Doanh nhân Bạch Thái Bưởi đổi họ vì nghèo khó

Xuất thân từ nghèo khó, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng được một cơ nghiệp khó ai có thể tưởng tượng nổi.

Công trình cầu Long Biên

Nhắc đến Bạch Thái Bưởi, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một doanh nhân thành đạt, giàu có. Tuy nhiên, tuổi thơ ông lại sống trong cảnh cơ hàn. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo họ Đỗ ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội).

Cha mất sớm, ông phải phụ giúp mẹ kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Sở dĩ ông đổi họ bởi trong hoàn cảnh khốn khó ấy, ông được một gia đình họ Bạch nhận làm con nuôi và cho ăn học. Sau thời gian học quốc ngữ và tiếng Pháp, ông bỏ học đi làm ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, Hà Nội.

Năm 1894, ông chuyển sang làm cho một xưởng thuộc hãng thầu công chính và ở đây, lần đầu tiên ông được tiếp xúc, thu nhận những hiểu biết về máy móc, cách tổ chức, quản lý sản xuất.

Năm 1895, ông được Phủ Thống sứ Bắc kỳ chọn làm người giới thiệu những sản phẩm của Việt Nam tại Hội chợ Bordeaux, nơi ông đã được tiếp xúc trực tiếp với văn minh phương Tây.

Doanh nhân Bạch Thái Bưởi.

 

Khi về nước, với kiến thức và kinh nghiệm thu được trong thời gian ở Pháp, ông đã xin làm giám đốc công trình cầu Long Biên. Phát hiện thấy người Pháp đang cần gỗ xây dựng đường sắt, Bạch Thái Bưởi đã hùn vốn với một người Pháp làm đại lý cung cấp tà vẹt gỗ cho Sở Hỏa xa Đông Dương.

Sau ba năm kinh doanh, ông đã trở  nên giàu có và đã tách riêng để kinh doanh độc lập bằng việc bỏ vốn ra buôn ngô, nhưng lần này ông đã thất bại và lỗ nặng. Mặc dù vậy, ông vẫn tung nốt những đồng vốn còn lại vào một vụ đấu thầu hiệu cầm đồ của người Hoa ở Nam Định và ông đã trúng thầu. Ông lãnh thêm việc thầu thuế chợ ở Vinh (1906 – 1913), ở Nam Định (1906 – 1909), ở Thanh Hóa (1907 – 1909).

Tinh thần dân tộc trong kinh doanh

Năm 1909, Bạch Thái Bưởi đã bước vào một lĩnh vực vận tải đường sông, bắt  đầu bằng việc thuê lại 3 chiếc tàu (Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long) của một hãng tàu Pháp chở thư và hành khách đường sông Bắc kỳ, có  tên là A. R. Marty, vừa hết hạn hợp đồng với chính phủ. Ông đã cho tàu chạy hai tuyến đường: Nam Định – Hà Nội và Nam Định – Bến Thuỷ (TP Vinh).

Lúc này, Bạch Thái Bưởi phải  đối mặt với hai đối thủ mạnh là chủ  tàu người Pháp và người Hoa. Cuộc cạnh tranh khốc liệt, ông hạ giá vé xuống một thì người Hoa hạ giá vé xuống hai. Họ tìm cách “hạ gục” doanh nhân họ Bạch. Tuy nhiên, ông đã dựa vào sức mạnh của tinh thần dân tộc. Ông treo một cái ống  tiết kiệm trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu giảm lỗ. Kết quả hành khách dần bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt.

Từ sự thành công đó, ông đã thâu tóm các đội tàu của các công ty Pháp và Hoa đã bị phá sản như Marty d’Abbadie, Desch Wander… Tên của những con tàu của các hãng bị  ông đánh bại và mua lại đã được gắn  đầy trên bức tường trong phòng làm việc của ông.

Năm 1915, có một sự kiện đáng lưu ý trong tầm nhìn của Bạch Thái Bưởi, đó là ông đã quyết định mua lại xưởng sửa chữa và đóng tàu của A. R. Marty, một trong những xưởng đóng tàu đầu tiên ở Hải Phòng. Sau bảy năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi.

Đến năm 1916, Bạch Thái Bưởi đã chuyển trụ sở của hãng từ Nam Định xuống Hải Phòng. Tại đây, một công ty hàng hải mang tên Giang Hải Luân thuyền Bạch Thái Bưởi công ty đã ra đời với lá cờ hiệu màu vàng có hình chiếc mỏ neo và 3 ngôi sao đỏ.

Năm 1917, hãng Deschwanden của Pháp bị phá sản, Bạch Thái Bưởi mua lại 6 chiếc tàu khác của hãng này. Ngày 7/9/1919, công ty của Bạch Thái Bưởi đã hạ thủy tại Cửa Cấm (Hải Phòng) chiếc tàu Bình Chuẩn hoàn toàn do người Việt thiết kế, thi công.

Kỳ  tới: “Chúa sông Bắc kỳ”

Thanh Hà – Bee. net