ĐỀN AN LẠC & THÂN THẾ SỰ NGHIỆP ĐỨC THÁNH ĐỖ ANH VŨ

Ngày 26/9/2024 Hội đồng họ Đỗ (Đậu) Tỉnh Hưng Yên và Hội đồng họ Đỗ (Đậu) một số huyện trong tỉnh đã họp triển khai kế hoạch tổ chức lễ dâng hương Đức thánh Đỗ Anh Vũ trong dịp lễ hội Đền An Lạc, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên vào ngày 22/10/2024 (20/9 âm lịch).

Đây là hoạt động lớn đầu tiên nhằm tôn vinh một danh nhân họ Đỗ trong lịch sử dân tộc và là dịp gắn kết các thành viên họ Đỗ (Đậu) trong ngoài Tỉnh, nên được tổ chức với qui mô tinh gọn, phù hợp với khả năng của Hội đồng mới được thành lập.
Chúng tôi xin giới thiệu đến  bà con họ Đỗ (Đậu) Hưng Yên vài nét tóm tắt về thân thế sự nghiệp của Đức Thánh Đỗ Anh Vũ với mong muốn Đền An Lạc ngày một thêm nhiều bà con trong và ngoài dòng họ về chiêm bái di tích tưởng nhớ công ơn của ngài.


TÓM TẮT THÂN THẾ SỰ NGHIỆP ĐỨC THÁNH ĐỖ ANH VŨ

Đỗ Anh Vũ  thường gọi Việt quốc Lý Thái úy là một vị đại thần trong thời đại nhà Lý. Ông phò tá Lý Thần Tông và làm phụ chính dưới triều Lý Anh Tông, vị Hoàng đế lên ngôi lúc còn trứng nước.

Theo văn bia về Thái úy Lý công nước Đại Việt tại làng Yên Lạc (tức Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) và các tài liệu liên quan Đỗ Anh Vũ sinh năm 1113 ở Hồng Châu (nay thuộc Hải Dương). Cha của Đỗ Anh Vũ gọi Thái úy Lý Thường Kiệt là cậu ruột. Ông có một người chị (hoặc em) gái ruột tên là Quỳnh Anh. Người được cho là Chiêu Hiến Hoàng hậu Đỗ thị, mẹ của Hoàng đế Lý Thần Tông.

Từ tuổi ấu thơ Thái úy đã có phong tư thanh khiết, vẻ mặt sáng sủa. Vua Nhân Tông biết Thái úy là người thông minh lanh lợi nên truyền tuyển vào tử cấm thành. Năm 1127 Thái úy được vua Thần Tông tuyển vào chầu nơi nội cấm, chức vụ bao trùm cả sáu Bộ Thượng thư. Các việc chính sự trong cung cấm và việc xây dựng của thợ thuyền Vua đều ủy thác cho Ông cả. Đến như các phép viết chữ, tính toán, bắn cung, cưỡi ngựa, thuốc men, kinh mạch, bói toán, binh pháp… Không việc nào Ông không nghiên cứu. Không nghề nào Ông không tinh thông.

Năm 1135 trong nước có giặc xâm phạm biên giới phía nam. Vua sai Thái úy thông lĩnh ba mươi vạn quân theo đường biển kéo vào quận Nhật Nam (Quảng Bình đến Phú Yên hiện nay) khí thế như gió rung núi lở, đánh một trận đại thắng, ca khúc khải hoàn. Vì thế các việc ngoài biên ải triều đình đều ủy thác cho Ông cả.

Năm 1137 vua Thần Tông ốm nặng, dặn Thái úy rằng “Chỉ có Thái uý là người gửi gắm họ Lý được thôi”. Sau khi vua Thần Tông thăng hà Thái úy rước vua Anh Tông khi đó mới 2 tuổi lên ngôi. Ông trấn chỉnh triều cương, trăm quan khép mình nghe lệnh; Sửa sang chính trị muôn dân trong nước đều trông. Thái úy được phong Phụ quốc Thái úy và ban Quốc tính họ Lý, giữ chức kiểm hiệu Thái phó, hoàn toàn nắm giữ binh quyền.

Sau vua Anh Tông thấy Thái úy văn đủ sửa sang nhà nước; đức đủ cảm động quỉ thần; chí như suối nguồn; đạo giống vàng ngọc, có đủ tư cách bậc thầy, bèn sai Ông giữ trách nhiệm Doãn sư để luận đạo kinh bang. Các tấu nghị, can gián của nho thần đều giao ông xem xét, ba trường thi phú khoa cử đều được rõ ràng.

Thái úy trải thờ 2 triều vua Lý, một dạ trung thành. Trong triều thay vua quản trị triều cương. Ngoài nội đánh đông dẹp bắc không đâu không thắng. Lòng trung của ông được các vua Lý đánh giá cao nhưng cũng khiến ông gặp không ít kẻ thù kết bè đảng hãm hại. Ơn Trời không phụ lòng người trung nghĩa nên Ông thoát được họa sát thân.

Năm 1158 Thái úy ốm nặng. Nhà Vua và triều đình cùng ngự y trong nước hết lòng tìm cách cứu chữa, nhưng không qua khỏi. Thi hài Ông được an táng tại quê mẹ, nay là thôn An Lạc, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Tại quê hương, Ông được được coi là bậc hiển thánh. Đền An Lạc thờ Đức Thánh Đỗ Anh Vũ hằng năm mở hội 3 ngày vào 19, 20 và 21 tháng 9 âm lịch đón trăm họ cả nước về dâng hương, kính lễ.

Bài Đỗ Hòa