HĐHĐVN tổ chức cuộc họp bàn về Tướng quân Đỗ Bí

21/08/2014
           Ngày 16-8-2014, tại nhà thờ họ Đỗ Văn La,  Hội đồng họ Đỗ Việt Nam đã chủ trì cuộc họp với đại diện họ Đỗ và các vị bô lão  ở hai làng Đơ và Văn La, đến dự còn có Ban di tích đình Làng Đơ, đại diện của tổ dân phố và Mặt trận tổ quốc hai khu vực nói trên.
         Cuộc họp tập trung bàn về các hoạt động vinh danh và tôn tạo các di tích lịch sử liên quan đến Tướng quân Đỗ Bí, một khai quốc công thần thời Lê sơ, một vị tướng tài trong cuộc kháng chiến chống quân Minh thế kỷ 15.  
          Năm 1424, ông được cử tham gia chỉ huy trận Khả Lưu, chặn đứng cuộc hành quân của giặc, không cho chúng đánh chiếm lại Trà Lân- một vị trí hết sức quan trọng án ngữ mạch giao thông phía tây Nghệ An. Trận này ta thắng lớn, làm thay đổi hẳn tình hình theo chiều hướng có lợi cho Lam Sơn.       
         Tháng 9 năm 1426, Lê Lợi và bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định tiến quân ra Bắc,ông được cử cùng với các tướng Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả và Lý Triện chỉ huy đạo quân thứ nhất gồm 3000 quân và một thớt voi, có nhiệm vụ uy hiếp mặt Nam thành Đông Quan. Khi vừa tiến ra phía Nam thành Đông Quan, đạo quân này đã lập được ba chiến công vang dội: thắng trận Ninh Kiều (9-1426), trận Nhân Mục (9-1426), trận Xa Lộc (10-1426). Ông đã vinh dự được chỉ huy trực tiếphai trận Ninh Kiều và Nhân Mục.         
         Tháng 11 năm 1426, nhà Minh sai Vương Thông đem 5 vạn quân sang cứu nguy, đóng ở Đông Quan hòng làm thay đổi tương quan lực lượng. Mặc dù vậy, ông và các tướng chỉ huy cũng hạ quyết tâm chủ động đánh giặc, trận phục kích Tốt Động- Chúc Động thắng lợi đã thể hiện điều đó, buộc Vương Thông phải rút về cố thủ trong thành Đông Quan. Từ đây nghĩa quân vây chặt Đông Quan. Ngày 7 tháng 2 năm Đinh Mùi (tức ngày 4-3-1427), Vương Thông bất ngờ tấn công vào khu vực đóng quân của ông và Lý Triện ở Qủa Động. Trận này, Lý Triện đã anh dũng hy sinh, còn ông thì bị bắt, mãi đến khi Vương Thông đầu hàng mới được trao trả.         
Năm 1428, sau thắng lợi hoàn toàn, lúc luận công ban thưởng, ông được ban quốc tính, tước Huyện hầu (là 1 trong số 14 người được ban tước này).
          Trong suốt 20 năm làm quan trong triều, ông vẫn luôn liêm khiết và được tín nhiệm. Năm 1448, lúc vua Lê Nhân Tông cùng đông đả bá quan văn võ về bái yết Lam Kinh, ông và Nguyễn Thận vinh dự được ở lại coi giữ kinh thành Thăng Long. Sau ông mất vào năm nào, không thấy sử chép.        Cả một dải đất từ từ Cầu Đơ, Văn La- Hà Đông, đến Tốt Động, Trúc Động… (xưa thuộc tỉnh  Cầu Đơ)  đã diễn ra những cuộc chiến ác liệt giữa nghĩa quân Lam Sơn và quân Minh.Tướng quân Đỗ Bí được thờ làm thành Hoàng Cầu Đơ, hàng năm dân làng mở lễ hội rất đọc đáo. Cánh đồng Ba La từng là chiến trường ác liệt, là nơi tướng quân Đỗ Bí dụng binh, tiêu diệt hàng ngàn tên xâm lược, được Chính quyền địa phương ghi nhận, nhân dân địa phương tưởng nhớ thờ phụng. 

        Hội Đồng họ Đỗ Việt Nam mong muốn phối hợp với các địa phương có đền thờ tướng quân Đỗ Bí, nhằm nghiên cứu, tôn vinh huân nghiệp của người anh hùng trong kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng đất nước hồi thế kỷ 15.

Đỗ Quang ST biên tập