dựng nên nhà thờ cho chi họ Đỗ khang trang.

– Khánh thành nhà thờ họ Đỗ, xóm Trung, xã Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội.

– Khánh thành nhà thờ họ Đỗ Văn ở thôn Đồng Bé, xã Diên Thọ, Diên Khánh, Khánh Hòa (gốc từ Thái Bình vào lập nghiệp và xây dựng nhà thờ họ Đỗ tại Khánh Hòa).

– Khánh thành nhà thờ họ Đỗ Gia  thôn Nhuệ , xã Chí Hoà,  Hưng Hà Thái Bình.

– Gia đình ông Đỗ Xuân Ca đã hiến lô đất tại thôn Đồng Cau, xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để BLLHĐVN tỉnh Khánh Hòa xây dựng nhà thờ. Đây là một nghĩa cử cao đẹp vì dòng họ Đỗ của gia đình ông Đỗ Xuân Ca.

5. Phát huy ý nghĩa cao đẹp của huy hiệu họ Đỗ Việt Nam

Các BLLHĐVN các khu vực và vùng phụ cận đã phát huy được ý nghĩa cao đẹp của huy hiệu họ Đỗ Việt Nam, chọn trao huy hiệu cho những người giàu tâm huyết với dòng họ.

 Dòng họ Đỗ Hữu, gốc Tuy Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp về xã Vĩnh Hưng, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa trao huy hiệu họ Đỗ Việt Nam cho 02 cụ:

– Cụ Đỗ Văn Tấn: 90 tuổi – 60 năm tuổi Đảng.

– Cụ Đỗ Văn Phấn: 81 tuổi – 60 tuổi Đảng.

BLLHĐVN tỉnh Khánh Hòa đã tặng huy hiệu HĐVN cho 2 ông:

– Ông Đỗ Văn Nhưỡng (1935) trưởng họ Đỗ thôn Đồng Bé – Diên Thọ – Diên Khánh – Khánh Hòa.

– Ông Đỗ Thường (1935) trưởng họ Đỗ thôn Đông – Vĩnh Phương – Khánh Hòa.

Trong năm qua,  BLL H ĐVN vui mừng  đón nhận thêm hàng chục chi, dòng họ Đỗ cả nước gia nhập BLL. Thường trực BLL HĐVN nhiệt liệt biểu dương các vị đã đóng góp nhiều cho hoạt động của dòng họ nhiều năm liền.

– Cụ Đỗ Tòng – cố vấn cho BLL HĐVN và Cụ Đỗ Văn Tập, BLL thành phố Hồ Chí Minh là hai vị trưởng lão của dòng họ, mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng hai cụ vẫn nhiệt tình tham gia xây dựng cho dòng họ.

– Ông Đỗ Hữu Hằng, trưởng BLLHĐVN thành phố Hồ Chí Minh và vùng phụ cận. Ông Đỗ Đình Dậu – Trưởng BLLHĐVN khu vực Khánh Hòa. Ông Đỗ Minh Liên – trưởng BLLHĐVN Quảng Ngãi, ông Đậu Xuân Mai – trưởng BLLHĐVN Nghệ An, ông Đậu Công Tuệ – Phó BLLHĐVN Nghệ An. Ông Đỗ Văn Giao, họ Đỗ thôn Vĩnh Kỳ, Tân Hội, Đan Phượng đều là những người rất tâm huyết với dòng họ.

Họ Đỗ Việt Nam có rất nhiều nhà thơ, nhà văn. Trong BLL hiện nay tập trung nhiều cây bút thường gửi bài cho thường trực BLL như các vị: Đỗ Viết Tuyển (Hòa Bình), Văn Hoa- Đỗ Thanh Hoa (Ứng Hòa, Hà Nội), Thuận Bằng- Đỗ Thị Thuận (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Đỗ Văn Ngung (Dục Tú – Đông Anh), Vũ Nam- Đỗ Văn Hinh (Cát Hải – Hải Phòng), Đậu Chu Bính (Nghệ An), Bạch Liên- Đỗ Văn Hạnh (TP. Cần Thơ), Đỗ Minh Liên (Quảng Ngãi), Đỗ Duy Phổ (Chương Mỹ – Hà Nội), Đỗ Đức Đợi (Đa Tốn – Hà Nội), đặc biệt cụ Đỗ Văn Tập tuổi đã ngoài 80 mà vẫn say sưa làm rất nhiều bài thơ gửi về cho dòng họ.

Trong thời gian tới hy vọng sẽ ra từng quý tuyển tập thơ của những người con họ Đỗ, Thường trực BLLHĐVN đã cử nhà văn Đậu Nữ Vệ giúp BLL khâu biên tập, rất mong các nhà thơ và những người yêu thơ hưởng ứng cho tập thơ sớm ra đời.

Kính thưa các vị quý khách!

Kính thưa toàn thể bà con cô bác dòng họ Đỗ.

Nhớ về tiên tổ, BLLHĐVN cũng như bà con dòng tộc Đỗ ở trong và ngoài nước đều mong muốn có một chỗ thờ tự chung cho dòng họ Đỗ cả nước. Qua Thư tịch cổ và Tộc phả, khu mộ Tổ họ Đỗ ở gò Thiềm Thừ (Gò Cóc Thần) rộng 446m2, cao trên 2m so với mặt ruộng ở thôn Văn La, xã Văn Khê, TP. Hà Đông, nay thuộc về Hà Nội đã có lịch sử  ngàn năm. Các nhà khoa học bằng phương pháp cảm xạ xác định tại khu gò Thiềm Thừ có 10 ngôi mộ của Bát Bộ Kim Cương và người thân. Thường trực BLLHĐVN đã và đang tiếp tục cùng họ Đỗ cả nước, các ngành, các cấp có liên quan, thực hiện chương trình bảo vệ, gìn giữ, từng bước tôn tạo. Mong muốn xây miếu thờ, và đưa 2 bia con Cóc về khu này như xưa kia vốn có.

Cuộc họp mặt đầu xuân Kỷ Sửu trên quê hương Xứ Đoài, chúng ta cùng tham luận với chủ đề “Hướng về cội nguồn”. Thay mặt thường trực BLLHĐVN tôi xin tuyên bố khai mạc cuộc tham luận.

Kính chúc các vị Quý khách, kính chúc bà con dòng tộc Đỗ  cuộc sống an lành, sống tốt đời, đẹp đạo !

Chúc cuộc họp mặt thành công tốt đẹp!

 

TM. Thường trực BLLHĐVN

Trưởng Ban

         Đỗ Ngọc Liên