Nguồn sử liệu gia phả

Gia phả được nhìn nhận là một bản “Sử Ký” của một gia đình, một dòng họ. Được truyền từ đời này qua đời khác, bởi vậy, gia phả luôn được gìn giữ, bảo quản đặc biệt trong gia đình, dòng họ.
Tóm tắt hành trình “Gia Phả” ở nước ta
Theo những công bố sử học, ở nước ta gia phả có từ rất sớm nhưng phải đến thời Lý-Trần- Lê thế kỷ XIII, XIV, XV mới xuất hiện những cuốn tộc phả, thế phả ghi thế thứ, tông tích toàn họ, hay phả ký ghi lại hành trạng, sự nghiệp của tổ tiên.
Cùng với sự xuất hiện các gia phả của hoàng tộc là gia phả của các danh gia, quan lại và lan rộng trong dân gian.
Gia phả chủ yếu được ghi chép bằng chữ Hán-chữ Nôm. Trong gia phả, người đứng đầu ngành trưởng (trưởng họ, trưởng tộc) có bổn phận ghi tóm tắt về thân thích và dòng dõi trong gia tộc mình, đặc biệt những người đàn ông được ghi chi tiết ngày sinh, ngày mất, học hành, công trạng, sự nghiệp, con cái và nơi chôn cất sau khi chết. Với con gái, gia phả chỉ ghi vắn tắt, trừ trường hợp có công danh, địa vị, làm thê thiếp trong triều vua, phủ chúa mới được ghi chép chi tiết. Cuốn gia phả gốc được những người con khác sao lại từ bản gia phả chính đó để lưu giữ.
Gia phả thường được cất giữ ở nhà từ đường của dòng họ, dịp giỗ kỵ trưởng tộc đem ra đọc cho dòng họ cùng nghe, để con cháu các chi các ngành biết về tổ tiên. Việc biên chép gia phả là việc làm tự phát tự nguyện và cũng là trách nhiệm của những thành viên có học thức trong họ tộc. Thông qua gia phả, người đời trước gửi gắm tâm nguyện, khích lệ ý chí phấn đấu cho đời sau.
Đây là một hiện tượng lịch sử – xã hội đặc biệt mang tính phổ quát không riêng gì ở Việt Nam mà của chung nhân loại.
Khi đất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, gia phả của các dòng họ bị thất lạc, bị tiêu huỷ, thậm chí trở thành “tam sao, thất bản” không còn chính xác nữa. Người ta chép gia phả theo trí nhớ của các bô lão trong họ tộc nên độ tin cậy không cao. Có dòng họ do phải phiêu bạt, trốn tránh sự truy nã của kẻ thù nên phải đổi sang họ khác.
Cho đến gần cuối triều Nguyễn, khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt (1919), thì môn gia phả cũng suy sụp theo, gia phả dần bị lãng quên, và hầu như ít được nhắc đến. Gần đây, tư duy sử học thay đổi, ngành Gia Phả Học được nhìn nhận lại và đang phục hồi…

Đỗ Quang Hòa