KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC THỐNG SẶT (ĐỀ SẶT), LÀNG SẶT VỚI PHONG TRÀO NÔNG DÂN YÊN THẾ

VIỆN  HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM

VIỆN SỬ HỌC 

 KỶ YẾU HỘI THẢO KHOA HỌC

 

THỐNG SẶT (ĐỀ SẶT), LÀNG SẶT

VỚI PHONG TRÀO NÔNG DÂN YÊN THẾ

 

Bắc Giang, tháng 6 năm 2024

 

MỤC LỤC

      Trang
1. Viện Sử học Báo cáo đề dẫn Hội thảo 1
2. TS. Nguyễn Thị Lệ Hà Thống Sặt, Đề Sặt, Đề Nắm và khởi nghĩa Yên Thế qua nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam 4
3. TS. Trương Thị Phương Những thời điểm hoà hoãn của các thủ lĩnh Yên Thế với chính quyền thực dân Pháp 12
4. TS Nguyễn Văn Bảo, TS Lê Thùy Linh Tư liệu dân gian về cuộc khởi nghĩa Yên Thế 21
5. TS. Trịnh Thị Hà, ThS. Nguyễn Thị Thu Hương Bước đầu khảo cứu về chức “đề” và “thống” trong lịch sử quan chế Việt Nam và mối liên hệ với trường hợp Đỗ Văn Hùng trong khởi nghĩa Tên Thế 29
6. TS. Bùi Thị Hà Thêm tư liệu về làng Sặt trong phong trào nông dân Yên Thế 41
7. Bảo tàng tỉnh Bắc Giang Địa điểm làng Sặt, xã Yên Sơn trong khởi nghĩa Yên Thế 51
8. ThS. Nguyễn Thị Thu Hiền

Bảo tàng tỉnh Bắc Giang

Đình, chùa làng sặt-nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống gắn với làng Sặt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế 57
9. TS. Trần Thanh Huyền Tìm hiểu về chiến thuật đánh du kích của khởi nghĩa Yên Thế qua các cuộc chiến đấu của làng Sặt 63
10.  GS.TS. Đỗ Quang Hưng Tìm hiểu thêm về Đề Sặt và căn cứ làng Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế 72
11. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tân Yên Đóng góp của nhân dân làng Sặt trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước 79
12. NNC. Trần Văn Lạng Đánh giá về thống Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế 85
13. TS. Trần Xuân Trí Đề Nắm, Đề Sặt trong phong trào Yên Thế: qua phân tích, đối sánh tư liệu 102
14. Đỗ Trọng Bốn

 

Về thân thế sự nghiệp của cụ Đỗ Văn Hùng (Thống Sặt) 116
15. TS. Trần Thị Phương Hoa Khởi nghĩa Yên Thế và cái chết của Đề Nắm trong tài liệu tiếng Pháp 120
16. Hoàng Minh Hồng Đề Sặt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế 129
17. PGS.TS. Nguyễn Đức Nhuệ Phương pháp xử lý tư liệu dân gian khi nghiên cứu về Khởi nghĩa Yên Thế  (Nghiên cứu trường hợp Đề Sặt và Đề Nắm) 136
18. ThS. Đỗ Xuân Trường Một số vấn đề cần tiếp tục làm sáng tỏ liên quan các sự kiện và nhân vật lịch sử trong khởi nghĩa Yên Thế 142

 

 

ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC

THỐNG SẶT (ĐỀ SẶT), LÀNG SẶT

VỚI PHONG TRÀO NÔNG DÂN YÊN THẾ

 

Khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là phong trào nông dân vũ trang chống Pháp kéo dài nhất giai đoạn Cận đại, thu hút mối quan tâm của nhiều nghiên cứu lịch sử. Nguồn tài liệu về cuộc khởi nghĩa này hết sức phong phú đa dạng, thậm chí trái chiều, tạo nên một diễn đàn học thuật sôi nổi, đặc biệt liên quan đến các thủ lĩnh của nghĩa quân cùng tinh thần đấu tranh chống Pháp và cuộc đời cùng số phận của họ. Cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về khởi nghĩa Yên Thế và nhiều vấn đề vẫn cần tiếp tục tìm hiểu làm rõ, trong đó có nghiên cứu liên quan đến số phận của Đề Sặt, một trong những thủ lĩnh của phong trào Yên Thế giai đoạn đầu. Trong một số công trình lịch sử, có ý kiến cho rằng Đề Sặt đã sát hại Đề Nắm, tuy nhiên năm 1985, trong công trình Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược (Nhà xuất bản Giáo dục), tác giả Nguyễn Văn Kiệm cho rằng cần xem lại tính xác thực của thông tin này (Nguyễn Văn Kiệm, 1985, tr.). Cũng tác giả Nguyễn Văn Kiệm, trong bài viết “Về mấy vấn đề xung quanh cuộc khởi nghĩa Yên Thế” đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử (số 4 (257), 1991, tr. 49-61) cho rằng Đề Sặt là một trong những thủ lĩnh đầu tiên của phong trào Yên Thế. Nhà nghiên cứu địa phương Trần Văn Lạng sau khi nghiên cứu tài liệu cũng như tiến hành khảo sát địa phương đã nhiều lần đề nghị bỏ thông tin Đề Sặt giết hại Đề Nắm trong các công trình lịch sử.

Năm 2024 là tròn 140 năm mở đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế, dưới sự lãnh đạo của một số thủ lĩnh địa phương và vai trò quyết định của Hoàng Hoa Thám. Lịch sử đã khép lại với sự tôn vinh của hậu thế dành cho vai trò dẫn dắt và trí lược của Hoàng Hoa Thám và một số thủ lĩnh khác cùng tinh thần quả cảm hy sinh quên mình của nghĩa quân. Tuy nhiên vẫn còn đó nhiều vấn đề liên quan đến các sự kiện và nhân vật lịch sử trong cuộc khởi nghĩa này cần tiếp tục làm sáng tỏ, trong đó có việc làm rõ “nghi án” liên quan đến Đề Sặt và cái chết của Đề Nắm, là những thủ lĩnh đầu tiên của khởi nghĩa Yên Thế. Viện Sử học tổ chức Hội thảo khoa học “Thống Sặt (Đề Sặt), làng Sặt với phong trào nông dân Yên Thế”

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 17 bài tham luận của các cán bộ nghiên cứu Viện Sử học, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, cán bộ Bảo tàng Bắc Giang, cán bộ Sở Văn hóa Thể thao Bắc Giang, đại diện địa phương và gia đình dòng họ…. Các bài tham luận hướng đến những nội dung chính:

1) Khái quát về khởi nghĩa Yên Thế và vai trò của các thủ lĩnh chống Pháp trong khởi nghĩa Yên Thế với bài viết “Thống Sặt, Đề Sặt, Đề Nắm và khởi nghĩa Yên Thế qua nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam” của TS. Nguyễn Thị Lệ Hà; “Những thời điểm hòa hoãn của các thủ lĩnh nghĩa quân Yên Thế với chính quyền thực dân Pháp” của TS. Trương Thị Phương; “Tư liệu dân gian về cuộc khởi nghĩa Yên Thế” của TS. Nguyễn Văn Bảo, TS. Lê Thùy Linh; “Bước đầu khảo cứu về chức “Đề” và “Thống” trong lịch sử quan chế Việt Nam và mối liên hệ với trường hợp Đỗ Văn Hùng trong khởi nghĩa Yên Thế của TS. Trịnh Thị Hà và Ths. Nguyễn Thu Hương;

2) Đi sâu tìm hiểu về làng Sặt và đề Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế qua bài viết:

“Thêm tư liệu về làng Sặt trong phong trào nông dân Yên Thế” của TS. Bùi Thị Hà; “Địa điểm làng Sặt, xã Liên Sơn trong khởi nghĩa Yên Thế” của Bảo tàng tỉnh Bắc Giang; “Đình, chùa làng Sặt- nơi lưu giữ những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống gắn với làng Sặt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế” của Ths Nguyễn Thị Thu Hiền; “Tìm hiểu về chiến thuật đánh du kích của khởi nghĩa Yên Thế qua các cuộc chiến đấu của làng Sặt” của TS Trần Thị Thanh Huyền; “Tìm hiểu thêm về căn cứ làng Sặt và Đề Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế” của GS.TS. Đỗ Quang Hưng; “Đóng góp của nhân dân làng Sặt trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước” của Phòng Văn hóa và Thông Tin huyện Tân Yên…

3) Đi sâu tìm hiểu về Thống Sặt/Đề Sặt và mối quan hệ của ông với Đề Nắm; làm rõ tồn nghi về cái chết của Đề Nắm. Đây là nội dung thu được mối quan tâm của nhiều tham luận như “Đánh giá về Thống Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế” của nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng; “Đề Nắm, Đề Sặt trong phong trào Yên Thế: qua phân tích, đối sánh tư liệu” của TS. Trần Xuân Trí; “Về thân thế sự nghiệp của cụ Đỗ Văn Hùng (Thống Sặt)” của ông Đỗ Trọng Bốn; “Khởi nghĩa Yên Thế và cái chết của Đề Nắm trong tài liệu tiếng Pháp” của TS. Trần Thị Phương Hoa; “Đề Sặt trong phong trào khởi nghĩa Yên Thế” của Hoàng Minh Hồng; “Phương pháp xử lý tư liệu dân gian khi nghiên cứu về Khởi nghĩa Yên Thế  (Nghiên cứu trường hợp Đề Sặt và Đề Nắm)” của PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ; “Một số vấn đề tiếp tục làm sáng tỏ liên quan các sự kiện và nhân vật lịch sử trong khởi nghĩa Yên Thế” của ThS Đỗ Xuân Trường….

Dựa trên các nguồn sử liệu viết, sử liệu địa phương các bài tham luận làm rõ những vấn đề liên quan đến phương pháp luận, về nguồn sử liệu và lựa chọn sử liệu, phương pháp tiếp cận; qua đó nêu lên tính xác thực của các sự kiện liên quan đến khởi nghĩa Yên Thế, về vai trò của các thủ lĩnh và nghĩa quân, trong đó có Đề Nắm và Đề Sặt là những thủ lĩnh lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở giai đoạn đầu.

Hướng tới tính chân thực khách quan lịch sử, ban Tổ chức đề nghị các diễn giả trình bày tham luận nhằm mục tiêu:

– Làm rõ bối cảnh lịch sử của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, đặc biệt giai đoạn đầu (1884-1892);

– Làm rõ đóng góp của các thủ lĩnh Đề Nắm, Đề Sặt trong giai đoạn đầu khởi nghĩa Yên Thế;

– Làm rõ nguyên nhân cái chết của Đề Nắm;

– Làm rõ vai trò của Đề Sặt và làng Sặt trong phong trào Yên Thế

Kính chúc Hội thảo thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn!

 

 

THỐNG SẶT, ĐỀ SẶT, ĐỀ NẮM VÀ KHỞI NGHĨA YÊN THẾ

 QUA NGHIÊN CỨU CỦA CÁC NHÀ SỬ HỌC VIỆT NAM

 

  1. Nguyễn Thị Lệ Hà

Viện Sử học

 

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, là phong trào nông dân vũ trang chống Pháp kéo dài nhất (29 năm) trong giai đoạn chống thực dân Pháp xâm lược. Năm 2023, tròn 110 năm kết thúc cuộc khởi nghĩa Yên Thế do thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Khởi nghĩa Yên Thế nói chung và các thủ lĩnh nghĩa quân nói riêng đã được nhiều nhà khoa học sưu tầm, nghiên cứu một cách tương đối đầy đủ dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Nguồn tài liệu về cuộc khởi nghĩa Yên Thế hết sức phong phú, đa dạng, trong đó có cả những ý kiến trái chiều, tạo nên một diễn đàn học thuật sôi nổi. Nhưng đến nay nhiều vấn đề liên quan đến các sự kiện, nhân vật lịch sử trong cuộc khởi nghĩa chưa có kết luận thống nhất nên vẫn cần các nhà khoa học tiếp tục làm sáng tỏ, trong đó có việc làm rõ “nghi án” liên quan đến Đề Sặt và cái chết của Đề Nắm, là những thủ lĩnh đầu tiên của khởi nghĩa Yên Thế.

Nhìn chung, trong các công trình nghiên cứu đã xuất bản của học giả Việt Nam đều khẳng định tinh thần quyết liệt đấu tranh chống Pháp của Đề Nắm và Đề Sặt. Cả hai ông đều có nhiều đóng góp, thể hiện rõ được vai trò thủ lĩnh của nghĩa quân Yên Thế trong giai đoạn đầu, khiến thực dân Pháp hao tổn nhiều sĩ quan, binh lính và vũ khí. Tuy nhiên, xung quanh cái chết của Đề Nắm năm 1892 lại chưa có sự thống nhất: có công trình cho rằng Đề Nắm chết do Đề Sặt sát hại; có công trình cho rằng Đề Nắm chết do bị bệnh kiết lỵ; có công trình cho rằng Đề Nắm hy sinh trong chiến đấu và cũng có ý kiến cho rằng Đề Sặt bị oan. Dưới đây, tôi xin điểm một số công trình liên quan đến cách vấn đề vừa nêu trên:

  1. Công trình cho rằng Đề Sặt đã sát hại Đề Nắm

Năm 1957, Nhà xuất bản Văn hoá – Cục xuất bản – Bộ Văn hoá Việt Nam xuất bản công trình Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế của tác giả Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt. Công trình được chia làm 6 chương, gồm 192 trang, trong đó các tác giả dành chương 2 nghiên cứu về vị trí địa lý và phong trào chống Pháp giai đoạn Đề Nắm lãnh đạo từ năm 1890 đến năm 1892. Trong chương này tác giả có đề cập đến “Thống Sặt làm phó Thống soái về sau bội phản, là anh vợ Đề Hả”[1]. “Đề Nắm tức Đề Hả bị hy sinh vì sự phản trắc của một thủ hạ là Đề Sặt”[2]. Theo tác giả, có được nhận định này là do đi khảo sát thực địa và nhân dân địa phương kể lại: “Đề Sặt là anh vợ (có người nói là chú Đề Nắm) vì thấy Đề Nắm thắng lợi nhiều nên ganh tỵ muốn cướp quyền thống soái. Trong ngày hội xem chèo ở Khám nghè, y cùng mẹ vợ và Cai Ba làng Bùi dọn cỗ lớn có hai bát chè đường bỏ thuốc độc mời Đề Nắm ăn. Đến đêm thì cầm khẩu chết. Hôm sau Đề Sặt chặt đầu Đề Nắm ra hàng Pháp ở Cao Thượng, đem theo 50 quân với 48 súng”[3].

Cũng theo công trình này các tác giả có đề cập đến việc Đề Thám cho quân về bắt Đề Sặt, “đêm 7 rạng 8 tháng 2-1893, Đề Thám sai quân về làng Sặt bắt Đề Sặt báo thù cho chủ tướng cũ là Đề Hả. Hôm đó ở Cao Thượng mở hội, làng có hát chèo, thủ hạ của Đề Sặt đi xem hết. Đề Thám nhân dịp đó, thân dẫn một số nghĩa quân lẻn vào nhà tên Sặt trong khi nó đang nằm hút thuốc phiện. Đề Thám nhảy lên hô lính trói lại, sai làm cơm cúng Đề Nắm ngay sân nhà Đề Sặt, sau đó hạ lệnh lấy dây thép xỏ vào gan bàn tay tên phản bội giải về căn cứ nghĩa quân. Một năm sau mới giết”[4].

Năm 1980, tác giả Nguyễn Xuân Cần có bài viết đăng trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, số 6.1980, khi viết về cái chết của Đề Nắm cũng cho rằng “bị Lãnh Đệ tức Đề Sặt ám hại đêm 9 rạng ngày 10 tháng 8 năm Nhâm thìn (30-9-1892) tại Khám Nghè”[5]. Tuy nhiên, đây là công trình đưa ra ngày mất của Đề Nắm khác với nhiều công trình khác.

Năm 1985, Nxb Giáo dục xuất bản công trình Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược của Nguyễn Văn Kiệm, khi đề cập đến cái chết của Đề Nắm thì tác giả không khẳng định mà cho rằng “có người (tin đồn là Đề Sặt) đã dùng thuốc độc ám hại Đề Nắm”[6].

Năm 1997, Sở Văn hoá Thông tin Bắc Giang và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản Công trình Khởi nghĩa Yên Thế của tác giả Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần. Công trình được chia làm 4 chương, dày 397 trang. Trong đó tác giả dành một mục trong chương 2 để nói về việc Đề Nắm bị sát hại và phong trào khởi nghĩa Yên Thế bị giảm sút. Theo tác giả thì cái chết của Đề Nắm là do “Vào dịp tết Hàn thực (3-3 Nhâm Thìn, tức 11-4-1892), tại căn cứ Khám Nghè vừa bị giặc tàn phá, Đề Sặt đã mời Đề Nắm đến dự bữa cơm thân mật. Không ngờ, Đề Sặt đã manh tâm ra đầu hàng giặc Pháp để “chấn hưng lại làng Sặt mà y vốn gốc gác ở đó”, phản bội lại sự nghiệp của cuộc khởi nghĩa mà hắn đã từng góp máu xương tạo nên. Hắn đã đầu độc người thủ lĩnh rồi sáng hôm sau, ngày 12-4-1892, “đến quy hàng Đại uý Brôđiê (Braudiét) chỉ huy đồn Cao Thượng, với 50 đồ đảng, trong đó có nhiều chỉ huy và nộp 48 súng trong đó có 35 khẩu súng bắn nhanh”[7]. Trong công trình này, tác giả có trích dẫn trong ngoặc kép từ công trình Lịch sử quân sự Đông Dương, nhưng khi chúng tôi kiểm tra trong công trình thì không thấy có ghi Đề Sặt “đầu độc thủ lĩnh”.

Đến năm 2014, tác giả Khổng Đức Thiêm xuất bản công trình Hoàng Hoa Thám (1836-1913), do Nxb Tri thức, dày 738 trang, được chia làm 10 chương, trong đó chương 3 và chương 4 viết về khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn đầu khi Đề Nắm lãnh đạo và cũng có nhận xét về cái chết của Đề Nắm[8] trùng với công trình do chính ông và Nguyễn Xuân Cần biên soạn, xuất bản năm 1997.

Tuy nhiên, trong công trình này khi đề cập đến cái chết của Đề Nắm do Đề Sặt sát hại, thì tác giả Khổng Đức Thiêm cho rằng có được nhận định đó là do cụ già trong làng kể lại “trong một lần xem hội ở Khám Nghè, hai vợ chồng Đề Sặt và Cai Bá ở làng Bùi dọn cỗ, trong đó có hai bát chè đường bỏ thuốc độc mời Đề Nắm ăn. Đề Nắm bị ngộ độc, cấm khẩu chết. Đề Sặt chặt đầu Đề Nắm rồi cùng 50 quân đem theo 48 súng ra hàng Pháp ở Cao Thượng”[9].

Cũng trong công trình này, tác giả Khổng Đức Thiêm cũng có đưa thêm nghi vấn là có thể “Đề Sặt bị vu oan là đã đầu độc Đề Nắm nên lo ngại mà rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân”[10].

Năm 2012, Nxb Giáo dục Việt Nam xuất công trình Lịch sử Việt Nam, tập III (từ năm 1858 đến năm 1945) do Đinh Xuân Lâm (cb), Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh. Trong công trình này khi viết về khởi nghĩa Yên Thế, có đề cập đến “Đề Nắm bị giết vào tháng 4-1892”[11], nhưng không cho biết là sát hại như thế nào? Và do ai sát hại?.

Năm 2017, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội xuất bản công trình Lịch sử Việt Nam tập 6 từ năm 1858 đến năm 1896 do Võ Kim Cương (cb), Hà Mạnh Khoa, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Thị Thu Hằng, khi viết về khởi nghĩa Yên Thế có cho rằng “Tháng 4.1892, Đề Nắm bị thủ hạ Đề Sặt sát hại và Hoàng Hoa Thám trở thành thủ lĩnh tối cao của phong trào Yên Thế”[12].

Đến năm 2018, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội xuất bản công trình Lịch sử Việt Nam phổ thông từ năm 1858 đến năm 1930, tập 5 (tái bản lần thứ nhất) do PGS.TS Tạ Thị Thuý (chủ biên), Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Lan Dung, Phạm Như Thơm, khi viết trong mục khởi nghĩa Yên Thế cũng cho rằng “Đề Nắm bị giết vào tháng 4-1892, một số thủ lĩnh ra hàng giặc, phong trào có nguy cơ tan vỡ”[13]. Tuy nhiên, trong công trình này, các tác giả cũng không đề cập đến Đề Nắm bị giết như thế nào? Và do ai giết hại?

  1. Một số công trình nghiên cứu về khởi nghĩa Yên Thế cho rằng Đề Nắm hy sinh

Năm 1957, trong công trình Tài liệu tham khảo Cách mạng cận đại Việt Nam, tập 2 của Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Y-Ngông Niết Đam, Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, khi nghiên cứu về khởi nghĩa Yên Thế, không đề cập đến việc Đề Nắm bị giết hay hy sinh nhưng có viết về việc tướng Đề Sặt ra hàng Pháp: “Ngày 12.4 một trong những lãnh tụ nghĩa quân là Đề Sặt ra hàng Pháp ở đồn Cao Thượng đem theo 50 thủ hạ và 48 súng với điều kiện là được về nhà yên ổn tại sinh quán làng Sặt. Hôm sau, tướng tùy tòng của Đề Sặt cũng ra hàng Pháp”[14]. Trong công trình này, các tác giả cũng ghi rõ lý do vì sao Đề Thám dẫn quân bắt Đề Sặt sau 10 tháng Đề Sặt ra hàng: “Đêm 7 rạng 8.2.1893, quân Thám đến bắt Đề Sặt, người ra hàng từ một năm trước và làm tay sai cho Pháp”[15].

Năm 2001, Nxb Giáo dục xuất bản công trình Tiến trình lịch sử Việt Nam, của Nguyễn Quang Ngọc (cb), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lê, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh, (tái bản lần thứ nhất). Trong công trình này khi viết về khởi nghĩa Yên Thế, các tác giả đã cho rằng “Người đầu tiên có công xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở vùng Yên Thế (tây bắc của Bắc Giang) và vùng lân cận là Đề Nắm (Lương Văn Nắm). Khi ông mất năm 1892, sự nghiệp được giao cho phó tướng Đề Thám”[16]. Như vậy, trong công trình này chỉ biết là Đề Nắm mất năm 1892, chứ không cung cấp gì thêm về vị thủ lĩnh này.

Năm 2004, công trình Lịch sử Việt Nam, tập II (1858-1945) sửa chữa, bổ sung, tái bản lần thứ ba, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội xuất bản của các tác giả Nguyễn Khánh Toàn (cb), Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, Bùi Đình Thanh. Trong công trình này, khi viết về khởi nghĩa Yên Thế, các tác giả cho rằng “Đề Nắm hy sinh năm 1892”[17] và cũng không có đề cập gì đến Đề Sặt.

  1. Một số công trình nghiên cứu về khởi nghĩa Yên Thế nhưng không đề cập đến cái chết của Đề Nắm

Năm 1957, Nxb Sống mới, Sài Gòn ra mắt công trình Hoàng Hoa Thám (Bài học xương máu của 25 đầu đấu tranh) của tác giả Văn Quang, 120 trang. Trong công trình này, tác giả chủ yếu nghiên cứu Hoàng Hoa Thám và không đề cập đến khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn đầu do Đề Nắm lãnh đạo.

Năm 1957, Nxb Văn Sử Địa xuất bản công trình Lịch sử tám mươi năm chống Pháp quyển I của Trần Huy Liệu. Công trình dày 325 trang, trong đó tác giả dành 11 trang viết về khởi nghĩa nông dân Yên Thế. Tuy nhiên, tác giả chủ yếu chỉ đề cập đến giai đoạn Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, còn giai đoạn trước năm 1892 do Đề Nắm lãnh đạo thì gần như không đề cập đến.

Trên Tạp chí Văn Sử Địa và Nghiên cứu Lịch sử có đăng một số bài viết về Khởi nghĩa Yên Thế như: Trần Huy Liệu có bài Mấy điểm cần đi sâu vào cuộc Yên Thế khởi nghĩa, số 37.1958; Nguyễn Công Bình có bài Nhận dịp kỷ niệm ngày tạ thế của Hoàng Hoa Thám, lãnh tụ nông dân Yên Thế. Tính chất cuộc khởi nghĩa Yên Thế, số 48.1959; Tôn Quang Phiệt có bài Phải chăng Hoàng Hoa Thám bị giết ngày 10.2.1913, số 82.1966; Văn Tạo có bài Một vài suy nghi về việc nghiên cứu phong trào nghĩa quân Yên Thế trong tình hình hiện nay, số 1.1976; Vũ Kim Biên có bài Về chiến thắng Núi Sáng và những ngày cuối cùng của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, số 1.1980; Tác giả Đinh Xuân Lâm có 3 bài gồm: Xung quanh cái chết của Đề Thám, số 2.1983; Thêm một số tư liệu mới về khởi nghĩa Yên Thế, số 3.1984; Bức thư của Đề Thám gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1897, số 1.1987; Tác giả Ngô Văn Hoà có 2 bài: Bàn về vai trò của Đề Thám trong cuộc khởi nghĩa 27..1908, số 3.1978; Mấy suy nghĩ về Đề Thám qua vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa 27.6.1908, số 4.1984. Mấy vấn đề xung quanh cuộc khởi nghĩa Yên Thế, số 4.1991, tr.49-61… Các bài viết này chủ yếu đề cập đến Hoàng Hoa Thám, không nói gì về cái chết của Đề Nắm thủ lĩnh phong trào giai đoạn đầu cũng như Đề Sặt.

4. Kết luận

Tóm lại, các công trình khi nghiên cứu về khởi nghĩa Yên Thế nói chung và cái chết của Đề Nắm (thủ lĩnh giai đoạn đầu của khởi nghĩa Yên Thế) nói riêng xuất bản từ năm 1957 đến năm 2014 chưa có sự thống nhất, tổng hợp lại có mấy ý kiến sau:

Ý kiến thứ nhất, cho rằng Đề Nắm chết là do Đề Sặt sát hại. Tuy nhiên, nhận định này chủ yếu dựa vào nguồn tư liệu dân gian, truyền miệng của người trong làng, do vậy tính khoa học không cao, mang tính chất tham khảo là chính. Trong công trình của tác giả Khổng Đức Thiêm có trích dẫn nguồn từ tác phẩm Lịch sử quân sự Đông Dương rằng Đề Sặt sát hại Đề Nắm nhưng khi chúng tôi kiểm tra, đối chứng tài liệu này chỉ viết Đề Sặt hàng Pháp mà thôi (như chúng tôi đã trích nguyên văn ở trang 3).

Ý kiến thứ hai, cho rằng Đề Nắm hy sinh trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp.

Ý kiến thứ ba, cho rằng Đề Sặt có thể bị oan. Bởi khoảng thời gian từ năm 1890 đến năm 1892, Pháp đã phải huy động rất nhiều sĩ quan, binh lính và vũ khí hiện đại (sau khi Pháp đã bình định xong khởi nghĩa Cần Vương trên cả nước) để tấn công vào Yên Thế, hy vọng nhanh chóng xoá bỏ căn cứ này. Tuy nhiên, quân Pháp đã bị thất bại nặng nề sau mỗi đợt tấn công. Do đó, năm 1892 khi thủ lĩnh Đề Nắm bị bệnh kiết lỵ mất (theo Pôl Sắc[18]), có thể quân Pháp đã dùng tâm lý chiến bằng cách tung tin Đề Sặt, một thủ lĩnh đắc lực của Đề Nắm sát hại, gây hoang mang và mất đoàn kết trong nghĩa quân. Chính vì thế mà đã có ý kiến cho rằng “Đề Sặt lo ngại mà rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân”[19].

Về ngày Đề Nắm mất cũng không thống nhất giữa các công trình. Hầu hết các tác giả sử dụng tư liệu dân gian, truyền miệng từ các cụ già trong làng thì ngày mất của Đề Nắm là ngày 3 tháng 3 (tết Hàn thực, Nhâm Thìn, tức 11-4-1892). Nhưng cũng có công trình cho rằng Đề Nắm mất “đêm 9 rạng 10 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Thìn (30-9-1892)[20].

Tóm lại, có ba vấn đề cần các nhà khoa học góp phần làm rõ: Một là cái chết của Đề Nắm có phải do Đề Sặt sát hại hay không? Hai là, Đề Sặt có bị oan hay không? Ba là, ngày mất của Đề Nắm là ngày 11-4-1892 hay ngày 30-9-1892? Đây là vấn đề còn tồn nghi, rất cần các nhà khoa học trong thời gian tới làm sáng tỏ.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Võ Kim Cương (cb), Hà Mạnh Khoa, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Thị Thu Hằng: Lịch sử Việt Nam, tập 6 từ năm 1858 đến năm 1896, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017.

Nguyễn Văn Kiệm: Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb Giáo dục, 1985.

  1. Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt: Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế, Nxb Văn hoá-Cục xuất bản-Bộ Văn hoá Việt Nam, 1957.
  2. Đinh Xuân Lâm (cb), Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh: Lịch sử Việt Nam, tập III (từ năm 1858 đến năm 1945), Nxb Giáo Dục, 2012.
  3. Trần Huy Liệu: Lịch sử tám mươi năm chống Pháp, quyển I, Nxb Văn Sử Địa. 1957.
  4. Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Y-Ngông Niết Đam: Tài liệu tham khảo Cách mạng cận đại Việt Nam, tập 2. Ban nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, 1957.
  5. Nguyễn Quang Ngọc (cb), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lê, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh: Tiến trình lịch sử Việt Nam, (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo Dục, 2001.
  6. Văn Quang: Hoàng Hoa Thám (Bài học xương máu của 25 đầu đấu tranh), Nxb Sống mới, Sài Gòn, 1957.
  7. Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, Sở Văn hoá Thông tin Bắc Giang và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản, 1997.
  8. Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb Tri thức, 2014.
  9. Nguyễn Khánh Toàn (cb), Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, Bùi Đình Thanh: Lịch sử Việt Nam, tập II (1858-1945), sửa chữa, bổ sung, tái bản lần thứ ba. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004.
  10. Tạ Thị Thuý (cb), Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Lan Dung, Phạm Như Thơm: Lịch sử Việt Nam phổ thông từ năm 1858 đến năm 1930, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018.

 

 

NHỮNG THỜI ĐIỂM HÒA HOÃN CỦA CÁC THỦ LĨNH NGHĨA QUÂN

[1] Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt: Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế, Nxb Văn hoá-Cục xuất bản-Bộ Văn hoá Việt Nam, 1957, tr. 36.

[2] Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt: Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế, Sđd, tr. 60.

[3] Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt: Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế, Sđd, tr.60

[4] Đinh Xuân Lâm, Nguyễn Văn Sự, Trần Hồng Việt: Hoàng Hoa Thám và phong trào nông dân Yên Thế, Sđd, tr.61.

[5] Nguyễn Xuân Cần: Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6/1980, tr.65.

[6] Nguyễn Văn Kiệm: Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb Giáo dục, 1985, tr.49.

[7] Histoine militaire de l’Indochine, Khởi nghĩa Yên Thế do tác giả Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần, do Sở Văn hoá Thông tin Bắc Giang và Hội khoa học Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1997, tr.211-212. Tuy nhiên, khi chúng tôi kiểm tra phần trích trong công trình (Histoine militaire de l’Indochine de 1864 et 1922) thì không thấy có việc Đề Sặt giết Đề Nắm:  “Dès le 12 avril, le successeur du DÊ-NAM, le DÊ-SAT, qui tenait le second rang après BA-PHUC, se soumet au capitaine BRODIEZ, commandant le poste de Cao-Thuong, avec 50 de ses partisans dont plusieurs petits chefs, et rend 48 armes à feu dont 35 à tir rapide, ne demandant comme condition que de pouvoir relever et habiter le village de Lang-Sat, dont il était originaire. Le lendemain, le DÊ-ToUAN, second lieutenant du DÊ-SAT, fait sa soumission au même officier; le 16, le premier lieutenant du DÊ-SAT, le DÊ-KIÊu, se présente; enfin, le 20, le DÊ-SAT se rend”[7]. (Tạm dịch: Từ ngày 12 tháng 4, người kế nhiệm DÊ-NAM là DÊ-SAT, đứng thứ hai sau BA-PHUC, trình diện Đại úy BRODIEZ, chỉ huy chức vụ Cao-Thượng, cùng 50 người ủng hộ ông trong đó có một số tù trưởng nhỏ, và giao nộp 48 khẩu súng trong đó có 35 khẩu súng bắn nhanh, yêu cầu như một điều kiện chỉ để có thể chấn hưng và sinh sống tại làng Lang-Sát, quê quán của anh. Ngày hôm sau, DÊ-ToUAN, thiếu úy thứ hai của DÊ-SAT, trình diện cùng một sĩ quan; ngày 16, thiếu úy DÊ-SAT là DÊ-KIÊu trình diện; cuối cùng đến ngày 20 DÊ-SAT đầu hàng).

[8] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb Tri thức, 2014, tr. 283.

[9] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb Tri thức, 2014, tr. 283.

[10] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb Tri thức, 2014, tr. 283.

[11] Đinh Xuân Lâm (cb), Nguyễn Văn Khánh, Phạm Hồng Tung, Phạm Xanh: Lịch sử Việt Nam, tập III (từ năm 1858 đến năm 1945), Nxb Giáo dục, 2012, tr.102.

[12] Võ Kim Cương (cb), Hà Mạnh Khoa, Nguyễn Mạnh Dũng, Lê Thị Thu Hằng: Lịch sử Việt Nam tập 6 từ năm 1858 đến năm 1896, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2017, tr.329.

[13] PGS.TS Tạ Thị Thuý (cb), Đỗ Xuân Trường, Nguyễn Lan Dung, Phạm Như Thơm: Lịch sử Việt Nam phổ thông từ năm 1858 đến năm 1930, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2018, tr.334.

[14] Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Y-Ngông Niết Đam: Tài liệu tham khảo Cách mạng cận đại Việt Nam, tập 2. Ban nghiên cứu Văn Sử Địa xuất bản, 1957, tr.14.

[15] Trần Huy Liệu, Nguyễn Công Bình, Y-Ngông Niết Đam: Tài liệu tham khảo Cách mạng cận đại Việt Nam, Sđd, tr.15

[16] Nguyễn Quang Ngọc (cb), Vũ Minh Giang, Đỗ Quang Hưng, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Đình Lê, Trương Thị Tiến, Phạm Xanh: Tiến trình lịch sử Việt Nam, (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục 2001, tr.243.

[17] Nguyễn Khánh Toàn (cb), Nguyễn Công Bình, Văn Tạo, Phạm Xuân Nam, Bùi Đình Thanh: Lịch sử Việt Nam, tập II (1858-1945), sửa chữa, bổ sung, tái bản lần thứ ba. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.92.

[18] Năm 1933, trong công trình Hoàng-Thám, cướp biển (Hoang-Tham, pirate) của tác giả Chack, Paul khi mô tả về cuộc hành quân truy đuổi khởi nghĩa Yên Thế đã đề cập đến cái chết của Đề Nắm là do bị bệnh kiết lỵ. Nguyên văn trong công trình: “Et, le 28, quand, de nouveau, les baïonnettes se ruent contre la ligne principale, les gars d’Europe et les tirailleurs la trouvent évacuée. Plus une âme… Les forts sont vides. Abandonnant des montagnes de riz et de paddy, les pirates ont filé entre nos doigts pendant la nuit. Pourtant noustenions lessentiers…La tombe du Dé-Nam, récemment mort de la dysenterie, est découverte dans son repaire par les partisans du Quan-dao qui déterrent le cadavre du grand chef des bandes du Yen-thé et coupent la tête pour la porter en triomphe. Enlevé le 30, le fort de Ba-Phuc est, lui aussi, désert”[18] (Tạm dịch: Và, vào ngày 28, khi lưỡi lê một lần nữa lao vào phòng tuyến chính, những người đến từ châu Âu và những người giao tranh thấy nó đã sơ tán. Không một linh hồn… Các pháo đài trống rỗng. Bỏ cả núi lúa thóc, bọn cướp luồn lách trong đêm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đi đến những con đường … Ngôi mộ của Dé-Nam, người vừa mới chết vì bệnh kiết lỵ, đã được phát hiện trong hang ổ của anh ta bởi những người lính của Quan-dao, những người đã đào xác của thủ lĩnh vĩ đại của các băng Yen-thé và chặt đầu anh ta để mang đi lĩnh thưởng. Lấy ngày 30 đồn Bá-Phúc cũng tan hoang”.

[19] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), do Nxb Tri thức, 2014, tr.283.

[20] Nguyễn Xuân Cần: Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 6/1980.

TÌM HIỂU VỀ CHIẾN THUẬT ĐÁNH DU KÍCH CỦA KHỞI NGHĨA

YÊN THẾ QUA CÁC CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA LÀNG SẶT

                                                                       

  1. Trần Thị Thanh Huyền

                                                                          Viện Sử học

 

  1. Khái quát về khởi nghĩa Yên Thế

Khởi nghĩa Yên Thế là phong trào nông dân lớn nhất trong lịch sử Việt Nam cuối thế kỉ XIX và được phát triển qua bốn giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất (1884 – 1892)

Giai đoạn này, các toán nghĩa quân còn hoạt động riêng lẻ, chưa có sự phối hợp và chỉ huy thống nhất. Lúc bấy giờ xuất hiện hàng chục nhóm nghĩa quân của Đề Nắm, Bá Phức, Thống Luận, Tổng Tài, Đề Thuật, Đề Chung… Mỗi thủ lĩnh chỉ huy một nhóm quân và làm chủ một vùng.

Trong giai đoạn này, tuy phong trào chưa được thống nhất vào một mối, nhưng nghĩa quân vẫn hoạt động có hiệu quả. Tháng 11-1890, nghĩa quân Đề Thám đã giành thắng lợi trong trận chống càn ở Cao Thượng. Từ đầu đến cuối tháng 12-1890, ba lần quân Pháp tấn công vào Hố Chuối, nhưng cả ba lần chúng đều bị nghĩa quân Đề Thám đánh bại. Đến cuối năm 1891, nghĩa quân đã làm chủ hầu hết vùng Yên Thế, mở rộng họat động sang cả Phủ Lạng Thương.

Nhằm ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của địch, nghĩa quân đã lập một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự ở phía bắc Yên Thế do Đề Nắm, Đề Thám, Bá Phức, Đề Tâm, Đề Tuất, Đề Chung, Tổng Tài chỉ huy. Lúc này, Đề Nắm là một trong những thủ lĩnh có uy tín nhất của nghĩa quân Yên Thế.

Tháng 3-1892, Pháp huy động hơn 2.200 quân bao gồm nhiều binh chủng (công binh, pháo binh…) do tướng Voarông (Voiron) chỉ huy ào ạt tấn công vào căn cứ nghĩa quân. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân sau nhiều trận kịch chiến đã phải rút khỏi căn cứ. Lực lượng nghĩa quân bị suy yếu rõ rệt. Khó khăn ngày càng nhiều, một số thủ lĩnh ra hàng, một số khác hi sinh trong chiến đấu, trong đó có Đề Nắm bị giết vào tháng 4-1892. Để cứu vãn tình thế, Đề Thám đã đứng ra tổ chức lại phong trào và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân Yên Thế[1].

Để cứu vãn tình thế, Đề Thám đã đứng ra tổ chức lại phong trào và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân Yên Thế. Tuy gặp khó khăn, nhưng thế mạnh của quân Yên Thế là thông thuộc địa hình và cơ động, giúp họ thoát được vòng vây của quân Pháp.

Giai đoạn thứ hai (1893-1897)

Trong giai đoạn này, nghĩa quân đã hai lần đình chiến với Pháp, lần thứ nhất vào tháng 10-1894, lần thứ hai vào tháng 12-1897. Sau khi Đề Nắm hi sinh, Đề Thám đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào Yên Thế. Ông đã khôi phục những toán quân còn sót lại ở Yên Thế và các vùng xung quanh, rồi tiếp tục hoạt động. So với giai đoạn trước, số lượng nghĩa quân tuy có giảm, nhưng địa bàn hoạt động lại mở rộng hơn.

Năm 1894, nghĩa quân trở về Yên Thế tiến hành xây dựng lại căn cứ Hố Chuối, đồng thời mở rộng hoạt động ra các vùng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang. Lúc này, các phong trào Bãi Sậy, Ba Đình, cũng như các đội quân kháng chiến của Đốc Ngữ, Đề Kiều đều đã tan rã, nên thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng đàn áp khởi nghĩa Yên Thế.

Ngày 17-9-1894, nghĩa quân Yên Thế bắt cóc Chesnay, biên tập viên tờ Avenir du Tonkin. Do phải chịu áp lực từ phía chính quyền thuộc địa và khó khăn trong việc dập tắt cuộc khởi nghĩa, quân đội Pháp phải tiến hành hòa hoãn để nghĩa quân Yên Thế thả Chesnay. Về phía nghĩa quân, tuy có giành được một số thắng lợi, nhưng lực lượng cũng suy yếu rõ rệt. Trong tình hình đó, Đề Thám thấy cần phải hòa hoãn với Pháp để tranh thủ thời cơ củng cố lực lượng. Tháng 10-1894, cuộc thương lượng giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp kết thúc. Theo đó, phía Pháp trả 15.000 francs tiền chuộc và rút khỏi Yên Thế, để Đề Thám kiểm soát 4 tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ và Hữu Thượng, với quyền thu thuế trong 3 năm. Trong thời gian này, Đề Thám tới sống ở đồn Phồn Xương và tổ chức cho nghĩa quân cày cấy với quy mô lớn. Ông cũng được Kỳ Đồng hỗ trợ, tuyển mộ người cho ông trong các đám phu từ một đồn điền của Pháp do Kỳ Đồng quản lý.

Năm 1895, Đề Thám tham gia tổ chức đánh Bắc Ninh, và từ chối trả lại những vũ khí mà ông chiếm được tại đây cho phía Pháp. Tới tháng 11-1895, thiếu tá Gallieni đưa một pháo thuyền chở quân lên uy hiếp, buộc Đề Thám đầu hàng, nhưng nghĩa quân Đề Thám đã chống cự quyết liệt. Để tránh những cuộc đụng độ lớn với quân Pháp, Đề Thám chủ trương chia nghĩa quân thành những toán nhỏ, phân tán hoạt động trong rừng và ở các làng mạc. Nghĩa quân phải di chuyển hoạt động trong bốn tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên.

Trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng suy yếu. Để bảo toàn lực lượng, Đề Thám lại xin giảng hòa với Pháp lấn thứ hai. Thực dân Pháp lúc này cũng muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa, vì vậy, tháng 12-1897, hiệp ước hòa hoãn giữa thực dân Pháp và nghĩa quân Đề Thám đã được kí kết với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghĩa quân phải nộp cho Pháp tất cả vũ khí và phải bãi binh. Đề Thám bề ngoài tỏ ra là phục tùng, nhưng bên trong vẫn ngầm củng cố lực lượng.

    Giai đoạn thứ ba (1898 – 1908)

Trong suốt 11 năm đình chiến, nghĩa quân Yên Thế vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Tại căn cứ Phồn Xương, nghĩa quân vừa sản xuất tự túc lương ăn, vừa tăng cường sắm sửa vũ khí, ra sức luyện tập. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân ở Phồn Xương tuy không đông (khoảng 200 người), nhưng rất thiện chiến. Đồng thời, Đề Thám còn mở rộng quan hệ giao tiếp với các nhà yêu nước ở Bắc và Trung Kì,

Tại Yên Thế, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã hai lần đón tiếp nhà yêu nước Phan Bội Châu. Giữa năm 1906, Phan Châu Trinh cũng lên Yên Thế gặp Đề Thám. Đề Thám còn lập một căn cứ gọi là đồn Tú Nghệ dành cho các nghĩa sĩ miền Trung ra huấn luyện quân sự.

Về phía Pháp, trong thời gian này chúng đã ráo riết lập đồn, bốt, mở đường giao thông…, tạo mọi điều kiện cần thiết để đánh đòn quyết định vào căn cứ Yên Thế.

Giai đoạn thứ tư (1909- 1913)

Năm 1908, nghĩa quân Đề Thám tham gia cuộc nổi dậy của lính khố xanh tại Bắc Ninh, Nam Định và Nhã Nam, khiến một sỹ quan Pháp bị giết. Tới 27-7 năm 1908, xảy ra vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội có sự tham gia của nghĩa quân Yên Thế. Cuộc binh biến này được chuẩn bị rất chu đáo, theo đó nghĩa quân sẽ bắn phá đồn binh Pháp tại Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội) bằng đại bác nhằm vô hiệu hóa đồn này. Các đồn binh tại Sơn Tây và Bắc Ninh sẽ bị chặn đánh, không cho tiếp cứu Hà Nội. Quân Đề Thám án binh ở ngoài thành Hà Nội, chờ tín hiệu từ trong thành, sẽ đánh Gia Lâm, khống chế đường xe lửa và cắt liên lạc của Pháp bằng điện thoại. Tuy nhiên cuộc binh biến thất bại, quân Đề Thám phải rút về, 24 người tham gia cuộc binh biến bị Pháp xử tử, 70 người bị xử tù chung thân.

Nhân cơ hội này, thực dân Pháp chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt nghĩa quân. Tháng 1-1909, dưới quyền chỉ huy của đại tá Batay (Bataille), khoảng 15.000 quân cả Pháp và quan quân nhà Nguyễn đã ào ạt tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân vừa chống đỡ, vừa chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường di chuyển, nghĩa quân vẫn tổ chức đánh trả quyết liệt, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30-1-1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15-3-1909).

Trước các cuộc vây quét tiêu diệt gắt gao của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. Đến cuối năm 1909, hầu hết các tướng lĩnh đã hi sinh, hoặc sa vào tay giặc, như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển (con Nguyễn Thiện Thuật), Ba Biều, bà Ba Cẩn… Có một số người ra hàng như: Cả Dinh, Cai Sơn… Từ ngày 29-1 tới ngày 11-11 năm 1909, quân Đề Thám thua 11 trận quan trọng, bị quân Pháp vây hãm tại Yên Thế. Bà Ba Cẩn bị bắt, bị đày đi Guyana. Đến đây, phong trào coi như đã thất bại về cơ bản.

  1. Những yếu tố dẫn đến việc lựa chọn chiến thuật đánh du kích của khởi nghĩa Yên Thế

Địa hình của Yên Thế: Đây là một địa bàn thuận lợi cho nghĩa quân, nghĩa quân có thế đi sang Thái Nguyên rồi dựa vào dãy núi Tam Đảo, có thể tràn xuống Phúc Yên rồi tỏa về đồng bằng Bắc Ninh, Bắc Giang rộng lớn, có thế đi xuống Hòa Bình và đằng sau Yên Thế là một vùng rừng núi trùng trùng điệp điệp của các tỉnh miền thượng du Bắc Kỳ.

Ngoài những làng Tè (Vân Cầu), làng Châu (Ngô Xá), làng Giã (Mục Sơn), vùng Yên Thế đã xuất hiện thế những làng Sặt, Thế Lộc, Cao Thượng, Luộc Hạ, Lèo Bắc, Lèo Nam, Thuống Thượng, Bằng Cục, Khê Thượng, Phú Khê, Ba Làng… Đó là những làng xóm tuy “không có những sa mạc nóng bỏng và khô khan có khả năng ngăn bước tiến của các đạo quân nhưng lại có những khu rừng bạt ngàn không thể len lỏi vào được thiết lập các căn cứ, những thung lũng tròn có bốn bề núi non bao bọc, những ngọn đèo không thể nào vượt qua và vô số làng phòng thủ kiên cố có thể làm cho một toán quân hi sinh xương máu nếu muốn tấn công vào[2]“. Trong đó, làng Sặt có “những lối đi ngầm được cây cối che lấp, chưa hề bị đụng tới, những hầm ngầm dưới đất, những chiếc hang khoét vào thân tường hay ở ngay dưới nền nhà”[3].

Toàn bộ nhưng công trình bố trí như vậy, đảm bảo cho cư dân Yên Thế sự yên ổn lớn, tạo ra khả năng chống lại các cuộc tấn công của các toán quân có số lượng nhỏ, kể vả việc gây tổn thất cho các toán quân ấy. Trong giai đoạn đầu, trung tâm của phong trào ở Thế Lộc và làng Sặt. Đề Nắm đã xây dựng nơi ở của mình, xóm Khủa, làng Thế Lộc, thành một pháo đài kiên cố thực sự. Xung quanh vị trí của Đề Nắm là đồn trại của các thủ lĩnh khác như pháo đài làng Sặt của Đề Sặt nằm ở phía Tây Nam.

         Phẩm chất con người Yên Thế:  Con người nơi đây kiên cường, mưu trí đã được rèn luyện, thử thách qua nhiều thế hệ. Yên Thế Thượng vào giữa thế kỷ XIX còn là một vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Đây là nơi tá túc của nhiều toán giặc Khách, nhiều toán thổ phỉ thường xuyên cướp phá các vùng lân cận. Đây cũng là địa bàn lý tưởng của một bộ phận nông dân lưu tán hoặc đang bị truy đuổi đến ẩn náu và sinh sống từ những năm 60 và 70 của thế kỷ XIX. Ở đây, họ cùng nhau khai phá đất hoang để trồng cấy, kiếm lâm sản, sống lẫn lộn với bọn giặc Khách, bọn thổ phỉ. Để chống lại ách áp bức, sự truy bắt của chính quyền cũng như chống lại sự cướp bóc, tàn phá của giặc cướp, những người nông dân lưu tán đến cư ngụ ở đây đã phải lập những đội vũ trang tự vệ, những làng chiến đấu. Đây được đánh giá là vùng đất thiếu an ninh nhất của Bắc Kỳ lúc bấy giờ.

Chính yếu tố địa hình và con người nơi đây đã khiến: những con người và những “Hố Chuối, Cao Thượng, Sặt, Phú Khê là những tên làng của vùng Yên Thế thường được nêu trong các bản thông báo quân sự ở Đông Dương… Đây là bãi chiến trường và là nơi xảy ra những sự kiện quân sự quan trong nhất trong xứ thuộc địa ở Viễn Đông[4]“.

Tương quan lực lượng: Đây yếu tố quan trọng quyết định đến chiến thuật chống Pháp của nghĩa quân Yên Thế. Pháp có lực lượng chiến đấu tinh nhuệ đã được rèn luyện và được trang bị những vũ khí hiện đại. Chiến thuật của quân viễn chinh Pháp là tập trung quân đội tấn công chớp nhoáng. Nhược điểm của quân Pháp là: sợ đánh gần, nhất là khó xoay chuyển trong địa hình hiểm trở; dựa vào hoả lực pháo binh và khi thương vong tinh thần dễ sa sút, v.v…  Để đối phó lại với Pháp, nghĩa quân chọn chiến thuật đánh du kích đối lập hẳn với Pháp: tránh các cuộc đụng độ, ẩn nấp trong rừng rậm, chờ thời cơ thích hợp để tiêu diệt nhóm riêng lẻ, tấn công tàu và các đoàn áp tải để kẻ thù dấn sâu vào rừng và cắt đứt sự rút lui của Pháp.

 

  1. Chiến thuật đánh du kích qua các cuộc chiến đấu của làng Sặt

Bảng: Những trận đánh của quân dân Làng Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế

Thời gian Lực lượng Pháp Kết quả
21-8-1889 Hai viên chánh quản Dallamgne’ và Picar đã huy động toàn bộ lính khố xanh ở hai đồn Bỉ Nội và Bích Động Pháp đã được đón tiếp bằng nhiều loạt đạn, bị quật ngã 9 tên. Quân Pháp cố gắng lọt vào làng nhưng làng được phòng thủ rất kiên cố, Pháp đành  phải rút lui
 22-8-1889 Pháp phải tháo lui mang theo 8 thương vong
 27-8- 1889 Đại úy Gorce đem 28 lính rời đồn Hà Châu, tìm cách đi vòng để tiến lên Nhã Nam. Phải bỏ chạy để lại 5 xác chết.

 

17-9-1889 Gorce tập hợp ở Bỉ Nội lực lượng gồm 228 quân (136 bộ binh, 30 kị binh, 62 lính khố xanh) và 1 khẩu đội sơn pháo kéo đến làng Sặt Đề Nắm, Đề Sặt cho thu quân, rút về Hố Chuối.
Ngày 11-12/11/1890 Godin đưa quân càn quét các làng trong đó có Dương Sặt. Godin điều động lính khố xanh tại các đồn binh Ca Sơn Thượng, Hà Châu, Đức Thắng để đưa vào cuộc càn quét Trung úy Plat, sĩ quan tùy tùng của thiếu tướng tư lệnh Lữ đoàn 2, bị một phát đạn gần chết. Đầu tháng 12, Godin đành phải ra lệnh kết thúc chiến dịch

Nguồn: Bảng được tập hợp từ các nguồn: Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb Tri thức, 2014; Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, Hà Nội, 1997.

            Cách đánh của quân dân làng Sặt với thực dân Pháp

Ẩn náu khi Pháp đến gần, đặt chướng ngại vật trên đường Pháp tấn công:

Thực dân Pháp “cũng gặp ở khắp nơi một đám dân chúng đầy ác cảm, họ trốn chạy khi ta (quân Pháp) đến gần hoặc đặt chướng ngại vật trong làng của họ. Sự vận động của quân ta đều bị đám dân chúng bản xứ ở trên các điểm cao do thám. Chúng ta không điều tra được chút gì và đội quân không thu được kết quả”[5].

Chặn đường tấn công bất ngờ

Ngày 22-8- 1889, một ngày sau khi hai viên chánh quản Dallamgne’ và Picar đã huy động toàn bộ lính khố xanh ở hai đồn Bỉ Nội và Bích Động kéo đến tấn công làng Dương Sặt mà không thu được kết quả[6]. Đề Sặt đã mang một lực lượng rời Dương Sặt tấn công dồn dập vào tốp lính khố xanh ngay tại cửa ngõ của đồn binh Bỉ Nội, khiến chúng “đành phải tháo lui mang theo 8 thương vong”.

Hay khi quân Pháp lại tính tới khả năng vừa tái chiếm đồn binh Tỉnh Đạo, vừa tiêu diệt cụm làng chiến đấu Dương Sặt – Thế Lộc.  Ngày 26-8, đại úy Gorce đem một lực lượng từ Bắc Ninh lên phối hợp tác chiến với đồn binh Hà Châu. Ngày 27-8, viên sĩ quan này đem 28 lính rời đồn Hà Châu, tìm cách đi vòng để tiến lên Nhà Nam. Lúc đi qua phủ Mọc, bị nghĩa quân do Đề Sặt chỉ huy tấn công dữ dội, phải bỏ chạy để lại 5 xác chết.

Lập các phòng tuyến

Khi đối đầu với lực lượng mạnh của thực dân Pháp, quân dân làng Sặt đã lập các phòng tuyến trong làng để đánh giặc. Được bổ sung quân và đại bác, ngày 17-9-1889, Gorce tập hợp ở Bỉ Nội lực lượng gồm 228 quân (136 bộ binh, 30 kị binh, 62 lính khố xanh) và 1 khẩu đội sơn pháo, kéo đến làng Dương Sặt – Thế Lộc. Lúc 6 giờ sáng ngày 18-9-1889, Gorce cho quân tấn công vào chính diện làng Dương Sặt và cố sức vượt qua phòng tuyến kiên cố của nghĩa quân.

Dưới sự chỉ huy của Đề Sặt, nghĩa quân đã lùi dần vào phòng tuyến thứ hai rồi mở phòng tuyến thứ ba. Gorce cho tung hàng loạt lựu đạn phá các rào lũy, mở lối để tiến sâu vào trong làng. Nghĩa quân đã chống trả quyết liệt, đánh bật quân Pháp ra khỏi làng. Gorce đành hủy cuộc tấn công chính diện, cho quân vòng vào phía cuối làng, hạ lệnh nã pháo vào làng và cho đội kị binh án ngữ con đường lên Tỉnh Đạo. Đề Sặt đã dẫn nghĩa quân rời khỏi các tuyến lũy xông vào chiến đấu với kị binh hơn nửa giờ đồng hồ. Từ phía Thế Lộc, Đề Nắm cũng dẫn nghĩa quân tấn công tốp kị binh do De Lahay cầm đầu, giết chết viên chỉ huy này[7].

Thao Histoire militaire de I’Indochine: “Ngày 18-9-1889, một đội thám báo mạnh do Đại úy Gorce chỉ huy đánh vào làng Sặt. Vị trí này được phòng ngự kiên cố và được 250 tên giặc (nghĩa quân) bảo vệ quyết liệt không thể đánh trực diện được. Ngoài ra còn nhiều toán giặc lớn ứng chiến ở những vùng xung quanh. Đại úy Gorce phải tung cả đội kị binh tuần tiễu ra quanh vùng để ghìm chân những toán có khả năng đe doạ ra hai bên sườn.

Thế rồi, khi pháo binh nã đạn vào trong làng thì một phân đội đi vòng được ra sau làng, nhờ rừng rậm che khuất đã đột nhập được vào trong làng. Bọn giặc (tức nghĩa quân) thấy bị đánh tập hậu liền kháng cự yếu ớt rồi rút chạy”.

Những chiến thắng liên tiếp ở Dương Sặt – Thế Lộc, Tỉnh Đạo, Phủ Mọc một lần nữa khẳng định tài năng và uy tín của Đề Nắm, Đề Sặt, ghi vào lịch sử những trang rực rỡ về các làng chiến đấu tiêu biểu ở Yên Thế.

  1. Nhận xét:

Nhân dân Làng Sặt đã có những đóng góp lớn đối với nghĩa quân Yên Thế chống lại giặc Pháp nhất là trong giai đoạn đầu.

Với cách đánh linh hoạt, tài tình, người dân làng Sặt nói riêng và nghĩa quân Yên Thế nói chung đã làm cho thực dân Pháp phải sợ mỗi khi nhắc đến: “Quân phiến loạn (nghĩa quân) không sợ đại bác, cũng không sợ đạn quân ta bắn như mưa, họ phòng thủ vị trí của họ một cách vô cùng quyết liệt, vị trí của họ được xây dựng kiên cố đáng  phục, “những người không đi học trường cao đẳng quân sự mà biết lợi dụng địa hình, địa vật như vậy thật sự đáng khâm phục, “quân số của địch (nghĩa quân) trong trận này không đông quá 100 người nhưng cuộc kháng cự đã diễn ra rất kịch liệt và người ta không thể hiểu tại sao một nhóm người trong một địa bàn nhỏ hẹp lại có thể đương đầu với đại bác đặt cách không đầy 300 m và trong một thời gian khá lâu như vậy[8]“.

Những cuộc đối đầu với kẻ thù mạnh hơn hẳn được trang bị vũ khí tối tân, thể hiện tinh thần dũng cảm, yêu nước của nhân dân làng Sặt, đây là truyền thống quý báu từ ngàn đời xưa của nhân dân ta.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Xuân Cần: Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6/1980.
  2. Trần Văn Giàu: Chống xâm lăng: lịch sử Việt Nam từ 1858 đến năm 1898, Nxb Văn Sử Địa, 1957.
  3. Nguyễn Văn Kiệm: Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb Giáo Dục, 1985.
  4. Đinh Xuân Lâm (cb): Đại cương Lịch sử Việt Nam tập 2, Nxb Giáo Dục, 2001.
  5. Đinh Xuân Lâm: Tìm hiểu thêm về khởi nghĩa Yên Thế, Tạp chí Lịch sử Quân sự số 4/2009.
  6. Trịnh Tiến Lưu, Nguyễn Văn Phong: chuyện kể dân gian về Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh nghĩa quân Yên Thế, Nxb Thông tấn, 2011.
  7. Trần Huy Liệu: Cách mạng cận đại Việt Nam, tập 2, Nxb Văn Sử Địa, 1958.
  8. Vũ Thanh Sơn: Nhân vật lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầy thế kỉ XX, Nxb Quân đội, 2013.
  9. Khổng Đức Thiêm, Nguyễn Xuân Cần: Khởi nghĩa Yên Thế, Hà Nội, 1997.
  10. Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb Trí thức, 2014.

 

 

TÌM HIỂU THÊM VỀ CĂN CỨ LÀNG SẶT VÀ ĐỀ SẶT

TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ

 

GS.TS. Đỗ Quang Hưng

Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn

 

  1. Căn cứ làng Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) bền bỉ, hào hùng và bi tráng, là một trong những phong trào đấu tranh yêu nước chống Pháp tiêu biểu nhất trong giai đoạn lịch sử cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trong giai đoạn đầu tiên của cuộc khởi nghĩa (1884-1892), phong trào dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh như Đề Nắm, Đề Sặt, Bá Phức, Đề Thám… Nhiều căn cứ được hình thành, nhiều thủ lĩnh và chỉ huy nghĩa quân xuất hiện và tham gia phong trào trong khung cảnh xứ Bắc Kỳ nói chung và vùng Yên Thế nói riêng đối mặt với cuộc xâm lược và bình định của thực dân Pháp ra Bắc Kỳ.

Vào nửa cuối thế kỷ XIX, Bắc Kỳ từ lâu đã bị nạn giặc giã tràn lan, đặc biệt là vùng trung và thượng du miền núi phía Bắc. Charles Founiau đã viết: “Những đám giặc giã và thổ phỉ thường xuyên được nhắc đến trong sử sách của hoàng gia, đến mức có cả một loạt từ ngữ để chỉ các loại giặc khác nhau”[9]. Trong đó, có các nhóm thổ phỉ người Hoa trên vùng thượng du, gần biên giới Việt – Trung phía Tây Bắc, những băng đảng Hoa – Việt ở vùng trung du… Năm 1864, Ngô Côn dẫn một nhóm quân tràn xuống vùng Yên Thế qua đèo Ỉnh, đèo Cát và Mỏ Xạt. Quan quân triều đình do Ông Ích Khiêm chỉ huy đã đánh lui chúng nhưng sau đó nhóm Ngô Côn lại trở lại, móc nối với một số người Việt và hoạt động quanh vùng. Tình hình giặc giã tại Yên Thế trở nên căng thẳng và phức tạp, năm 1873, triều đình Huế quyết định cho xây dựng một pháo đài theo kiểu Vauban ở gần Nhã Nam, gọi là thành Tỉnh Đạo, để chặn đường thổ phỉ chạy từ Yên Thế xuống vùng đồng bằng[10].

Thực dân Pháp quyết tâm tiến hành cuộc xâm lược Bắc Kỳ nhằm củng cố và mở rộng hệ thống thuộc địa tại Viễn Đông, đặc biệt là Việt Nam. Năm 1882, thành Hà Nội thất thủ, thực dân Pháp liền mở rộng bành trướng ra các tỉnh lân cận. Ngày 19-5-1883, trong trận Cầu Giấy lần thứ hai, Rivière chết trận. Cũng tại thời điểm tháng 5-1883, chính phủ Pháp đã quyết định tiến hành một cuộc bình định mạnh mẽ và dứt khoát trên toàn Bắc Kỳ. “Ngay lập tức Bắc Kỳ không chỉ có máu chảy mà thôi. Ngoài những vụ phá phách vẫn diễn ra từ xưa đến lúc đó của thổ phỉ Trung Quốc và thổ phỉ Hoa – Việt, mảnh đất này phải hứng chịu những trận chiến mới và trả giá cho công cuộc bình định của người Pháp”[11].

Làng Sặt, làng Hả (Thế Lộc) hay những khu vực khác trên địa bàn Yên Thế có vị trí địa lý rất đặc biệt, là một trong những tuyến đường trọng điểm nối liền vùng thượng du và đồng bằng. Theo Đồng Khánh địa dư chí, huyện Yên Thế thuộc phân phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh, gồm 8 tổng, 44 xã thôn, 1.454 nhân đinh, trong đó có các tổng: Mục Sơn (có xã Dương Sơn), Vân Cầu, Yên Lễ, Bảo Lộc Sơn, Lạn Giới, Nhã Nam, Quế Nham, Yên Thế.

Huyện Yên Thế nằm ở phía Tây Bắc thành phố Bắc Giang hiện nay. Phía Bắc huyện là dãy núi Cai Kinh, một dãy núi đá đồ sộ, hiểm trở với những mỏm núi cao chừng 200-300 m ở phía bắc lưu vực sông Thương. Mặt Nam và Đông Nam dãy núi có những vách cao dựng đứng. Mặt Tây Nam thấp dần, chạy vào lưu vực sông Thương và chi lưu của nó là sông Sỏi. Đó là một vùng rừng núi với những vách đá cheo leo, những khu rừng xanh sẫm với nhiều dòng suối chảy trên đá, nước trong suốt, đôi khi tạo thành những thác nước ào ào. Phía Đông Yên Thế là con sông Thương, giống như một đường ranh giới tự nhiên. Phía Tây Bắc Yên Thế tiếp giáp với những khu rừng rậm rạp của tỉnh Thái Nguyên; còn phía Tây là miền đất quang đãng có những ngọn đồi và cánh rừng thưa thuộc các huyện Kim Anh, Đa Phúc (nay thuộc huyện Đông Anh và Sóc Sơn, Hà Nội).

Năm 1884, đại tá Joseph Galliéni nhận xét: “Cùng với các khu rừng cực kỳ rậm rạp và vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, nằm giữa vùng đồng bằng châu thổ phì nhiêu và các vùng đồi ‘núi Cai Kinh và Bảo Đài, Yên Thế luôn là thành trì của các toán cướp An Nam ở Bắc Kỳ”[12]. Đương thời, Yên Thế giữ một vị trí mang tính chiến lược trong hệ thống tổ chức lãnh thổ của thực dân Pháp, vừa nằm ở vùng lãnh thổ dân sự vừa nằm ở đường vành đai lãnh thổ quân sự. Trong đó, Yên Thế cuối thế kỷ XIX được cai trị bởi chính quyền dân sự và một quan chức hành chính nổi tiếng là vụng về. Theo Lyautey nhận định (1895): “điều nguy hiểm chính là Yên Thế nằm ở vành đai của những khu vực trù phú nhất châu thổ, chỉ cách Hà Nội có sáu mươi cây số và cách hai mươi cây số về mạn phía bắc của tuyến đường sắt từ phủ Lạng Thương đến Lạng Sơn. Yên Thế là một mối đe dọa thường trực đối với con đường sắt này và trở thành một điểm lọt thỏm trong lãnh địa thứ hai, đặt dưới sự cai quản và bình định của đại tá Galliéni”[13]. Chính vì vậy, các thủ lĩnh Yên Thế đã tận dụng lợi thế địa lý cũng như mâu thuẫn hành chính giữa hai phía dân sự và quân sự của chính quyền Pháp để duy trì sự cân bằng cho khu vực của mình (nhất là trường hợp Đề Thám). Yên Thế là một trong những vùng đất tiêu biểu nhất của chiến tranh du kích và nghệ thuật tận dụng địa hình để xây dựng căn cứ, tác chiến quân sự.

Tin tức thành Bắc Ninh thất thủ (12-3-1884) khiến vùng Yên Thế trở nên biến động, thổi bùng lên phong trào yêu nước chống Pháp của quần chúng nhân dân. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, khắp vùng Yên Thế, Mục Sơn, người người nô nức tập hợp dưới cờ tụ nghĩa của Đề Nắm, Đề Sặt. Sau khi tập hợp được một nghĩa quân đông đảo, Đề Nắm, Đề Sặt đã quyết định chọn Đức Lân[14] (Phú Bình – Thái Nguyên), một vùng đồi cây rậm rạp cách phía bắc thành Tỉnh Đạo không xa, lại án ngữ tuyến đường Yên Thế – Thái Nguyên làm căn cứ đầu tiên.

Căn cứ làng Sặt (xã Dương Sơn, quê của Đề Sặt), làng Hả – Thế Lộc (quê của Đề Nắm), cũng được hình thành trong thời điểm đó. Theo Vương Thành Giao, địa thế làng Sặt, xã Dương Sơn có nhiều đồi núi, rừng cây rậm rạp, đường nhỏ, nhiều thú rừng; dân số xã ở thời điểm đó có trên 300 hộ, hơn 1000 dân, trên 70 suất đinh[15].

Xã Dương Sơn có nhiều người tham gia nghĩa quân Yên Thế như: Đề Sặt (hay Thống Sặt, tên Đỗ Văn Hùng), Đề Lâm (Trần Đức Thăng), Đề Sắt (Trần Văn Rệ hay Duệ), Đốc Lành (Trần Văn Lành), Đốc My (Nguyễn Văn My)… Sau khi tham dự lễ tế cờ khởi nghĩa của Đề Nắm (ngày 16-3-1884), căn cứ làng Sặt dần được củng cố, dân chúng tổ chức rào làng, đào hào giao thông, hầm hào bí mật, xây ụ súng, cắt cử người canh gác, tuần phòng, mua sắm vũ khí[16].

Bên cạnh đó, ngoài nhóm nghĩa quân do Đề Nắm, Đề Sặt chỉ huy, quanh vùng Yên Thế còn nổi lên các nhóm ở Cầu Vồng (Ngọc Vân – Tân Yên) do Thống Luận, Thống Ngò, Tạ Văn Công, Trần Văn Lẫm, Lưu Đình Bệ…; nhóm Tuy Lộc Sơn – Quế Nham của Thống Tài, Đốc Mến; nhóm Hương Vĩ của Đốc Bách, Cai Thoa…

Trong các cứ điểm này, ngoài căn cứ Đức Lân, nổi bật là hai căn cứ: làng Sặt (quê của Đề Sặt) và làng Hả – Thế Lộc (quê của Đề Nắm).

  1. Thủ lĩnh Đề Sặt và căn cứ làng Sặt trong khởi nghĩa Yên Thế

Cùng với Đề Nắm và các chỉ huy nghĩa quân khác, Đề Sặt đã tập hợp, lãnh đạo quần chúng yêu nước tại quê nhà đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược. Phong trào đấu tranh chống giặc Pháp nổi lên ở hầu khắp các thôn, làng của Yên Thế: Đề Thị ở Thị, Đề Huế ở Dương Lâm, Đề Sử ở Dinh, Đề Huỳnh ở Mạc, Đề Hùng ở Vân Cầu, Đề Truật ở Chuông, Đề Dĩnh ở Dĩnh Tháp, Đề Tiền ở Hòa Mục, Đề Gạo ở Trũng, Lãnh Phức và Phó Thám ở Bằng, lãnh Hòe ở Quế Nham, Thống Ngò ở Ngò, Lý Mễ ở Sỏi…

Thủ lĩnh Lương Văn Nắm đã nhận thấy cần phải thống nhất các phong trào đấu tranh tự phát, nhỏ lẻ trong vùng thành một phong trào chung để liên hết, tập hợp đông đảo lực lượng, tổ chức và xây dựng căn cứ để có thể chiến đấu lâu dài với quân xâm lực. Ngày 16-3-1884, tại đình làng Hả – Thế Lộc, Đề Nắm tổ chức lễ tế cờ chính thức phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang của nhân dân Yên Thế chống Pháp xâm lược, nhận chức Tổng chỉ huy nghĩa quân.

Thời thanh niên, Đề Sặt chơi thân với Đề Nắm, ông tên là Đỗ Văn Hùng (1847-1893) người làng Dương Sặt, từng là lý trưởng, nổi tiếng về tính gan dạ và tài năng quân sự. Bên cạnh có các tùy tướng là Đề Sắt (Trần Văn Duệ), Đề Lâm (Trần Văn Lâm)… Đề Sặt gắn bó với Đề Nắm ngay từ những ngày đầu khởi nghĩa, căn cứ làng Sặt và làng Hả luôn tương hỗ nhau trong suốt giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế.

Thủ lĩnh Đề Nắm, Đề Sặt và các chỉ huy nghĩa quân chủ trương dựa hẳn vào xóm làng để xây dựng căn cứ chiến đấu, duy trì và phát triển lực lượng nghĩa quân. Trong giai đoạn đầu tiên, trung tâm của phong trào là ở làng Thế Lộc và làng Sặt. Bên cạnh cứ điểm Xóm Khủa làng Thế Lộc, các đồn trại của các thủ lĩnh khác như làng Sặt của Đề Sặt ở phía tây nam, căn cứ làng Thị của Đề Thị ở phía đông, căn cứ Cốt Du của Lãnh Thủy, căn cứ Phúc Đình của Lãnh Cúc ở phía đông Nam… Tất cả tạo thành một hệ thống đồn lũy bao quanh bảo vệ cho trung tâm khởi nghĩa của Đề Nắm. Các căn cứ của nghĩa quân tại làng Thế Lộc, làng Sặt cũng như các nơi khác thường nằm ở những vị trí xung yếu trong rừng rậm, đồi núi cao, gần các con sông con suối, vừa đảm bảo việc bố phòng, tổ chức chiến đấu, vừa tiện lợi cho các sinh hoạt đời sống bình thường của nghĩa quân.

Ngay từ những thời điểm đầu khi quân Pháp tấn công lên Yên Thế, chúng đã phải thừa nhận: “đã từ lâu vùng Thượng Yên Thế nằm trong tay một số thủ lĩnh phiến loạn, họ đã làm chủ tuyệt đối trong vùng. Đóng trong một vùng rất thích hợp với chiến tranh du kích, những toán quân của họ không ngừng phát triển lên, vào tháng 8 (1889) họ đã không hề sợ hãi hai lần đánh thẳng vào những đội thám báo của chúng ta. Toán quân chính theo lệnh của Đề Nắm đã chiếm đóng tất cả vùng bắc Tỉnh Đạo, những sào huyệt chính của họ được đặt ở làng Sặt và ở làng Thế Lộc”[17].

Tại Đại hội Dĩnh Tháp (22-8-1888), nghĩa quân Yên Thế bầu ra Bộ chỉ huy gồm[18]:

Chánh tướng Tổng thống quân vụ: Bá Phức

Phó tướng, Tả dực tướng quân, phụ trách hậu cần, quân nhu: Đề Nắm

Phó tướng, Hữu dực tướng quân, phụ trách quân đội: Đề Thám

Phân chia thành 3 khu vực: Khu vực Yên Thế, Việt Yên, Yên Dũng do Bá Phức, Đề Nắm, Đề Thám – địa bàn chính của cuộc khởi nghĩa; Khu vực Hiệp Hòa, Kim Anh, Đa Phúc, Tam Đảo: Thống Luận, Thống Ngò, Đề Công , Đề Nguyên; Khu vực Bảo Lộc, Phượng Nhỡn: Cai Biều, Tổng Bưởi.

Như vậy, Đề Sặt cùng các chỉ huy khác dưới trướng Đề Nắm phụ trách hậu cần và quân nhu cho nghĩa quân Yên Thế.

Năm 1889, thực dân Pháp tổ chức nhiều chiến dịch tấn công vào làng Sặt như các trận đánh: ngày 21-8-1889, Chánh quản Dallamgne và Picar dẫn quân tấn công vào Dương Sặt; ngày 22-8-1889, Đề Sặt dẫn quân tấn công tốp lính khố xanh tại cửa ngõ đồn binh Bỉ Nội; ngày 27-8-1889, quân Đề Sặt phục kích quân Pháp do Đại úy Gorce chỉ huy tại Phủ Mọc[19]. Ngày 13-11-1890, đại tá Frey tổ chức tấn công vào làng Sặt.

Ngày 26-12-1890, đại úy Robert đã đem đại đội lính thủy đánh bộ xây đắp đồn binh Luộc Hạ. Chúng đã dỡ cả đình làng Hả, chùa làng Dương Sặt để làm đồn. Ngày 29-12, đồn này làm xong. Từ đây, thực dân Pháp về cơ bản đã khống chế và kiểm soát được hai căn cứ làng Sặt, làng Hả và các địa điểm xung quanh đồn Luộc Hạ.

Cuối năm 1890, đầu năm 1891, thực dân Pháp tổ chức nhiều chiến dịch tấn công nghĩa quân Yên Thế tại Hố Chuối. Đầu tháng 12-1890, chúng tiếp cận và tấn công cứ điểm này. Tháng 1-1891, đại tá Frey chỉ huy 1.300 lính tấn công nghĩa quân tại đây nhưng chịu nhiều tổn thất.

Sau những đợt tấn công nghĩa quân không đạt nhiều kết quả, năm 1891 bắt đầu một giai đoạn hưu chiến kéo dài. Tuy có thể tạm thời kiểm soát một số vị trí đã chiếm được, nhưng thực dân Pháp đã phải đối mặt với những thay đổi từ hệ thống chính quyền cai trị cho đến tình hình thực tế tại khu vực Yên Thế. Theo Galliéni, có ba nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hưu chiến năm 1891: vùng đất Yên Thế được trao trả quá sớm vào tay chính quyền dân sự; quân đội Pháp bị phái quá sâu về biên giới Việt – Trung và nhất là các cuộc thương lượng đã được tiến hành với các thủ lĩnh nghĩa quân[20].

Điều này đặt ra việc các thủ lĩnh nghĩa quân đứng trước sự lựa chọn tiếp tục chiến đấu hay dừng lại. Có ba trường hợp chính: Thủ lĩnh Lương Văn Nắm và bộ chỉ huy gồm Đề Xuân, Đề Ký, Đề Tước, Đề Gạo, Đề Lâm, Đề Huỳnh ra hàng Pháp; các thủ lĩnh như Bá Phức, Thống Trụ, Thống Luận, Đề Vi, Đề Công, Đề Sặt… rời bỏ vùng Yên Thế di chuyển sang các nơi khác như vùng cao tỉnh Thái Nguyên; riêng trường hợp Đề Thám không hàng phục và cũng không dời bỏ vùng đất Yên Thế.

Ngày 12-4-1892, theo tài liệu của Pháp, người kế nhiệm Đề Nắm là Đề Sặt, đứng thứ hai sau Bá Phức, ra trình diện đại úy Brodiez, chỉ huy ở Cao Thượng, cùng 50 nghĩa quân, giao nộp 48 khẩu súng trong đó có 35 khẩu súng bắn nhanh, với yêu cầu được sinh sống tại làng Sặt, quê hương của mình. Ngày hôm sau, Đề Tuân ra hàng, ngày 16 Đề Kiều ra hàng, ngày 20 Đề Sắt ra hàng[21].

Từ đó, Đề Sặt sống tại làng Sặt, cho đến đêm 7 rạng sáng ngày 8-2-1893, Đề Thám bắt giữ Đề Sặt, “cựu lãnh đạo chính của quân Yên Thế, người đã hàng phục gần một năm cùng với khoảng 40 người ủng hộ ông”[22].

Thay lời kết

Trong giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1892), vai trò của Đề Sặt và căn cứ làng Sặt có một vị trí trọng yếu trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đề Sặt – “người kế nhiệm Đề Nắm” như tài liệu Pháp ghi nhận cho thấy vị trí của ông trong hàng ngũ chỉ huy nghĩa quân. Mặc dù nguồn tài liệu còn hạn chế, nhưng có thể thấy, căn cứ làng Sặt bên cạnh căn cứ Thế Lộc của Đề Nắm trong thời điểm khởi nghĩa đầu tiên đã trở thành trung tâm của cuộc khởi nghĩa, Đề Sặt là một phó tướng dưới trướng thủ lĩnh Đề Nắm, cùng Đề Nắm phụ trách việc hậu cần, quân lương khi phong trào phát triển mạnh sau đại hội Dĩnh Tháp năm 1888. Dù hiện nay vẫn còn tồn tại một số giả thuyết chưa thống nhất về việc Đề Sặt liên quan đến cái chết của Đề Nắm, và các sự kiện ra hàng Pháp cùng nhiều tướng lĩnh khác trong bối cảnh hưu chiến năm 1891-1892, việc bị Đề Thám bắt năm 1893, nhưng những hoạt động và đóng góp của Đề Sặt và làng Sặt trong giai đoạn đầu của khởi nghĩa Yên Thế cần được ghi nhận.

 

 

[1] Đinh Xuân Lâm (cb): Đại cương Lịch sử Việt Nam tập 2, Nxb Giáo dục, 2001, tr. 88.

[2] Frey, Pirates et rebells au Tonkin

[3] Feroz, Hors des chemins battus

[4] Frey, Pirates et rebells au Tonkin

[5] Piglowski, Histoire de la garde indigene du Annam Tonkin

[6] Quân Pháp cố gắng lọt được vào làng được phòng thủ rất kiên cố. Mặc dù họ đã nỗ lực phi thường nhưng vô ích và để tránh sự hi sinh không đáng có họ đành phải rút lui mặc dù được 80 lính của Chánh quản Moutin từ Bắc Ninh tới tăng viện.

[7] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb Tri thức, 2014, tr 210.

[8] Nguyễn Xuân Cần: Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 6/1980, tr 61.

[9] Charles Fourniau: Vietnam. Domination coloniale et resistance nationale 1858-1914, Paris, 2002,  tr. 232.

[10] Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, Nxb. Hà Nội, 2019, tr. 29

[11] Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, sđd, tr. 33

[12] Phillipe Heduy: Histoire de l’Indochine 1624-1954, Paris, 1983, tr. 178

[13] Lyautey: Lettres du Tonkin et de Madagascar (1894-1899), Armand Colin, Paris, tr. 249-250

[14] Đức Lân thuộc Tổng Đức Lân, huyện Tư Nông, sau đổi là Phú Bình, Thái Nguyên (Phú Bình là quê mẹ Đề Nắm).

[15] Vương Thành Giao: Mảnh đất con người làng Sặt Liên Sơn qua chặng đường lịch sử, Tân Yên, ngày 20-8-1997, tr. 1-2

[16] Xem Vương Thành Giao,: Mảnh đất con người làng Sặt Liên Sơn qua chặng đường lịch sử, Tân Yên, ngày 20-8-1997, tr. 4.

[17] Histoire militaire de l’Indochine (Bản dịch viết tay tại thư viện Hà Bắc), Dẫn theo Nguyễn Xuân Cần: Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (195) tháng 11-12 năm 1980, tr. 62

[18] Khổng Đức Thiêm (2014), Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb. Tri Thức, tr. 204

[19] Khổng Đức Thiêm (2014), Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb. Tri Thức, tr. 207-208

[20] Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, sđd, tr. 84

[21] Histoire militaire de l’Indochine francaise, tome 2, Imprimerie d’Extreme-Orient, 1931, p. 23

[22] Histoire militaire de l’Indochine francaise, tome 2, Imprimerie d’Extreme-Orient, 1931, p. 78-79

 

VỀ THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA CỤ ĐỖ VĂN HÙNG (THỐNG SẶT)

 

Đỗ Trọng Bốn

Kính thưa các vị đại biểu!

Lời đầu tiên tôi xin gửi lời chào, lời chúc trân trọng nhất tới các quý vị trong buổi tọa đàm ngày hôm nay.

Thưa các quý vị! Khởi nghĩa Yên Thế cách đây gần 200 năm nhưng xuất phát điểm khởi nghĩa cần làm sáng tỏ. Tôi là hậu duệ của cụ Đỗ Văn Hùng (Thống Sặt) dựa theo 4 tư liệu: Gia phả họ Đỗ; Gia phả họ Trần Lâm (Trần Đức Thăng); Lịch sử điền dã và các sách viết về khởi nghĩa Yên Thế, xin trình bày ngắn gọn về sự nghiệp của cụ Đỗ Văn Hùng (Thống Sặt) đối với gia đình, làng xã.

  1. Thân thế sự nghiệp

Cụ Đỗ Văn Hùng (Thống Sặt) sinh năm 1857 mất năm 1893, phần mộ hiện tọa lạc tại Đồng Dầm, thôn Sặt, xã Liên Sơn.

Cụ Đỗ Văn Hùng có 1 em gái là Đỗ Thị Chương, vợ ba của Lương Văn Nắm (Thống Hả). Cụ Chương không có con với Thống Hả. Thống Hả mất, cụ Chương trở về làng Sặt sinh sống và không đi bước nữa, sau đó cụ mất tại làng Sặt và được chôn cất gần mộ cụ Đỗ Văn Hùng.

Cụ Đỗ Văn Hùng xây dựng gia đình với cụ Giáp Thị Tiến làng Sặt, sinh hạ được 2 người con, một trai, một gái đó là cụ Đỗ Văn Niên sinh năm 1879 mất năm 1929 và Đỗ Thị Tỷ mất khi mới 13 tuổi.

Cụ Đỗ Văn Hùng quê gốc ở đâu, đến nay cũng không ai biết. Chỉ biết cụ đến làng Sặt sinh cơ lập nghiệp xây dựng trang trại sinh sống. Cụ là người có tài, có đức, có học thức, có chức sắc, là lý trưởng nhiều năm. Bản tính cụ cương trực, quyết đoán tháo vát… được dân làng và các nghĩa sĩ suy tôn là ông Thống và là tổng chỉ huy chính trong 8 năm đầu cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Xin trích 3 chứng cứ:

– Tài liệu Về vai trò và vị trí của Đề Nắm trong phong trào Yên Thế giai đoạn 1884-1892 của tác giả Khổng Đức Thiêm viết xuân Giáp Ngọ 2014 cũng có đoạn viết “Sự nghiệp chống Thanh phỉ và tình thân hữu được tôi luyện trong lửa đạn giữa ông (tức Lương Văn Nắm) và Đề Sặt (Đỗ Văn Hùng) gần như đã được thừa nhận, trừ khi vẫn còn băn khoăn vì hình như Đề Sặt chứ không phải là ông, được cử là Chủ soái tại buổi tế cờ ở đình làng Hả chiều 16-3-1884 phát động cuộc khởi nghĩa Yên Thế, và do ông càng ngày càng trở nên thao lược hơn, nghĩa quân quý trọng hơn nên Đề Sặt mới lùi xuống làm Phó soái”.

– Sách “Trai Cầu Vồng Yên Thế” trang 67 – 68 viết: Đỗ Văn Hùng (Thống Sặt), 8 năm đầu cuộc khởi nghĩa, là chỉ huy giỏi có nhiều chiến công…

– Sách “Làng Sặt mảnh đất con người” ông Vương Thành Giao viết: Thống Sặt (Đỗ Văn Hùng) làm Lý trưởng. Ông là chỉ huy chính toàn quân trong 8 năm đầu từ năm 1884 đến năm 1892. Tám năm kháng chiến trong thời điểm ấy không thể phủ nhận công lao của ông cho dù cuối cùng có ra hàng Pháp đi nữa thì lịch sử cũng phải xét một cách công minh, chính đáng. Vì sao lại thế? để minh chứng tội và công chứ?

Từ trước đến nay Lễ hội truyền thống đình làng Sặt nhằm ngày Rằm tháng Giêng hàng năm mở Hội làng vẫn nhắc nhở công lao của 5 nghĩa sĩ:

  1. Ông Đỗ Văn Hùng (Thống Sặt) tổng chỉ huy 8 năm đầu tiền khởi nghĩa Yên thế (Có chứng cứ chứng minh).
  2. Ông Trần Văn Duệ (Phó tướng) phụ trách quân lương (hậu cần).
  3. Ông Trần Thăng (Trần Lâm) – Đề Lâm phụ trách quân y.
  4. Ông Nguyễn Văn My – Đốc My, thành viên ban chỉ huy.
  5. Ông Trần Đức Lành (Đốc Lành), thành viên ban chỉ huy.

Trong ban chỉ huy còn có Lương Văn Nắm, Phó tướng quân vụ người làng Hả, xã Tân Trung. Tổng cộng có 6 nghĩa sĩ tiền khởi nghĩa Yên Thế.

Trong 5 nghĩa sĩ trừ cụ Đốc My không rõ còn hậu duệ hay không? Bấy lâu nay biệt vô âm tính. Bốn nghĩa sĩ vẫn còn hậu duệ đến đời thứ 7, hiện đang sinh sống hòa thuận, an lành và làm ăn kinh tế phát triển sống tôn trọng tình làng nghĩa xóm và tôn trọng hiến pháp và pháp luật.

– Về binh nghiệp:

Nhiều tài liệu, tư liệu viết cụ Đỗ Văn Hùng là tổng chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Thế chỉ huy các trận đánh Pháp tấn công vào làng Sặt, nhiều lần quân Pháp khiếp sợ phải rút lui. Đồn Khám Nghè do cụ cai quản có thể nói sau Phồn Xương, Khám Nghè là đồn lũy bất khả xâm phạm. Thủ lĩnh đầu tiên của phong trào khởi nghĩa Yên Thế là Đề Sặt và Đề Nắm. Cụm từ Khởi nghĩa Yên thế phù hợp nhất vào năm 1884 – 1885

Công lao của Đề Sặt trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế từ 1884 – 1892 là vô cùng quan trọng trong suốt 30 năm chống Pháp (1884 – 1913) của phong trào khởi nghĩa Yên Thế. Qua các tài liệu cho thấy Đề Sặt hoạt động đánh giặc Pháp trên địa bàn rộng lớn; làng Sặt, Bỉ, Cao Thượng, chợ Mọc… và làm cho địch tổn thất nặng nề trong các trận đánh. Giặc Pháp muốn tấn công từ Lục Liễu, Bỉ, Phủ Lạng Thương lên Nhã Nam đều không dám đi qua làng Sặt (trích Khổng Đức Thiêm viết 2014).

  1. Gia đình – Hậu duệ

Cụ Đỗ Văn Hùng sinh hạ được 2 người con (đã trình bày ở phần đầu).

Cụ Đỗ Văn Niên (1879 – 1929): Có thời kỳ cụ Hùng gửi con trai nhờ Thống Luận nuôi vì ở làng Sặt thường xuyên có giặc giã quấy rối, cướp bóc. Có thời cụ Niên còn được gửi về Từ Sơn – Bắc Ninh để học hành. Khi trưởng thành, cụ Niên nối nghiệp cha làm Lý trưởng làng Sặt. Khi cụ Hùng bị Đề Thám bắt, 1 năm sau hành quyết, Cụ Giáp Văn Quế em vợ cụ Hùng đi lánh nạn sang làng Gai (Lạng Giang) đề phòng bất trắc tru di tam tộc sẽ mất giống họ Giáp. Cụ Niên đã đón cụ Quế về tại làng Sặt. Nội ngoại tộc Đỗ đến nay 7 đời vẫn gắn bó qua lại quan hệ họ hàng mật thiết với nhau.

“Con độc cháu đàn” Phúc lộc dồi dào cho tộc họ Đỗ. Đến nay 7 đời hàng Đinh nối tiếp hàng Đinh ra đời, đời nào, chi nào cũng có hàng Đinh sẵn sàng kế nhiệm tộc trưởng, chi trưởng. Hiện tại tộc họ Đỗ có 3 chi:

– Chi 1: Quần cư tại thôn Sặt xã Liên Sơn.

– Chi 2: Quần cư tại thôn Dương Sơn xã Liên Sơn.

– Chi 1: Quần cư tại Đồng Hỷ Thái Nguyên: Lý do đi theo tiếng gọi khai hoang phục hóa của Đảng thập kỷ 60 của thế kỷ XX.

Tổng số nhân khẩu có 79 nam và 71 nữ. Còn sống 62 nam và 68 nữ.

Về chính trị: trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và thời kỳ bảo vệ Tổ quốc 100% nam giới tham gia bộ đội. Có 01 liệt sĩ 02 thương binh; có người là Bí thư Đảng bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Chủ nhiệm Hợp tác xã toàn xã, có người là Trung tá Công an, có người là Đại úy Quân đội, có công chức, cán bộ giáo viên, y sĩ; có doanh nhân thành đạt. Gần 40 hộ thuần nông không có hộ cận nghèo và nghèo, trên 100 khẩu không có ai vi phạm pháp luật. Tất cả các hộ các khẩu đều là công dân tốt…. Đời thứ 7 đã có 3 cháu vào Đại học.

Đúng là:

Tổ tiên tích đức muôn đời thiện

Con cháu thảo hiền vạn niên vinh

Câu đối được tộc họ Đỗ ghi trước tiền sảnh nhà thờ ngụ ý nhắc nhở con cháu soi vào mà tu thân tích đức.

Kính thưa quý vị: Từ lá đơn gửi Giáo sư Đinh Xuân Lâm ngày 10/1/2012 và nhiều đơn thư gửi đến các cấp, các Viện và nhiều phòng ban khác, đến nay tiếng trống kêu oan đã thấu đến Viện Sử học Việt Nam và hôm nay trong cuộc tọa đàm này chúng tôi cảm thông vì trên mảnh đất hình chữ S này suốt chiều dài lịch sử từ các thời Đinh – Lý – Trần – Lê đến thời đại Hồ Chí Minh có vô vàn sự kiện, có trăm vạn giai thoại lịch sử, có sự kiện lãng quên, có sự kiện sai sót, có tên tuổi nhầm lẫn là điều không tránh khỏi.

Tộc họ Đỗ chân thành cảm ơn các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà sử học Trung ương, tỉnh, huyện, có tâm, có tầm tổ chức buổi tọa đàm trang trọng và quý giá. Qua bài viết này tôi cảm ơn ông Trần Văn Lạng, tôi chỉ biết tên ông qua tạp chí chưa gặp mặt bao giờ. Từ lá đơn của tôi đã thôi thúc ông nghiên cứu về tiền khởi nghĩa Yên Thế. Ông đã sưu tầm tài liệu của Pháp để minh oan cho nghĩa sĩ làng Sặt. Chúng tôi không oán trách tác giả “Bát chè đường có thuốc độc…”. Cái gì đã qua thì cho qua, sai thì sửa. Chúng ta đều là con Lạc, cháu Hồng, sống tốt với nhau còn chưa đủ, gây thù chuốc oán để làm gì. Hãy đón chào ngày mới hào quang rực rỡ. Hãy tin tưởng không có gì bị lãng quên, bỏ lại phía sau. Tộc họ Đỗ chúng tôi tin tưởng kỳ vọng như vậy.

Trước khi dừng lời một lần nữa tôi xin kính chúc các vị đại biểu, khách quý, kính chúc các Giáo sư, Tiến sĩ, kính chúc các đại biểu có mặt tại đây dồi dào sức khỏe, hạnh phúc thành công.

Xin chân trọng cảm ơn!

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC LÀM SÁNG TỎ LIÊN QUAN

CÁC SỰ KIỆN VÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ

 

ThS. Đỗ Xuân Trường

Viện Sử học

Đặt vấn đề

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) là một phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp tiêu biểu và bền bỉ nhất tại xứ Bắc Kỳ trong những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Xung quanh cuộc khởi nghĩa Yên Thế nói chung và các nhân vật, sự kiện lịch sử có liên quan nói riêng, còn tồn tại một số vấn đề chưa thống nhất, cần tiếp tục nghiên cứu làm sáng tỏ thêm.

Trong khuôn khổ bài tham luận này, chúng tôi lựa chọn và trình bày một số vấn đề còn tồn nghi:

– Về gốc tích và năm sinh của Hoàng Hoa Thám

– Về sự kiện Hoàng Hoa Thám mất năm 1913

– Về cái chết của thủ lĩnh Đề Nắm

Dưới đây là nội dung cụ thể:

  1. Về gốc tích và năm sinh của Hoàng Hoa Thám

Hoàng Hoa Thám là một nhân vật lịch sử có vị trí và vai trò đặc biệt trong phong trào yêu nước chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trở thành một hiện tượng đặc biệt, lập tức trở thành mối quan tâm chung của cả chính quyền thuộc địa và “hình tượng quốc gia”[1] đối với quần chúng yêu nước. Tuy có rất nhiều nguồn tài liệu viết về nhân vật lịch sử này, cả sách báo tiếng Pháp và tiếng Việt và những truyền thuyết dân gian, cho đến nay vẫn chưa có một “bản tiểu sử” khách quan và thống nhất nào về gốc gác của Hoàng Hoa Thám.

Hầu hết những tài liệu nói về thân thế của Hoàng Hoa Thám đều dựa vào những giai thoại, truyện kể dân gian. Theo một tài liệu, có khoảng 64 truyện kể dân gian về Đề Thám, trong đó có khoảng 10 truyện nói về thân thế, gốc gác, 35 truyện liên quan đến cái chết của ông[2].

Về gốc tích của Đề Thám, các nguồn tài liệu tập trung vào bốn giả thuyết chính:

Giả thuyết thứ nhất: Cha hoặc mẹ của Đề Thám là người làng Trũng, huyện Yên Thế[3]. Trong những ghi chép thuộc loại sớm nhất nói về gốc tích của ông, trong cuốn Note historique sommaire sur le Dê Thám của Lacombe thảo ra năm 1908, có đề cập đến cha của Đề Thám, nghe nói là con trai của một vị quan án tỉnh Quảng Yên, là người làng Trũng, huyện Yên Thế, để lại một người con trai là Giai Thiêm (có sách nói là Giai Tiên) mười lăm tuổi[4]. Quyển “Cầu Vồng Yên Thế” của Trần Trung Viên (xuất bản năm 1935) có ghi: “một người đàn bà ở làng Ngọc Đức gần làng Trũng (Yên Thế) lấy Trương Văn Vinh và sinh ra được một đứa con trai, đặt tên là Trương Văn Thám”[5].

Giả thuyết thứ hai: một số tài liệu tiếng Pháp cho rằng, có thể quê quán của Đề Thám ở Thanh Hóa: “cha ông ta, tên Trương Văn Trinh, là một người lai Hoa – Việt, kết hôn với một phụ nữ bản địa xuất thân từ làng Ngọc Cục”[6]. Giả thuyết quê Thanh Hóa này tương đồng với thừa nhận của Hoàng Thị Thế, con gái Đề Thám trong cuốn Thời thơ ấu (Sở Văn hóa Hà Bắc, 1975). Nguồn gốc lai Hoa – Việt cũng dựa trên chính những gì Đề Thám cho biết trong một bức thư ngày 5-11-1908 gửi tới Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, trong đó, Thám nhận rằng ông nội là người gốc gác “ngoại bang”, đến định cư ở Ninh Giang và có vợ người Sơn Tây nhưng qua đời khi vợ mới có mang cha ông Thám được ba tháng. Người vợ góa trẻ sau đó lấy một người đàn ông khác ở Yên Thế. Cha của Đề Thám ra đời, sau đó đến sống ở làng Ngọc Cục, lấy vợ và sinh ra Thám.

Giả thuyết thứ ba: Lacombe (công sứ Bắc Giang) và Bouchet theo truyền khẩu dân gian có đề cập, khả năng cha của Đề Thám là một người tên Phó Quạt (hoặc Quát), gốc Sơn Tây, nghèo túng và làm mướn tại làng Ngọc Cục[7]. Tuy nhiên, nhiều tài liệu tiếng Việt cho rằng, Phó Quạt là Trương Văn Thân, chú của Đề Thám, làm nghề thêu hoặc may vá (còn gọi Phó Thêu), sau khi cha Thám mất đã đem hai mẹ con Thám về sống ở Ngọc Cục.

Giả thuyết thứ tư: theo tác giả Hoài Nam trong bài “Về gốc tích ông Đề Thám” (NCLS, số 38, 5-1962), dựa vào gia phả họ Đoàn ở làng Dị Chế, xã Minh Khai, huyện Tiên Lữ, Hưng Yên, cho rằng cha của Đề Thám là Trương Văn Thận cùng vợ là Lương Thị Minh từ Tiên Lữ lên Sơn Tây gia nhập vào đảng Nguyễn Văn Nhàn chống lại triều đình Huế. Năm 1843, Nguyễn Văn Nhàn bị bắt và bị xử tử, gia quyến ông Thận cũng bị bắt, chỉ có vợ chồng ông Thận và em là Thân chạy thoát. Năm 1846, hai vợ chồng sinh được đứa con trai đặt tên là Nghĩa, cùng năm đó mẹ Thám mất và cha bị bắt, đóng cũi giải về Kinh. Ông Thân bế cháu đi chơi nên thoát được, cải tên cháu là Thiện, từ Sơn Tây chạy về làng Trũng và đổi sang họ Hoàng lấy tên là Quát, cháu là Thám.

Giả thuyết này cho đến nay được thừa nhận và phổ biến hơn cả trong các công trình nghiên cứu có liên quan đến Hoàng Hoa Thám.

Về năm sinh của Hoàng Hoa Thám, cũng có nhiều giả thuyết khác nhau, tập trung vào một số mốc lịch sử sau:

– Năm 1836: đây là mốc do TS. Khổng Đức Thiêm đưa ra trong cuốn Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb. Tri Thức, 2014. Tác giả dựa vào việc khảo cứu và cho rằng cha của Đề Thám là Đoàn Danh Lại, tức Trương Thận (trong Đại Nam thực lục và gia phả họ Bùi ở Thái Bình) và Trương Văn Thận trong gia phả họ Đoàn ở Tiên Lữ là một người. Đoàn Danh Lại mất khoảng tháng 10-1936, do đó, tác giả Khổng Đức Thiêm cho rằng Đề Thám sinh khoảng đầu năm 1836. Tuy nhiên, mốc lịch sử này cách khá xa so với các năm sinh khác đã được công bố. Bên cạnh đó, nếu đối sánh với những ghi chép về Đề Thám cho đến khi mất năm 1913 của người Pháp và các nguồn tài liệu khác thì có nhiều sự mâu thuẫn. Hầu hết các ghi chép đó đều cho rằng đầu thế kỷ XX, từ cơ thể bề ngoài, Đề Thám chỉ khoảng ngoài 50 tuổi, sức khỏe tráng kiện. Ngay trong tác phẩm Chân tướng quân của Phan Bội Châu, người trực tiếp gặp mặt Đề Thám khoảng năm 1906, cũng có ghi chép về thể trạng của Đề Thám lúc bấy giờ tương đồng với những nhận định của người Pháp. Bên cạnh đó, cũng theo Khổng Đức Thiêm, Thân Văn Phức (tức Bá Phức) sinh năm 1835[8], như vậy nếu Đề Thám sinh năm 1836, Bá Phức chỉ hơn Thám 1 tuổi. Nếu theo một số tài liệu tiếng Pháp, có thể Bá Phức sinh sớm hơn, vào khoảng năm 1827, theo giả thuyết trên cũng chỉ hơn Thám khoảng 10 tuổi. Vì vậy, theo quan niệm truyền thống số khoảng chênh lệch độ tuổi như thế, giữa Bá Phức và Đề Thám rất khó để có quan hệ cha nuôi – con nuôi như đa số các giả thuyết khác thừa nhận.

– Năm 1846: dựa vào công bố của tác giả Hoài Nam về năm Bính Ngọ, ông Trương Văn Thận sinh ra Đề Thám, sau đó bị bắt giải về Kinh rồi mất ở Bắc Ninh. Bên cạnh đó, một chi tiết nhỏ có thể liên quan đến mốc lịch sử này: năm 1908, khi tham gia sự kiện đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội, Hoàng Hoa Thám lấy bí danh Nhất Giáp (một giáp bằng 60 năm).

– Năm 1858 (hoặc 1859): đây là mốc có nguồn tài liệu tập trung và mang tính thuyết phục hơn cả.

Căn cứ thứ nhất dựa vào những ghi chép của người Pháp đương thời. Năm 1909, một phóng sự trên tờ L’Illustration (Minh họa) có tả về Đề Thám như sau: “Tên giặc già khoảng năm mươi tuổi, cao lớn, thân hình rắn chắc, vạm vỡ, đầu cạo trọc như nhà sư, để ria mép và râu quai nón lơ thơ. Lúc thì hắn mặc một bộ đồ ba tàu, lúc thì mặc quần áo An Nam, thường hắn thích bộ An Nam hơn vì phù hợp với khí hậu địa hình của vùng đất mà hắn ta quen sống”[9]. Theo phỏng đoán của Bouchet trong tác phẩm Au Tonkin. La vie aventureuse de Hoang Hoa Tham chef pirate (Paris, năm 1934), trong mẩu thoại với “ông già Hoan”, một người bạn thời nhỏ của Đề Thám, có nhắc đến chi tiết Đề Thám ra đời, được đặt tên là Giai Thiêm, Bouchet có ghi chú cuối trang: “Có khả năng sự kiện này diễn ra vào năm 1858”[10].

Thứ hai, theo một văn bản ngày 26-2-1908 được xướng đọc tại Đền Thề trước toàn thể những người đi theo vị thủ lĩnh do Điển Ân soạn, được tìm thấy trong thắt lưng của Cai Chi khi bị bắt. Bài văn này được viết bằng chữ Hán, do A. Bouchet dịch ra tiếng Pháp, trong đó có đoạn: “Nhân dịp Quan Lớn thượng thọ ngũ tuần, chúng con xin trải lòng thành kính”. Từ đó, Bouchet phỏng đoán năm sinh khoảng 1858 như chú thích trên.

Trong Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh biên soạn, có ghi năm sinh của Hoàng Hoa Thám là năm 1858, quê ở Dị Chế, Tiên Lữ, Hưng Yên[11].

Tác giả Nguyễn Văn Kiệm khi công bố những nghiên cứu công phu về Hoàng Hoa Thám, xác định năm sinh của ông là 1859[12], dựa trên các tài liệu tiếng Pháp viết năm 1909 cho rằng Đề Thám khi ấy “mới ngót 50 tuổi”.

Theo tác giả Văn Quang (1957), phần Sơ lược thân thế và sự nghiệp Hoàng Hoa Thám có đưa ra chi tiết: “Năm 18 tuổi Thám lấy vợ và sinh được một đứa con trai tức Cả Trọng”[13]. Cả Trọng sinh năm 1877, theo đó Đề Thám có khả năng sinh năm 1859.

– Năm 1860 hoặc 1861: Tập san Bulletin de la société de geographie commerciale à Paris (tr. 117) khi đăng tải thông tin về cái chết của Đề Thám có viết: Đề Thám độ 53 đến 54 tuổi[14].

– Năm 1864: Theo tác phẩm Chuyện Đề Thám (6 số) của soạn giả Thanh Vân, Bảo Ngọc Văn Đoàn xuất bản tại Hà Nội năm 1935, phần chú thích ảnh chụp gia đình Đề Thám trong số 1 có ghi: “Ông sinh năm 1864, bị ám sát năm 1913”.

Trên đây là một số giả thuyết chính về gốc tích và năm sinh của Đề Thám.

  1. Về sự kiện Hoàng Hoa Thám mất năm 1913

Xung quanh cái chết của Đề Thám có nhiều giả thuyết[15]. Tác giả Tôn Quang Phiệt khi nghiên cứu về cái chết của Hoàng Hoa Thám đã viết: “Đối với cái chết của Đề Thám, xưa nay có hai thuyết khác nhau: thuyết thứ nhất do chính phủ thực dân đưa ra, có báo, có sách ghi lại hẳn hoi; thuyết thứ hai do nhân dân ta truyền miệng, cũng có một sức mạnh và vẫn tồn tại cho đến ngày nay đã cách lúc bấy giờ hơn nửa thế kỉ…”[16].

Sự kiện Đề Thám chết tại Hố Lẩy rạng sáng ngày 10-2-1913 được hầu hết các tài liệu tiếng Pháp, đặc biệt là Bouchet, khẳng định. Diễn biến vụ việc có nhiều mô tả, về đại thể, thực dân Pháp dùng mưu hiểm khi câu kết với Lương Tam Kỳ phái 3 tên lính người Hoa đến Yên Thế, xin đầu quân cho Đề Thám để chờ thời cơ sát hại ông. Đêm 9-2-1913, chờ lúc ông ngủ say, 3 tên nội gián cướp súng, giết chết ông và 2 thủ hạ của ông tại rừng Hố Lẩy, đem đầu ông dâng cho Pháp. Thậm chí, sau khi cùng các sĩ quan Pháp phi ngựa đến xác nhận thi thể, Bouchet đã khẳng định với những hiểu biết rất chắc chắn của ông về Đề Thám: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là thân thể của Đề Thám; trên lưng là vết sẹo tôi đã để ý hồi năm 1908, khi tôi bắt gặp ông ta cởi trần để trích nhọt ở cổ”[17].

Ngay tại thời điểm Đề Thám mất, một số tờ báo đương thời công bố nhiều tin tức hình ảnh xung quanh sự kiện Hố Lẩy và cuộc mưu sát Đề Thám. Báo Tương lai Bắc Kỳ số ra ngày 11-2-1913 đã kịp thời đưa tin vắn tắt về nghi vấn: “Đề Thám chết rồi chăng?” và số báo ngày 12-2-1913 đã nói tin tức trên được chứng thực. Ngày 13-2-1913, tờ báo này đưa tin hai ký giả ở Sở căn cước là Labalette và Brault đã chụp được 12 mẫu ảnh rất rõ về thân thể và thủ cấp, cho phép mọi người nhận diện được Đề Thám. Nhiều tạp chí xuất bản tại Pháp có đăng tin này như: Bulletin de la société de geographie commerciale à Paris (Tập san Hội địa dư thương mại ở Paris), Tạp chí Asie francaise (Châu Á thuộc Pháp)…

Cái chết của Đề Thám như vậy được người Pháp xác nhận chắc chắn vào rạng sáng ngày 10-2-1913.

Tuy nhiên, có nhiều giai thoại truyền miệng dân gian cho rằng thi thể tại Hổ Lẩy, rừng Tổ Cú không phải là của Đề Thám.

Trước thông tin từ phía Pháp nói thủ lĩnh Đề Thám bị bắt và sát hại, dân gian lại cho rằng, người bị Pháp bắt và xử tử là sư cụ chùa Lèo chứ không phải Đề Thám. Theo đó, bọn lính tìm kiếm Đề Thám ở chùa Lèo không thấy, chúng cho đốt chùa, bắt sư cụ đi thế cho Đề Thám rồi chặt đầu sư đem bêu để ăn mừng chiến thắng[18]. Có dị bản kể: trước sự truy lùng đuổi bắt ráo riết của thực dân Pháp, vì ân nghĩa với thủ lĩnh từ trước nên sư chùa Lèo giấu Đề Thám trong đường hầm bí mật để ông trốn thoát, còn sư trụ trì chùa Lèo tình nguyện giả làm Đề Thám chết thay thủ lĩnh để ông có cơ hội tiếp tục tổ chức chống Pháp. Khi biết cái đầu treo ở chợ Nhã Nam không phải là Đề Thám, thực dân Pháp đã cất xuống ngay. Nhiều nhân chứng có mặt ở Nhã Nam cho biết, đó không phải thủ cấp Đề Thám mà là đầu một nhà sư chùa Lèo vì ông này có khuôn mặt giống mặt Đề Thám, quân Pháp đem ra trưng để gỡ sĩ diện[19].

Tác giả Tôn Quang Phiệt có dẫn giả thuyết về “một chứng cớ đáng kể” từ Vi Văn Định, khi ấy 35 tuổi, làm thương tá tỉnh Lạng Sơn. Vi Văn Định có thuật lại rằng: “cái đầu bêu ở Nhã Nam không phải đầu của Đề Thám, chỉ là đầu của ai giống Đề Thám được Lương Tam Kỳ cho người đưa đến để lãnh thưởng cho con nuôi là Lương Văn Phúc mà thôi. Người Pháp lúc đầu cũng tin chắc là Đề Thám thật, nên đã co bêu cái đầu ấy ở Nhã Nam một thời gian: trước định là ba ngày, nhưng sau chỉ hai ngày thì cho hạ xuống đem đốt ngay. Các nhà chụp ảnh có chụp cái đầu đó thực, nhưng sau chính phủ đã thu lại hết các gương ảnh đó mà không cho phổ biến bức ảnh ấy ra. Mặc dầu biết là bị lừa và đầu ấy không phải đầu Đề Thám, nhưng thực dân Pháp cũng cứ tiếp tục tuyên bố là đầu Đề Thám”[20]. Theo Vi Văn Định, Đề Thám đã chết trước thời điểm đó rồi, hoặc bị thương trong trận đánh nào mà chết, hoặc chết vì lý do khác. Thủ hạ của Đề Thám hoặc nhân dân chôn cất ở đâu không ai biết.

Một giả thuyết theo lời kể của bà Trần Thị Mạch (khi xuất bản tài liệu này đã 79 tuổi): năm 1913, khi Pháp bêu đầu và rêu rao đấy là đầu Đề Thám, ở làng Dương Sặt có hai bà Trần Thị Ngọn và bà Trần Thị Như đi xem nhìn thấy tưởng thật sợ quá, nhưng khi về đến làng lại nhìn thấy ông Thám đang ở nhà ông Đề Lâm. Có người nói rằng họ nhìn thấy ông Thám ngã xuống ao Ngõ Nứa được ông Khiêm cứu lên, lại có người nhìn thấy ông Thám ở rừng Lơ… Còn ở làng Dương Sặt mọi người gọi ông Thám là chú Trương. Ông Thám được bà Trần Thị Trang là vợ ông Đề Lâm nuôi giấu và chăm sóc, sau sợ lộ nên bố trí người tin cẩn đang đêm bí mật đưa ông Thám đến nhà ông Thống Luận ở làng Trũng, xã Ngọc Châu. Đến khi ông Thám bệnh nặng không qua khỏi, ông Thống Luận chôn giữa nhà thờ và cho xây gạch lên trên. Hơn mười năm sau, ông Thống Luận mới mở hội chợ Trũng để lập đàn làm chay cho Đề Thám[21].

Theo tổng hợp của tác giả Khổng Đức Thiêm, dân gian còn lưu  truyền giả thuyết khác, Hoàng Hoa Thám vẫn còn sống trong vùng Yên Thế, mãi sau này mới chết vì già yếu. Họ lưu truyền chuyện Đề Thám chết ở nhà Thống Luận – một tướng của cụ đã ra hàng về quê làm ăn. Thực ra cụ Thống Luận đã nuôi Đề Thám ở căn hầm dưới nền nhà (có dị bản là: vì sợ bị lộ nên cụ Thống Luận đưa cụ Đề Thám nằm trên thuyền thúng ở sau bếp, ngày ngày cho người mang thức ăn, đồ uống), cứ thế Hoàng Hoa Thám sống thêm hàng chục năm nữa cho đến khi trên dưới 80 hoặc 90 tuổi. Có truyện lại phủ nhận thông tin trên và cho rằng, khi bị quan Pháp truy sát Đề Thám cùng một số người đi theo vào nương náu nhờ nhà cụ Lí Loan, được bố trí ở nhà Thày Mai ngoài rìa đồng, do bị thương nặng nên Đề Thám chết ở nhà Thày Mai[22].

Chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử khi đăng tải bài viết của Tôn Quang Phiệt: “Phải chăng Hoàng Hoa Thám đã bị giết ngày 10 tháng 2 năm 1913”, trong đó có đoạn nhấn mạnh 3 điểm cần khẳng định: “1. Thực dân Pháp đã dùng bọn Lương Tam Kỳ âm mưu ám hại cụ Thám. 2. Sau ngày 10-2-1913 thì không còn tông tích gì về cụ Thám nữa. 3. Đối với những truyền thuyết khác nhau, có thể là vì nhân dân địa phương và người đương thời vốn kính yêu cụ Thám nên không muốn thấy cũng như không muốn tin là cụ đã bị giết và tay giặc Pháp”[23].

  1. Về cái chết của thủ lĩnh Đề Nắm

Sự kiện cái chết của thủ lĩnh Lương Văn Nắm là một vấn đề phức tạp, khó khăn trong việc tổng hợp, phân tích và đối chiếu các nguồn tài liệu hiện có, cả tiếng Việt và tiếng Pháp. Cũng giống như trường hợp Hoàng Hoa Thám, cái chết của thủ lĩnh Đề Nắm cho đến nay, trong phổ biến thông tin đại chúng, có rất nhiều giai thoại mang tính truyền khẩu, dân gian còn mâu thuẫn và chưa có tài liệu xác định một cách thuyết phục.

Tại Hội thảo này, liên quan đến chủ đề trên có nhiều tham luận đã tổng hợp, phân tích các nguồn sử liệu tiếng Việt, tiếng Pháp, nguồn tài liệu dân gian. Để tránh trùng lắp về nội dung trích dẫn, chúng tôi phân tích vấn đề cái chết của Đề Nắm dưới góc nhìn “một sự kiện lịch sử”, chủ yếu tập trung vào những chi tiết có sự mâu thuẫn về tài liệu.

Thứ nhất, về thời điểm xảy ra sự kiện, có mấy giả thuyết chính:

– Theo nhiều tài liệu tiếng Việt, “vụ đầu độc Đề Nắm” xảy ra vào Tết Hàn thực (mồng 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn).

– Một số tài liệu cho rằng Đề Sặt hãm hại Đề Nắm ngày 11-4-1892, hôm sau ra hàng quân Pháp (12-4-1892). Có một số tài liệu cho rằng thời điểm tết Hàn thực năm Nhâm Thìn là ngày 11-4-1892.

– Một tài liệu cho rằng Đề Nắm bị Lãnh Đệ tức Đề Sặt ám hại đêm 9 rạng ngày 10 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Thìn (30-9-1892)[24]. Tác giả không nói rõ nội dung sự kiện.

– Nhiều tài liệu theo truyền khẩu dân gian cho rằng vụ hãm hại Đề Nắm xảy ra vào ngày hội Khám Nghè, hoặc “nhân một đám cỗ”. Các tài liệu dẫn câu chuyện này hầu như không có ngày tháng cụ thể.

– Theo tài liệu tiếng Pháp: theo Paul Chack, quân Pháp phát hiện mộ được cho là của Đề Nắm vào ngày 28-3-1892.

Theo khảo cứu của chúng tôi, hầu hết các tài liệu tiếng Việt, cả các công trình nghiên cứu, biên soạn liên quan đến sự kiện cái chết của Đề Nắm đều dựa vào nguồn tài liệu truyền khẩu dân gian. Tuy nhiên, có một số điểm cần khẳng định như sau:

– Tết Hàn thực (mồng 3 tháng 3 năm Nhâm Thìn) chính xác là ngày 30-3-1892, không phải ngày 11-4-1892 (ngày 15 tháng 3 âm lịch). Do vậy, những tài liệu căn cứ vào thời điểm sự kiện xảy ra vào tết Hàn thực (âm lịch) và cho đó là ngày 11-4-1892 là không chính xác về mặt lịch đại.

– Nếu căn cứ vào tài liệu của Paul Chack, có thể khẳng định: đến thời điểm quân Pháp thấy mộ Đề Nắm ngày 28-3-1892 (tức ngày mồng 1 tháng 3 năm Nhâm Thìn), Đề Nắm đã chết trước đó và được chôn cất. Mốc lịch sử này xảy ra trước Tết Hàn thực hai ngày, trước sự kiện Đề Sặt ra hàng 14 ngày.

– Mốc sự kiện ngày 10 tháng 8 âm lịch năm Nhâm Thìn (30-9-1892) mà tác giả Nguyễn Xuân Cần đưa ra có độ chênh khá lớn với những nguồn tài liệu khác, nội dung sự kiện chưa được xác định nguồn dẫn tài liệu cụ thể.

– Về cơ bản, nội dung sự kiện “đầu độc Đề Nắm” khá tương đồng giữa hai bối cảnh thời gian tết Hàn thực và hội Khám Nghè, cần có những nghiên cứu tìm hiểu thêm về chi tiết này.

Thứ hai, về câu hỏi cái chết của Đề Nắm? Theo chúng tôi, có hai giả thuyết chính:

– Thủ lĩnh Đề Nắm bị đầu độc, hoặc bị sát hại: nhiều câu chuyện truyền khẩu dân gian được ghi chép lại[25], nhiều tác giả viết về nội dung này theo truyện kể dân gian cho rằng Đề Sặt/Thống Sặt/Lãnh Đệ (Nguyễn Xuân Cần có nói đây là Đề Sặt) có ý hãm hại, đầu độc Đề Nắm qua vụ “bát chè mẻ” có bỏ độc. Có tài liệu chỉ đề cập đến việc Đề Sặt sát hại/giết Đề Nắm một cách ngắn gọn, không nói rõ nội dung sự kiện.

– Theo Paul Chack, Đề Nắm chết vì “bị kiết lỵ”, được đem chôn trước ngày 28-3-1892.

Như vậy, nội dung này vẫn còn có sự mâu thuẫn về mặt tài liệu giữa truyền khẩu dân gian và chi tiết do Paul Chack viết lại.

Thứ ba, về chủ thể sự kiện, những nhân vật liên quan đến cái chết của Đề Nắm, tham gia vào sự kiện này theo các nguồn tài liệu hiện có, như sau:

Về việc Đề Sặt/Thống Sặt/Lãnh Đệ (tức Đề Sặt) có đầu độc Đề Nắm hay không? Cũng có hai giả thuyết:

– Hầu hết các tài liệu dân gian nói đến vụ “tết Hàn thực”, hội Khám Nghè, hay “nhân một đám cỗ”, đều tập trung cho rằng Đề Sặt/Thống Sặt hay Lãnh Đệ (tức Đề Sặt) là người chủ mưu đầu độc Đề Nắm, có xuất hiện thêm một số nhân vật như vợ Đề Sặt, Cai Bá làng Bùi (có tài liệu nói bà vợ thứ hai của Thống Sặt là Đặng Thị Bớt, con gái ông Cai Bá làng Bùi), hoặc Chánh Biếu (người làng Mục Sơn, Yên Thế)…

Có tài liệu đã xâu chuỗi việc này với vụ Đề Thám dẫn quân về bắt Đề Sặt vào tháng 2-1893, và cho rằng hai sự kiện này có quan hệ nhân quả.

– Có thuyết nói rằng Đề Sặt bị vu oan là đầu độc Đề Nắm nên lo ngại mà rời bỏ hàng ngũ nghĩa quân[26];  Vương Thành Giao cũng dẫn một giả thuyết cho rằng “đây là câu chuyện mưu kế phịa ra để lừa Pháp mà thôi, chứ không phải thế, chỉ là chuyện bịa đặt giả dối như vậy nên có cớ để giả hàng Pháp thôi”[27].

Các tài liệu viết sơ lược chỉ nhắc đến việc Đề Nắm mất năm 1892, chưa đề cập đến những nhân vật và chi tiết liên quan.

Thứ tư, trong diễn trình liên quan đến sự kiện Đề Nắm mất năm 1892, có một số tài liệu nhắc đến chi tiết: Đề Sặt sau khi sát hại Đề Nắm đã ra hàng thực dân Pháp, thậm chí còn chặt đầu Đề Nắm mang dâng quân địch. Tuy nhiên, theo Paul Chack, khi phát hiện mộ Đề Nắm (vừa chết vì kiết lỵ), người quật mộ và chặt đầu Đề Nắm là Quản Đào (Quản đạo) và thủ hạ (bản dịch của Lê Kỳ Anh).

Qua tổng hợp và phân tích trên đây, sự kiện cái chết của thủ lĩnh Đề Nắm còn nhiều mâu thuẫn về mặt thời gian, nội dung sự kiện. Có thể thấy rằng, hầu hết các tài liệu tiếng Việt đề cập đến sự kiện này chủ yếu dựa vào nguồn tài liệu truyền khẩu dân gian, còn tài liệu do Paul Chack viết lại có sự mâu thuẫn với các nguồn tài liệu trên về mặt ngày tháng, nội dung và chủ thể sự kiện.

*

*             *

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế bền bỉ, hào hùng và có sức ảnh hưởng lớn trong phong trào đấu tranh yêu nước chống thực dân Pháp ở Việt Nam cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Do vậy, nguồn tài liệu, nhân vật và sự kiện lịch sử liên quan là tương đối phong phú, đa dạng và phức tạp. Một số vấn đề còn tồn nghi như chúng tôi đề cập cần tiếp tục nghiên cứu thêm để làm sáng tỏ.

 

 

Mục lục

ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC. 1

THỐNG SẶT (ĐỀ SẶT) VÀ LÀNG SẶT TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 1

THỐNG SẶT, ĐỀ SẶT, ĐỀ NẮM VÀ KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 4

NHỮNG THỜI ĐIỂM HÒA HOÃN CỦA CÁC THỦ LĨNH NGHĨA QUÂN.. 12

YÊN THẾ VỚI CHÍNH QUYỀN THỰC DÂN PHÁP. 12

TƯ LIỆU DÂN GIAN VỀ CUỘC KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 21

BƯỚC ĐẦU KHẢO CỨU VỀ CHỨC “ĐỀ” VÀ “THỐNG” TRONG LỊCH SỬ QUAN CHẾ VIỆT NAM VÀ MỐI LIÊN HỆ VỚI TRƯỜNG HỢP ĐỖ VĂN HÙNG TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 29

THÊM TƯ LIỆU VỀ LÀNG SẶT. 41

TRONG PHONG TRÀO NÔNG DÂN YÊN THẾ. 41

ĐỊA ĐIỂM LÀNG SẶT, XÃ LIÊN SƠN TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 51

ĐÌNH, CHÙA LÀNG SẶT – NƠI LƯU GIỮ NHỮNG GIÁ TRỊ 57

LỊCH SỬ, VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG GẮN VỚI LÀNG SẶT. 57

TRONG PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 57

TÌM HIỂU VỀ CHIẾN THUẬT ĐÁNH DU KÍCH CỦA KHỞI NGHĨA.. 63

YÊN THẾ QUA CÁC CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA LÀNG SẶT. 63

TÌM HIỂU THÊM VỀ CĂN CỨ LÀNG SẶT VÀ ĐỀ SẶT. 72

TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 72

ĐÓNG GÓP CỦA NHÂN DÂN LÀNG SẶT TRONG CÔNG CUỘC. 79

BẢO VỆ VÀ XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC. 79

ĐÁNH GIÁ VỀ THỐNG SẶT TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 85

ĐỀ NẮM, ĐỀ SẶT TRONG PHONG TRÀO YÊN THẾ: 102

QUA PHÂN TÍCH, ĐỐI SÁNH TƯ LIỆU.. 102

VỀ THÂN THẾ SỰ NGHIỆP CỦA CỤ ĐỖ VĂN HÙNG (THỐNG SẶT). 116

KHỞI NGHĨA YÊN THẾ VÀ CÁI CHẾT CỦA ĐỀ NẮM… 120

TRONG TÀI LIỆU TIẾNG PHÁP. 120

ĐỀ SẶT TRONG PHONG TRÀO KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 129

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ TƯ LIỆU DÂN GIAN KHI NGHIÊN CỨU.. 136

VỀ CUỘC KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 136

(Nghiên cứu trường hợp Đề Sặt và Đề Nắm). 136

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CẦN TIẾP TỤC LÀM SÁNG TỎ LIÊN QUAN.. 142

CÁC SỰ KIỆN VÀ NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRONG KHỞI NGHĨA YÊN THẾ. 142

 

[1]Chữ dùng của Jean Ajalbert trên bài báo Đề Thám, giặc cỏ hay một tông đồ, trên tạp chí Je sais tout (15/8/1909-15/1/1910), dẫn theo Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa, Nxb. Hà Nội, 2020, tr. 348.

[2] Triệu Thị Linh: Hoàng Hoa Thám và những truyện kể dân gian, Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào, số 8, tháng 6-2018

[3] Nay thuộc xã Ngọc Châu, huyện Tân Yên, Bắc Giang

[4] Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, sđd, tr. 36. Những ghi chép này tương tự trong cuốn E.Maliverney, L’homme du jour. Le De Tham, 1909.

[5] Dẫn theo Tôn Quang Phiệt: Tìm hiểu về Hoàng Hoa Thám, Hà Bắc, 1984, tr. 15.

[6] E.Maliverney: Đề Thám thời kỳ huy hoàng, Nxb. Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2023, tr. 17. Đây là bản dịch tiếng Việt cuốn L’homme du jour. Le De Tham, 1909, do Vũ Mai dịch.

[7] Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, sđd, tr 37

[8] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb. Tri Thức, 2014, tr. 134

[9] Tuần báo số 3461 ngày 26-6-1909.

[10] Dẫn theo Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, Sđd, tr 39.

[11] Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh (Chủ biên): Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1999, tr. 454

[12] Nguyễn Văn Kiệm: Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược (1884-1913), Nxb. ĐHQG Hà Nội, 2001, tr.60

[13] Văn Quang: Hoàng Hoa Thám (Bài học xương máu của 25 năm đấu tranh), Nxb. Sống Mới, Sài Gòn,1957, tr. 9

[14] Dẫn theo Tôn Quang Phiệt: Tìm hiểu về Hoàng Hoa Thám, sđd, tr. 125

[15] Theo tác giả Triệu Thị Linh, trong 64 truyện kể về Hoàng Hoa Thám, có đến 35 truyện kể liên quan tới cái chết của ông. Xem Triệu Thị Linh: Hoàng Hoa Thám và những truyện kể dân gian, Tạp chí Khoa học Đại học Tân Trào, số 8, tháng 6-2018

[16] Tôn Quang Phiệt: Tìm hiểu về Hoàng Hoa Thám, sđd, tr. 118

[17] Dẫn theo Claude Gendre: Đề Thám (1846-1913) một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, sđd, tr 321

[18] Tôn Quang Phiệt: Tìm hiểu về Hoàng Hoa Thám, sđd, tr 158

[19] Nguyễn Văn Kiệm: Phong trào nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược, Nxb Giáo dục,  Hà Nội, 1985, tr. 168

[20] Tôn Quang Phiệt: Tìm hiểu về Hoàng Hoa Thám, sđd, tr 140

[21] Bảo tàng tỉnh Bắc Giang: Chuyện kể dân gian về Hoàng Hoa Thám và các tướng lĩnh nghĩa quân Yên Thế, Nxb. Thông tấn, 2011.

[22] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), Nxb. Tri Thức, 2014.

[23] Tôn Quang Phiệt: Phải chăng Hoàng Hoa Thám đã bị giết ngày 10 tháng 2 năm 1913, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 82, tháng 1-1966, tr. 27

[24] Nguyễn Xuân Cần: Lương Văn Nắm và vai trò của ông trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Nghiên cứu Lịch sử, số 6 (195) tháng 11-12 năm 1980, tr. 65

[25] Có thể xem bài của Nguyễn Văn Phong: “Thủ lĩnh Lương Văn Nắm qua một số chuyện kể dân gian”, in trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học  Vai trò của thủ lĩnh Lương Văn Nắm với cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Bắc Giang, tháng 3-2014, tr. 91-100. Tác giả giới thiệu các tư liệu dân gian về Lương Văn Nắm do Bảo tàng Cách mạng Việt Nam sưu tầm năm 1961-1962 và do Vương Thành Giao sưu tầm năm 1978.

[26] Khổng Đức Thiêm: Hoàng Hoa Thám (1836-1913), sđd, tr. 283.

[27] Vương Thành Giao, Mảnh đất con người làng Sặt Liên Sơn qua chặng đường lịch sử, Tân Yên, ngày 20-8-1997, tr. 6