Thành tích xây dựng dòng họ văn hóa của họ Đậu Công

Xin trân trọng giới thiệu bản báo cáo thành tích xây dựng dòng họ văn hóa của họ Đậu Công, do ông Đậu Công Tuệ- Chủ tịch HĐGT họ Đỗ khu vực Nghệ Tĩnh trình bầy tại buổi lễ đón nhận Bằng công nhận dòng họ văn hoá do UBND huyện Diễn Châu trao tặng họ Đậu Công làng Trung Phú- xã Diễn Thành- huyện Diễn Châu- Nghệ An, ngày 19/02/2011 vừa qua.

_________

HỌ ĐỖ, ĐẬU VIỆT NAM            CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

HĐGT HỌ ĐẬU CÔNG               Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Làng Trung Phú

  Kính thưa: – Quý vị đại biểu!

                   – Các cụ ông, cụ bà, các ông bà, các cô bác, các bậc cha chú

                   – Các anh chị em!

                   – Các anh chị em!

Nhân dịp năm mới, nhân dịp lễ đón nhận dòng họ Văn hoá, tôi xin thay ban tổ chức buổi lễ, thay mặt hội đồng gia tộc họ Đậu Công kính chúc Quý vị Đại biểu, các cụ ông, cụ bà, các ông bà, các cô bác, các bậc cha chú và anh chị em lời chúc sức khoẻ, đoàn kết vui vẻ và hạnh phúc !.

Tôi xin phép được Báo cáo thành tích của dòng họ Đậu Công làng Trung Phú như sau:

 

Kính thưa quý vị !

Con người ta khi sinh ra và lớn lên, được học hành để làm người ai mà không có họ, cho dù người đó mang họ của cha hay là mang họ của mẹ. Dòng họ theo khái niệm mở rộng được xuất phát từ một gia đình, một gia tộc trải qua phát triển nhiều đời mà thành.

Do vậy việc xây dựng dòng họ Văn hoá trên thực chất cũng là nhằm hướng tới xây dựng phẩm hạnh đạo đức nhân sinh quan của con người và rộng hơn là xây dựng “ một tế bào lớn gia đình trải qua nhiều đời ” được hoàn thiện gắn kết với xã hội, đất nước.

Người xưa nói: “ Quốc gia là của bách họ”; Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đã khẳng định: “ Gia đình là tế bào của xã hội”; Tục ngữ có câu “dân giàu thì nước mạnh”. Chúng ta suy rộng ra rằng: nhiều gia đình tốt thì dòng họ tốt, nhiều dòng họ tốt thì xã hội nhất định tốt.

Hội đồng gia tộc họ Đậu Công được Đảng uỷ, UBMTTQ, UBND xã Diễn Thành và trực tiếp được Cấp uỷ, Ban cán sự xóm Trung Phú cho triển khai xây dựng dòng họ Văn hoá là nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục con người, gia đình, dòng họ thực sự có đầy đủ tố chất của công dân trong thời đại mới, thời đại nước Việt Nam XHCN công nghiệp hoá, hiện đại hoá, dân chủ, công bằng và văn minh.

 

A. KHÁI QUÁT LỊCH SỬ DÒNG HỌ ĐẬU CÔNG THÔN TRUNG PHÚ:

 

Chi họ Đậu Công thôn Trung Phú, xã Diễn Thành ( tên cũ là làng Phú Trung, xã Diễn Tiến ) là một trong 5 chi họ Đậu Công ở xã Diễn Thành. Theo tộc phả và truyền tích để lại cho biết: Họ Đậu Công có nguồn gốc phát tích từ dòng họ Đỗ ở làng Gia Lâm, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Tiên Thuỷ tổ là cụ Thượng thư Đậu Yên Sơn, Tể tướng thời Lê triều ( năm 981- 1009 ), đến Tiên thế tổ kế sau là cụ Hoa thư hầu Đậu Yên Thái, tướng công triều Lý- Trần ( năm 1211- 1258 ).

Cụ Hoa thư hầu Đậu Yên Thái và anh trai là Cụ Đậu Khắc Chung hai người vì “ bất đắc chí với Nguỵ triều” đã lánh thân chạy vào làng Thiện Kỵ ( tên cũ là Trú Kỵ ), tổng Hoàng Mai ( xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu ngày nay). Người anh đem sức trai, khai cơ lập ấp, mở mang điền trạch, tu bổ quân lương. Người em đem tài học thức làm nghề thầy thuốc cứu nhân độ thế, rộng hướng giao lưu, mở tầm quan hệ nắm bắt thời cuộc. Hai cụ tuy lánh thân chạy nạn nguỵ triều nhưng nuôi chí lớn phò chính nghĩa giúp nước; có các con cháu, chắt nối đời phát triển khắp Thanh hoá, Quỳnh lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc …tính đến nay khoảng gần 40 đời ( khoảng hơn 1000 năm – tính 25 năm một đời người). Dòng họ Đậu Công có bề dày lịch sử xuyên suốt từ thời các triều Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê có người nối tiếp “ 18 đời giữ ngôi Tam giáp bẳng vàng Văn khoa, Võ tướng”, được các triều xưa Sắc phong các chức từ Tể tướng, Khê Hầu, Quận công, Ngự tiền chưởng ấn.

Đất Phong Hoa xưa ( tức làng Phú Trung ) là “đất lộc điền vua ban cho dòng họ Đậu Công 18 đời có người nối tiếp có công lao to lớn phò vua, giúp nước, đánh giặc ngoại xâm, chăm lo sức dân, giữ yên thế nước”.

Nhưng do đất nước “ trải binh đao, hoả hoạn, loạn ly, chiến tranh ác liệt và biến cố thăng trầm lịch sử ” nên các Sắc nhuận phong của triều đình xưa ban thưởng cho dòng họ phần đã bị mất, bị thất lạc, hoặc thậm chí đã bị tịch thu thiêu đốt ( được biết hiện nay chi họ Đậu ở làng phú Hậu – xã Diễn Tân là còn giữ được hai Sắc phong của dòng họ Đậu Công ).

Chi họ Đậu Công làng Trung Phú đến đời thứ 23 thì được tách chi, xây nhà thờ riêng ở thôn Trung Tiến ( Trung Phú ) thờ từ cụ cao tổ khảo Đậu Đăng Cường ( năm 1535 ) trở xuống và chỉ khi đến dịp đại tế hàng năm mới dâng sớ phụng tâu bái vọng tầng trên.

Nhà thờ chi họ Đậu Công xưa có kiến trúc theo hình chữ nhị ( = ) tiền bái đường, hậu cung thờ, với 6 gian nhà gỗ lim, cữa ván dật, cột cao chín thước năm, giao nguyên tam chiêng cổ nghé, chạm khắc đường nét giản dị. Lợp mái ngói cổ âm dương, đầu đao khoát thước mái cong, hai đốc và tường hậu xây bằng sò mỏ tốt, trát vữa vôi hàu, nền nhà cao ráo, lòng nhà rộng rãi; các án thư, sập thờ, khám thờ, hòm sắc, mâm bồng… tế khí thờ phụng uy nghiêm.

Kể từ đời thứ 23 trở về thế hệ hậu sinh sau này ( 1535- 2010 ) chi họ phát triển thêm 19 đời, hiện với hơn 101 hộ gần 400 nhân khẩu ( 23+19 = 32).

Xã hội chuyển qua thời mở cửa hội nhập, nhiều dòng văn hoá Tây, Tàu, Âu, Mỹ đan xen nhưng con cháu họ Đậu Công vẫn duy trì nét đẹp truyền thống gia giáo của dòng họ Đậu, nhất tâm bái vọng tiên tổ, giữ trọn đạo hiếu thảo, anh em trên dưới thuận hoà. Chăm sóc mồ mả tổ tiên, nhà thờ gia tiên đèn hương toả rạng. Trẻ biết trau dồi học thức, nghề nghiệp làm ăn, tự giác chấp hành pháp luật, nuôi chí tự hào về tổ tông dòng tộc. Người già sống có mực thước, biết giữ gìn nết ở đường ăn, nêu gương sáng mẫu mực cho con cháu noi theo ( có gia đình 11 người từ ông bà, cha mẹ, con cháu thì 9-10 người có học vị là cử nhân, cao học, tiến sỹ ).

 

Chăm sóc mồ mả tổ tiên, nhà thờ gia tiên đèn hương toả rạng. Trẻ biết trau dồi học thức, nghề nghiệp làm ăn, tự giác chấp hành pháp luật, nuôi chí tự hào về tổ tông dòng tộc. Người già sống có mực thước, biết giữ gìn nết ở đường ăn, nêu gương sáng mẫu mực cho con cháu noi theo ( có gia đình 11 người từ ông bà, cha mẹ, con cháu thì 9-10 người có học vị là cử nhân, cao học, tiến sỹ ).

B. THÀNH TÍCH XÂY DỰNG DÒNG HỌ VĂN HOÁ.

Kể từ năm 1986, dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, con cháu dòng họ Đậu Công đã nhanh chóng biết tổ chức cuộc sống, lập quỹ khuyến học nhằm động viên con cháu tu dưỡng học tập, ý chí tự lập trong lao động, công tác.

Được sự chỉ đạo của Đảng uỷ, UBMTTQ, UBND xã Diễn Thành, sự giúp đỡ trực tiếp của Cấp uỷ, Ban MTTQ, Ban cán sự thôn Trung Phú và Ban liên lạc họ Đỗ Việt Nam, Hội đồng gia tộc họ Đậu khu vực tỉnh Nghệ Tĩnh cộng với sự nỗ lực của toàn thể con cháu trong dòng họ Đậu Công tích cực thi đua phấn đấu theo 8 tiêu chuẩn xây dựng dòng họ Văn hoá. Kết quả đạt được thành tích như sau:

1/ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ:

Con cháu nhanh chóng hoà nhập vận hội mới, cùng HTX chủ động chuyển dịch cơ cấu và tổ chức lại sản xuất, sắp xếp lại nguồn lực lao động phù hợp với tình hình khoán quản. Các gia đình chủ động mở ra các hướng lao động dịch vụ và nghề phụ, gia công phấn đấu làm giàu chính đáng.

– Sản xuất nông nghiệp: Mặc dù diện tích đất canh tác của địa phương rất hạn chế, chủ yếu là đất màu, đất pha cát do vậy phần lớn phụ thuộc nhiều vào khí hậu thời tiết. Nhưng các hộ gia đình đã biết thâm canh tăng vụ, mỗi năm từ 3 đến 4 vụ thu hoạch trên một diện tích canh tác. Thu hoạch xong sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ, lập tức bà con làm đất tiếp tục gieo trồng sản phẩm rau màu quyết không cho đất nghỉ đã tạo nên những thửa ruộng có thu nhập cao.

– Dịch vụ thương mại, phục vụ đời sống: Nhiều hộ gia đình đã chủ động mở ra các ngành nghề dịch vụ thương mại, dịch vụ gia công hàng hoá và phục vụ đời sống dân sinh thu hút sức lao động và tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Một số gia đình tiếp tục duy trì ngành nghề thủ công truyền thống dệt lưới tơ, lưới cước đem sản phẩm phục vụ nghề biển ở các huyện Quỳnh lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc tỉnh Nghệ An và các huyện Nghi Xuân, Thạch Hà, Cẩm Xuyên của tỉnh Hà Tĩnh.

+ So sánh với các năm trước thời kỳ đổi mới ( trước 1986 ) số hộ giàu trong họ không có, hộ khá và trung bình chỉ chiếm 85% tổng số hộ ( 87 hộ ), hộ nghèo và hộ thiếu ăn hàng năm chiếm khoảng 3% ( 2-3 hộ ).

+ Đến năm 2007- 2008 số hộ giàu đã xuất hiện và tăng lên đến hơn 50% ( với 43 hộ ) trong chi họ, số hộ khá lên đến 35% ( khoảng 30 hộ ), hộ trung bình 13% ( khoảng 11 hộ ), số hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 01 hộ chiếm gần 2% tổng số hộ trong họ, chấm dứt không có hộ thiếu đói hàng năm.

+ Đến năm 2009 – 2010 số hộ có mức thu nhập bình quân trên một triệu đồng/ tháng đã đến con số 60%, số hộ khá lên đến 40% và đã xoá hẳn hoàn toàn hộ nghèo, hộ thiếu ăn hàng năm.

Cơ sở vật chất nhà cữa 100% hộ gia đình đã bê tông, ngói hoá, 100% gia đình đã có công trình phụ tự hoại, bán tự hoại hợp vệ sinh và khép kín, chính thức chấm dứt tình trạng nhà tạm, tranh tre nứa lá. Tiện nghi sinh hoạt trong gia đình được cải thiện đáng kể, 100% các hộ gia đình đều có ty vi, đầu chiếu, hơn 95% gia đình có điện thoại cố định hoặc di động, 99% gia đình có xe mô tô, xe máy, đặc biệt có đến hơn 13% số hộ gia đình sử dụng vi tính và có hoà mạng để phục vụ học tập, nghiên cứu theo dõi tình hình thời sự kinh tế chính trị….

Nhìn chung chất lượng cuộc sống của các hộ gia trong họ Đậu Công làng Trung Phú đã thật sự nâng lên một bước đáng kể so với nhiều địa phương khác, nhiều hộ gia đình về mặt chất lượng cuộc sống đã đuổi kịp mức sống ở đô thị.

+ Điều đáng nói: Số con cháu trong các hộ gia đình học tập trưởng thành và thoát ly vào làm việc trong các cơ quan, doanh nghiệp, tự tìm công việc làm, ổn định cuộc sống đã tăng hơn trước. Phát triển trí thức, tri thức hoá nông thôn đây là mấu chốt cơ bản để tạo điều kiện tăng chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình trong tộc họ.

2/ VỀ CÔNG TÁC KHUYẾN HỌC

Nhận thấy vấn đề giáo dục tri thức là chìa khoá cần thiết để tạo điều kiện cho con cháu tự tin, chủ động tự lập cuộc sống. Sau khi Đảng và Nhà nước có chính sách mở cữa, đổi mới, chi họ Đậu Công đã tổ chức ngay Ban khuyến học và lập quỹ khuyến học. Ban khuyến học gồm những người có uy tín, có phẩm chất đạo đức, tư cách tác phong mẫu mực, có kinh nghiệm và khả năng tổ chức vận động quần chúng trong phong trào khuyến học và lập quỹ khuyến học trong dòng họ.

Kể từ năm 1986 vào thời gian rằm tháng giêng là ngày lễ hội truyền thống của dòng họ. Sau khi công việc tế lễ tổ tiên đã ổn định chu đáo. Ban khuyến học tiến hành các công việc đánh giá và báo cáo trước anh linh tiên tổ thành tích của con cháu học tập trong năm qua, công bố danh sách khen thưởng và phát phần thưởng cho các cháu đạt thành tích theo tiêu chí hàng năm. Một mặt động viên khen thưởng các cháu nhỏ tuổi cấp tiểu học nhằm định hướng, xây ý thức tự hào, sự tự tin và say mê học tập từ cấp tiểu học, mặt khác kịp thời khuyến khích các cháu có thành tích học giỏi đỗ đạt vào các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học dạy nghề nhằm tạo bản lĩnh tự tin, dũng khí vượt khó cho các cháu chuẩn bị bước vào trường học, bước vào con đường tự thân lập cuộc sống sau này. Dòng họ Đậu Công thực hiện theo khuyến nghị của Hội đồng gia tộc họ Đậu khu vực Nghệ Tĩnh về việc mở rộng đối tượng khen thưởng hàng năm nhằm tránh tình trạng chỉ khen người học mà không khen người làm. Bao gồm khen thưởng cả những người con cháu có thành tích nổi bật trong công tác “đạt 4 năm liên tục được danh hiệu sản xuất giỏi cấp huyện, quận trở lên”; “đạt 03 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được tặng danh hiệu thi đua cấp huyện, quận trở lên hoặc đạt được các danh hiệu nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú, nghệ sỹ ưu tú, nghệ nhân xuất sắc…, người có các công trình khoa học được Nhà nước, tổ chức khoa học có uy tín trong và ngoài nước công nhận, khen thưởng”.

Việc mở rộng khen thưởng đối tượng này là nhằm kịp thời động viên khích lệ mọi người con cháu về ý thức và kỷ luật lao động, tinh thần tích cực lao động, tinh thần say mê sáng tạo cống hiến nhiều thành quả cho xã hội và góp phần làm rạng rỡ vẻ vang danh dự dòng họt rong thời kỳ hiện đại hoá đất nước .

Năm học 2007-2008 Ban khuyến học dòng họ tặng quà, Giấy khen, Bằng khen cho 45 con cháu có thành tích trong học tập các cấp học phổ thông, tặng Bằng khen và quà cho các cháu thi đậu vào các trường Cao đẳng, Đại học và 02 cháu hoàn thành xuất sắc luận văn thạc sỹ khoa học.

Năm học 2009 – 2010 khen và thưởng cho 37 cháu có thành tích trong học tập ở cấp phổ thông, khen và thưởng cho 04 cháu thi đậu vào các trường đại học và cao đẳng.

Phải nói việc học, sự học đã thật sự trở thành thi đua ở mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong họ Đậu Công. Đây là chìa khoá mở ra hướng phát triển bền vững về mọi mặt cho các thế hệ con cháu. Thật đúng như lời tổ tiên đã truyền dạy được ghi chép đưa vào phả sử: “ Đừng quá chú tâm lo tậu tài sản, ruộng vườn vì nếu được thì cũng chỉ được cái lợi trước mắt. Hãy chăm lo bày dạy cho con cháu biết nhẫn nại cày bừa, gieo trồng trên luống đất, mảnh ruộng tri thức thì chắc chắn mới có thể đưa đến những vụ mùa bội thu bền vững ”!

Tiếp thu và thấm nhuần sâu sắc lời truyền dạy tâm huyết đó, trong chi họ Đậu Công từ xưa đến nay chỉ khi do hoàn cảnh xui đẩy mà có thể có người nghèo, thậm chí có nhà nghèo nhưng tuyệt nhiên trong họ Đậu Công không có người thất học.

Người xưa dạy: “ Nhân bất học bất tri lý ” nghĩa là người không học thì không thành người. Các Mác người đề ra chủ nghĩa khoa học biện chứng nói: “ Ngu là ác ” có nghĩa là người ngu không biết lẽ phải do vậy nhất định sẽ làm điều ác. Đó là nhận thức và điều tâm đắc nhất của Ban khuyến học chi họ Đậu Công luôn nhắc nhở con cháu.

3/ VỀ GIÁO DỤC Ý THỨC CHẤP HÀNH GIA GIÁO VÀ PHÁP LUẬT:

 

Gia phong của dòng họ là tự giác thực hiện trật tự kỷ cương trong nếp sống, tự giác đã trở thành là luật tục của dòng họ và các gia đình chi họ Đậu Công. Tộc ước của dòng họ Đậu Công không đặt ra chế tài xử phạt như nhiều dòng họ khác vì nhận thấy cách giải quyết vấn đề thiếu sót sai phạm của con cháu trong dòng họ nên bắt đầu từ việc khơi dậy ý thức và lòng tự trọng của con người. Ý thức con người được đề cao, lòng tự trọng con người được luôn thức tỉnh thì việc chấp hành tộc ước cũng như Pháp luật của Nhà nước luôn được chấp hành rất tự nhiên, tự nguyện, tự giác mà không cần phải đặt ra chế tài để trấn áp hay cưỡng bức. Nhận thấy được tính quy luật khách quan đó mỗi bậc ông bà, cha mẹ hàng ngày thông qua việc làm, bữa ăn luôn để tâm giáo dục nhân cách sống làm người cho cháu con. Tục ngữ ta có câu “ Cùng tổ cùng tông không giống lông cũng giống cánh” hoặc “ Giỏ nhà ai thì quai nhà nấy ”, suy rộng ra: Ông bà, cha mẹ tốt thì con cháu tốt. Cuộc đời như tấm gương soi ai nhăn với nó thì nó nhăn lại, ai cười tươi với nó thì nó cười tươi lại là vốn thế.

 

Chi họ Đậu Công sống quần cư cùng với nhiều họ bạn ở địa bàn gần thị trấn và bãi biển nghỉ mát, nơi có những trọng điểm mua, bán, sử dụng ma tuý. Nhưng cho đến nay trong chi họ Đậu Công làng Trung Phú không có người nào mắc phải tai tệ nạn ma tuý, không có người ham mê tệ nạn sát phạt cờ bạc, không có tệ bạo hành trong gia đình hoặc va vấp vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý hành chính, xử lý hình sự. Cuộc sống tiếp xúc ứng xử có có thể có sự va chạm, có lúc chưa bằng lòng, nhưng các gia đình trong họ đều biết giữ đoàn kết, ông bà, vợ chồng sống thuỷ chung, tôn trọng bình đẳng, con cháu sống hoà thuận, hiếu thảo.

4/ VỀ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ:

Nhà thờ chi họ Đậu Công cách đây hơn một trăm năm đã lập, tách nhà thờ riêng, đến nay vẫn duy trì nhà thờ riêng và có lối đi riêng vào nhà thờ. Khi thuận lợi hay lúc khó khăn chỉ khác ở quy mô tổ chức nhưng nơi thờ phụng luôn khang trang, tế khí thờ cúng uy nghiêm, tế lễ thờ phụng nghiêm túc.

Kể từ ngày đất nước đổi mới, vào các dịp hội lễ truyền thống hàng năm con cháu đều tề tựu tập trung đông đủ ( chủ yếu là ngày rằm tháng giêng, hoặc ngày huý kỵ của cụ tổ 24/2 âm lịch hàng năm, ngày hội khuyến học, ngày mừng lão, ngày tôn vinh nàng dâu họ Đậu ). Những ngày này Hội đồng gia tộc đều ôn lại lịch sử tổ tiên, những bậc cao niên đức độ có lời khuyên dạy giáo dục cho con cháu về phép tắc gia phong, đạo đức kính trên nhường dưới.

Về cúng tế: Hội đồng gia tộc không gò ép thực hiện toàn bộ mỹ tục xưa và cơ bản theo nếp sống mới để đáp ứng phù hợp thời gian, kỷ luật lao động của con cháu. Nhưng khi tế cúng tổ tiên mọi người con cháu đều nhất tâm theo thứ bậc vào dâng hương bái tổ.

Các hoạt động ở thôn xóm về văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao, bảo vệ chăm sóc sức khoẻ, các ông bà, con cháu những người có điều kiện đều hăng hái tham gia. Hiện nay trong họ có 40 hội viên tham gia hoạt động trong hội người cao tuổi, 50 chị em phụ nữ, thanh niên và cựu chiến binh đều tích cực tham gia các phong trào văn hoá quần chúng.

Thực hiện cuộc vận động phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tại cộng đồng dân cư, chi họ Đậu Công đã phổ biến và in các tiêu chuẩn phấn đấu xây dựng dòng họ văn hoá phổ biến rộng rãi cho mọi thành viên trong chi họ biết và đăng ký thực hiện. Các con cháu là Đảng viên, Đoàn viên thanh niên, tham gia các tổ chức chính trị xã hội đều là những người gương mẫu, nòng cốt trong các phong trào ở địa phương.

Từ xưa nay con cháu trong chi họ không gây mất đoàn kết và có quan hệ mật thiết, đoàn kết với các họ khác trong cộng đồng, tích cực tham gia các hoạt động hoà giải mỗi lhi có việc bất hoà xảy ra kịp thời.

Chi họ Đậu Công thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước về kế hoạch hoá gia đình, đến nay không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Việc tổ chức lễ hội, việc cưới, việc tang, ngày giổ kỵ trong họ, tại các gia đình được thực hiện theo nếp sông mới của chính quyền đề ra, không có người nào trong họ vi phạm các quy định của địa phương.

Mặc dù con cháu trong chi họ Đậu Công chưa có người và chưa xuất hiện gia đình làm kinh tế giàu nổi trội, nhưng mỗi khi dòng họ, đoàn thể, thôn xóm kêu gọi lòng hảo tâm đóng góp ủng hộ các việc thiện, ủng hộ quỹ xoá đói giảm nghèo, quỹ tĩnh thương, quỹ khuyến học … các anh em con cháu đều tích cực sốt sắng vui vẻ đóng góp thực sự thành tâm.

Năm 2007- 2008 có 84/85 hộ đạt hộ gia đình văn hoá.

Năm 2007- 2008 có 84/85 hộ đạt hộ gia đình văn hoá.

Năm 2009- 2010 100% hộ gia đình đạt gia đình văn hoá.

C. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP CỦA DÒNG HỌ:

Đất nước Việt ta xưa từng trải hơn ngàn năm Bắc thuộc, người Việt sống khổ cực dưới ách độ hộ tàn ác của giặc ngoại xâm “ xuống biển mò ngọc trai, lên rừng tìm ngà voi, cống nạp những người con gái đẹp, những người con trai có học thức cho Bắc triều”. Đặc biệt với âm mưu thâm hiểm: “ Đồng hoá rồi tiến tới xoá hẳn bản sắc nền văn hoá độc lập của người Việt Nam.

Nhưng dòng họ Đậu Công từ ngàn xưa đã có nhiều tấm gương các bậc tiền nhân trung quân, ái quốc cống hiến to lớn suốt “ 18 đời kế tiếp tam giáp bảng vàng Văn khoa Võ tướng phò vua đánh giặc ngoại xâm, chăm lo sức dân, giữ yên thế nước ” như sử nước và phả sử dòng họ đã từng ghi nhận. Lộc vua ban đất Phong Hoa cho dòng họ Đậu Công là minh chứng của các triều đại xưa đã Sắc nhuận phong cho các bậc tiền hiền dòng họ Đậu Công về trí, dũng, trung, nghĩa.

Giửa thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 con cháu dòng họ Đậu Công luôn tin theo Đảng và Bác Hồ tòng quân đánh giặc Pháp, giặc Mỹ và bọn phản động bành trướng xâm lấn biên giới. Trong kháng chiến chống Pháp dòng họ có 14 người tham gia bộ đội Cụ Hồ, trong kháng chiến chống Mỹ dòng họ có 52 người tham gia lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc.

Trong hai cuộc kháng chiến hào hùng và vẻ vang của dân tộc dòng họ Đậu Công đã cùng bách họ hy sinh cống hiến xương máu và năm người con hy sinh trong chiến đấu và được công nhận là Liệt sỹ, 07 người được hưởng chính sách Thương binh. Có 36 người là Đảng viên cộng sản, 05 người được phong cấp hàm từ trung tá đến đại tá, 15 người được phong hàm cấp uý, hơn 90% số hộ gia đình được Nhà nước xét tặng thưởng huân, huy chương kháng chiến và bằng khen có công với nước ( trong đó có gia đình có từ 3 đến 7 người được Nhà nước phong tặng Huân, Huy chương kháng chiến và Huân chương chiến công ).

Ngày nay trong công cuộc đổi mới đất nước, con cháu trong chi họ Đậu Công sớm biết hoà nhập với xã hội, thi đua học tập để tự thân lập nghiệp. Trong vòng 07 năm lại nay trong chi họ đã có 47 cháu tốt nghiệp Đại học, 10 cháu tốt nghiệp Cao đẳng, 17 người tốt nghiệp và có tay nghề Trung cấp, ( trong đó có 19 người là giáo viên- 02 người có học vị Thạc sỹ, 01 người có học vị Tiến sỹ khoa học ) hiện nay 74 người con cháu có gia đình riêng tạo lập công ăn việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống.

Dưới ánh sáng đường lối, lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đổi mới của Nhà nước, pháp luật dân chủ tiến bộ, con cháu cho họ Đậu Công làng Trung Phú xã Diễn Thành đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tích cực thi đua góp phần công sức trí tuệ của mình tô thắm và làm rặng rỡ lịch sử hào hùng và oanh liệt của nhân dân xã Diễn Thành, huyện Châu và của toàn dân tộc Việt Nam.

Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, truyền thống anh hùng của quê hương xã Diễn Thành, truyền thống Văn hoá của dòng họ, con cháu chi họ Đậu Công làng Trung Phú nguyện giữ trọn niềm tin đi theo Đảng, học tập tư tưởng và làm theo tấm gương của Bác Hồ, không ngừng nổ lực phấn đấu và thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống Văn hoá ở địa phương; Quyết tâm duy trì và phát huy dòng họ văn hoá ngày càng tiến bộ vững mạnh góp phần xây dựng xã Diễn Thành ngày càng giàu đẹp văn minh.

Xin cảm ơn!

Xin kính chúc quý vị đại biểu, các cụ ông cụ bà, các ông bà, các cô bác, các bậc cha chú và anh chị em năm mới mạnh khoẻ, mọi sự như ý !

Diễn Thành, ngày 17 tháng 02 năm 2011

Chủ tịch

Đậu Công Tuệ

Nguồn hodovietnam.vn