Một số bản tham luận trình bầy tại cuộc họp mặt họ Đỗ- Đậu năm 2008

Một số bản tham luận trình bầy tại cuộc họp mặt họ Đỗ- Đậu năm 2008 E-mail
10/07/2008

1. BÀI DIỄN VĂN CHÀO MỪNG

của BLL họ Đỗ Việt Nam khu vực Nghệ Tĩnh

Tại Hội nghị năm BLLHĐVN 2008 ở thành phố Vinh

Kính thưaCác quý vị đại biểu!

Các quý vị BLL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh!

Các quý ông bà, các vị tộc trưởng, anh em

dâu rể, con cháu trong họ Đỗ Viêt Nam!

 Ông Đậu Công Tuệ đọc diễn văn chào mừng

Hôm nay toàn thể anh em con cháu dâu, rể họ Đỗ (Đậu) khu vực Nghệ Tĩnh rất vui mừng phấn khởi, vinh dự được đón tiếp và giao lưu với những người anh em, các quý vị đại biểu đại diện cho hàng trăm dòng họ, chi họ Đỗ, Đậu trong toàn quốc về thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An họp mặt, toạ đàm về văn hoá dòng họ Đỗ (Đậu) của chúng ta! 

Đây là vinh dự cả ngàn năm mới có, lần đầu tiên trong lịch sử có cuộc gặp mặt nghĩa tình anh em trong một nhà tại quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh!

Xin thay mặt toàn thể những người họ Đỗ (gọi là Đậu) khu vực Nghệ Tĩnh bày tỏ tình cảm xúc động và lời chúc mừng nhiệt liệt tới quý vị đại biểu: Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An, Sở Văn hoá Thông tin tỉnh Nghệ An, UBND thành phố Vinh, các đại biểu họ bạn, các đại biểu BLL họ Đỗ (Đậu) các địa phương trong toàn quốc và anh em trong tộc họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

Trước năm 1945 đế quốc Pháp từng coi đất Nghệ Tĩnh là: “hữu Nghệ Tĩnh bất phú, vô Nghệ Tĩnh bất bần” để có đối sách khắc nghiệt với con người Nghệ Tĩnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đất Nghệ Tĩnh là vùng đệm giữa hậu phương và chiến trường. Là nơi chứa bom đạn của kẻ thù. Đất Nghệ Tĩnh mà đặc biệt là thành phố Vinh cách đây hơn 30 năm (1964 – 1972) bom đạn giặc Mỹ tàn phá, gần như san bằng mọi căn nhà góc phố. Đến nay, mỗi tấc đất ở Nghệ Tĩnh, khi đặt nhát cuốc xuống dù là để sản xuất, hay xây dựng không nơi nào là không vướng phải mảnh bom đạn của quân thù.

Quê hương Nghệ Tĩnh có 4 mùa thì ba mùa khí hậu khắc nghiệt, năm nào bão lũ cũng tàn phá, mùa hè nắng nóng, gió Lào thiêu bỏng thịt da.

Nhưng người Nghệ Tĩnh nói chung và con cháu dòng tộc họ Đậu (Đỗ) nói riêng vẫn anh dũng đội trời, đạp đất, khắc phục mọi khó khăn gian khổ mới có được như ngày hôm nay! Trong gian khó, hiểm nguy trước bom đạn kẻ thù, con người Nghệ Tĩnh vốn anh dũng quật cường mà rất đỗi thuỷ chung vẫn thương yêu đùm bọc lẫn nhau, thì nay được sống trong hoà bình lại càng đoàn kết sáng tạo để cùng nhau xây dựng một xã hội văn minh, giàu đẹp. người Nghệ Tĩnh sống rất thật thà và quý trọng bạn bè. Đúng như có nhà thơ đã viết “Quen xứ Nghệ quen lâu, càng tình sâu nghĩa nặng.

Ăn xứ Nghệ ăn đậm, đã nói nói hết lòng”.

Đất và con người Nghệ Tĩnh là như vậy. Có lẽ vì những phẩm chất, tố chất đặt biệt ấy mà vua Quang Trung sau khi bình định xong giặc Thanh, dẹp yên nội loạn đã chọn đất và người Nghệ Tĩnh để có chủ trương xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô, phục vụ kế sách lâu dài của mình. Nghệ Tĩnh có hơn năm triệu người, trong đó dòng họ Đậu có: hơn 129 chi với hơn 6.592 hộ và hơn 30.418 khẩu.

Nhân dịp này xin thay mặt BLL họ Đậu (Đỗ) khu vực Nghệ Tĩnh bày tỏ lời cảm ơn tới Phó Giáo sư Đỗ Tòng, ông Đỗ Ngọc Liên, trưởng BLL họ Đỗ Việt Nam, Thường trực BLL họ Đỗ Việt Nam, cảm ơn anh em con cháu họ Đỗ (Đậu) toàn quốc đã bày tỏ tình cảm đồng thuận về việc tổ chức cuộc họp mặt anh em con cháu năm 2008 tại thành phố Vinh – Nghệ An.

Xin cám ơn UBND, Sở Văn hoá thông tin tỉnh Nghệ An, nhà hát dân ca Nghệ An và các ngành các cấp cùng anh em con cháu dâu rể trong họ đã quan tâm, động viên, giúp đỡ mọi mặt để tổ chức cuộc họp mặt này.

Xin chúc cuộc toạ đàm thành công tốt đẹp, xin kính chúc các quý vị đại biểu, quý vị BLL họ Đỗ Việt Nam và anh em con cháu trong tộc họ Đỗ (Đậu) về dự cuộc họp mặt này mạnh khoẻ, đoàn kết, vui vẻ làm ăn thành đạt.

Xin cảm ơn!

TM.BAN LIÊN LẠC HỌ ĐẬU KHU VỰC NGHỆ TĨNH

Luật sư Đậu Công Tuệ

2-  BÀI DIỄN VĂN CHÀO MỪNG

BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ KHU VỰC KHÁNH HÒA 

TẠI KỲ HỌP THƯỜNG NIÊN NGÀY 22 – 23/03/2008

Kính gửi: Thường trực BLL Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam     

               Thường trực BLL Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam

 

 Ông Đỗ Đình Dậu trưởng BLL khu vực Khánh Hòa

Ngày 22/03/2008 ( 15/02 năm Mậu Tý ) ngày đầu Xuân tại thành phố Vinh, Nghệ An quê hương của Bác Hồ kính yêu – Anh em họ Đỗ (Đậu) Việt Nam trên mọi miền đất nước và ở nước ngoài sẽ vui mừng phấn khởi cùng về họp mặt lần thứ 11 năm 2008. Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam khu vực Khánh Hoà xin có thơ chúc mừng

Trời Xuân – Nghệ – Tĩnh muôn hoa

Đón chào họ Đỗ (Đậu) – Chan hoà tình thương!

Thật vui mừng, cảm động, bà con họ Đỗ (Đậu), nhất là các Bác tuổi cao, sức yếu, không quản ngại đường xá xa xôi, vượt bao khó khăn, đem tình cảm của Chi, Dòng họ mình hoà nhập với đại gia đình họ Đỗ (Đậu) Việt Nam. Thật là:

Dù xa muôn vạn dặm đường

Vượt bao gian khó, hành hương về nguồn

Nắm tay giọt lệ mừng tuôn

Muôn cành, một gốc vui, buồn thương nhau!

Hơn 10 năm qua (tháng 04/1997 – 03/2008) thường trực Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam đã vượt bao khó khăn, thiếu thốn, luôn đổi mới, sáng tạo, có định hướng phù hợp, thiết thực, giúp các địa phương, khu vực thành lập được Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam, Hội đồng gia tộc làm được nhiều việc lớn, có ý nghĩa sâu sắc thực tế về tình cảm, tư tưởng, đạo đức, văn hoá, xã hội.

Với niềm vui mừng, phấn khởi, tự hào, đoàn kết và tin tưởng mỗi người họ Đỗ (Đậu) chúng ta tự nguyện làm một bông hoa đẹp, góp phần tô điểm cho vườn hoa của đại gia đình họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, muôn đời tươi thắm.

Xin có thơ chúc mừng:

Ban liên lạc nối nhịp cầu

Dắt dìu thế hệ đời sau về nguồn

Giàu sang, nghèo khó nhớ luôn

Rèn tâm, luyện đức giữ khuôn phép nhà

Mỗi người là một bông hoa

Muôn màu tươi thắm, đậm đà tình quê

Năm nay đến hẹn nhớ về

Ngày vui nhớ mãi miền quê Bác Hồ!

Xin chân thành cảm ơn!

TM.Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam

Khu vực Khánh Hoà

Trưởng Ban

Đỗ Đình Dậu

3- BÀI DIỄN VĂN CHÀO MỪNG

BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH VÀ VÙNG PHỤ CẬN

TẠI KỲ HỌP THƯỜNG NIÊN NGÀY 22 – 23/03/2008

 Kính gửi: Thường trực BLL Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam

               Thường trực BLL Họ Đỗ (Đậu) Việt Nam

Kính thưa quý vị Đại biểu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

BLL họ Đỗ TP.HCM và vùng phụ cận xin chúc mừng Hội nghị toàn thể BLL họ Đỗ Việt Nam lần đầu tiên tổ chức tại TP.Vinh – tỉnh Nghệ An, là quê hương của Bác Hồ. Xin kính chúc sức khoẻ Thường trực BLL họ Đỗ Việt Nam, chúc sức khoẻ bà con họ Đỗ (Đậu) Nghệ An cùng quý vị đại biểu và quý vị quan khách.

Sau cuộc họp lần thứ 10, đã một năm trôi qua, với nhiều biến động, thay đổi từ khắp mọi miền đất nước. Chúng ta hân hoan ghi nhận những thành quả vô cùng to lớn của họ Đỗ Việt Nam.

– Các di tích lịch sử họ Đỗ cần được bảo tồn, được công nhận là di tích lịch sử quốc gia gồm: khu Mộ cụ Đỗ Quý Thị, Gò Thiềm Thừ (TP Hà Đông, Hà Tây); Lăng Mộ Cụ Đỗ Thúc Tịnh (ứng Hoà Vang, Đà Nẵng); Nhà thờ họ Đỗ thôn Bằng Trung, Vĩnh Lộc, Thanh Hoá)…

– Nhiều nhân vật họ Đỗ có thành tích, có những cống hiến vượt bậc cho cộng đồng, có công với đất nước được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Ông PGS Đỗ Tòng (Nguyên Trưởng Ban LL họ Đỗ Việt Nam) được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba. Ông Đỗ Thành Thưởng được Hiệp hội Dừa Châu Á – Thái Bình Dương phong tặng danh hiệu Người trồng dừa giỏi nhất Việt Nam.

Ông Đỗ Quang Long (Bếp trưởng Khách sạn Đệ Nhất TP.HCM được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, TS Đỗ Khắc Thịnh (Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam) được trao tặng giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2007. Ông Đỗ Như Cẩn (Đại học Mỹ thuật TP.HCM) – tác giả tượng đài Bác Hồ tại TP Vinh (Nghệ An). Ông Đỗ Quốc Khánh (Đại học Xây dựng Hà Nội) được xưng tụng là “Thần đèn xứ Bắc”…

– Nhiều doanh nhân họ Đỗ từ gian khó làm nên sự nghiệp và giúp ích cho xã hội: Ông Đỗ Thành Tích (GĐ Công ty Tân Tín Thành) sáng tạo chất chống thấm. Ông Đỗ Duy Thái (TGĐ Công ty TNHH Thép Việt) từ cái nắp chai đến 1 tỷ USD…

– Tiếp tục có nhiều tấm gương học tập, vượt khó thật xuất sắc của con cháu họ Đỗ trong và ngoài nước.

Trong phát biểu nhân Lễ Hội kỷ niệm 10 năm thành lập BLL Họ Đỗ Việt Nam, chúng tôi đã có ý kiến tham gia cùng Hội nghị, một lần nữa trong dịp họp mặt lần này chúng tôi xin tiếp tục trao đổi những ý tưởng đó như sau:

a. Bổ sung tên gọi tổ chức và hoạt động họ Đỗ Việt Nam là BLL Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam, BLL Cộng đồng họ Đỗ khu vực, BLL Cộng đồng họ Đỗ địa phương… (Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam là bao gồm cả những nhân thân, thuộc các dòng họ khác kết hôn với họ Đỗ Việt Nam: con dâu, con rể, cháu ngoại…).

b. Bổ sung tôn chỉ, mục đích: Giáo dục và tạo điều kiện cho con cháu Họ Đỗ hiểu biết sâu rộng về nguồn cội, dòng họ và phát huy truyền thống Tổ tiên để lại.

– Phương châm hoạt động: Trân trọng quá khứ và hướng đến tương lai.

– Vận động các Doanh nhân, Doanh nghiệp họ Đỗ; các nhân vật Họ Đỗ có địa vị, uy tín trong xã hội tham gia vào BLL, đồng thời là Nhà Tài trợ cho hoạt động của Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam.

c. Hoàn thành Bản Quy ước Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam, đây là văn bản hệ thống toàn bộ những nội dung chúng ta đã thống nhất cho đến nay (hoặc bổ sung, nếu có) bao gồm:

+ Tôn chỉ, mục đích, phương châm.

+ Tổ chức và hoạt động.

+ Phổ biến rộng Biểu trưng họ Đỗ, ngày Họ Đỗ, Bài Tưởng niệm Liệt vị Tiên Tổ Họ Đỗ, Huy hiệu Họ Đỗ, Bài ca Họ Đỗ.

+ Tài chính và sử dụng quỹ (Quỹ Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam).

+ Quản lý và sử dụng tư liệu (sách, tài liệu, Email). Trong đó, bản quyền thuộc về Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam.

d. Chuyển Bản thông tin việc Họ Đỗ Việt Nam lưu hành nội bộ lâu nay thành Tập san Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam, phát hành rộng rãi và có giá bán cụ thể (xin giấy phép xuất bản). Các dòng họ, các BLL khu vực hoặc địa phương đặt mua dài hạn và trả tiền trước.

đ. Để tiếp tục phát huy hiệu quả của trang Web Cộng đồng họ Đỗ Việt Nam, cần nâng cấp trang thiết bị kỹ thuật và gia tăng lượng thông tin họ Đỗ ở nhiều vùng nhiều vùng miền trong và ngoài nước.

– Tư liệu về Cộng đồng Họ Đỗ Việt Nam cần phải bổ sung việc xác định vị trí. Tôn trọng vai trò và những đóng góp của Phụ nữ Họ Đỗ trong suốt chiều dài lịch sử 5000 năm qua.

– Qua vận động tài trợ, có nguồn quỹ thì dành phần thích đáng cho việc giáo dục, giúp đỡ con cháu Họ Đỗ noi gương tiền nhân.

Chúng tôi mong Hội nghị tiếp nhận và cùng có ý kiến tham gia.

Chúng tôi xin cảm ơn Thường trực BLL Họ Đỗ Việt Nam đã gửi lời mời BLL Họ Đỗ TP.HCM và vùng phụ cận tham dự Hội nghị.

Kính chúc bà con Họ Đỗ (Đậu) Nghệ An sức khoẻ, làm ăn phát tài có nhiều đóng góp hơn nữa cho Tộc Họ Đỗ Việt Nam .

Kính chúc tất cả quý vị cùng gia quyến an khang, thịnh vượng, hạnh phúc.

Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Kính chào trân trọng.

BLL Họ Đỗ TP.HCM và vùng phụ cận

Trưởng Ban

Đỗ Hữu Hằng

4. THAM LUẬN VỀ

NÀNG DÂU VÀ CON GÁI HỌ ĐỖ

BLL Họ Đỗ QUẢNG NAM & ĐÀ NẴNG

Tất cả những gì mà cha ông ta đã để lại qua lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước có thể khẳng định: Nét đặc sắc và nổi trội nhất trong toàn bộ đời sống con người và xã hội Việt Nam, đó là tình cảm và ơn nghĩa.

Truyền thống ấy được khơi nguồn từ gia đình và dòng họ. Bởi chính gia đình, dòng họ là mạch nguồn, là chiếc nôi ban đầu nuôi dưỡng và hình thành nhân cách con người Việt Nam nói chung và mỗi dòng họ nói riêng, theo những chuẩn mực truyền thống của giống nòi.

ở đây trong phạm trù Nàng dâu và Con gái họ Đỗ (theo chúng tôi dù nàng dâu hay con gái cũng đều là hình ảnh chung nhất của người phụ nữ Việt Nam, bởi vì con gái của nhiều họ khác về làm dâu họ Đỗ và ngược lại con gái họ Đỗ sẽ về làm dâu nhiều họ khác; người con gái có phẩm hạnh tốt, chắc chắn sẽ trở thành một nàng dâu tốt “dâu hiền là con gái” cho nên chúng tôi không tách riêng nàng dâu và con gái họ Đỗ, xem đây là đề tài chung cùng hội thảo). Xin mạo muội tỳ bày thiển ý của mình, kính mong quý vị góp ý.

Có người nói Gia đình, Dòng họ là tế bào của xã hội, tế bào lành mạnh, tất xã hội vững chắc và tiến bộ. Nói đến gia đình thì phải nói đến vai trò của người phụ nữ và những việc liên quan đến đạo vợ chồng: ngoài việc thuỷ chung, phải biết hoà thuận, tương kính lẫn nhau, mà chuẩn mực để giữ gìn hoà khí ở đạo vợ chồng thì trong cuộc sống dân gian đã có nhiều điều vô giá: “chồng nói vợ nghe”“một điều nhịn, chín điều lành”, hay “cơm sôi nhỏ lửa mới ngon”, hoặc “chồng em áo rách em thương” v.v…

Trong gia đình người chồng luôn là trụcột trong công việc nặng nhọc, hệ trọng, như cái nóc của ngôi nhà, thì người vợ như bông hoa, như nụ cười làm ấm áp không khí gia đình; ngoài bổn phận làm vợ còn có thiên chức làm cha, cho nên không chỉ có bổn phận, trách nhiệm với chồng con, mà với cả cha mẹ, họ hàng (dòng tộc) đó mới là người chu toàn và đảm đang.

Chính yếu tố gia đình và dòng họ đã hình thành nhân cách của người phụ nữ Việt Nam, trong đó có Nàng dâu và Con gái họ Đỗ, dòng họ chúng ta đã gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước, Đất nước đã trải qua biết bao biến thiên của thời gian cùng với nhiều cuộc chiến chinh để bảo tồn đất nước, giống nòi. Hiện tượng thường xuyên vắng nhà của người đàn ông để đi chiến đấu thì người vợ phải lo toan, quán xuyến mọi việc trong nhà kể cả việc dòng họ.

Anh ơi phải lính thì đi

Cửa nhà đơn chiếc đã thì có tôi…

Hoặc Anh ơi giữ lấy việc công

Để em cày cấy mặc lòng em đây…

Người phụ nữ hiểu rằng: nước mất thì nhà tan do đó người vợ sẵn sàng nhận thêm phần việc của người đàn ông, cho dù có nặng nhọc đến đâu để người chồng an lòng đi chiến đấu bảo vệ non sông.

Khi đất nước thanh bình, người phụ nữ nhất là những người vợ cũng chẳng bao giờ được thảnh thơi, nếu không “đồng cạn, đồng sâu” thì cũng chăn tầm, dệt cửi để cho chồng lo dùi mài kinh sử

Trai thì đọc sách ngâm thơ

Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa

Hay Xin chàng kinh sử học hành

Để em cày cấy cửi canh kịp người…

Trước những hoàn cảnh và điều kiện như thế, người phụ nữ Việt Nam nói chung, nàng dâu và người con gái họ Đỗ nói riêng nếu không có một tinh thần làm chủ, một ý thức cộng đồng, một năng lực chủ động và tích cực, thì họ vẫn không gánh vác nổi vai trò quan trọng trong gia đình. Chính sự tham gia tích cực của họ đã biểu lộ và chứng minh những phẩm chất tinh thần của họ. Sự sẵn sàng gánh vác công việc chung, sẵn sàng vì chồng con, dòng họ, đây là một đức tính truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, có phần của những nàng dâu và con gái họ Đỗ. Là một người vợ, ngoài tình nghĩa thuỷ chung, nghĩa vụ với chồng con còn gánh vác luôn nghĩa vụ của người chồng đối với gia đình, dòng họ.

Lấy gì đóng góp cho chồng

Lấy gì giỗ chạp Thổ công, ông bà

Lấy gì nuôi mẹ nuôi cha

Lấy gì thu xếp việc nhà chàng ơi…

Cũng vì quá thương chồng nên người vợ luôn sẵn sàng:

Thương chồng nên phải gắng công

Nào ai da sắt xương đồng chi đây?…

Hay Có con phải khổ vì con

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng…

Nghĩa vụ và trách nhiệm làm con, làm vợ, làm dâu trong suốt một đời người phụ nữ thật nặng nề, bận rộn. Chính nhờ những đức tính truyền thống tuyệt vời đó mà nhiều nàng dâu và con gái họ Đỗ trong thời đại đã đóng góp rất nhiều cho quê hương, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sẵn sàng gánh vác hết mọi chuyện trong gia đình để chồng yên tâm làm nhiệm vụ, cũng có người trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù.

Trong hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có hàng ngàn nàng dâu và con gái họ Đỗ Việt Nam hy sinh và mất mát. Rất nhiều người đã trở thành Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tại quê hương Quảng Nam & Đà Nẵng chúng tôi chiến tranh xảy ra ác liệt, có nhiều nàng dâu và con gái họ Đỗ đã hy sinh trong chiến tranh, ban liên lạc chúng tôi chưa thống kê cụ thể nhưng ít nhất cũng có hơn 50 ngàn vừa là liệt sĩ vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Chẳng hạn như tộc Đỗ Như làng Phong Lục xã Điện Thắng Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam có nàng dâu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng tên là Nguyễn Thị Luốt (Đước). Bản thân bà và chồng cùng 03 con trai, 01 con dâu đều tham gia vào sự nghiệp “Giải phóng dân tộc, thống nhất tổ quốc”, đã từng chịu nhiều hy sinh gian khổ, từng bị kẻ thù tù đày, tra tấn dã man, nhưng bà đã nêu cao ý chí quật cường, tiến công và trở thành biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, góp phần tô đậm truyền thống đấu tranh vẻ vang trên mảnh đất Quảng Nam – Đà Nẵng trung dũng kiên cường”.

Năm 1968 chồng của bà ông Đỗ Như Hết đã hy sinh trong “chiến dịch Tết Mậu Thân”. Khi chồng hy sinh, các con còn nhỏ, nhà cửa tan hoang bởi vì bom đạn thường xuyên trút xuống, chiến tranh vô cùng khốc liệt.

Biết bao gian nan khốn khó đến với bà, nhưng lòng căm thù quân giặc đã làm trỗi dậy ý chí quật cường, không khuất phục trước giặc thù bà đã bám đất, bám làng, tảo tần hôm sớm làm lụng nuôi con. Lần lượt 03 người con của bà cũng tham gia vào hàng ngũ cách mạng khi tuổi đời còn rất trẻ. Sau năm 1968 chiến tranh càng ngày càng ác liệt, 03 người con của bà đã lần lượt hy sinh. Đây cũng là hình ảnh tiêu biểu của nàng dâu họ Đỗ Quảng Nam – Đà Nẵng đã biết hy sinh gia đình, đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Từ những điều nêu trên, chúng ta thấy những nàng dâu và con gái họ Đỗ là những người sống chết gắn bó rất chặt chẽ với gia đình về mọi mặt, và đấy là những người nội trợ có tinh thần đảm nhiệm, phụ trách rất cao. Đảm nhiệm, phụ trách nền kinh tế gia đình.

Đảm nhiệm, phụ trách giềng mối của gia đình, toàn bộ thể chế và nội dung tinh thần của gia đình, đây chính là lĩnh vực kết tinh những thuộc tính đặc sắc của người phụ nữ nội trợ Việt Nam nói chung và những nàng dâu, những người con gái họ Đỗ nói riêng. ở đây họ là những người vợ thuỷ chung trọn vẹn với chồng, hy sinh trọn vẹn cho con cái.

Họ chính là những nàng dâu, con gái nết na, thảo hiền đối với cha mẹ, ông bà, các bậc bề trên và chính họ là những người rèn luyện cho con cháu (lớp tuổi dưới) những phẩm hạnh, đức tính của người vợ đối với người chồng tương lai của mình.

Nàng dâu hay con gái, họ đều là phụ nữ. Họ luôn là những người chịu thiệt thòi, luôn chịu đựng, gánh vác và quản lý gia đình. Đó là một nghĩa vụ cao cả. Sự cao cả này có ý nghĩa đạo đức lớn, nhưng chính cũng vì đạo đức mà cần phải tiếp sức và đền bù xứng đáng cho sự hy sinh cao cả đó, không nên coi đó là bổn phận tất yếu của nàng dâu và con gái họ Đỗ chúng ta.

Xin chúc các nàng dâu, con gái họ Đỗ (Đậu) mạnh khoẻ, hạnh phúc, làm ăn tấn tới, nuôi con khoẻ dạy con ngoan.

Đà Nẵng, ngày 20 tháng 3 năm 2008

BLL Họ Đỗ QN & ĐN

cac_dau_ho_do

5. BÀI PHÁT BIỂU

Của ông Đỗ Ngọc Dương thay mặt

Dòng họ Đỗ Quý Công ở thôn Nội Doanh, xã Đông Ninh,

huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên

– Kính thưa các quý vị Khách quý!

– Kính thưa các vị đại diện các dòng họ Đỗ trong cả nước.

 Ông Đỗ Ngọc Dương phát biểu đóng góp ý kiến cho hoạt động của BLL

Tôi xin nhiệt liệt chúc mừng những kết quả tốt đẹp mà Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam và ban liên lạc họ Đỗ các địa phương đã đạt được hơn 10 năm qua. Để phát huy những kết quả đã đạt được và động viên ngày càng rộng rãi các con, cháu họ Đỗ đóng góp được nhiều vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Tôi xin đóng góp một số ý kiến sau đây về hoạt động của Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam và Ban liên lạc họ Đỗ ở các địa phương cả nước trong những năm tới như sau:

1. Về tôn chỉ, mục đích hoạt động của Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam, tôi đề nghị đoạn cuối cùng viết lại như sau:

“Đây cũng là sự đóng góp cùng cộng đồng các dân tộc nước ta trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

2. Để mở rộng các hoạt động đến các chi họ Đỗ ở tất cả các địa phương của các tỉnh, tôi đề nghị.

– Các cuộc họp mặt hàng năm nên tổ chức luân phiên ở các tỉnh, chỉ họp ở Hà Nội những năm chẵn như 15 năm, 20 năm…

– Tại mỗi cuộc họp hàng năm, Ban tổ chức nên thông báo qua vô tuyến truyền hình của tỉnh mình để mời tất cả các chi họ Đỗ ở các địa phương trong tỉnh đến dự cuộc họp mặt và tại buổi khai mạc cuộc họp nên mời vô tuyến truyền hình đến đưa tin để các chi họ Đỗ nếu không đến dự cũng biết được sự kiện này. Muốn làm được việc này, trước hết các Ban liên lạc phải xây dựng quỹ cho hoạt động của mình.

3. Để nâng cao chất lượng các bản tin hàng tháng hoặc hàng quý, ngoài mục đích thông tin về hoạt động của các dòng họ Đỗ trong cả nước, còn nhằm mục đích giáo dục con cháu họ Đỗ học tập những tấm gương tốt của các dòng họ Đỗ ở các địa phương của các tỉnh, thành. Muốn vậy tôi đề nghị nội dung bản tin nên nêu những tấm gương tốt của các con cháu họ Đỗ, về toàn diện các mặt, đặc biệt là những tấm gương vượt khó trong học tập, xoá đói, giảm nghèo, làm giàu, lòng nhân ái, chống tiêu cực…

4. Tôi đề nghị Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam thảo luận với Hiệp hội các dòng họ Việt Nam để đặt vấn đề với các cơ quan thông tin đại chúng, chủ yếu là vô tuyết truyền hình và Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam trong các bản tin hàng ngày hoặc hàng tuần có chuyên mục nói về hoạt động của các dòng họ của nước Việt Nam, đặc biệt là nêu những tấm gương về người tốt, việc tốt của các dòng họ.

Trên đây là một vài suy nghĩ và gợi ý của tôi, đề nghị các vị trong Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam xem xét.

Tôi xin kính chúc các vị và gia đình một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng và vạn sự như ý.

Xin chúc Hội nghị thành công.

Xin chân thành cảm ơn!

Nguồn hodovietnam.vn