BA THẾ HỆ HỌ ĐỖ Ở PHÚC HƯNG TRANG

BA THẾ HỆ HỌ ĐỖ Ở PHÚC HƯNG TRANG

  1. THÁI BẢO ĐỖ TỬ BÌNH

Làng Hưng, ngàn năm văn hiến vùng quê địa linh nhân kiệt, có truyền thống văn hóa nơi ấy là quê hương của vị quan nổi tiếng vào cuối triều trần với kế sách “Bình Chiêm an quốc”.  Đó là Thái Bảo Đỗ Tử Bình – Người con của làng Hưng Tổng Cao Mỗ, huyện Thần Khê Cửu Tiên Hưng nay là thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình.

Trải qua gần 700 năm Thái Bảo Đỗ Tử Bình vẫn được các thế hệ người dân làng Mưu xưa kia tôn thờ là người có công với làng xã, đất nước như mỹ tự trong sắc phong mà các nhà vua triều Nguyễn đã ban cho ngài dịch Bảo Trung Hưng Trung Đẳng Tôn Thần và Dự Bảo Trung Hưng Trần Triều Thái Bảo Đỗ Tử Bình.

Các nguồn sử liệu ghi chép rằng thôn Tứ, xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng xa xưa tên nôm là làng Hưng vào thời Trần là Phúc Hưng Trang, huyện thần Khê lộ lòng Hưng; thời Lê là xã Phú Khê huyện thần Khê phủ Tân Hưng thời thuộc Minh sáp nhập vào huyện Cổ Lan, làng chia làm ba thôn Hưng Đoài, Hừng Đông, Hưng Tứ. Năm 2003 làng Hưng Tứ đổi thành thôn Tứ. Theo các bậc cao niên trong làng sự Tứ là chỉ sự hưng thịnh là ân Tứ đất vua ban Lộc cho công thần lạc Hưng có lịch sử hơn 2.000 năm là quá trình quần cư hội tụ của nhiều luồng dân cư dòng họ về đây sinh sống như họ Phạm, Đỗ, Lê, Trần, Hoàng, Nguyễn, Lương, Lưu…

Trải qua hàng ngàn năm chung sống người dân thôn Tứ đã tạo lập nên những truyền thống văn hóa viết nên những trang sử đẹp trở thành một làng quê văn hiến. Người khai mở trang Phúc Hưng là tiền nhân Đỗ Thiên Thư ông quê gốc ở thôn Trần Xá, xã Lạc Long, thị trấn Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Vì việc hình án không nghiêm bị biếm chức về Phúc Hưng trang lập nghiệp dạy học ở chùa Dương Mai (chùa thôn Tứ), Đỗ Thiên Thư lấy bà họ Nguyễn trong làng sinh ra Đỗ Tử Bình.

  • Đỗ Tử Bình sinh vào năm Giáp Tý (1324) dưới triều vua Trần Minh Tông. Thuở nhỏ, Đỗ Tử Bình đã chăm học, học giỏi, ông thi đỗ Ngự tiền học sinh (Tiến sĩ) năm 22 tuổi (1346) dưới triều vua Trần Dụ Tông. Sau khi thi đỗ ông ra làm quan, trải qua các chức:

– Mậu Tý (1348) tháng giêng, mùa xuân lấy Đỗ Tử Bình làm Thị giảng ở Viện Hàn Lâm.

– Mậu Tuất (1358) tháng bẩy, mùa thu Đỗ Tử Bình được cử giữ chức viện Xu mật, sau được cử vào Thuận Hóa.

– Tân Sửu (1361) tháng năm, mùa hạ, Đỗ Tử Bình được giao việc điểm duyệt quân lính ở thành Hóa Châu. Tại đây ông đã thực hiện chính sách nơi sức dân cho nên mùa màng bội thu, thóc đầy kho, dân no ấm, dân đủ cái ăn, quân thêm mạnh, giặc Chiêm thành vì thế không dám quấy nhiễu biên cương. Năm 1362, biên giới phía Nam bắt đầu căng thẳng. Đỗ Tử Bình theo lệnh của vua Trần Dụ Tông đi duyệt bổ quân ở Lâm Bình, Thuận Hóa và đắp thành Hóa Châu. Tháng 12 cùng năm Đỗ Tử Bình được cử làm Đồng tri môn hạ Bình chương sự.

– Năm 1369 ông được cử làm hành khiển tham mưu quân sự đi đánh Chiêm Thành rồi ở lại trấn thủ Thuận Hóa được vài năm trở lại kinh thành.

– Nhâm Tý (1372) tháng tư, mùa hạ Đỗ Tử Bình được cử làm Hành khiển tham mưu quân sự đi đánh Chiêm Thành.

– Năm 1375 Chế Bồng Nga vẫn có âm mưu cướp Đại Việt, nhưng e quân ta và Đỗ Thái Bảo trấn thủ HóaChâu sẽ đánh Chiêm trước ngày chúng ra bắc. Do vậy Chế Bồng Nga (vua Chiêm thành) sai đem 10 mâm vàng để dâng bên ta nhằm hoãn binh. “Trần triều phúc thần phả lục, Quốc triều lễ bộ đệ lục san. Kỷ bộ nhi chi diễn thuật”

Đỗ Thái Bảo biết âm mưu của vua Chiêm đã giả vàng không nhận lại còn đặt vấn đề là Chiêm Thành ngạo mạn vô lễ xin vua ra lệnh đem quân đánh phá hang ổ quân Chiêm trước khi họ đánh ta.

Bính Thìn, Long Khánh năm thứ 4 (1376) Chiêm Thành đến cướp phá Hóa Châu, vua Trần Duệ Tông thân đi đánh giặc. Đinh Tỵ, Long Khánh năm thứ 5 (1377), tháng giêng, vua bị Chế Bồng Nga phục kích, bị hãm trong trận mà chết. Đỗ Tử Bình chỉ huy hậu quân không tiếp ứng kịp. Sau thất bại, Đỗ Tử Bình bị tội giáng xuống làm lính, chính trong thời gian này, ông trở lại trang Phúc Hưng, đào hầm tự giam mình để viết kế sách “Bình Chiêm an quốc”, nơi hầm tối là nơi sáng nhất, nơi ông nhìn ra sức mạnh Việt Nam.

Nội dung của kế sách đại lược là:  Kê khai hộ khẩu và ruộng đất để huy động sức dân vào cuộc kháng chiến; dân đinh phải nộp tiền, ruộng đất tùy loại mà nộp thuế, nắm chắc dân đinh để tuyển thêm lính…Kế sách cũng còn bày cách làm đường ngầm ở các sông lạch, người đi qua không phải cầu đò, voi ngựa lội qua không bị ngạt nước…

Kế sách “Bình Chiêm an quốc” đụng chạm đến quyền lợi của quý tộc nhà Trần nhưng có lợi cho dân cho nước vì vậy các sử thần xưa vừa phải ghi những cống hiến của ông vào sử sách lại vừa có lời dèm pha để hạ thấp cống hiến của ông.

Kế sách “Bình Chiên an quốc” của Đỗ Tử Bình nhằm huy động được nhiều sức người, sức của cho sự nghiệp bảo vệ đất nước; bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong huy động sức dân.

Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Bấy giờ đương có việc dùng binh mà kho tàng trống rỗng, nên Tử Bình có kiến nghị này”. Lại ghi tiếp: “Theo lệ cũ, các trấn hễ có việc binh thì lệnh cho mỗi huyện có bao nhiêu ruộng thì nộp bao nhiêu vàng bạc, tiền lụa, không tính thêm theo số đinh sinh ra, cũng không trừ bớt theo số người đã chết. Nếu phục dịch việc binh thì đều thu bổ theo số ruộng cả. Các lộ có đơn binh (binh lính ghi trong sổ sách) là phải phục dịch việc binh, (những người này) đời đời làm lính, không được ra làm quan. Người nào có ruộng, bãi dâu, đầm cá thì phải đóng thuế, không có thì thôi. Tử Bình bắt chước phép đánh thuế dung (thuế thân) của nhà Đường…”

Thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Phế Đế cho thi hành. Đỗ Tử Bình được phục chức, cùng Hồ Qúy Ly đi đánh Chiêm Thành. Thắng lợi trở về, mùa đông năm Canh Thân (1380) tháng 11, Đỗ Tử Bình được phong Nhập nội Hành khiển, lĩnh chức Kinh lược sứ Lạng Giang. Không bao lâu sau ông qua đời, được vua Trần Nghệ Tông truy phong chức Thái Bảo, cho thờ phụ ở Văn Miếu.

Sau khi ông mất, dân làng Phúc Hưng lập đền thờ ông. Đền thờ, lăng mộ của ông được đặt trên một gò cao, cây mọc xum xuê, phía trước có dòng nước uốn khúc như rồng lượn chầu vào, xung quanh có voi chầu, hổ phục, có ngựa, có cờ…Trước cửa lăng có chiếc cầu đá, còn ghi dấu chân của một người lính, chếc lên phía Tây Nam có gò cao Quán Cháy. Đền thờ Thái Bảo Đỗ Tử Bình đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1999.

Xem xét kế sách “Bình Chiêm an quốc” tư tưởng nhân văn của Hành khiển Đỗ Tử Bình ở tầm vĩ mô, tầm cả nước. Người đời sau càng hiểu hơn về tấm lòng yêu thương của một vị đại thần nhà Trần đối với dân, với nước.

  1. LẠI BỘ THƯỢNG THƯ, THÁI SỬ LỆNH ĐỖ TỬ MÃN

Đỗ Tử Mãn (tk XIV-XV), quê trang Phúc Hưng, huyện Thần Khê, phủ Long Hưng (nay thuộc xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), ông sinh trưởng trong một gia đình thi thư, ông nội là Đỗ Thiên Thư làm quan trong triều rồi về dạy học ở làng, cha là Ngự tiền học sinh Đỗ Tử Bình giữ nhiều chức vụ, cuối đời được phong tới chức Hành khiển, khi mất được phong tước Thái Bảo.

Đỗ Tử  Mãn làm quan từ cuối triều Trần đời vua Thuận Tông, là người có kiến thức sâu rộng, từ kiến thức xây dựng, dâng mưu hiến kế, hoạch định chính sách đến chỉ huy chiến trận. Tử Mãn được đánh giá là người “hơn cả” “trong những người dùng được”. Với đánh giá ấy, Đỗ Tử Mãn được phong tới chức Lại bộ Thượng thư kiêm Thái sử lệnh, lại thăng chức Hành khiển, cuối đời được phong chức Đô tướng chỉ huy Thủy quân. Sau khi được cử đi xây dựng thành Tây Đô.

Với ý định dời đô từ Thăng Long về thành Tây Đô nên mùa hạ (cùng năm), Hồ Qúy Ly đổi trấn Thanh Hoa thành trấn Thanh Đô. Thành Thanh Đô (thành Nhà Hồ) là một công trình kiến trúc bằng đá có quy mô lớn, hơn 500 năm đã qua, đến nay vẫn là một công trình kiến trúc độc đáo, có một không hai ở Việt Nam, được xếp hạng Di tích Quốc gia, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Do có công xây dựng thành Tây Đô, lại có đức nên sau khi lấy được ngôi nhà Trần, lên làm vua, Hồ Qúy Ly đã giao cho Đỗ Tử Mãn chức Hành khiển, khi vua tôi hành quân đi đánh Chiêm Thành lại giao cho ông làm Thủy quân đô tướng. Khi đại quân ta sắp tới đất Chiêm, tướng Chiêm Chế Đa Nan chặn đánh bị quân ta giết tại trận. Chúa Chiêm Ba Đích Lại sai cậu là Bá Điền dâng một voi trắng, một voi đen và các sản vật địa phương, lại dâng đất Chiêm Động để xin rút quân. Qúy Ly không nghe, bắt nộp cả đất Cổ Lũy (vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay) mới chấp nhận rồi lập đất ấy thành bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt An phủ sứ và Phó An phủ sứ để cai quản. Chiến thắng của cuộc hành quân lần này đã mở rông biên giới phía nam nước Đại Việt  đến giáp tỉnh Bình Định ngày nay.

Sau khi ổn định biên giới phía Nam, quân dân Đại Việt gấp rút xây dựng lực lượng, xây dựng phòng tuyến chống giặc Minh ở phía Bắc.

Đỗ Tử Mãn người đã từng theo Hồ Hán Thương đi đánh Chiêm Thành, người có nhiều mưu kế, quả cảm, quyết đoán, được phụ tá Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng đi khắp các mặt trận xem xét bố phòng lực lượng, động viên binh sĩ quyết hy sinh vì nước. Ngày 2 tháng 12 quân Minh ồ ạt tấn công chiếm được thành Việt Trì, ngày 12 cùng một lúc, quân Minh tổ chức nhiều mũi tấn công thành Đa Bang, quân ta đánh trả quyết liệt “xác chết chất cao ngang thành mà không ai chịu rút lui”  nhưng rồi vì giặc quá đông, lại tấn công liên tục, quân ta đành phải rút lui. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng, Đỗ Tử Mãn phải theo sông Hoàng Giang (sông Hồng) lui về cửa Muộn (nay là cửa Ba Lạt, cửa sông Hồng). Các cánh quân khác thì lui về cửa Bạch Đằng, cửa Thái Bình, cửa Đaị Toàn (vùng biển từ Quang Ninh đến Thái Bình ngày nay), quân ta thiệt hại nặng nề. Để củng cố lực lượng vua quan nhà Hồ hiệu triệu nhân đân cả nước góp công góp sức đắp lũy, đúc hỏa khí, đóng thuyền chiến để chống giặc, chỉ sau ba tháng đã có tới bẩy vạn người tham gia, trong đó có cả người Kinh lộ trong vùng tạm chiếm của giặc Minh. Thực lực chỉ có khoảng 7 vạn binh lính, Đỗ Tử Mãn cùng Hồ Vân tiếp tục chỉ huy quân thủy. Ngày 13 tháng 3 năm Đinh Hợi ((1407) quân ta tổ chức lễ ăn thề, rồi ngược sông Hồng, quyết lấy lại kinh thành Thăng Long. Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng cùng Hồ Đỗ, Đỗ Tử Mãn tiến quân vượt lên cửa Hàm Tử, các tướng Hồ Xạ, Trần Đĩnh lĩnh quân bộ ở bờ sông phía nam, con trai Đỗ Tử Mãn là Đỗ Nhân Giám cùng tướng Trần Khắc Chung (Đỗ Khắc Chung) lĩnh quân bộ ở bờ sông phía bắc, ba quân cùng căng buồm nổi trống, phất cờ thẳng tiến. Giặc dùng chiến thuật biển người, phục kích đón đợi quân ta ở thương lưu và hai bên bờ sông. Quân ta vừa ít, lại là những nghĩa sĩ vừa gia nhập nghĩa quân, chưa có kinh nghiệm chiến trường song vẫn dũng mãnh tiến lên. Quân thủy bộ của người Minh hợp sức đánh lại quân ta, quân bộ của ta ở hai bên bờ sông đều cầm ngược giáo nhẩy xuống nước chết đuối, duy có thủy quân được thoát nhưng các thuyền chiến, thuyền chở lương thực đều bị chìm. Sau thất bại, Thượng hoàng Hồ Qúy Ly, vua Hồ Hán Thương, Tả tướng quốc Hồ Nguyên Trừng chạy về Tây Đô nhưng cũng lần lượt bị bắt giải về Kim Lăng (Trung Quốc). Thủy tướng Đỗ Tử Mãn, Nguyễn Phi Khanh (thân phụ của Nguyễn Trãi)…cùng sa vào tay giặc, bị áp giải về Trung Quốc, giam cầm và mất tại Trung Quốc. Nhà Hồ đến đây bị nhà Minh diệt (1400-1407).

  • BINH BỘ THƯỢNG THƯ ĐỖ NHÂN GIÁM

Con trai Đỗ Tử Mãn là Đỗ Nhân Giám (Sđd trang 221, tập 2), từ nhỏ  đã được học hành chu đáo, được cha, ông rèn luyện nghiêm túc rồi gia nhập quân Thiên Ngưu từ cuối triều Trần, đến thời vua Hồ Hán Thương ông dược thăng lên rất nhanh, buổi đầu là Hữu Tham tri chính sự (1406) rồi thăng đến Binh bộ Thượng thư, Thiên Ngưu vệ tướng quân. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Bính Tuất (1406)…cho Đỗ Mãn thôi chức Thượng thư lệnh hữu tham tri chính sự lấy Hành khiển Binh bộ Thượng thư kiêm Thiên ngưu vệ đại tướng quân là Đỗ Nhân Giám thay”. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh, vệ quân Thiên Ngưu do ông chỉ huy đã xông pha trận mạc để bảo vệ Kinh thành. Khi thành Đa Bang thất thủ, Kinh thành Thăng Long bị chiếm, Đỗ Nhân Giám lui về giữ của Muộn (Ba Lạt). Tháng 3 năm Đinh Hợi (1407), quân nhà Hồ từ căn cứ Cửa Muộn tiến lên cửa Hàm Tử mưu lấy lại Kinh thành, Đỗ Nhân Giám dẫn bộ binh theo bờ sông phía bắc, gặp quân Minh mai phục, vệ quân Thiên Ngưu theo sự chỉ huy của ông đã quyết tử chiến đấu đến người cuối cùng, Đỗ Nhân Giám đã anh dũng hy sinh tại trận. Khi viết về giai đoạn lịch sử do nhà Hồ chỉ huy chống giặc Minh.

Bài viết này không có tham vọng bàn về nguyên nhân thất bại của triều nhà Hồ nhưng nói về lòng yêu nước, về ý chí chống giặc Minh xâm lược thì cha con Hồ Qúy Ly là biểu tượng của ý chí quyết đánh, quyết thắng giặc ngoại xâm. Ba thế hệ họ Đỗ ở Phúc Hưng Trang: Đỗ Tử Bình – Đỗ Tử Mãn – Đỗ Nhân Giám là những tấm gương xả thân đánh giặc, tận trung báo quốc, tên tuổi được ghi trong sử sách. Thật đúng là: “Măng non thay lớp tre già, Đời con nối tiếp đời cha anh hùng”

Trải qua hơn nửa thế kỷ, tính từ ngày Ngự tiền học sinh Đỗ Tử Bình ra làm quan đến khi con và cháu ông tham gia chống giặc Minh bị bắt, bị chết (1348-1407), họ Đỗ ở trang Phúc Hưng ba đời liền đều là những người có chức cao trọng vọng ở trong triều Trần, Hồ, đều hết lòng lo cho sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, khi đắp thành Hóa Châu để giữ phía nam, khi đóng cọc xây thành để giữ phía bắc, khi hành quân đánh giặc ở phía nam, khi chống giặc ở phía bắc..đều tận trung báo quốc. Các thế hệ họ Đỗ đã cùng với nhà Trần viết lên bản anh hùng ca sáng chói lưu danh đến muôn đời. Và còn chăm lo xây dựng quê hương, xây dựng Trang Phúc Hưng thành một vùng quê trù phú.

Phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống anh hùng chống xâm lược của nhân dân Trang Phúc Hưng được hun đúc từ thời Hùng Vương nay được viết thêm những trang sử mới hào hùng oanh liệt. Góp phần tô thắm them những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Xin trân trọng cảm ơn!

                                                                 Đỗ Văn Kiện

                                            Chủ tịch HĐ họ Đỗ (Đậu) Việt Nam