Hội thảo “Thống Sặt (Đề Sặt) với phong trào nông dân Yên Thế

Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam được mời tham dự cuộc hội thảo “Thống Sặt (Đề Sặt) với phong trào nông dân Yên Thế tổ chức ngày 20-6-2024, tại UBND huyện Tân Yên. Đề Sặt tên thật là Đỗ Văn Hùng, người làng Sặt, xã Liên Sơn, huyện Tân Yên, Tỉnh Bắc Giang.
Cuộc hội thảo nhằm đáp ứng đòi hỏi của dân làng Sặt mong làm sáng tỏ đóng góp của dân làng và những anh tài nghĩa sĩ chống Pháp trong vùng như Đề Hả, Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng), Đốc Lành, Đề Lâm… Đặc biệt là nghi án Đề Sặt đầu độc Đề Nắm để tiếm quyền. Cuộc đánh trống kêu oan của dân làng Sặt hàng chục năm qua cuối cùng đã được Viện Sử học đứng ra chủ trì.
Nguyên là từ năm 1957 trong công trình nghiên cứu “Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế” nhóm tác giả đề cập nguồn thông tin nhân dân địa phương kể lại: “Đề Sặt là anh vợ Đề Nắm, vì thấy Đề Nắm thắng lợi nhiều nên ganh tỵ muốn cướp quyền thống soái” nên đầu độc ông, rồi chặt đầu mang ra hàng Pháp. Thời gian sau Đề Thám (Hoàng Hoa Thám) thân dẫn quân về bắt Đề Sặt giải về căn cứ, một năm sau mới giết.
Tuy là tài liệu truyền khấu trong dân gian, nhưng sau đó nhiều tác giả sử dụng như nguồn sử liệu viết sách, sáng tác kịch, thơ khẳng định vai trò số 01 của thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám, coi Đề Sặt là Việt gian bán nước. Điều đó khiến dòng họ Đỗ Văn nhiều đời bị kỳ thị nặng nề, dân làng Sặt trở thành quê hương của tên phản bội.
Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử ở Tỉnh Bắc Giang từ lâu đã nghi ngờ thông tin trên. Họ tìm kiếm những nguồn tư liệu khác, nhất là của người Pháp đương thời viết về cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đáng chú ý có mấy trang giấy chép tay từ cuốn Hoang Hoa Tham Pirate của Paul Chack xuất bản năm 1933, một đoạn dịch ra tiếng Việt như sau “Ngày 28 (tháng 3 năm 1892) khi mà các lưỡi lê, súng đạn nã vào chiến tuyến chính thì…ngôi mộ Đề Nắm mới chết vì bệnh kiết lỵ do lính của quản Đạo tìm thấy trong sào huyệt của hắn. Họ đã đào bới thi hài tên đại thủ lĩnh của các toán giặc vùng Yên Thế và chặt lấy thủ cấp nêu lên phần đắc thắng”. Từ manh mối này họ Đỗ làng Sặt quyết tìm cho bằng được sự thật lịch sử. Bằng nhiều mối quan hệ quốc tế họ Đỗ đã mang được cuốn Hoang Hoa Tham Pirate tái bản ở Paris về Việt Nam. Cùng với nhiều tài liệu tiếng Việt và tiếng Pháp khác các nhà sử học đã vẽ nên bức tranh chân thực hơn về cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Từ trước năm 1884-1888: vùng Yên Thế đã xuất hiện hàng chục nhóm nghĩa quân của Đề Nắm, Bá Phức, Thông Luận…trong đó Đề Nắm là người ãnh đạo cao nhất.
Từ 1888- 1992: Các nhóm nghĩa quân thống nhất lại bầu ra bộ chỉ huy tối cao. Chánh tướng, Tổng thống quân vụ- Bá Phức. Phó tướng Đề Nắm (Lương Văn Nắm). Phó tướng Đề Thám (Hoàng Hoa Thám).
Từ 1892-1913: Sau các trận tấn công dữ dội, toàn bộ 7 đồn của quân ta bị san phẳng, nhiều nghĩa quân bị sát hại hoặc phải chạy vào rừng mất hết liên hệ với dân. Nhiều thủ lĩnh (trong đó có Đề Sặt) và nghĩa quân sau một thời gian lẩn trốn đã phải ra hàng Pháp. Đề Thám trở thành thủ lĩnh tối cao tiếp tục cuộc khởi nghĩa được 20 năm nữa.
Theo kết luận của chủ tịch cuộc hộ thảo. Những nghiên cứu của các nhà sử học đã khắc phục được một phần sai lạc của lịch sử. Coi truyền khẩu dân gia là sử liệu không qua kiểm chứng. Các nhà văn, nghệ sĩ sau đó lại dùng đó làm tư liệu sáng tác theo đó nhân vật chính được thổi lên mây xanh, nhân vật phụ bị dìm xuống đất đen (kiểu Trúc Đường viết vở kịch Bài ca giữ nước ca ngợi Dương Vân Nga xuyên tạc lịch sử sau bị cấm diễn).
Chúng tôi đã đến dâng hương ở đình làng Sặt, nhà thờ họ Đỗ Văn và thăm mộ cụ Đề Sặt . Nghe ông trưởng họ kể lại cụ Đỗ Văn Hùng chỉ có một người con trai duy nhất gửi cho người thân và bạn chiến đấu ở Từ Sơn nuôi để đề phòng bất trắc. Khi trưởng thành mới được bố nuôi cho về làng Sặt. Nhờ tổ tiên phù hộ, con độc cháu đàn qua 07 đời, đến nay họ Đỗ Văn phát triển thành 3 chi gần một trăm con cháu, trong đó có nhiều người thành đạt. Đặc biệt người cháu đời thứ 5 Đỗ Văn Tiến có công lớn nhất đứng ra vận động, đầu tư xây dựng nhà thờ họ và vận động tổ chức cuộc hội thảo về ông kỵ của mình.
Sự có mặt của nhiều vị lãnh đạo huyện Tân Yên và lãnh đạo Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, đặc biệt có sự tham dự của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ là nguồn động viên to lớn cho các nhà sử học và nhân dân làng Sặt đã cùng họ Đỗ Văn đi tìm sự thật lịch sử. Dự kiến những tài liệu hội thảo sẽ được in trong tạp chí Xưa và nay và là tư liệu quí để viết thành sách về cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế.
Được như vậy không những công lao kháng chiến chống Pháp của dân làng Sặt và Đề Sặt được đánh giá khách quan, mà còn xóa đi mối nghi kỵ nhiều đời giữa họ Đỗ và họ Lương.
Bài và ảnh Đỗ Quang Hòa