Báo cáo tổng kết của thường trực BLL họ Đỗ-Đậu năm 2007

Báo cáo tổng kết của thường trực BLL họ Đỗ-Đậu năm 2007 E-mail
28/06/2008

1. BÁO CÁO TỔNG KẾT CỦA THƯỜNG TRỰC

BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM

TẠI KỲ HỌP THƯỜNG NIÊN NGÀY 22 – 23/03/2008

(TỨC NGÀY 15-16 THÁNG 02 NĂM MẬU TÝ)

– Kính thưa các vị Quý khách!

– Kính thưa các vị đại biểu!

– Kính thưa các vị trưởng lão, trưởng tộc, trưởng ban liên lạc các khu vực và vùng phụ cận!

– Kính thưa bà con, cô bác dòng tộc Đỗ (Đậu) trong và ngoài nước!

Thay mặt thường trực Ban liên lạc họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, tôi xin gửi tới các vị Quý khách, các vị Đại biểu và bà con, cô bác dòng tộc Đỗ (Đậu) trong và ngoài nước lời chúc mừng nhiệt liệt nhất!

Cuộc họp thường niên của BLLHĐVN lần thứ XI được tổ chức tại TP Vinh tỉnh Nghệ An: Quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô vàn kính yêu, một trong những cái nôi lớn của cách mạng Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào về một vùng quê mà bà con họ Đỗ (Đậu) đã sinh tụ, tồn tại và phát triển hàng ngàn năm trên mảnh đất này.

Cho phép tôi bày tỏ lời cảm ơn của BLLHĐ Đỗ (Đậu) Việt Nam đến các vị đại diện Lãnh đạo Đảng, Chính quyền và Đoàn thể của TP Vinh tỉnh Nghệ An đã tạo điều kiện cho dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam khắp mọi miền đất nước về đây gặp mặt thân tình, ruột thịt chung một huyết thống dòng họ.

Xin cảm ơn các vị trong Ban liên lạc và bà con họ Đậu TP Vinh tỉnh Nghệ An đã đem hết sức mình, tạo điều kiện thuận lợi, lo việc tổ chức để đại diện bà con họ Đỗ (Đậu) cả nước có ngày họp mặt đông đủ.

Xin cảm ơn tất cả các vị Quý khách, các vị Đại biểu đã dành cho dòng tộc họ Đỗ (Đậu) Việt Nam một ngày gặp mặt hiếm có như hôm nay.

Xin cảm ơn các vị Trưởng ban liên lạc họ Đỗ (Đậu) các khu vực và vùng phụ cận; Các vị Trưởng lão, Trưởng tộc và bà con, cô bác họ Đỗ (Đậu) Việt Nam từ các tỉnh địa đầu Tổ quốc Hữu Nghị Quan đến Mũi Cà Mau; từ cao nguyên Đăk Lăk đến miền biển Thái Bình dặt dìu sóng lúa đã về đây, tay trong tay mừng vui khôn xiết.

Ngày 08 tháng 04 năm 2007 BLLHĐVN đã họp mặt kỷ niệm 10 năm thành lập BLLHĐVN, cuộc họp mặt đánh dấu một bước trưởng thành của Họ Đỗ trong 10 năm qua. Phó Giáo sư Đỗ Tòng là người có nhiều đóng góp cho dòng họ Đỗ Việt Nam. Ông là người đầu tiên góp công đào tạo một thế hệ Ban liên lạc mới để kế tiếp sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững. Ban liên lạc mới đã đề nghị Phó Giáo sư ở lại với cương vị là TRƯỞNG HỌ DANH DỰ của các dòng họ Đỗ Việt Nam và là: CỐ VẤN ĐẶC BIỆT CỦA THƯỜNG TRỰC BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ VIỆT NAM.

Cũng nhân dịp này, chúng tôi xin trân trọng thông báo để bà con, cô bác dòng tộc Đỗ (Đậu) trong và ngoài nước được biết.

– Theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ tại tờ trình số 1333/TTG-TCCB ngày 18 tháng 09 năm 2007, Chủ tịch nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết đã quyết định tặng Huân chương Độc lập Hạng Ba cho Ông Đỗ Tòng: Cán bộ Tiền khởi nghĩa, nguyên Vụ trưởng Vụ tuyên truyền, Ban tư tưởng văn hoá Trung ương (nay là Ban tuyên giáo Trung ương) đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Từ tháng 05 năm 2007 BLLHĐVN mới đã kế thừa sự hoạt động của BLLHĐ (Đậu) Việt Nam thế hệ trước – thế hệ BLL đầu tiên của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam để cùng nhau gắn bó một lòng, tri ân tiên tổ, đem hết sức mình lấy Tâm, lấy Đức để làm việc Họ.

Thư ngỏ ngày 02 tháng 11 năm 2007 BLLHĐVN đã tổng kết: 10 việc lớn chúng ta đã làm được, trong 10 năm qua và những việc làm từ năm 2007 đến tháng 03 năm 2008 (đã đăng trong bản tin HĐVN số 26, trang 15, 16).

– Một việc lớn có ý nghĩa thiêng liêng với dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam vừa qua và hiện nay còn đang tiếp tục là yêu cầu giữ lại khu gò mộ (gọi là Gò Thiềm Thừ) nơi có 08 ngôi mộ của các vị tiên tổ HĐVN gọi là: Bát Bộ Kim Cương.

BLLHĐVN đã gửi đơn thư tới Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN và UBND tỉnh Hà Tây, làm việc với UBND TP Hà Đông, Sở Xây dựng TP Hà Đông, Ban quản lý Dự án Công ty cổ phần đầu tư phát triển Đô thị và khu công nghiệp Sông Đà; UBND xã Văn Khê, MTTQ xã Văn Khê đại diện họ Đỗ thôn Văn La, đại diện người cao tuổi thôn Văn La đề nghị, không được phá khu gò mộ này để lấy đất xây dựng khu nhà ở TP Hà Đông.

– Đây là di tích lịch sử mang tầm Quốc gia – không phải chỉ riêng của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, mà là di tích gắn liền với Tổ tiên đất Việt. Theo các thư tịch cổ hiện còn lưu giữ, 08 vị Bát Bộ Kim Cương là 08 người cậu ruột của Lộc Tục – Kinh Dương Vương, đã có công nuôi dạy Lộc Tục – Kinh Dương Vương từ khi còn nhỏ tới tuổi trưởng thành, lập nước Xích Quỷ: Khởi đầu triều đại lịch sử nhà Hùng.

– Tại các địa phương việc “Vấn Tổ Tìm Tông” đã đặc biệt chú trọng.

Xin thông báo với bà con dòng tộc Đỗ (Đậu) một số tin vui, gần đây của họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

– Ngày 03 tháng 08 năm 2007: Bộ Văn hoá, Thông tin đã quyết định việc xếp hạng di tích Quốc gia: Di tích lịch sử Mộ cụ Đỗ Thúc Tịnh, xã Hoà Khương, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng là nhà yêu nước, chiến sỹ tiên phong trong trào Cần Vương chống Pháp (1818 – 1826). Công tích của Cụ đã được in trong sách họ Đỗ Việt Nam tập 1 (trang 339 – 343 và ở tập 2 trang 495 – 502).

+ Ngày 23 tháng 02 năm 2008: Nhà thờ họ Đỗ thôn Bồng Trung, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá được công nhận là Di tích lịch sử văn hoá cấp Nhà nước.

Đây là niềm tự hào chung của dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

– Một năm qua có nhiều hoạt động hữu ích cho dòng họ:

Tháng 08 năm 2007 Bà Đỗ Hoài Thu, một Việt kiều tại Đức, đã gặp BLLHĐVN và xin được nhận nhiệm vụ là thành viên BLLHĐVN hoạt động tại LB Đức và vùng phụ cận. Bà Đỗ Hoài Thu hiện công tác trong Ban hoà giải phụ nữ ở TP Lép Dzích (LB Đức).

Về đầu tư của bà con họ Đỗ Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam:

Có 03 anh em họ Đỗ (Đỗ Quân) định cư tại Ba Lan đã đầu tư xây dựng “Làng Châu Âu ở Việt Nam” tại Mỗ Lao, Hà Đông với số vốn là: 60 triệu USD.

      • Hoạt động của hội khuyến học:

 

Các dòng họ Đỗ (Đậu) trong cả nước đã động viên con cháu trong học tập. Việc khen thưởng cuối năm rất kịp thời cho con cháu học giỏi ở các cấp. Vì quỹ khen thưởng của các hội khuyến học còn eo hẹp, nên cần phải biểu dương về mặt tinh thần để các cháu cố gắng phấn đấu trong học tập.

    • Hoạt động của bản thông tin việc họ Đỗ Việt Nam

Tính đến thời điểm này (tháng 03 nâm 2008) Bản tin họ Đỗ Việt Nam vẫn ra đều theo kỳ hạn (được 26 số). Đảm bảo mỗi Quý ra được một bản tin.

 

    • Về nội dung:

+ Đã có sự cải tiến, chất lượng ngày càng tốt hơn.

+ Về hình thức trình bày: đẹp hơn, nhiều ảnh màu.

Ban biên tập xin chân thành cảm ơn các dòng họ, các thành viên đã gửi nhiều bài, thông tin về Tộc họ mình, gương người tốt việc tốt, các bài NHẠC, THƠ, ẢNH,…, đến Ban biên tập. Nhưng vì số trang bản thông tin có hạn, chúng tôi sử dụng dần những bài có nội dung tốt, sát với tôn chỉ mục đích của BLL vào những bản tin số tiếp theo.

Ban biên tập trân trọng cảm ơn và biểu dương những vị Họ Đỗ đóng góp cho bản tin:

– Ông Bạch Liên (tức Đỗ Văn Hạnh) ở TP Cần Thơ.

– Ông Đỗ Văn Tập ở TP.HCM

– Ông Đỗ Minh Liên – TBLL họ Đỗ Quảng Ngãi

– Nhà thơ Vũ Nam (tức Đỗ Hinh) ở Cát Hải – Hải Phòng

– Nhà thơ Hà Bàng (tức Đỗ Văn Bàng) ở Nha Trang

– Nhà thơ Đỗ Viết Tuyển ở Hoà Bình

– Nhà thơ Đỗ Văn Trí ở Đông Hoà, Phú Yên

– Ông Đỗ Đợi ở Gia Lâm, Hà Nội

– Ông Đỗ Ngung ở Dục Tú, Đông Anh.

– Các vị trong Ban liên lạc khu vực và các vùng phụ cận, các cộng tác viên: Đỗ Hữu Hằng ở TP.HCM – Đỗ Đình Dậu ở TP.Nha Trang – Đỗ Thấn ở Hà Tây – Cụ Đỗ Hữu Giêng ở Tuyên Quang… và nhiều vị khác nữa.

Xin cảm ơn và mong nhận được nhiều bài của các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, sưu tầm, các hậu duệ của tổ tiên các dòng tộc Đỗ (Đậu) trong cả nước.

Về trang thông tin điện tử (Website) họ Đỗ Việt Nam: 

– Đã cố gắng cập nhật đều đặn, thường xuyên tin về các dòng tộc và truy cập những thông tin, những bài nghiên cứu về lịch sử, về gia giáo có giá trị. Số lượng người truy cập vào mạng Website họ Đỗ Việt Nam trong và ngoài nước, cả họ bạn mỗi ngày tăng lên rất nhanh.

– Về kỹ thuật: Do kinh phí và số người chuyên trách có hạn nên việc nâng cấp gặp nhiều khó khăn và còn nhiều nhược điểm thiếu sót:

1. Hình thức còn sơ sài.

2. Bố cục chưa chặt chẽ.

3. Màu sắc, hình ảnh bố trí chưa thật hợp lý.

4. Còn nhiều sai sót về ngữ văn, chính tả…

Nhưng rất mừng là đã có nhiều cháu họ Đỗ mong muốn đóng góp để khắc phục những hạn chế trên.

– Hãng phim thời sự, tài liệu TW Việt Nam đã cử đoàn làm phim đến quay một số tư liệu về các hoạt động của BLLHĐVN. Đặc biệt quay thực tế buổi làm việc của các vị tự nguyện phụ trách trang Website. Hiện nay, vẫn không có kinh phí, tài chính và thù lao cho những vị hàng ngày lo về trang Web, hoàn toàn làm việc tự nguyện vì Tổ Tiên, vì Dòng Họ. Đây còn là khó khăn lâu dài của BLLHĐVN.

Các vị đạo diễn và quay phim thuộc hãng phim Tài liệu khoa học TW cũng rất bất ngờ về trang Web của một dòng họ được thực hiện do tự nguyện. Từ hai bàn tay trắng mà vẫn duy trì được sự tồn tại đều đặn (mặc dù còn nhiều hạn chế) được gần 2 năm.

TT Ban liên lạc thay mặt bà con dòng họ Đỗ Việt Nam nhiệt liệt biểu dương ông Đỗ Quang Hoà: Phó BLLHĐVN – Chuyên trách trang Web đã có nhiều đóng góp, bỏ ra nhiều công sức thời gian và tiền của, cho trang Web họ Đỗ Việt Nam.

Nhiệt liệt biểu dương anh Đỗ Mạnh Trường đang công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam đã tự nguyện là thành viên, làm phó ban điều hành trực tiếp trang Website. Trong khi anh Trường vừa phải lo công việc của cơ quan, vừa lo gia đình mới xây dựng, con còn rất nhỏ.

Tại cuộc họp mặt năm nay, chúng ta sẽ trao đổi về:

1. Vai trò của nàng dâu họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

2. Vai trò của những người con gái họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

3. Tìm hiểu sâu về lịch sử cội nguồn họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

4. Định hướng mục tiêu, tổ chức, phương châm hoạt động của dòng họ sắp tới.

Thay mặt Thường trực BLLHĐVN, tôi xin tuyên bố khai mạc buổi họp mặt hàng năm lần thứ XI tại TP Vinh – tỉnh Nghệ An của các dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam.

Chúc cuộc họp thành công tốt đẹp! Chúc các Quý khách, các vị Đại biểu và bà con, cô bác dòng tộc Đỗ (Đậu) về dự cuộc họp hôm nay mạnh khoẻ, vạn sự như ý!

Xin cảm ơn!

TM/BAN LIÊN LẠC HỌ ĐỖ (ĐẬU) VIỆT NAM

Trưởng Ban

Đỗ Ngọc Liên

 2- BÁO CÁO HOẠT ĐỘNG

HOẠT ĐỘNG BAN LIÊN LẠC HỌ ĐẬU KHU VỰC NGHỆ TĨNH

Kính thưa quý vị!

Báo cáo này không phải là báo cáo tổng kết của cơ quan hành chính hoặc của tổ chức chính trị xã hội. Vì BLL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh là tổ chức hoạt động tự tâm, tự nguyện, đồng lòng, đồng thuận không mang tính quyền lực, hoặc là cấp trên đối với chi họ Đậu trong khu vực.

Phương pháp hoạt động của BLL là mang tính chất tuyên truyền vận động, làm cho anh em con cháu trong họ Đậu thấy tốt, đẹp và phù hợp thì thực hiện; BLL không trực tiếp làm thay, BLL không phải là bộ máy ra chỉ thị, mệnh lệnh và càng không có một điều kiện về tài chính nào để bảo đảm thực hiện mục tiêu tuyên truyền vận động hoặc các hướng dẫn đó.

Ban liên lạc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh được thành lập từ tháng 5/1988. Buổi đầu vào tháng 5 năm 1986, các Cụ cao niên của các chi họ Đậu ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, TP Vinh, họp bàn việc tổ chức, đoàn kết xây dựng việc họ Đậu nhưng chưa ngã ngũ là theo mô hình nào. Đến năm 1988 các cụ địa phương trên và có mời các cụ ở Cẩm Xuyên, Can Lộc, Thạch Hà, Thanh Chương, Nghi Xuân tổ chức họp tại nhà thờ chi họ Đậu Doãn ở thành phố Vinh.

Cuộc họp nhất trí lấy tên là Hội đồng gia tộc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh bên cạnh HĐGT bầu các cụ cao niên biết đọc và viết chữ Hán Nôm vào Hội đồng cố vấn. Mục tiêu hoạt động ban đầu do Hội đồng gia tộc họ Đậu đề ra là nhằm tìm hiểu gia phả và từ đó chắp nối các Chi Họ để tìm ra chi trên nhành dưới, anh em trong họ.

Điểm đáng lưu ý là Hội đồng gia tộc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh Khi mới thành lập đã gặp thời cơ thuận lợi, nhờ đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước có chủ trương tìm về cội nguồn văn hoá dân tộc (mà trong sâu thẳm của nền văn hoá dân tộc là văn hoá dòng họ, hay nói cách khác văn hoá dòng họ là sức sống, là hạt nhân của văn hoá dân tộc.

Dân tộc Việt Nam vấn đề gia đình được gắn rất mật thiết với huyết thống dòng họ. Vì vậy khi nói chuyện với sinh viên Đại học Hà Nội, Tổng thống Hoa Kỳ đã phải thú nhận rằng Mỹ thua Việt Nam là thua ở nền văn hoá.

I. Hoạt động của các chi dòng họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh

Bảy năm, sau khi ra đời với tên gọi và vai trò Hội đồng gia tộc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh đã hoàn thành sứ mệnh nhưng không còn thích hợp nữa, vì chính ngay tên HĐGT đã thấy rõ phần khó khăn, hạn chế bởi điều kiện, hoàn cảnh, lịch sử, địa lý thực tế không thể nào đạt được yêu cầu phân biệt chi trên nhành dưới rành mạch rõ ràng, một khi không thể thực hiện được kế hoạch đã đề ra người ta dễ chán nản sớm muộn sẽ tan rã, hoặc có thể đi đến bất đồng anh em. Hoà trong xu thế hoạt động của cộng đồng các dòng họ Ban liên lạc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh đã ra đời, vừa mang tính kế thừa và đổi mới từ vai trò HĐGT + HĐCV dần đi đến BLL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh là tất yếu.

BLL có con dấu để hoạt động đối nội, đối ngoại. Cho đến nay BLL đã tìm hiểu được 129 chi, dòng họ Đậu trong hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh. Bao gồm:

– Quỳnh Lưu = 28 chi

Diễn Châu = 30 chi

Yên Thành = 7 chi

– Đô Lương = 11 chi

Nghi Lộc + Cửa Lò = 8 chi

TP Vinh = 4 chi

– Hưng Nguyên = 8 chi

Thanh Chương = 5 chi

Tân Kỳ = 3 chi

– Đức Thọ = 3 chi

Can Lộc = 3 chi

Hương Sơn = 2 chi

– Cẩm Xuyên = 2 chi

Thạch Hà = 2 chi

Kỳ Anh = 5 chi

– Nghi Xuân = 3 chi

Anh Sơn = 2 chi

Nghĩa Đàn = 2 chi

– Hương Khê = 1 chi

Hơn hai mươi năm qua những mục tiêu, các chủ trương hoạt động của BLL đã thấm vào tư tưởng và trở thành hành động của nhiều người con cháu trong dòng tộc họ Đậu. Những chi họ Đậu trước đây chưa có nhà thờ hoặc từ đường thì nay đã được xây dựng, những chi họ do hoàn cảnh phải di dời khu dân cư theo chủ trương chung nên nhà thờ sau khi dỡ đã ghép vào chung nhà ở của tộc trưởng nay cũng được anh em con cháu xây tách riêng ra bề thế trang nghiêm (Diễn Châu, Yên Thành, Nghệ An).

Có chi họ vì lý do tế nhị “cuộc sống” phải ly hương làm ăn sinh sống nơi xa nên bỏ hoang phế vườn tược, để nhà thờ họ xuống cấp, không hương khói phụng thờ. Sau khi tiếp thu tuyên truyền của BLL “Thà ly hương không ly tổ” đã về tu bổ, xây lại tường bao bảo vệ, sửa sang nhà thờ, cử người trông coi hương khói, tâm linh cho tổ tiên (Nghi Xuân – Hà Tĩnh).

+ Về thực hiện chủ trương tu bổ sửa sang mồ mả tổ tiên:

Đến nay 129 chi họ Đậu trong khu vực đã sửa sang tu bổ mộ phần tổ tiên rất khang trang. Những chi họ do anh em con cháu có điều kiện, xây dựng khu vực ngôi mộ Tổ bề thế, trang nghiêm (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Đô Lương, Vinh – Nghệ An, Can Lộc, Nghi Xuân, Hà Tĩnh). + Về thực hiện chủ trương viết, biên soạn gia phả:

Nhiều chi họ đã tích cực bố trí và cử người có học thức, tìm, bổ sung, sao chép, cập nhật các thông tin cần thiết vào gia phả của Chi Họ mình, thậm chí Chi Họ có điều kiện đã in kèm theo ảnh minh hoạ rất sinh động. Nhiều chi họ còn thường xuyên trao đổi thông tin cùng BLL họ Đậu khu vực.

BLL họ Đỗ Việt Nam đã rộng đường tìm kiếm thông tin, tìm các vị bề trên vì lý do này nọ mà xa phương, nay thất truyền để chắp nối gia phổ, tìm nhận anh em (Điển hình như chi họ Đậu thôn Mỹ Hoà xã Quỳnh Mỹ, Quỳnh Lưu. Chi 2 họ Đậu thôn Phú Trung, Diễn Thành, Diễn Châu; Chi họ Đậu Doãn phường Trung Đô, Bến Thuỷ Vinh, chi họ Đậu Bá xã Tràng Sơn, Đô Lương, Nghệ An; Chi họ Đậu Thường Nga, Phú Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh…). + Về chủ trương thực hiện các mục tiêu xã hội:

Cho đến nay nhiều chi họ bên cạnh hội đồng gia tộc đã thành lập Ban khuyến học của chi họ, vận động và lập được quỹ khuyến học, khuyến tài đồng thời nắm chắc danh sách những người học giỏi, thi đỗ đạt vào đại học… là học sinh vượt khó học giỏi vào dịp hàng năm nhân năm mới, hoặc ngày huý kỵ. Ban khuyến học dâng danh sách trình, báo công với tổ tiên và phát phần thưởng động viên con cháu có thành tích trong học tập hoặc có ý chí tự thân lập nghiệp (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc).

Có chi họ đã phối hợp cùng Ban Mặt trận tổ quốc, Đoàn thể ở địa phương để quyên góp tiền và công sức để xây dựng nhà tình nghĩa cho hộ gia đình trong chi họ có hoàn cảnh nghèo khó nhà cửa rách nát, (Diễn Thành, Diễn Châu).

+ Vấn đề “hiếu – hỷ”: Nhiều chi họ đã đưa hẳn những quy định về vấn đề quan tâm chăm sóc, thăm hỏi khi có người trong chi họ đau ốm, quy định việc ma chay, tổ chức tang lễ làm “việc hiếu” khi có người qua đời, quy định việc cưới gả, tổ chức “việc hỷ” vào tộc ước để tất cả mọi người trong chi họ cùng thực hiện đầy đủ tránh tình trạng không tự giác, mạnh ai nấy làm (Quỳnh Lưu, Diễn Châu).

+ Vấn đề thực hiện mục tiêu xây dựng dòng họ Văn hoá:

Cho đến lúc này họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh chúng ta đã có 3 chi họ Đậu phấn đấu đạt tiêu chuẩn và được UBND huyện công nhận là chi họ Văn hoá và hiện nay nhiều chi họ đang làm thủ tục đăng ký phấn đấu để trở thành chi họ Văn hoá (Quỳnh Lưu, Diễn Châu). Đây là mục tiêu phấn đấu của dòng họ Đậu chúng ta xuyên suốt thời gian của quá trình hoạt động văn hoá dòng họ.

II. Hoạt động của BLL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh

+ Ban LL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh đến nay gồm có:

1. Ông Đậu Xuân Mai: Trưởng Ban – thường trực BLL (Diễn Ngọc)

2. Ông Đậu Công Tuệ: Phó ban – thư ký – thường trực BLL (Diễn Thành)

3. Ông Đậu Đình Dung: Phó ban trực – thường trực BLL (Thanh Chương)

4. Ông Đậu Chu Bính: Phó Ban – sưu tầm – thường trực BLL (Diễn Lâm)

5. Ông Đậu Đình Hồng: Uỷ viên – thường trực BLL (Nam Đàn)

6. Ông Đậu Cương: Uỷ viên – thường trực BLL (Hưng Nguyên)

7. Ông Đậu Xuân Đồng: Uỷ viên – thường trực BLL (Can Lộc)

8. Ông Đậu Xuân Cầm: Uỷ viên – thường trực BLL (Can Lộc)

9. Ông Đậu Xuân Mai: Uỷ viên – thường trực BLL (Chi Nghi Phương)

10. Ông Đậu Phi Lựng: Uỷ viên (Quỳnh Lưu)

11. Ông Đậu Doãn Thanh: Uỷ viên (TP Vinh)

12. Ông Đậu Bá Minh: Uỷ viên (Đức Thịnh – Đức Thọ)

13. Ông Đậu Xuân Hoa: Uỷ viên (Xuân Viên – Nghi Xuân)

14. Ông Đậu Xuân Thông: Uỷ viên (Diễn Tháp – Diễn Châu)

15. Ông Đậu Quang Khánh: Uỷ viên (Thanh Giang – Thanh Chương)

16. Ông Đậu Văn Chiến: Uỷ viên (Quỳnh Phương – Quỳnh Lưu)

17. Ông Đậu Văn Thảo: Uỷ viên (Nghi Tân – Cửa Lò)

18. Ông Đậu Văn Vinh: Uỷ viên (Nghi Tân – Cửa Lò)

19. Ông Đậu Văn Cứ: Uỷ viên (Đông Sơn – Đô Lương)

20. Ông Đậu Đức Chính: Uỷ viên (Chu Trạc, Hoa Thành, Yên Thành)

21. Ông Đậu Đức Hậu: Uỷ viên (Nt)

22. Ông Đậu Văn Toại: Uỷ viên (Đức Tùng – hiện ở Hà Huy Tạp Vinh)

23. Ông Đậu Văn Thân: Uỷ viên (Bồi Sơn – Đô Lương)

24. Ông Đậu Doãn Hồng: Uỷ viên (Xuân Hải – Cửa Lò)

25. Ông Đậu Huy Phượng: Uỷ viên (Quỳnh Thiện – Quỳnh Lưu)

26. Ông Đậu Xuân Tiệc: Uỷ viên (Quỳnh Xuân – Quỳnh Lưu)

27. Ông Đậu Minh Châu: Uỷ viên (Phú Trung – Diễn Thành – Diễn Châu)

28. Ông Đậu Lương: Uỷ viên (Cảm Xuyên – hiện ở phường Lê Mao, Vinh)

29. Ông Đậu Mạnh Hùng: Uỷ viên (Trung Đô, Vinh)

30. Ông Đậu Xuân Lánh: Uỷ viên (Phú Hậu, Diễn Tân, Diễn Châu)

31. Ông Đậu Đình Trúc: Uỷ viên (Thanh Mai, Thanh Chương)

32. Ông Đậu Tuấn Huy: Uỷ viên (Trang Tùng, Diễn Châu)

33. Ông Đậu Công Dần = Uỷ viên (Diễn Phong, Diễn Châu)

34. Ông Đậu Huy Thực = Uỷ viên (Chi đông Phái, hiện ở Nghĩa hội, Nghĩa Đàn).

35. Ông Đậu Vĩnh Thịnh = Uỷ viên (Chi Nghi Phương, Nghi Lộc)

36. Ông Đậu Đình Sáu = Uỷ viên (Chợ Vạc, Nam Lĩnh, Nam Đàn)

37. Ông Đậu Xuân Thành = Uỷ viên (Ngọc Đoài, Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu)

38. Ông Đậu Ngọc Danh = Uỷ viên (Diễn Lâm, Diễn Châu)

39. Ông Đậu Xuân Hùng = Uỷ viên (MTTQD, Châu, Diễn Ngọc, Diễn Châu)

Ban liên lạc đã hoạt động trên tinh thần tự giác, tự nguyện, đã truyền đạt được nhiều thông tin đến các chi họ thực hiện. Đã tổ chức các cuộc toạ đàm bàn về việc họ của khu vực Nghệ Tĩnh, tích cực tham gia các cuộc toạ đàm của BLL họ Đỗ Việt Nam. In ấn và phát hành tập 1 – bản thông tin việc họ của khu vực, phô tô các tập thông tin việc họ Đỗ phục vụ tuyên truyền đến được nhiều chi họ. Ngoài ra BLL họ Đậu khu vực đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực để cùng BLL họ Đỗ Việt Nam tuyên truyền thực hiện tôn chỉ mục đích hoạt động của BLL dòng họ.

III. Mục tiêu căn bản của năm 2008

Năm 2008 là năm có sự kiện trọng đại ngàn năm có một của họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh. Đó là chúng ta có dịp gặp mặt thân thiết và toạ đàm để trao đổi học tập với các anh em con cháu trong tộc họ Đỗ (Đậu) toàn quốc. Đây là dịp cổ vũ động viên nhắc nhở anh em con cháu luôn nhớ về cội nguồn, rèn luyện trao đổi phẩm hạnh gia giáo của tộc Đậu (Đỗ), trao đổi học tập kiến thức làm người, tri thức khoa học, không ngừng tăng cường đoàn kết với các dòng họ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, sánh vai cùng các dòng họ khác trên mọi lĩnh vực Văn hoá xã hội, khoa học, đời sống kinh tế, chính trị.

Mọi chi họ Đậu dù xuất phát từ nguồn gốc nào cũng đều tôn trọng, thương yêu quý trọng và giúp đỡ nhau, không để trong tộc họ Đậu (Đỗ) còn có người không được đi học, không biết chữ; Đành rằng đời sống kinh tế của nước nhà còn có khó khăn nhưng anh em con cháu trong họ nên biết động viên, hướng dẫn, giúp đỡ nhau để xoá đói giảm nghèo, giúp nhau ổn định cuộc sống.

Trong hoàn cảnh kinh tế thị trường nhưng anh em con cháu tộc Đậu không bị chi phối về phẩm hạnh đạo đức, luôn luôn giữ đạo đức trong sáng để phúc lại cho mai sau. Giúp nhau tránh được các tai ương tật ách, các tệ nạn xã hội, và những thủ đoạn quyến rũ dẫn tới vi phạm pháp luật. Mỗi người trong họ Đậu (Đỗ) dù là trai hay gái luôn biết sống vì mọi người, vì cộng đồng dòng họ;

Mỗi hành động trong cuộc sống nên cân nhắc thận trọng và nên xuất phát vì Tổ Tiên sinh thành ra mình, không bồng bột, tiêu cực theo cá tính riêng khi làm những việc gây hại cho bản thân và uy tín dòng họ Đậu (Đỗ).

BLL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh cố gắng ra bản dự thảo tộc ước dòng họ Đậu, phát hành tập sách Thông tin việc họ tập 2 trong đó đưa các nội dung cần tuyên truyền để kêu gọi hướng dẫn cho mọi người trong họ cùng thực hiện.

Vấn đề cần trao đổi trước khi các quý vị phát biểu:

Như quý vị đã biết tất cả những người trong BLL đều hoạt động tự nguyện, tự tâm mình, không nhận bồi dưỡng hoặc sự hỗ trợ nào của dòng họ. Tuy nhiên BLL chúng tôi tự thấy vẫn còn nhiều việc chưa làm được cho tộc họ, một phần do khả năng, điều kiện có hạn, một phần do khách quan, anh em con cháu chưa thật quan tâm đến Văn hoá dòng họ. Với 39 vị trong BLL trong đó các vị trong Ban Thường trực đều là những người hiện còn gánh vác trách nhiệm xã hội, thế nhưng có vị đã tham gia công việc trong BLL liên tục trên 20 năm qua mà vẫn vui vẻ phục vụ dòng họ. Những mặt chưa làm được của BLL ngoài yếu tố chủ quan còn có những yếu tố khách quan khác.

Chúng tôi biết một cơ quan hành chính, một tổ chức chính trị khi đề ra một việc cần làm là họ có điều kiện bảo đảm về mọi mặt cho việc tổ chức thực thi, triển khai, còn BLL chúng ta thì không. Tuy nhiên trong cuộc họp này BLL đã Báo cáo đánh giá 20 năm hoạt động của dòng họ Đậu, do vậy cũng rất cần thiết được xin ý kiến đóng góp xây dựng của quý vị.

Rất mong có nhiều đóng góp về ý tưởng và phương pháp hoạt động cho BLL, cho hoạt động của dòng họ. Đóng góp ý kiến về những việc hay, việc tốt mà các chi họ đã làm được để mọi người cùng học tập. Đề cử những người có điều kiện vào BLL, tăng cường sức mạnh cho hoạt động của BLL hoặc ý kiến tự nguyện rút khỏi BLL do xét thấy không thể đảm đương nổi.

Trên đây là báo cáo hoạt động của BLL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh trong hơn 20 năm qua. Rất mong các quý vị thông cảm nếu báo cáo còn thiếu sót những vấn đề BLL chưa đề cập đến.

Xin chân thành cảm ơn.

TM/BLL họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh

KT Trưởng ban – Phó ban – thư ký

Luật sư Đậu Công Tuệ

Nguồn hodovietnam.vn