Phát biểu của ông Đậu Công Tuệ tại cuộc họp dòng họ Đỗ( Đậu) toàn quốc

12/03/2012
 

BÀI PHÁT BIỂU

của ông Đậu Công Tuệ tại cuộc họp dòng họ Đỗ( Đậu)

ngày 18, 19/2/2012- tại thành phố Đà Nẵng

 

        Kính thưa: – Quý vị đại biểu, kính thưa các vị khách quý !

– Các ông bà, cô bác, các bậc cha, chú thím và các anh chị em !                           

Tại cuộc họp mặt anh em hân hoan vui vẻ và trọng thể này là người con, người cháu của dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam tôi xin kính cẩn thỉnh mong liệt vị Tôn thần, liệt vị Tiên hiền dòng họ Đỗ (Đậu) ra ân phù trì cho mỗi người tham dự ngày lễ hôm nay được hạnh phúc, bình an !.

Xin trân trọng kính chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý, kính chúc các ông bà, các cô bác, các bậc cha chú, các anh chị em, và các cháu mạnh khoẻ, đoàn kết, vui vẻ và hạnh phúc!

Kính thưa quý vị !

Dòng họ và Văn hoá dòng họ suy cho cùng vừa mang tính tổ chức quần thể cộng đồng vừa mang tính chất riêng tư của gia tộc, vừa mang màu sắc tôn giáo tâm linh vừa có tính định hướng giáo dục đạo đức phẩm hạnh con người; vừa thể hiện hình thái tế bào của xã hội hội lại vừa mang dấu ấn niềm tin theo đuổi mục tiêu thiêng liêng cao cả của một đại gia đình với những suy tư truy cầu thực tại trong cuộc sống nhân gian hiện thực.

Văn hoá dòng họ là mạch nguồn, là hạt nhân của tâm hồn dân tộc, tuy mỗi dòng họ có nét kết tinh riêng mang tính đặc thù của mỗi tộc họ. Nhưng cũng chính nhờ vậy mà làm phong phú thêm nền Văn hoá rất riêng của dân tộc Việt Nam.

Dòng họ mang đầy đủ tất cả các tính chất đó nên dân tộc Việt Nam dù trải qua  hơn ngàn năm Bắc thuộc, hơn một thế kỷ thuộc Pháp và gần 30 năm bị giặc Mỹ xâm lược. Xã hội trải qua bao chính biến thời cuộc, tuy có lúc thịnh – suy nhưng Văn hoá Việt Nam vẫn luôn tồn tại và tràn đầy sức sống mãnh liệt, với uy dũng kiêu hùng đã làm cho mọi kẻ thù đến xâm lược đất nước ta đều phải khiếp sợ và kính phục.

Trong mạch nguồn chung của nền Văn hoá dân tộc: Văn hoá dòng họ Đỗ (Đậu) chúng ta đã tồn tại, phát triển đan xen hài hoà với nhiều dòng văn hoá khác trong cộng đồng xã hội, luôn biết không ngừng học hỏi, tự điều chỉnh và biết hoàn thiện chính mình để không bị bảo thủ, chủ nghĩa kinh nghiệm, bị đồng hoá, tha hoá hoặc bị dị biến.

Hội đồng dòng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam sớm có chủ trương hướng hoạt động Văn hoá dòng họ theo sát với nhịp cuộc sống, hơi thở thời đại và tiến trình phát triển của xã hội. Đã vận động các chi tộc họ cải tiến sinh hoạt Văn hoá dòng họ làm sao thật sự kết nối, giao hoà giữa lớp người tuổi già với thế hệ tuổi trẻ của thời hội nhập hiện đại, hướng sinh hoạt dòng họ phù hợp, gắn kết với điều kiện lao động công nghiệp hoá, hiện đại hoá của xã hội.

Về Văn hoá truyền thống dòng họ, văn hoá lễ hội của dân tộc Việt Nam xưa hình thành trong hoàn cảnh một xã hội nông nghiệp lúa nước, do vậy rất có nhiều thời gian nhàn rỗi. Ngày nay hoàn cảnh thời gian, không gian lao động công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tính khẩn trương của nền kinh tế thị trường nên quỹ thời gian không còn nhiều. Vì vậy cần biết gắn kết tổ chức hoạt động văn hoá dòng họ theo sự bố trí kế hoạch chung của Nhà nước và xã hội là cần thiết. Nếu làm được như vậy thì truyền thống Văn hoá dòng họ Đỗ (Đậu) không thể bị xói mòn, mai một, làm giảm tính bền vững của nền nếp gia phong dòng tộc. Đó là cách nhìn nhận và định hướng nhất quán trong hoạt động Văn hoá của dòng họ Đỗ (Đậu) ta.

Làm được như vậy mới thật là: “ Khí anh linh hằng rọi dấu người xưa; Đuốc trí tuệ mong soi đường hậu thế ” mà Tổ tiên dòng họ Đậu (Đỗ) ta xưa mong đợi ở thế hệ “hậu sinh khả uý”.

Kính thưa quý vị!

Dòng họ Đỗ (Đậu) của chúng ta là một đại gia đình trải qua nhiều đời, nhiều thế hệ con cháu mà thành, nên anh em ta phải biết yêu quý nhau. Việc giáo dục một người con sống có tâm đức với tổ tiên, có đức hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; Anh, em, con, cháu biết nhường nhịn, đoàn kết trong gia đình thì nhất định sẽ góp phần cho xã hội bình yên. Trái lại: để một người con sống không coi ông bà, cha mẹ, anh chị em ruột thịt ra gì thì nhất định người con ấy không coi trọng ai trong xã hội và không chắc gì sẽ trở thành người công dân tốt.

Tộc ước dòng họ Đỗ (Đậu) chúng ta xưa quy định mở rộng tình thương với phương pháp luôn khuyến nhắc, vận động mọi người anh em con cháu phải biết giữ lấy nhân cách làm người chính trực, biết tôn trọng kỷ cương dòng họ, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, biết sống hoà nhập, hoà bình với mọi người, với các dòng họ khác để tổ chức hoạt động văn hoá dòng họ hướng tới tương lai.

Con người họ Đỗ (Đậu) xưa nay luôn có “ Nhân cách, Đạo Lệ Nghĩa Làm Người ” và thời nào, hoàn cảnh nào con người họ Đậu (Đỗ) cũng luôn biết trân trọng sự nghiệp tổ tông, biết “ uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”  điều đặc biệt là người họ Đỗ (Đậu) dù là trai hay gái ai cũng có tâm cống hiến vì cộng đồng dòng họ, vì tương lai của tử tôn con cháu.

Ngày nay điều kiện cuộc sống của chúng ta có nhiều phần tiến bộ, như lời người xưa nói: “ phú quý sinh lễ nghĩa ”, câu nói này được hiểu theo nghĩa rộng là khi cuộc sống có điều kiện kinh tế thì con người càng phát triển tri thức văn hoá, mỗi con người càng biết quý trọng nhân cách của chính mình và biết tôn trọng nhân cách của người khác.

Bản thân tôi tham gia hoạt động trong Hội đồng gia tộc họ Đậu (Đỗ) khu vực Nghệ Tĩnh từ năm 1987, thấy địa phương nào có người dòng họ Đậu       (Đỗ) chúng ta ở thì nơi đó cũng đều có nhà thờ họ, luôn trân trọng và dốc lòng gìn giữ và phát huy tốt giá trị văn hoá lịch sử, văn hoá tâm linh của dòng họ và gìn giữ ngôi nhà thờ chung của gia tộc mình. Những người hoạt động việc họ tộc đều hoạt động với tấm lòng tự nguyện vì cộng đồng dòng họ.

Tuy ở chi tộc này hay ở chi tộc kia còn có vị Tộc trưởng hoặc Chủ tịch hội đồng gia tộc tác phong đôi khi còn biểu hiện gia trưởng, hoặc tỏ ra mình là bậc làm anh, bề trên với mọi người. Nhưng cái tâm của những vị này đều xuất phát vì sự  mưu cầu duy trì và bản sắc văn hoá tộc họ, giữ nền nếp gia giáo cho con cháu. Tin rằng những vị này rồi cũng phải tự chấn chỉnh lại mình để hoà nhập với con cháu trong thời dân chủ hiện nay, đó là quy luật. Vì không mấy ai muốn tách mình ra khỏi sự liên kết cộng đồng, tự cao tự đại  mà tồn tại, trưởng thành được.

Theo nhìn nhận thiển cận của cá nhân tôi: Người hoạt động việc họ cốt ở tâm tự nguyện; học lực chưa cần cao mà cốt ở cái đầu biết lắng nghe, hiểu biết chưa cần nhiều mà cốt có tầm nhìn rộng, giao lưu chưa cần rộng rãi mà cốt nhất biết dân chủ, công minh. Khi giải quyết xung đột nội bộ tộc họ hoặc gia đình cốt biết giữ gia đạo yên lành; biết xét suy từ tâm mình: mình thích thì người thích, mình ghét thì người ghét, để lấy đó mà trải rộng tấm lòng bao dung xét đoán.

Những người như bác Đỗ Tòng, bác Đậu Chu Bính, bác Đỗ Ngọc Liên, bác Đỗ Đình Dậu, bác Đậu Xuân Mai, bác Đỗ Đình Dương, anh Đỗ Hữu Hằng, anh Đỗ Trùng Dương, anh Đỗ Trọng ổi và những vị tích cực tham gia hoạt động vì dòng họ Đỗ (Đậu ); cùng tất cả mọi người có mặt tại cuộc họp dòng họ hôm nay đều là những người có tâm, trăn trở vì sự phát triển dòng họ, nhất định sẽ được mọi người trong họ đều tỏ lòng kính trọng.

Kính thưa quý vị !

Người hoạt động việc chung thì bên cạnh nhiều lời bàn vào, những góp ý có tâm huyết xây dựng, cũng có không ít những lời nói chưa biết động viên, thậm chí thẳng thừng chỉ trích phê phán nên khi nghe có khó chịu. Nếu người hoạt động việc họ thiếu bình tĩnh thì rất dễ dẫn đến chán nản, bỏ cuộc.

Chúng tôi hoạt động việc họ nhưng không được học ngày nào về chuyên môn. Thật thà mà nói: làm việc họ không hề dễ, bởi việc chung thì thường ” chín người mười ý, thậm chí 4 người mười hai ý “, với chức danh nhưng cái danh này cũng không có điều kiện đảm bảo, hay chút quyền lực nào để thực hiện cả.

Kính thưa quý vị!

Hôm nay! Trước niềm vui mừng hội ngộ ấm áp tình anh em dòng tộc họ Đỗ (Đậu) lần thứ 15 tại thành phố Đà Nẵng. Cuộc họp mặt năm nay đánh dấu một mốc son đáng nhớ về lịch sử cộng đồng dòng họ ta. Trong đó việc cộng đồng dòng họ cùng hiểu và thống nhất quy định của Tộc ước họ Đỗ      (Đậu) Việt Nam. Chúng ta những người con, cháu họ Đỗ (Đậu) đến đây và có dịp hiểu biết được công lao cống hiến của Đức ông, ngài Danh nhân, Chí sỹ Đỗ Thúc Tịnh là bậc trung quân ái quốc, hết lòng vì nước vì dân.

Đến Đà Nẵng mới hiểu thấu đất “Ngũ Phụng Tề Phi” và tình cảm nồng thắm, chân tình, đầy trách nhiệm của các anh em con cháu họ Đỗ (Đậu) nơi đây, từ người con trai, con dâu, con gái đều nhất tâm tạo điều kiện cho cuộc họp mặt năm 2012 thành công mỹ mãn.

Kính thưa quý vị!

Về nhận xét báo cáo kết quả hoạt đông một năm qua của dòng họ tôi nhận thấy:

Báo cáo do Chủ tịch Hội đồng nêu số liệu còn rất khiêm tốn, hôm nay  qua các phát biểu thấy có rất nhiều việc mà dòng họ ta đã làm được, nhiều mặt hoạt động ở các chi tộc họ rất tốt, có nhiều sáng kiến trong tổ chức hoạt động. Nhưng vì các hội đồng khu vực, địa phương, chi tộc họ chưa thông tin báo để đưa vào Báo cáo.

Nhưng năm 2011 Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và toàn thể dòng họ chúng ta đã làm được nhiều việc hữu ích, đạt được các tiêu chí tôn chỉ mục đích hoạt động đã đề ra.

Chúng ta chúc mừng Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam và toàn thể dòng họ ta qua một năm hoàn thành khối lượng công việc tốt để tri ân với Tiên tổ.

Kính thưa quý vị !

Trước hoàn cảnh xã hội có nhiều tiêu cực phức tạp, báo động sự xuống cấp về đạo đức, phẩm hạnh làm người. Con người dòng họ ta hàng ngày bên cạnh việc lao động kiếm sống, cũng cần phải biết ưu tiên quan tâm giáo dục, quản lý con cháu mình làm sao không bị lôi cuốn, sa ngã, biến chất, hoặc vướng vào vòng lao lý.

Qua ý kiến phát biểu của các vị tại cuộc họp mặt này thấy có nhiều ý tưởng đề xuất khá hoành tráng và bạo dạn. Tuy nhiên theo tôi cần cẩn trọng, sáng suốt xem xét từng ý tưởng công việc trước khi đưa vào chương trình hành động của dòng họ.

Một là phải xem xét các quy định của pháp luật Nhà nước và các bước quy trình phải tiến hành?. Hai là cần chuẩn bị tài liệu khoa học trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định và cho phép?. Ba là việc chuẩn bị từng bước huy động nguồn lực tài chính và kế hoạch quản lý tài chính để đảm bảo niềm tin của cộng đồng dòng họ ?. Vấn đề thứ tư là công tác tuyên truyền vận động để tranh thủ sự tự nguyện, đồng thuận của toàn thể dòng họ được tiến hành từng bước đảm bảo cho sự thành công?. Năm là có những công việc pháp luật quy định buộc trách nhiệm cá nhân, pháp nhân do vậy dòng họ cần chọn người có bản lĩnh “đứng mũi chịu sào ” chịu trách nhiệm?.

Kính thưa quý vị!

Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Việt Nam, các Hội đồng tỉnh, thành phố, địa phương, chi, tộc họ không phải là cơ quan quyền lực, không phải là tổ chức chính trị, chưa phải là tổ chức xã hội nghề nghiệp do Nhà nước cho phép lập ra, không phải là tổ chức tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động… Xét về góc độ Pháp luật hiện hành thì chưa có khái niệm cho tổ chức tự phát của dòng họ, mỗi chúng ta phải nhận thức được điều đó.

Do vậy những việc có liên quan đến tính pháp lý cần phải cẩn trọng.

Kính thưa quý vị:

Về chức danh của các vị Chủ tịch, các Phó chủ tịch, thành viên Hội đồng dòng họ: Về pháp luật chưa được công nhận, Nhưng trên thực tế các vị đúng là hội đồng dòng họ Đỗ ( Đậu) Việt Nam, Hội đồng tỉnh, thành phố hoặc Hội đồng  chi tộc họ; các vị đã trở thành người của công chúng dòng họ ta. Vì vậy phải biết cẩn trọng giữ uy tín, danh dự dòng họ.

Dòng họ ta rất tôn trọng sự sáng tạo và luôn chắp cánh cho ý tưởng sáng tạo vươn tới thành công.  Nhưng nếu vì phút ngẫu hứng đưa ra các ý tưởng mà chưa kịp tính đến điều kiện đảm bảo thực thi thì khó tranh thủ được sự đồng thuận của cộng đồng dòng họ, có nguy cơ làm giảm uy tín của cả dòng họ. Đó là lời góp ý của vị Chủ tịch hội đồng cố vấn Đậu Xuân Mai, nguyên Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Đậu Nghệ Tĩnh khuyên nhắc chúng ta như vậy.  Không biết các vị có đồng ý không?

Kính thứ qúy vị !

Vì thời gian có hạn tôi đã nói hơi dài, xin dừng lời tại đây để dành thời gian cho các vị khác.

Tôi xin cúi đầu nhất tâm bái thỉnh, cầu mong các liệt vị Tôn Thần, các anh linh tiên tổ ra ân phù trì, khai tâm đạt ngộ đem phúc đức đến cho mọi anh em con cháu trong dòng họ được hạnh phúc bình an, phù trì cho đất nước Việt Nam ngày càng cải cách phát triển dân chủ, xã hội công bằng, văn minh, hạnh phúc và giàu mạnh!.

Xin Phù trì cho quý vị đại biểu, các vị khách quý, các cụ ông cụ bà, các ông bà, các cô bác, các bậc cha chú, thím và các anh chị em, con cháu sức khoẻ, sống vui vẻ đoàn kết, hạnh phúc!

Xin cảm ơn ban tổ chức đã cho phép tôi phát biểu, xin cảm ơn quý vị đã tôn trọng và lắng nghe lời phát biểu của tôi!

 

Xin trân trọng cảm ơn!  

      TM/ Hội đồng gia tộc họ Đậu Nghệ Tĩnh

                 Luật sư  Đậu Công Tuệ