09/02/2012 | |
Tham luận của HĐDHĐVN
Sự nghiệp của ĐỖ TƯỚNG CÔNG được lịch sử ghi nhận
Kính thưa: – Nhà sử học Dương Trung Quốc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: – GS.NGND. Đinh Xuân Lâm – Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam. -……………………………………………………………… -………………………………………………………………… Theo bản Thần phả Thờ Đỗ tướng công, được viết sau khi Đỗ Tướng Công mất hai năm, do cụ Phùng Khắc Khoan phát hiện và giới thiệu, thì từ họ Hồng Bàng lập quốc, nước Văn Lang ra đời trải qua 18 đời vua Hùng giữ nước. Trên 2000 năm thanh bình, ngoại bang lăm le đều thất bại. Nhà Thục kế thừa vua Hùng, nước Âu Lạc ra đời. An Dương Vương kế vị, vì buông thả, mất cảnh giác mà đất nước bị Tàu đô hộ. Các bậc danh tướng, vương tá anh hùng có công hộ quốc, trung lương nghĩa khí khôi phục đất tổ khi hóa đi, triều đình và nhân dân nhớ đến công ơn, muôn thưở lưu danh sự tích lâu dài nên mới xây dựng đền đài, cung điện, lăng miếu ở nhân gian thờ cúng cùng trời đất không bao giờ mất. Theo nội dung những thần phả, sắc phong còn giữ được, Đỗ tướng công húy là Cảnh Thạc, sinh ngày 14 tháng Giêng năm Nhâm Thân ( 912), cha là Đỗ Quảng Lăng, gốc người Quảng Đông ( Trung Quốc) dời cư xuống phương Nam, mẹ là Trần Thị Thọ thuộc Đỗ Động Giang, ấp Động, huyện Thanh Oai ngày nay. Ở đây có một điểm chúng tôi muốn được làm rõ. Trong tập sưu tầm- khảo cứu Nhưng khám phá mới – Nhận thức mới về nguồn gốc dân tộc Việt Nam và nền văn minh Việt cổ do PGS Đỗ Tòng, người sáng lập BLL họ Đỗ Việt Nam (nay là HĐDHĐVN) làm chủ biên, trong đó viện dẫn nghiên cứu của nhiều nhà khoa học và các sự kiện lịch sử xác nhận: cho đến thời Đông Hán địa giới cổ phía bắc của tộc Việt là từ Trường Giang. Dù hoàn cảnh lịch sử khắc nghiệt thế nào, những ai mang dòng máu Việt từ nam Trường Giang tới bờ sông Hồng, trong lãnh thổ cương vực của người Bách Việt vẫn không quên nơi đây là nguồn gốc Tổ tiên mình. Đỗ tướng công lúc thiếu niên là một cậu bé thông minh, khỏe mạnh. Năm 12 tuổi đã biết cưỡi ngựa bắn cung, Lớn lên trở thành một thanh niên võ nghệ siêu quần, kết giao với nhiều anh hùng hào kiệt, sau kết nghĩa huynh đệ với Ngô Quyền, trở thành người tâm phúc, lập nhiều công tích. Năm Ất Mùi (935), Ông tham gia vào trận đánh đồn Bạch Hạc, chém chết chủ tướng Lương Ngột tại trận, thu được nhiều lương thực, khí giới, lừa ngựa. Năm Bính Thân ( 936), ông lại thống lĩnh ba đạo binh: kỵ, bộ và thủy hạ Thành Đỗ Động, một giải từ Trấn sơn đến Trấn Đông Bộ sạch bóng quân thù, nhân dân một lòng qui phục dưới cờ. Trong trận đại thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm Mậu Tuất (938), Ông chỉ huy đạo quân trấn giữ bờ hữu, chính ông là người bày mưu cho Ngô Quyền dùng cọc nhọn đóng ở lòng sông Bạch Đằng và lấy cỏ khô chất đầy 50 thuyền lớn, vẩy thêm dầu mỡ, dấu sẵn ở vùng thượng lưu cách bãi cọc chừng vài dặm để đánh hỏa công. Sau khi lợi dụng nước triều lên, cho quân ra khiêu chiến, nhử quân thù vào trận địa mai phục, để phóng lửa đốt thuyền giặc. Cuộc kháng chiến chống Nam Hán xâm lược của quân và dân ta do Ngô Quyền lãnh đạo kết thúc thắng lợi. Đỗ Cảnh Thạc là một vị tương tài giỏi, có công lớn trong chiến trận Bạch Đằng. Từ đó, vua Nam Hán là Lưu Cung, chúa Nam Tấn là Tào Huyền Tích không dám nghĩ đến chuyện xâm lược nước ta nữa. Năm 939, Ngô Quyền xưng vương, ông lại giúp vua sửa sang lại việc triều chính, mở ra một thời thịnh trị. Khi Ngô Vương Quyền mất, Dương Tam Kha nhân cơ hội này cướp ngôi của cháu, Đỗ Cảnh Thạc và Dương Cát Lợi lại giúp họ Ngô giữ được ngôi vua. Nhờ thế Ngô Xương Văn lên nối ngôi xưng là Nam Tấn vương, Ngô Xương Ngập xưng là Thiên Sách vương. Tháng giêng năm Nhâm Tí, vua xuống chiếu gia phong 12 vị công thần để vừa cai trị nhân dân các xứ, vừa giữ gìn giặc giã. Đỗ Cảnh Thạc, Dương Cát Lợi, Phan Truật làm Thái úy ngự lâm quân tại triều, giúp vua điều hành việc nước. Sau khi Thiên Sách vương mất (954). Tháng 10 năm ( 963), Trần Lãm lại mưu phản, cáo ốm không về chầu, giao hết binh quyền cho con nuôi mình là Đinh Bộ Lĩnh. Năm 965, Nam Tấn Vương băng hà, trong nước không có ai làm chủ, 12 sứ quân mỗi người hùng cứ một phương. Đỗ Cảnh Thạc đem quân về giữ vùng Đỗ Động Giang, đóng quân chủ yếu ở thành Quèn ở giữa một khúc uốn của sông, kiểm soát được toàn bộ sự đi lại trên sông, thời xưa là thuỷ lộ quan trọng từ vùng đất quanh chân núi Ba Vì, Sơn Tây xuống vùng Ba Thá, Thượng Lâm, Miếu Mậu trên sông Đáy. Vì vậy mà thành Quèn có vị trí trọng yếu chốt giữ toàn bộ vùng này. Năm 967, Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy quân đánh úp thành Quèn. Sau trận này Đỗ Cảnh Thạc tiếp tục giằng co với Đinh Bộ Lĩnh gần một năm trời. Cho đến ngày 8 tháng Giêng năm Mậu T hìn (968), trong một trận đánh ở núi Hoàng Xã ( nay thuộc thị trấn Quốc Oai), ông bị trúng mũi tên độc, chạy được về đến chân núi Sài Sơn ( núi chùa Thầy), thì mất, thọ 56 tuổi. Thế cuộc tranh hùng với Đinh Bộ Lĩnh tuy không thành, nhưng sinh thời suốt 36 năm, Đỗ Tướng công đã đánh Đông dẹp Bắc, Một lòng khuông phò 3 triều vua Ngô, chống lại thù trong giặc ngoài, giúp vua sửa sang chính trị, giúp dân phát triển nghề nông tang, buôn bán làm ăn, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ của nước ta, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Cảm ân đức ấy nhân dân nhiều nơi lập đền miếu để thờ phụng. Ngày nay, dưới quan điểm Sử học mới, chúng ta cần đánh giá công lao lịch sử của Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc và tôn vinh ông cho tương xứng với sự nghiệp của ông. Xin cám ơn quí vị đại biểu! HẾT |