GIA PHẢ

Ban liên lạc Đỗ (Đậu) Việt Nam từ khi thành lập năm 1997 đã đề ra qui ước với 3 mục tiêu chính: Xây dựng mối quan hệ giữa các dòng họ Đỗ; Giúp nhau tìm về cội nguồn, biên soạn gia phả; Nghiên cứu tìm hiểu lịch sử liên quan đến các dòng họ Đỗ Việt Nam.

Từ đó đến nay Đỗ (Đậu) Việt Nam đã làm rất tốt mục tiêu số 1 và số 3. Đã kết nối được bà con họ Đỗ (Đậu) khắp 3 miền tổ quốc và cả nước ngoài. Nhiều vùng thành lập được HĐHĐ cấp tỉnh, thành phố. Đã xuất bản được nhiều đầu sách về cội nguồn lịch sử họ Đỗ (Đậu) VN. Nhờ Ngọc phả truyền thư họ Đỗ tìm ra mộ Tổ họ Đỗ 5.000 năm và được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa.                                        

Chỉ còn mục tiêu thứ 2, giúp nhau xây dựng gia phả dòng họ vẫn chưa làm được bao nhiêu.      

Gia phả là gia bảo với những người có ý thức tôn kính tổ tiên và quý trọng tình cảm họ hàng gia tộc. Gia phả là lịch sử của một dòng họ, một gia đình lớn. Đành rằng lo cái ăn, cái mặc là việc hàng đầu. Nhưng có những day dứt của người có tâm huyết muốn truyền cho con cháu biết ông cha mình do ai sinh ra, từ đâu đến, tổ tiên công đức ra sao. Ngặt vì gia phả đã mất mà bó tay; có nỗi niềm của những người không được cha ông truyền cho biết gốc gác của mình ở đâu, họ hàng là ai, khi đó mới thấy đầy đủ ý nghĩa của hai chữ “Gia phả-Gia bảo”. 

Thời trước họ nào cũng có gia phả. Nếu vì thuỷ, hỏa, đạo tặc để mất vàng bạc- của cải gì thì mất, chứ không để mất gia phả. Ngặt vì gia phả ngày xưa viết bằng chữ Hán Nôm. Từ năm 1945 trở lại đây số người biết chữ ấy cứ mất dần. May mắn họ nào còn giữ được gia phả, người quan tâm không đọc được, kẻ vô tâm coi là mớ giấy lộn.

Chép ghi gia phả ngày xưa là việc thiêng liêng của trưởng họ. Tu phả là việc của những người có học hành, hiểu biết. Vì nhiều lý do công việc trên nay không được coi trọng. Khó khăn chồng chất, nhiều người muốn khôi phục gia phả dòng họ mình không biết bấu víu vào đâu, bắt đầu từ đâu. Vì thế việc chép phả mới dùng lại từng chi từng nhà, chỉ nối phần trực hệ của chi mình, nhà mình, thảng hoặc mới có một cuốn gia phả ghi đời tiếp nối của chi anh, chi em, đến đời hai đời ba là cùng, do đó nếu một chi mất gia phả thì chi khác không thể bổ cứu.

Hiện nay, do mất gia phả nên nhiều họ tuy cùng ở với nhau trong một địa phương vẫn không biết nhau, không nhận được quan hệ họ hàng. Thậm chí thế thứ, cách xưng hô trong nội tộc cũng dần sai lạc. Trường hợp đúng ra làm em lại nhảy lên hàng chú và ngược lại không hiếm, khiến nảy sinh mâu thuẫn xa lánh nhau.

Một số người cho rằng không có gia phả có sao đâu. Họ không biết rằng không có gia phả thì Đạo thờ cúng tổ tiên của người Việt đi vào hình thức và mai một dần. Không có phả con cháu dần không biết ông tổ mình là ai, tên là gì, sống thời nào. Có khi cả họ chỉ nhớ được mỗi ngày giỗ tổ. Khi cần thỉnh tổ không biết khấn làm sao.

Thực tế cuộc sống cho thấy, những nhà nào con cháu tỏ ra kính trọng tổ tiên thường quan tâm đến ông bà bố mẹ hơn, anh chị em trong nhà thường yêu thường đùm bọc nhau hơn. Đấy là ích lợi nhãn tiền cho mỗi gia đình.

Gia phả là mối dây liên hệ giữa các thế hệ với nhau. Gia phả thể hiện văn hóa dòng họ. Đông tây kim cổ, trong nước ngoài nước đều giống nhau. Gia phả là gia bảo nên chúng ta phải hết sức giữ gìn.
Bài Đỗ Quang